SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN tại TP.HCM: sản xuất hoa cắt cánh, nhân giống hoa lan Mokara và đánh giá thay đổi luồng lạch, nạo vét sông Soài Rạp.



Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật mới để phát triển mô hình sản xuất hai nhóm hoa lan Dendrobium và Mokara” do TS. Dương Hoa Xô làm chủ nhiệm, thực hiện từ 2005-2008, và đặt hàng của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara” được triển khai từ năm 2009-2011 với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Dự án này nhằm đưa các giống đã được khảo nghiệm, chọn lọc, áp dụng kỹ thuật bón phân, sử dụng giá thể, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, thiết kế nhà lưới để xây dựng mô hình đạt năng suất, chất lượng hoa và hiệu quả kinh tế; đồng thời hoàn thiện những giải pháp tổ chức sản xuất nhân cây giống Mokara với giá thành hợp lý và xây dựng mạng lưới các nhà vườn trồng hoa lan làm cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu hoa lan cắt cành của Tp. HCM.

Kết quả, đã xây dựng triển khai 4 vườn trồng hoa lan Mokara cắt cành tại Củ Chi (3 vườn) và Bình Chánh (1 vườn) với tổng diện tích 14.230m2 với 10 chủng loại giống chủ yếu. Sản lượng hoa cắt cành thu hoạch đạt 26.453 cành hoa/1000m2. Năng suất thu hoạch hoa của các vườn trong dự án cao hơn từ 10,8-32,4% so với vườn nông dân.

Các giống lan Mokara trồng trong dự án.

Dự án cũng đã triển khai áp dụng phương pháp nhân giống cải tiến đối với một số giống Mokara tại 4 vườn. Kết quả bình quân hệ số nhân giống từ 1 cây mẹ ban đầu, khi tiến hành xử lý nhân giống thu được 1 cây dạng đọt và 3,20 cây dạng chồi. Hệ số nhân giống theo phương pháp cải tiến cao hơn từ 19,7 - 44,2% so với đối chứng tùy theo loại giống.

Xây dựng mô hình canh tác hoa lan Mokara cắt cành kết hợp giữa thu hoạch sản phẩm hoa cắt cành và nhân giống đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình trồng thuần chỉ thu hoạch hoa. Dự án đã thu hồi được 70% kinh phí. Nhóm thực hiện dự án cũng đã tiến hành các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nhà vườn trồng lan; xây dựng trang web về mạng lưới nhà vườn trồng lan tại Tp.HCM với địa chỉ: http:vuonlan.tvnn.vn.; xuất bản sách: Kỹ thuật trồng hoa lan Mokara với số lượng 4.000 bản.


Sông Soài Rạp là một nhánh của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, dài 42 km. Sông được tính từ xã Phú Xuân (Nhà Bè) và xã Bình Khánh (Cần Giờ) theo hướng nam đổ ra biển qua cửa Soài Rạp, làm ranh giới tự nhiên giữa Cần Giờ và Nhà Bè, giữa Cần Giờ và Cần giuộc (Long An), Gò Công Đông (Tiền Giang). Trên tuyến sông Soài Rạp hiện nay có nhiều công trình cảng đã được quy hoạch và triển khai xây dựng. Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá sự thay đổi chế độ thủy động lực, hình thái lòng dẫn sau nạo vét sông Soài Rạp phục vụ công tác phát triển giao thông đường thủy, đồng thời đánh giá sự thay đổi xâm nhập mặn từ cửa sông sau khi tiến hành nạo vét. Nghiên cứu tiến hành tại đoạn sông Soài Rạp từ ngã ba sông Lòng Tàu - Soài Rạp đến cửa biển. 


Kết quả đã nghiên cứu ứng dụng thành công bộ phần mềm Mike 2D và Mike 3 phục vụ tính toán và dự báo theo các kịch bản nạo vét; tính toán chế độ thủy lực, xâm nhập mặn, hình thái sông khu vực nghiên cứu ứng với 3 kịch bản nạo vét. Theo đó, sau khi nạo vét, sự thay đổi về chế độ thủy lực thể hiện rõ nét. Nhìn chung, vận tốc trong luồng sông Soài Rạp đều giảm, vận tốc lớp đáy giảm nhiều hơn so với lớp mặt, lúc triều lên, vận tốc dòng chảy giảm nhiều hơn so với lúc triều xuống. Việc nạo vét không làm thay đổi nhiều đến phân bố mặn, độ mặn lớp đáy thay đổi có xu hướng tăng nhiều hơn lớp mặt và chủ yếu tập trung ở khu vực IV (hạ lưu sông). Sau khi nạo vét, mặn có xu hướng tiến sâu vào nội đồng hơn khi triều dâng, tuy nhiên chủ yếu vùng hạ lưu. Sau nạo vét, hầu hết luồng có xu hướng bồi thêm hoặc ít xói hơn, hoặc từ xói chuyển sang bồi, tổng lượng bồi thêm của vùng nghiên cứu khoảng 3,8 triệu m3/năm ứng với kịch bản 3 (nạo vét luồng Soài Rạp đến độ sâu 11m). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, có sự dịch chuyển luồng khu vực I.4, I.5 (Nhà máy Nhiệt điện Hiệp Phước và Bến cảng Container Trung tâm Sài Gòn - SPCT). Một số vùng bờ bị xói lở trong khu vực mà nghiên cứu đã tính toán được là: trước mũi Nhà Bè, sát kênh Mương Chuối, Nhà máy Nhiệt điện Hiệp Phước, vùng bờ đoạn cong trái chiều khu vực II (thượng lưu sông), vùng bờ cảng quốc tế Long An. 

Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như: cần có quy trình nạo vét bổ sung hàng năm hợp lý cho từng khu vực trong luồng Soài Rạp sau khi đã tiến hành nạo vét; thiết lập dự án, lên quy trình gia cố bảo vệ bờ một số khu vực hai bờ sông phòng chống hiện tượng sạt lở bờ; thiết kế tốt việc nạo vét và quy hoạch vùng tiếp nhận bùn hợp lý; quy hoạch, khai thác hợp lý các công trình giao thông trên tuyến luồng Soài Rạp; xây dựng chính sách, cơ chế quản lý hiệu quả; giáo dục cộng đồng; thực hiện tốt công tác dự báo, kiểm soát và phòng tránh thiên tai (lũ, sạt lở…); xây dựng và quản lý tốt cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu, dự báo, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, biến đổi lòng dẫn.

DANH MỤC CÁC ĐỀ TÀI/DỰ ÁN NGHIỆM THU TRONG QUÝ 2/2012
TẠI SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TP. HCM


 
Bích Vân, STINFO Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả