SpStinet - vwpChiTiet

 

10 sự kiện khoa học đáng chú ý do Science Media bình chọn


          10 công nghệ đột phá do MIT Technology Rerviews tuyển chọn 



Theo Trung tâm Truyền thông Khoa học Úc, 10 sự kiện khoa học thế giới đáng chú ý nhất trong năm 2014 mang nhiều điều không vui, trong đó có dịch Ebola bùng phát dữ dội trở lại ở Tây Phi hồi đầu năm nay gây hoảng sợ cho nhiều người!



1. Bùng phát dịch Ebola



Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch Ebola bùng phát vào tháng 3/2014 và đến tháng 8/2014, WHO đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về dịch bệnh này. Số trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới đã tăng lên trên17.000 trường hợp, chủ yếu ở Tây Phi, với hơn 6.000 ca tử vong. Chỉ có khoảng 20 ca nhiễm bệnh ngoài châu Phi. Virus Ebola được đặt theo con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi phát dịch lần đầu vào năm 1976.


2. Tàu Philae đáp xuống sao chổi




Vượt quãng đường 500 triệu km trong vòng một thập kỷ kể từ khi rời khỏi tàu không gian Rosetta, tháng 10/2014, tàu thăm dò Philae của châu Âu đã đáp lên một sao chổi đang di chuyển với vận tốc 135.000 km/giờ. Tuy các nhà khoa học bị mất liên lạc với tàu thăm dò Philae ngay sau đó do bề mặt gập ghềnh của sao chổi, nhưng Philae đã kịp gửi về Trái đất một lượng lớn dữ liệu khoa học, kể cả bằng chứng về sự hiện diện hợp chất carbon (cơ sở của sự sống trên Trái đất) trên bề mặt của sao chổi.
 


3. Các quốc gia cam kết chống lại biến đổi khí hậu




2014 là năm thế giới bắt đầu chấp nhận cần phải cắt giảm khí thải nhà kính để ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu. Tháng 10/2014, EU đã đồng ý trước năm 2030 giảm lượng thải CO2 đến 40% mức thải của năm 1990. Trong tháng 11, Mỹ và Trung Quốc – hai quốc gia phát thải CO2 nhiều nhất thế giới - cuối cùng đã đồng ý cắt giảm lượng CO2 thải ra. Theo đó, trước năm 2025 Mỹ sẽ cắt giảm phát thải CO2 bằng 26-28% mức năm 2005, còn Trung Quốc cam kết lượng phát thải cực đại của nước này là năm 2030, và sau đó sẽ hạ xuống.
 


4. Tìm thấy hóa thạch Colossal-loài khủng long lớn nhất từng được khai quật


Sau khi một nông dân tình cờ tìm thấy dấu vết xương hóa thạch tại sa mạc Argentina, tháng 5/2014, các nhà khoa học đã đào được 7 bộ xương được lưu giữ khá tốt của loài khủng long Colossal. Đây là loài khủng long ăn cỏ khổng lồ, ước nặng khoảng 77 tấn (tương đương trọng lượng của 14 con voi châu Phi). Loài này có chiều cao khoảng 20m (tương đương tòa nhà 7 tầng), và dài 40m. Đây là loài vật sống trên cạn lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay.
 


5. Phát hiện loài đầu tiên có hoạt động tình dục




Tháng 10/2014, các nghiên cứu về hóa thạch tại Úc đã xác định được động vật đầu tiên có hoạt động tình dục. Đó là loài cá có lớp vảy dày như bọc thép, sống ở Scotland cách đây 385 triệu năm. Trong hoạt động tình dục, loài cá này di chuyển giống như trong điệu nhảy square-dance (khiêu vũ 4 cặp hình vuông).
 


6. Thí nghiệm gây tranh cãi của Facebook




Tháng 7/2014, Facebook bị chỉ trích khi cho phép các nhà nghiên cứu tác động vào dữ liệu của 700.000 người dùng mà không thông báo hay có sự cho phép của họ, nhằm nghiên cứu vấn đề lan truyền cảm xúc rộng rãi trên mạng xã hội. PNAS, tạp chí xuất bản nghiên cứu này, cho rằng đây là một phương pháp tiếp cận không thể chấp nhận về mặt đạo đức trong giới nghiên cứu.
 


7. WWF cho biết con người đã giết chết một nửa số loài động vật trên Trái đất




Vào tháng 9/2014, Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tuyên bố nhân loại đã xóa sổ hơn một nửa tổng số loài động vật trên trái đất trong vòng chưa đầy 50 năm. Báo cáo này dựa trên chỉ số The Living Planet Index, theo dõi hơn10.000 loài động vật từ năm 1970 đến năm 2010. Tuy nhiên, một số nhà khoa học chưa thống nhất với tuyên bố này và cho rằng chỉ số này chưa chính xác. 
 


8. Một người đàn ông bị liệt đi lại được




Tháng 10/2014, các nhà khoa học Anh và Ba Lan công bố bệnh nhân Darek Fidyka, một người đàn ông Ba Lan bị liệt từ ngực trở xuống từ năm 2010, đã có thể đi lại được, sau khi được ghép tế bào từ khoang mũi vào tủy sống. Tế bào khứu giác được tiêm vào phía trên và dưới vết thương, và ghép vào tủy sống các mô thần kinh lấy từ mắt cá chân. Các tế bào cấy ghép kích thích tế bào tủy sống tái tạo và phát triển, cho phép bệnh nhân có thể đi lại được với sự trợ giúp của một khung đỡ.
 


9. Vụ gian lận nghiên cứu về tế bào gốc tại Nhật Bản




Tháng 1/2014, nhà nghiên cứu Haruko Obokata tại Viện RIKEN của Nhật Bản tuyên bố đã phát hiện ra một kỹ thuật đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả để tạo tế bào gốc từ các tế bào bình thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác không thể lặp lại kết quả này và bắt đầu phát sinh các nghi vấn. Obokata đã bị kết tội gian lận trong khoa học và tạp chí Nature, nơi đã in công trình của nhà nghiên cứu này đã hủy bài báo về nghiên cứu trên trong tháng 7/2014. Người hướng dẫn của cô Obokata, ông Yoshiki Sasai, đã tự tử vào tháng 8/2014.
 


10. Phân tích hài cốt vua Richard III




Bản quét 3D hài cốt mới tìm thấy năm 2013 của vua Richard III (quốc vương của Anh từ năm 1483–1485) cho thấy ông không gù mặc dù bị vẹo cột sống. Phân tích răng và xương tiết lộ chế độ ẩm thực nhiều rượu và thịt gia cầm. Cái chết của vua Richard III được xác định gây ra bởi 11 vết thương, trong đó có 9 vào đầu. Mẫu AND cũng phản ánh hậu duệ của Richard có thể sinh ra ngoài giá thú.

HOÀNG MI, STINFO số 1&2/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả