SpStinet - vwpChiTiet

 

Giải pháp công nghệ có khả năng ứng dụng thực tiễn

Xuất phát từ những bức xúc của dư luận về nạn rải đinh và bản thân cũng từng là nạn nhân của “đinh tặc”, hai sinh viên Nguyễn Văn Thành và Ngô Phương Chấn (Khoa Cơ khí - Tự động và Robot, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) đã mày mò nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị nhặt đinh cho xe môtô, xe gắn máy với kích thước nhỏ. Thiết bị này được gắn trực tiếp vào xe máy (phần dưới của máy xe), có thể hút tất cả đinh, vít, giúp tránh tình trạng bể bánh xe do cán phải đinh, ngăn ngừa tai nạn giao thông.

THIẾT BỊ NHẶT ĐINH CHO XE MÔTÔ, XE GẮN MÁY
Thiết bị sử dụng nam châm điện xoay chiều với nguồn điện lấy từ động cơ xe. Nam châm điện của thiết bị gồm một lõi sắt non được quấn bao quanh bởi nhiều vòng dây cách điện, có hai đầu dây để nối vào nguồn điện. Thiết bị hoạt động theo cơ chế: sau khi khởi động xe, dưới tác dụng kích hoạt công tắc, nam châm sẽ hoạt động và có khả năng hút các vật có từ tính. Do vậy tất cả đinh, vít sẽ được hút lên dễ dàng và gắn chặt vào hộp đựng nam châm. Trong quá trình xe chạy nếu gặp vật cản đột ngột thì lò xo sẽ có tác dụng nâng nam châm lên nhằm bảo vệ cho nam châm.
Đây là sản phẩm của một đề tài nghiên cứu được thực hiện từ tháng 7/2008 và đã được chọn tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 19, năm 2008. Thiết bị này đã được lắp đặt vào xe Honda (loại xe Dream và Wave), sử dụng thử nghiệm nhiều lần cho thấy có khả năng hút được tất cả mọi đinh, vít khá tốt. Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để có thể ứng dụng thiết bị này cho các loại xe máy khác cũng như các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác. Thành và Chấn chia sẻ thêm, nếu được sự hợp tác từ phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu sẽ bắt tay vào sản xuất và chuyển giao ứng dụng sản phẩm này vào đời sống. Giá thành sản xuất thiết bị này vào khoảng 500 ngàn đồng/thiết bị.
Với ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cao, phù hợp với tình hình giao thông Việt Nam, hy vọng thiết bị nhặt đinh sẽ đạt được giải thưởng tại Hội thi Sáng Kỹ thuật TP.HCM lần này (dự kiến kết quả giải thưởng sẽ được công bố trong tháng 4/2009) và sớm được ứng dụng rộng rãi.
Lam Vân