SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN, TP.HCM 12/2013


 

Đề tài được thực hiện nhằm xây dựng khung chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái (KCNST) phù hợp với điều kiện của TP.HCM và có thể áp dụng cho một số tỉnh thành lân cận. Dựa trên đặc trưng của KCNST, các yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) và đặc điểm của hệ thống tiêu chí, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích cơ sở khoa học và xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ số đánh giá xếp hạng KCNST đối với các KCN hiện hữu; đánh giá khả năng áp dụng hệ thống tiêu chí và chỉ số đã đề xuất trong thực tế.


Theo đó, mô hình KCNST đề xuất áp dụng cho TP.HCM và các tỉnh thành lân cận là hình thành mô hình hệ công nghiệp sử dụng tài nguyên hiệu quả (bằng cách giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng nhờ thiết kế và vận hành hợp lý, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường hoạt động tái sử dụng, tái chế và trao đổi chất thải) và không gây ô nhiễm môi trường (nhờ thu gom, xử lý hợp lý chất thải). Hệ thống tiêu chí đánh giá KCNST đối với các KCN hiện hữu được đề xuất gồm hai nhóm là hệ thống tiêu chí sàng lọc và hệ thống tiêu chí đánh giá và xếp hạng cấp độ đạt KCNST. Nhóm tiêu chí sàng lọc gồm 8 tiêu chí đánh giá theo phương pháp loại dần, giúp lựa chọn những KCN đạt yêu cầu để xem xét, đánh giá và xếp hạng cấp độ đạt KCNST. Nhóm tiêu chí đánh giá và xếp hạng gồm 4 nhóm tiêu chí chính (tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT; quy hoạch dòng vật chất và năng lượng hiệu quả; xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp; thiết kế thân thiện với môi trường) với 38 tiêu chí đánh giá, giúp xem xét một cách chi tiết, toàn diện những điểm đạt và chưa đạt đối với công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (Cty ĐTHT KCN) và cơ sở sản xuất (CSSX) trong KCN trước khi công nhận cấp độ đạt KCNST.


Hệ thống tiêu chí đánh giá KCNST đối với các dự án phát triển KCNST gồm 5 nhóm tiêu chí chính với 32 tiêu chí đánh giá cho phép đánh giá và giúp chủ đầu tư xem xét các yếu tố cần thiết để hình thành KCNST ngay từ giai đoạn quy hoạch, thiết kế và xây dựng.


Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hệ thống tiêu chí này đánh giá thí điểm đối với 14 Cty ĐTHT KCN-KCX trên địa bàn TP.HCM, 43 CSSX thuộc KCX Tân Thuận, 59 CSSX thuộc KCN Hiệp Phước và KCN Long Hậu (Long An) với 24 CSSX đang hoạt động tại thời điểm đánh giá. Kết quả cho thấy, hệ thống tiêu chí đánh giá và xếp hạng cấp độ đạt KCNST đã đề xuất là công cụ hữu ích, giúp đánh giá một cách khách quan, tổng quát, xem xét mọi khía cạnh liên quan một cách định lượng mức độ đạt yêu cầu của KCNST đối với các KCN-KCX hiện hữu và dự án phát triển KCN trong tương lai. Nhóm tiêu chí tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT được các KCN-KCX và CSSX thực hiện khá tốt, với điểm số đạt 80% điểm tối đa của nhóm tiêu chí này. Kết quả đánh giá cũng cho phép xác định cụ thể những tồn tại làm cho KCN-KCX và CSSX trong các KCN-KCX hiện hữu chưa đạt yêu cầu để có thể xếp ba hạng KCNST như nghiên cứu đề xuất.


Qua đó cũng cho thấy những tồn tại chính của các Cty ĐTHT KCN-KCX là chưa xây dựng đầy đủ chương trình phòng ngừa ứng cứu sự cố ở quy mô KCN; chưa quản lý tốt các đơn vị làm công tác thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải công nghiệp nguy hại cho các CSSX trong KCX-KCN; vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, bị khiếu kiện khiếu nại của cộng đồng dân cư xung quanh; chưa quan tâm đến tái sử dụng nước thải sau xử lý... Các CSSX trong KCN-KCX chưa đảm bảo thu gom và xử lý triệt để khí thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở; chưa thực hiện kiểm toán chất thải định kỳ để có giải pháp giảm phát sinh chất thải tại nguồn, tiết kiệm nước và sử dụng năng lượng hiệu quả; hoạt động trao đổi phế liệu/chất thải giữa các CSSX trong KCN-KCX với nhau chưa thật sự có động lực để các CSSX quan tâm...


Nhóm nghiên cứu đề xuất 3 nhóm chính sách (khuyến khích) phát triển KCNST gồm hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách về tài chính và chính sách về nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức. Trong đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và hình thức khuyến khích, hỗ trợ cũng như lộ trình thực hiện được xác định cụ thể. 
 


Ung thư cổ tử cung (UTCTC) có liên quan chặt chẽ với sự nhiễm HPV (Human Paphillomavirus). Virus này gồm nhiều týp trong đó nhóm các týp “nguy cơ cao” là nguyên nhân gây UTCTC, một số dạng ung thư khác như hậu môn, âm đạo… Tỷ lệ tử vong do UTCTC là 5,6/100.000 người và xếp thứ tư trong số các dạng ung thư ở phụ nữ mọi lứa tuổi. Do UTCTC diễn tiến rất chậm (có thể đến vài chục năm) nên việc phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư có ý nghĩa lớn trong việc phòng và điều trị bệnh.


Đề tài được thực hiện nhằm hoàn chỉnh quy trình tạo kháng thể đơn dòng (KTĐD) kháng một số protein liên quan chặt chẽ đến UTCTC như E7 HPV 16, 18, p16INK4A; ứng dụng các KTĐD tạo được để phát triển các quy trình và xây dựng các kit chẩn đoán nhằm phát hiện sớm UTCTC.


Qua đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các quy trình thành phần của công nghệ KTĐD gồm quy trình tạo protein tái tổ hợp, tạo KTĐD và các quy trình ứng dụng để phát hiện kháng nguyên mục tiêu trong mẫu bệnh dựa trên kỹ thuật immunoPCR, hóa tế bào miễn dịch và ELISA. Cụ thể, đã tạo được các protein E7 HPV 6, 11, 16, p16INK4A. Các protein này được kiểm tra bằng kỹ thuật Western blot và có độ tinh sạch 92-95%, được sử dụng để gây đáp ứng miễn dịch trên chuột cho nội dung tạo KTĐD. Từ các KTĐD tạo được, nhóm nghiên cứu xây dựng các quy trình và các kit immunoPCR, hóa tế bào miễn dịch và ELISA. Các kit được xây dựng (KTImmunoPCR E7/18, KTE7-16ICC, KTE7-18ICC, KTp16ICC, KTp16ELISA) để phát hiện các kháng nguyên mục tiêu trong tế bào và dịch ly giải tế bào cổ tử cung. Trong đó, KTp16ICC và Kit KTp16ELISA có độ đúng, độ chính xác tốt, có khả năng triển khai thực tế cao. Các quy trình được xây dựng trong đề tài có thể chuyển giao cho các đơn vị nghiên cứu và ứng dụng có nhu cầu.
 


Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân thành phố vào khoảng 1200 tấn/ngày. Rau sản xuất tãi chỗ mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, còn lại rau được nhập chủ yếu từ Đà Lạt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Quốc... Hiện công nghệ sau thu hoạch đang áp dụng tại các vùng sản xuất rau tập trung như huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh khá đơn giản, lạc hậu. Rau sau khi thu hoạch không được sơ chế, đóng gói đúng quy trình nên chất lượng rau không cao, tỷ lệ hư hỏng cao khoảng từ 15-20%.  

Máy rửa rau ba ngăn, một trong những thiết bị chính của dây chuyền sơ chế đóng gói rau. Ảnh: BV.

Đề tài được thực hiện nhằm điều tra khảo sát hiện trạng xử lý, đóng gói rau trên địa bàn TP.HCM, từ đó thiết kế, chế tạo và triển khai ứng dụng hệ thống xử lý, đóng gói rau sau thu hoạch công suất 200 kg / giờ; ứng dụng và chuyển giao mô hình xử lý, bảo quản và đóng gói rau năng suất 200 kg / giờ.


Qua đó cho thấy, các loại rau trồng chủ yếu tại TP.HCM là cà chua, dưa leo, cà tím, cải xanh, cải ngọt, rau muống, xà lách... Công nghệ sơ chế, bảo quản rau sau thu hoạch tại TP.HCM còn một số hạn chế cần khắc phục như: phương pháp thu hoạch, xử lý, đóng gói rau còn làm thủ công, chưa cơ khí hóa, tỷ lệ rau hao hụt sau thu hoạch cao, rau chưa đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện một số thông số công nghệ trong 5 quy trình công nghệ sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản rau. Đối với rau ăn quả (cà chua, dưa leo) thì xử lý ở nồng độ ozone 7ppm trong 4 phút có khả năng tiêu diệt trên 99% vi sinh vật bám trên bề mặt, giảm dư lượng NO3-. Rau ăn quả được làm ráo nước bằng chế độ hút chân không thích hợp nhất ở 650 mmHg kết hợp với nhiệt độ làm lạnh 60C có khả năng tách trên 80% lượng nước bám trên bề mặt rau, với tỷ lệ gãy dập của rau thấp hơn 0,03 %, thời gian hoạt động của máy khoảng 30 phút.

Đối với rau ăn lá (rau cải xanh, rau muống và xà lách), xử lý ở nồng độ ozone 10ppm trong 4 phút có khả năng tiêu diệt trên 99% vi sinh vật bám trên bề mặt; làm ráo nước ở độ hút chân không 650 mmHg kết hợp với nhiệt độ làm lạnh 60C là thích hợp nhất với khả năng tách trên 90% lượng nước bám trên bề mặt rau, tỷ lệ dập của rau thấp 0,01%, thời gian hoạt động của máy khoảng 30 phút. Đề tài cũng thiết kế chế tạo một dây chuyền sơ chế, đóng gói rau công suất 200 kg / giờ bao gồm 4 thiết bị chính là: máy rửa 3 ngăn, máy ly tâm, máy làm lạnh hút chân không và máy đóng gói bao bì. Dây chuyền đã được lắp đặt và hoạt động tại Công ty TNHH SX-TM-DV Kim Xuân Quang. Ngoài ra, với đề tài này, nhóm tác giả đề tài đã biên soạn tài liệu về quy trình công nghệ xử lý, đóng gói và bảo quản rau; biên soạn tài liệu hướng dẫn vận hành các thiết  

ThS. Phạm Đình Dũng và một số sản phẩm của đề tài. Ảnh: BV.
bị máy móc trong dây chuyền; tổ chức tập huấn giới thiệu mô hình cho các chủ trang trại, hộ kinh doanh rau quả…

BÍCH VÂN, STINFO Số 12/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả