SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN: nhân giống lan rừng quý ở khu vực TP.HCM; Nghiên cứu tác động của các bãi chôn lấp rác thải; Chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy.


Đề tài được thực hiện nhằm tuyển chọn giống hoa lan quý từ các giống lan rừng khu vực Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, làm phong phú và đa dạng bộ giống hoa lan của TP.HCM, tạo ra nguồn vật liệu cho công tác vi nhân giống và lai tạo giống; xác định môi trường khoáng cơ bản và các chất điều hòa sinh trưởng cây trồng trong việc sản xuất các giống lan rừng quý bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo ra số lượng lớn giống lan phục vụ sản xuất và thương mại hóa một số giống lan rừng quý trong điều kiện TP.HCM; xác định được giá thể phù hợp cho cây lan con trong giai đoạn 6 tháng tuổi.

 

Kết quả đã điều tra và ghi nhận được 13 chi lan rừng với 31 loài được trồng và lưu giữ tại các vườn lan ở TP.HCM; thu thập và lưu giữ được 125 loài lan rừng thuộc 43 chi lan (định danh được 114 loài) tại vườn sưu tập nguồn gen lan rừng của Khu Nông nghiệp Công nghệ cao phục vụ cho công tác chọn tạo giống. Trong đó, có những loài có thể nhân giống cung cấp cho người trồng lan như: quế lan hương (Aerides odoratum Lour.), khiết sơn Việt Nam (Christensonia vietnamica Haager.), kim điệp (Dendrobium caprillipes Rchb.f.), thủy tiên trắng (Dendrobium farmeri Paxt.), long tu (Dendrobium primulinum Lindl.), hải yến (Rhyncostylis coelestis Rchb.f.), ngọc điểm (Rhyncostyli gigantea (Lindl.) Ridl.), thập hoa (Dendrobium hercoglossum Rchb.f.).
 

Để gieo hạt thì môi trường MS (Murashige & Skoog) pha loãng ½ MS, 1/3 MS, ¼ MS cho tỷ lệ nảy mầm cao hơn môi trường khoáng cơ bản MS, VW (Vacin & Went) và KC (Knusdon C). Chất điều hòa sinh trưởng thực vật BA và NAA có tác dụng rõ trong quá trình biệt hóa phát sinh chồi. Hầu hết các loài lan rừng có tỷ lệ mẫu tạo chồi cao ở hỗn hợp nồng độ BA 2mg/l và NAA 0,5 mg/l. Môi trường tạo rễ có nồng độ NAA 0,5mg/l và than hoạt tính 1,0mg/l phù hợp với hầu hết các loài lan được nghiên cứu. Mỗi loài lan khác nhau phù hợp với một loại giá thể.
 


Hiện nay, tại TP.HCM, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh hàng ngày ước tính 7.500 tấn, hơn 90% đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Quá trình phân hủy CTR tại các bãi chôn lấp (BCL) sẽ phát sinh một lượng lớn nước rỉ rác (NRR) với nồng độ các chất ô nhiễm cao. NRR khi thấm qua đất sẽ ảnh hưởng đến các tầng chứa nước dưới đất.
 

Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng môi trường nước tại các BCL CTR TP.HCM, lượng NRR sinh ra, tồn đọng tại các BCL, đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm từ lượng NRR này; sử dụng mô hình GMS (Ground Water Modeling System) để đánh giá và dự báo khả năng lan truyền ô nhiễm trong các tầng nước khi xảy ra sự cố; đề xuất mạng lưới giám sát nước dưới đất cho BCL, làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nước dưới đất cho khu vực…

Lấy mẫu nước sau khi xử lý qua màng lọc nano tại bãi rác Gò Cát (trái),
Nước tại bãi bùn thải Đông Thạnh có màu vàng đục quánh... (phải).

Mạng lưới quan trắc chất lượng nước dưới đất và biện pháp giảm thiểu ô nhiễm được tác giả đề xuất như sau:
 

BCL Đông Thạnh với mạng lưới gồm 15 giếng quan trắc, BCL Gò Cát 19 giếng, BCL Phước Hiệp là 16 giếng.
 

Tần suất quan trắc là 4 đợt/năm (2 đợt mùa khô và 2 đợt mùa mưa).
 

Biện pháp kỹ thuật gồm: kỹ thuật bơm nước dưới đất ô nhiễm lên mặt đất sau đó xử lý và đưa trở lại tầng chứa nước, kỹ thuật xử lý tại nguồn (xử lý nguồn nước ô nhiễm ngay tại tầng chứa nước), đánh giá ưu nhược điểm và khả năng áp dụng của từng biện pháp kỹ thuật này.
 

Biện pháp quản lý trong việc bảo vệ nguồn nước dưới đất gồm: quản lý kiểm soát quá trình xây dựng, khai thác, trám lấp giếng và quan trắc thường xuyên nhằm bảo vệ tốt tầng chứa nước dưới đất.
 

 


 

Dự án có tổng kinh phí đầu tư là 2,95 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước là 885 triệu đồng, thời gian thực hiện từ tháng 8/2011-2/2013. Nhiệm vụ của dự án là hoàn thiện công nghệ và thiết kế chế tạo 4 robot 5 bậc tự do với mức độ nội địa hóa cao nhất, phục vụ giảng dạy.

 

Dự án đã hoàn thành trước thời hạn 6 tháng với các kết quả đạt được: chế tạo thành công 4 robot 5 bậc tự do AKBOT-T1 phục vụ giảng dạy, mỗi hệ gồm các module:
 

Module 1: đầu cơ khí AKB - robot 5 bậc tự do, thiết kế chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam;
 

Module 2: thiết bị điều khiển và phần mềm điều khiển;
 

Module 3: thiết bị phụ trợ (băng tải, sensor, định vị, webcam, bàn lắp ráp thí nghiệm);
 

Module 4: chương trình máy tính và phần mềm phục vụ đào tạo.
 

Hệ robot có bán kính làm việc 610mm, tốc độ cực đại 600mm/s, tải trọng lớn nhất 1kg, bao gồm cả tay gắp; độ chính xác lặp lại ± 0,8mm, trọng lượng 45kg. Hệ thống kết nối máy tính, có phần mềm đào tạo và mô phỏng trên PC. Ngoài ra, sản phẩm của dự án còn có bộ hồ sơ thiết kế mẫu (bản vẽ, chương trình, các hướng dẫn lắp ráp, bảo trì máy); bộ tài liệu hướng dẫn bảo hành, sửa chữa sản phẩm; bộ tài liệu hướng dẫn thực hành với 20 bài thực hành và 2 bài mở rộng.

 
KG. Lê Anh Kiệt giới thiệu 2 robot 5 bậc tự do của dự án.

Sản phẩm đã được thử nghiệm trong thực hành giảng dạy tại các trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), Đại học Tôn Đức Thắng, Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM, Đại học Giao thông vận tải TP.HCM… Quá trình thử nghiệm nhận được phản hồi tích cực từ các trường để có những cải tiến phù hợp với chương trình giáo dục, giúp các bài học trở nên đa dạng và hấp dẫn. Robot cũng đã hoàn thiện hệ thống cơ sở điều khiển và cơ sở dữ liệu, làm nền tảng cho việc phát triển robot công nghiệp sau này. Phần mềm mô phỏng AKB robot với hình ảnh AKB robot 3D có thể chạy online (đồng thời với robot thật) và có thể chạy offline trên PC, cho phép nhiều học viên có thể cùng học lập trình robot mà không cần trang bị quá nhiều robot. Hiện cổng giao tiếp Ethernet đang được hoàn thiện, tương lai có thể điều khiển robot AKB đặt tại một trạm nào đó bằng internet hay điện thoại di động.
 

Công ty A.K.B đã sản xuất được 14 robot, các sản phẩm mẫu đảm bảo các tính năng kỹ thuật và đáp ứng mục tiêu là thiết bị đào tạo. Hệ thống robotcontroller đạt độ ổn định cao, chống nhiễu tốt, do đó, ngoài mục đích phục vụ giảng dạy, robot AKB có thể dùng trong công nghiệp với chức năng gắp sản phẩm.
 

Robot do dự án chế tạo đạt mức nội địa hóa khá cao, giá thành khoảng 200 triệu, chỉ bằng 45-50% giá thiết bị ngoại nhập. Cung cấp 30 robot cho các cơ sở đào tạo trong nước có thể tiết kiệm cho nhà nước khoảng 8 đến 9 tỷ đồng. Hiện, công ty A.K.B đã sẵn sàng hợp tác, đầu tư thương mại hóa sản phẩm.
 

Bích Vân, STINFO Số 10/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả