SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động KH&CN TP. HCM: gắn với thực tiễn và hiệu quả đầu tư

Đầu tư hiệu quả, giải quyết những vấn đề “nóng” và hướng đến doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu của hoạt động khoa học và công nghệ TP.HCM nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
 
Hướng đến doanh nghiệp và phát triển
 
Trong năm 2012, các hoạt động KH&CN tại TP.HCM đều hướng đến mục tiêu hiệu quả trong đầu tư, tập trung đến sản phẩm cuối cùng để có thể chuyển giao kết quả; tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao, làm tiền đề cho sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững, phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố. Các sản phẩm đã được tạo ra, điển hình như lõi IP điều khiển thay thế một số thiết bị, linh kiện nhập; chip thương mại SG8-V1; chip nhận dạng từ xa bằng sóng radio-RFID; các bộ Kit chẩn đoán bệnh; ứng dụng nano sắt từ trong chẩn đoán hình ảnh; sản xuất nano bạc và ứng dụng trong khử trùng; năng lượng sinh khối; nhiên liệu sinh học; nhiên liệu diesel nhũ tương sử dụng cho các loại động cơ đốt trong tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường... 


PGS.TS. Phan Minh Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ
cho ông Hàng Phi Quang - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam.

 
Hoạt động KH&CN cũng hướng tới doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về nhiều mặt như: tư vấn lựa chọn công nghệ, thiết bị; xây dựng thương hiệu; áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; quản lý chất lượng theo ISO, … thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất-chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc đổi mới công nghệ; chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp; chương trình nâng cao năng lực thiết kế, quỹ phát triển khoa học công nghệ thành phố… Mặt khác, nguồn lực doanh nghiệp được huy động để đầu tư cho KH&CN, thông qua quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp với tổng số tiền trích lập là 336,30 tỷ đồng. Đây là nguồn lực không nhỏ cho phát triển KH&CN của doanh nghiệp cũng như của xã hội, tạo sự chuyển biến về chất cho hoạt động KH&CN thành phố. Đồng thời, Sở KH&CN TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư một số công trình từ nghiên cứu ứng dụng đến dự án sản xuất thử nghiệm (doanh nghiệp nhận kết quả nghiên cứu đầu tư 70%-80% và ngân sách hỗ trợ 20% đến 30% kinh phí nghiên cứu).
 
Trên thế giới, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp dựa trên công nghệ đặc biệt là công nghệ cao trong giai đoạn khởi nghiệp, đây cũng chính là cách để tạo bệ phóng cho phát triển kinh tế-xã hội. Tại TP.HCM, hoạt động này đã hình thành và đang có những kết quả bước đầu. Sở KH&CN TP.HCM chú trọng đầu tư phát triển các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và tiếp tục hỗ trợ ba trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại Đại học Nông Lâm, Đại học Bách khoa, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Đến nay đã hình thành 17 doanh nghiệp mới với tổng số lao động trên 50 người mỗi trung tâm ươm tạo xét tuyển từ 2 đến 3 doanh nghiệp mới mỗi năm.
 
Nghiên cứu khoa học gắn kết với thực tiễn 
 
Các công trình nghiên cứu khoa học được chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính kịp thời. Các kết quả nghiên cứu được tổ chức phổ biến để ứng dụng vào thực tế và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu thông qua các chương trình như: hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ kết quả nghiên cứu; phổ biến kết quả nghiên cứu trên các phương tiện truyền thông; tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu đến các doanh nghiệp; tư vấn thành lập doanh nghiệp KH&CN từ kết quả nghiên cứu và cho vay vốn ưu đãi từ quỹ phát triển KH&CN của thành phố…Đối tượng ưu tiên là các nhà khoa học đã có đề tài do Sở KH&CN TP.HCM cấp kinh phí và đề tài có khả năng thương mại hóa cao.

Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề bức xúc của Thành phố như nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây cháy xe trên địa bàn thành phố; xây dựng phần mềm kiểm tra hố ngầm và công trình ngầm, đề xuất các giải pháp khắc phục lún sụp mặt đường; giải pháp chống ngập nước, dự báo động đất, giảm thiểu kẹt xe;…
 
Năm 2012, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức xét duyệt và triển khai 104 đề tài, dự án và nghiệm thu; xét duyệt 3 dự án tham gia chương trình nông thôn miền núi gửi Bộ KH&CN; trong đó 82 đề tài, dự án KH&CN. Một số công trình nghiên cứu nổi bật có thể kể đến sau đây:
 
- Dự án Sản xuất thử nghiệm thiết bị kiểm tra IC số 74LSxx và các thông số cơ bản trên wafer D74W-TESTER, đây là sản phẩm công nghệ cao ứng dụng trong công nghệ chip, sử dụng hiệu quả do Đại học Công nghệ Sài Gòn chủ trì và ThS. Lê Phước Lâm làm chủ nhiệm.
 
Màng trị bỏng sinh học với các hoạt chất tái sinh mô
và sát khuẩn từ thiên nhiên.
Hoa lan Mokara
   
- Dự án Xây dựng quy trình sản xuất và thử nghiệm lâm sàng màng sinh học từ cellulose vi khuẩn trị tổn thương mất da. Sản phẩm mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân phỏng. Do Đại học Y dược TP.HCM chủ trì và GS.TS. Nguyễn Văn Thanh, ThS. Huỳnh Thị Ngọc Lan làm chủ nhiệm.
 
- Dự án Xây dựng mô hình sản xuất hoa cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara, đáp ứng mục tiêu của Chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011 – 2015, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Do Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM chủ trì và TS. Dương Hoa Xô làm chủ nhiệm.
 
Kỹ sư Lê Anh Kiệt giới thiệu 2 robot 5 bậc tự do với tính ổn định khá cao, phục vụ giảng dạy hiệu quả trong trường Đại học. ThS. Trần Đình Hiến với sứ được phủ hợp kim trung gian để hành với kim loại.

- Dự án Thiết kế chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy, là sản phẩm có mức nội địa hóa khá cao, hệ thống điều khiển robot không chỉ phục vụ đào tạo mà còn có thể ứng dụng robot công nghiệp đến 6 bậc tự do, có khả năng phát triển thành robot công nghiệp sau này. Do Công ty TNHH Chế tạo máy A.K.B chủ trì và kỹ sư Lê Anh Kiệt- Giám đốc công ty làm chủ nhiệm.
 
- Dự án Hoàn thiện công nghệ - thiết bị chế tạo và phủ hợp kim trung gian lên sứ tụ bù trung thế năng suất 6.000 sản phẩm/năm, giá thành sản phẩm chỉ bằng 50% hàng ngoại nhập. Do Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường chủ trì và ThS. Trần Đình Hiến làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Đánh giá hiệu quả điều trị của chế phẩm RUVINTAT trên bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid, chế phẩm RUVINTAT dung nạp tốt, được xác định sử dụng an toàn để điều trị cho bệnh nhân có rối loạn lipid máu hỗn hợp (giảm cholesterol, hạ huyết áp) do Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. HCM chủ trì và ThS. Dương Thị Mộng Ngọc làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Thử nghiệm tạo một số dạng chế phẩm diệt muỗi truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết từ dịch chiết lá và nhân hạt neem, chế phẩm này đạt hiệu quả diệt muỗi và các ấu trùng truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét đến 90%. Do Viện Sinh học Nhiệt đới chủ trì và TS. Vũ Văn Độ làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Nghiên cứu chế tạo hạt nano chitosan làm tá chất miễn dịch cho vaccine cúm A/H1N1 và xây dựng mô hình thử nghiệm trên động vật, nguồn nguyên liệu phong phú tại Việt Nam và có ý nghĩa thực tiễn trong việc đẩy nhanh sản xuất vaccine cúm A/H5N1. Do Trung tâm Công nghệ Sinh học - Đại học Tây Nguyên chủ trì và PGS.TS Nguyễn Anh Dũng làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Mô hình xử lý nước thải nuôi tôm công nghiệp bằng tảo Tetraselmis sp. và nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Mô hình có ưu điểm là chi phí thực hiện thấp, không sử dụng hóa chất, tạo thêm nguồn thu nhập từ bán sản phẩm nhuyễn thể. Đã áp dụng thử nghiệm tại một số hộ nuôi tôm ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM cho kết quả khá tốt. Do Khoa Môi trường - Đại học Bách khoa TP.HCM chủ trì và ThS. Dương Thị Thành làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sấy mật ong, sấy phấn hoa. Phù hợp quy mô nông hộ, chất lượng sản phẩm sau khi sấy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Do Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chủ trì. Máy sấy mật ong theo phương pháp cô đặc chân không gia nhiệt trực tiếp trong buồng sấy có kết hợp đảo trộn do PGS.TS Nguyễn Hay làm chủ nhiệm và máy sấy phấn hoa theo công nghệ chân không gia nhiệt bằng vi sóng do TS Lê Anh Đức làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và tiêu hủy đồ dùng điện – điện tử thải tại TP.HCM, giải pháp khả thi, tập trung vào ba nhóm sản phẩm thải là máy vi tính, điện thoại di động và tivi. Do Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường chủ trì và TS. Trần Minh Chí làm chủ nhiệm.
 
- Đề tài Đề xuất các giải pháp tổng thể và khả thi bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn đảm bảo an toàn cấp nước cho Thành phố, nhằm bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn và an toàn cấp nước cho Thành phố. Do Viện Nước và Công nghệ Môi trường chủ trì và GS.TS Lâm Minh Triết, ThS. Lê Việt Thắng làm chủ nhiệm.
 
- …


Giám đốc Đại học Bách khoa và Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM
tìm hiểu về các sản phẩm công nghệ do ĐH Bách khoa nghiên cứu chế tạo.

Trọng tâm hoạt động khoa học và công nghệ năm 2013 tại TP.HCM
 
Kiên trì với mục tiêu: hiệu quả, thực tế và phát triển, trọng tâm hoạt động KH&CN TP.HCM năm 2013 gồm các nội dung chính sau đây:
 
- Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN ở cấp thành phố, các sở ngành và quận-huyện.
 
- Tiếp tục triển khai 13 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giai đoạn 2011-2015, đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực: khoa học xã hội, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng, vật liệu mới, năng lượng mới, điện tử - viễn thông, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch từ công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin và vi mạch điện tử,…
 
- Thúc đẩy các tổ chức KH&CN hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng doanh nghiệp KH&CN.
 
- Đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN, trong đó nâng cao tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp và xã hội hóa thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN; hình thành hệ thống các quỹ phát triển KH&CN: quỹ đầu tư mạo hiểm thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao, quỹ hỗ trợ nhân lực KH&CN.
 
- Thu hút và phát huy năng lực sáng tạo của trí thức KH&CN trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực nội sinh KH&CN và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị của các tổ chức KH&CN công lập.
 
- Xây dựng chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ cao, tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp công nghệ cao trong GDP của thành phố. Tiếp tục hoàn thành các công trình khu công nghệ cao, công viên khoa học và công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học nhằm thu hút các dự án đầu tư của nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước.
 
- Đẩy mạnh đổi mới công nghệ phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; phát triển thị trường công nghệ; phát triển khoa học dịch vụ hỗ trợ các ngành dịch vụ thành phố phát triển.
 
- Chủ động hội nhập quốc tế về KH&CN, chú trọng khai thác tài sản trí tuệ của các nước phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao.
 
Vũ Tùng, STINFO Số 1 & 2/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả