SpStinet - vwpChiTiet

 

Toàn cảnh công nghệ quốc tế năm 2012 (phần 3)

Theo thông lệ, trong số phát hành đầu năm, STINFO sưu tầm và giới thiệu toàn cảnh công nghệ quốc tế thông qua kết quả bình chọn của các cơ quan thông tin khoa học và công nghệ uy tín trên thế giới. Cùng với bình chọn 10 công nghệ nổi bật trong năm do tạp chí Technology Review công bố, STINFO giới thiệu các công nghệ, sản phẩm đột phá và các sáng chế độc đáo, những nhà sáng chế của năm cùng các sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng khoa học thế giới. 

• 10 công nghệ đột phá do Technology Review bình chọn
• 10 sản phẩm nổi bật do Popular Mechanics bình chọn
• 12 sản phẩm sáng tạo do Popular Science bình chọn
• 5 sáng chế độc đáo do tạp chí Time công bố
• 8 nhà sáng chế do The Economist bình chọn
• 5 sự kiện nổi bật do STINFO bình chọn


Phần 3:
 
8 nhà sáng chế do The Economist bình chọn
Được bình chọn là các nhà sáng chế có sáng chế với công nghệ gây tác động về mặt khoa học, có khả năng mang lại doanh thu và ảnh hưởng tốt đến xã hội.

1. Napoleone Ferrara (Genentech)
 
Giáo sư Napoleone Ferrara cùng nhóm nghiên cứu của Công ty Công nghệ Sinh học Genentech được tôn vinh với công trình nghiên cứu nhận dạng gene tác nhân tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF). Nghiên cứu này đã trực tiếp dẫn đến việc điều chế thành công chất ức chế Bevacizumab được thương mại hóa dưới tên gọi Avastin dùng điều trị ung thư.
 
 
   
2. Jack Dangermond (esri) và John Hanke (Google)
 
Hai người cùng được tôn vinh cho những nghiên cứu ban đầu trong lĩnh vực thông tin địa lý (GIS) nay đã trở thành trái tim của các ứng dụng bản đồ số hóa.
Jack Dangermond (trái) và Jonh Hanke (phải)

3. Gary Burrell và Min Kao (Garmin)
 
Hai nhà sáng lập Công ty Garmin đang đứng đầu thị trường GPS (định vị vệ tinh) được tôn vinh với hệ thống dẫn đường và dịch vụ bản đồ. Thiết bị dẫn đường GPS hiện phục vụ cho nhiều đối tượng, từ những người yêu thích chạy bộ cho đến câu cá, leo núi, phi công, tài xế và cả những người đi xe máy.
 
Gary Burrell (trái) và Min Kao (phải)

   
4. Yet-Ming Chiang (MIT)

Nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts được tôn vinh cho nghiên cứu về pin Li-ion, được chính Chiang mô tả là "Lithium ion 2.0", giúp nâng cao hiệu năng cũng như tuổi thọ của pin Li-ion.

5. Elon Musk (SpaceX)
 
Người đặc biệt, sáng lập các công ty công nghệ đình đám như Zip2, Paypal, Tesla, và SpaceX. Tuy mới thành lập nhưng SpaceX đã đạt được thành tựu đáng nể với chuyến bay thương mại đầu tiên ráp nối với trạm không gian quốc tế ISS để đưa hàng tiếp tế và thu gom rác thải. Định hướng kinh doanh của SpaceX rất đơn giản: tăng độ tin cậy và giảm chi phí vận chuyển không gian 10 lần.
 

 
6. Marc Benioff (Salesforce.com)
 
Nhà sáng lập salesforce.com được tôn vình với dịch vụ cung cấp phần mềm dựa trên nền tảng điện toán đám mây góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp phần mềm.

7. Philip Souter và Greg Allgood (Procter & Gamble)
 
Hai nhà khoa học của P&G được tôn vinh vì đã phát triển một loại bột có thể loại bỏ 99,99% virus và vi khuẩn nguy hiểm trong nước - đặc biệt là vi khuẩn vibrio cholerae gây bệnh tả.
 
Philip Souter (trái) và Grey Allgood (phải)

 
8. Google
 
Không chỉ cung cấp dịch vụ tìm kiếm mỗi năm có hơn 100 tỷ lượt truy cập, tập đoàn này còn có những sản phẩm đột phá như Chrome, xe tự hành…


 
 
5 sự kiện nổi bật do STINFO bình chọn
Các sự kiện được bình chọn có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng khoa học thế giới 
 
1. Phát hiện “hạt của Chúa”
 

 
Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) ngày 4/7/2012 đã công bố phát hiện một hạt nguyên tử mới và có thể là hạt Higgs xưa nay chỉ tồn tại trên lý thuyết.
 
Hạt Higgs giúp giải thích vì sao các hạt cơ bản khác lại có khối lượng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cấu trúc của vật chất và sự hình thành của vũ trụ.
Các nhà khoa học cho rằng đây là một đại sự kiện trong khoa học đương đại và là khởi đầu của một kỷ nguyên khoa học mới. 
 
2. Curisosity chinh phục sao Hỏa

 
Sau một hành trình kéo dài 8 tháng, tàu thăm dò lớn nhất từ trước đến nay của con người mang tên Curiosity, đã hạ cánh thành công xuống sao Hỏa vào ngày 6/8/2012. Curiosity có chiều dài gấp đôi và nặng gấp 5 lần so với các tàu thăm dò Spirit và Opportunity. Nó mang một khối lượng trang thiết bị nghiên cứu khoa học gấp 10 lần so với “hai người” tiền nhiệm.
 
Các chuyên gia cho rằng việc Curiosity hạ cánh thành công xuống sao Hỏa đã mở đường cho việc nhân loại đổ bộ lên hành tinh này trong 20 năm tới. 
 
3. Từ chức vì… Einstein vẫn đúng!

 
Năm ngoái, giới khoa học đã “choáng váng” khi một thí nghiệm có vẻ như chứng tỏ một trong những lý thuyết cơ bản của Einstein là sai lầm. Những thông tin đầu tiên ghi lại các hạt neutrino chuyển động với tốc độ nhanh hơn ánh sáng xuất hiện vào ngày 23/9/2011. Lúc đó người ta đã đưa ra kết quả chùm neutrino đi từ CERN đến Gran-Sasso tính trung bình nhanh hơn so với tính toán lý thuyết 60 nano giây. Như vậy là các hạt neutrino đã chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng 1,0000248 lần.
 
Nhưng đến ngày 16/3/2012, CERN đưa ra thông cáo báo chí tuyên bố rằng neutrino không hề chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Hóa ra kết quả chấn động đó là do… một sợi cáp bị lỏng! Việc công bố vội vàng này dẫn đến sự từ chức của giáo sư Antonio Ereditato, chủ nhiệm dự án OPEERA và nhà khoa học Dario Autiero, những người đã trực tiếp đo và đưa ra kết quả.
 
4. Phiên tòa về trách nhiệm khoa học

 
Ngày 22/10/2012, chánh án Marco Billi của tòa án tối cao Ý tuyên bảy nhà địa chấn học Ý tội ngộ sát, mỗi nhà khoa học lãnh 7 năm tù giam, vì không cảnh báo cho công chúng biết về nguy cơ trận động đất mạnh 6,3 độ Richter ngày 6/4/2009 xảy ra tại thành phố L’Aquila và các vùng lân cận. Trận động đất phá hủy gần 20.000 tòa nhà, làm 65.000 cư dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Hơn 300 người dân tử vong, hơn 1.500 người bị thương.
 
Phiên tòa ở Ý gây nên một cú sốc trong cộng đồng khoa học quốc tế, và theo GS. Nguyễn Văn Tuấn (đang giảng dạy tại đại học New South Wales – Sydney, Úc) là một lời nhắc nhở về trách nhiệm xã hội của giới khoa học: cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về rủi ro của thiên tai.

5. Facebook “lên sàn” và vượt mốc 1 tỷ người dùng

 
Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 17/5/2012 của Facebook đạt giá trị vốn hóa thị trường kỷ lục lên tới 104 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công nghệ.
 
Dù giới đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về chiến lược kinh doanh dài hạn của Facebook, song có một sự thật không thể phủ nhận là mạng xã hội lớn nhất thế giới đang ngày càng thành công trong việc thu hút thêm người sử dụng.
Ngày 4/10, giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã chia sẻ trên trang thông tin của công ty rằng đã có “hơn 1 tỷ người trên toàn cầu sử dụng Facebook một cách tích cực hàng tháng”.
 

Kể từ khi Facebook bắt đầu hoạt động đến nay, đã có 140 tỷ kết nối bè bạn, 219 tỷ bức ảnh được tải lên và 1,13 ngàn tỷ lượt “like” trên mạng này. 

Phần 1   |   Phần  2   |   Phần 3
 

P. Nguyễn tổng hợp, STINFO Số 1 & 2/2013 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả