SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu: đông lạnh hồng cầu; chế tạo và ứng dụng năng lượng mặt trời; định lượng glucose, protein và creatinin, chất chống oxy hóa.



Đông lạnh hồng cầu là kỹ thuật lưu trữ hồng cầu ở độ đông lạnh sâu bằng chất bảo quản. Các chất bảo quản thông thường chỉ có thể lưu trữ hồng cầu ở nhiệt độ 2-40C trong 35-42 ngày. Sử dụng glycerol nồng độ cao có thể bảo quản hồng cầu ở -800C trong 10 năm. Khi cần, giải đông túi máu, rửa loại bỏ glycerol và sẵn sàng cho sử dụng. Đây là phương pháp hữu ích giúp cho ngân hàng máu đáp ứng được công tác đảm bảo an toàn truyền máu và yêu cầu của một ngân hàng máu hiện đại.
 

Glycerol cung cấp áp lực thẩm thấu phòng chống nước từ bên ngoài thâm nhập vào tế bào, ngăn ngừa sự tạo thành tinh thể đá, tinh thể này có thể làm hủy màng hồng cầu ở nhiệt độ lạnh âm sâu.
 

Nhóm nghiên cứu thực hiện kỹ thuật đông lạnh hồng cầu bằng dung dịch glycerol nồng độ 40%, lưu trữ ở tủ đông lạnh -800C, sử dụng máy tự động ACP 215 trong quá trình tiến hành đông lạnh và rửa loại bỏ glycerol.
 

Kết quả đã thiết lập được quy trình đông lạnh hồng cầu lưu trữ đơn vị hồng cầu Rh D(-), một số nhóm máu Rh D(+); quy trình giải đông và rửa hồng cầu. Thời gian đông lạnh 19 tháng không ảnh hưởng đến kết quả sản phẩm.
 

Thực hiện truyền trên 60 bệnh nhân với 140 túi máu trữ đông lạnh cho hiệu quả tốt. Khả năng hồi phục của hồng cầu sau truyền 24 giờ đạt > 81,69% và 48 giờ đạt 75,88%, không có biểu hiện tai biến trong và sau khi truyền hồng cầu đông lạnh.
 

Kỹ thuật đông lạnh hồng cầu rất cần thiết để lưu trữ lâu dài các túi máu có nhóm máu hiếm nhằm đáp ứng kịp thời việc điều trị cho bệnh nhân. Kết quả được ứng dụng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM và có thể chuyển giao công nghệ cho những nơi đang có nhu cầu lưu trữ cung cấp sản phẩm hồng cầu đông lạnh như Viện Quân y 103, Bệnh viện VietsovPetro.
 




Kết quả nghiên cứu đã thiết lập hai quy trình chế tạo pin mặt trời trên hai loại đế silic là semiconductor-grade silicon (SeG-Si) và solar-grade silicon (SoG-Si); chế tạo được hai sản phẩm là pin mặt trời SeG-Si tròn và SoG-Si vuông. Các tấm pin trên đế SoG-Si được đóng gói thành tấm panel pin mặt trời có kích thước 600 x 600mm với hiệu suất 13% và được sử dụng làm nguồn cấp điện cho thiết bị đèn LED chiếu sáng tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano.
 

Quy trình chế tạo pin mặt trời trên đế SeG-Si có ưu điểm là độ sạch cao song không phù hợp cho việc sản xuất số lượng lớn. Quy trình chế tạo pin mặt trời trên đế SoG-Si được phát triển với công nghệ in màng kim loại và gia nhiệt nhanh, có thể sản xuất số lượng lớn và nhanh chóng, phù hợp với sản xuất công nghiệp.
 

Nhóm nghiên cứu cũng thành công trong việc giảm thiểu hai dạng mất mát năng lượng quang và điện trong pin mặt trời, từ đó chế tạo được pin có hiệu suất 15%; làm chủ được công nghệ chế tạo pin mặt trời trên đế silic, góp phần triển khai ứng dụng năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Hiện Phòng Thí nghiệm Công nghệ Nano đang triển khai các đề tài nghiên cứu tập trung chế tạo pin mặt trời trên các loại đế rẻ tiền hơn như pin mặt trời đa tinh thể, pin mặt trời mối nối dị thể hoặc pin mặt trời màng mỏng để giảm giá thành của pin mặt trời.
 




Trong lĩnh vực xét nghiệm sinh hóa lâm sàng hiện nay, hầu hết các phòng xét nghiệm đều sử dụng các bộ kit thử nhập từ nước ngoài. Đó là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành các xét nghiệm và làm tăng gánh nặng điều trị cho bệnh nhân.
 

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng công thức và quy trình sản xuất thử 3 bộ kit định lượng protein toàn phần, creatinin và glucose trong huyết thanh theo quy mô phòng thí nghiệm với điều kiện bảo quản bộ kit ở nhiệt độ 2 – 80C, tránh ánh sáng. Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng và thẩm định quy trình định lượng 3 bộ kit gồm độ đặc hiệu, tính tuyến tính, độ chính xác và độ đúng, miền giá trị và giới hạn phát hiện.
 

Ba bộ kit đã được kiểm tra độ ổn định bằng phương pháp theo dõi thời gian và già hóa cấp tốc, đồng thời thử nghiệm tại phòng xét nghiệm và so sánh đối chiếu với các bộ kit ngoại nhập cùng loại. Kết quả xác định các bộ kit có giá trị định lượng tương đương với các bộ kit ngoại nhập. Tính toán hiệu quả kinh tế bước đầu cho thấy, có thể sản xuất các bộ kit này trên quy mô lớn với giá thành thấp hơn nhiều so với các bộ kit ngoại nhập cùng loại hiện nay.




Chùm ngây Moringa Oleifera L. vừa là dược liệu vừa là một thực phẩm rất tốt. Ngoài khả năng thanh lọc nước và cho giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây Moringa Oleifera L. là một dược thảo quan trọng trong việc điều trị một số bệnh như kích thích tiêu hóa, sỏi thận, trĩ, sốt, đau họng, viêm phế quản, tăng huyết áp, kháng khuẩn, kháng nấm… Cây chùm ngây giàu các hợp chất có hoạt tính sinh học như nhóm flavonoid và isothiocyanate… có hoạt tính kháng sinh rất mạnh, độc tính tế bào, chống oxy hóa. 

Đề tài thực hiện nghiên cứu phân lập và xác định cấu trúc các hợp chất từ lá cây chùm ngây trồng tại Việt Nam và thử nghiệm hoạt tính chống oxy hóa của các hợp chất từ lá cây chùm ngây.
 

Từ 5 kg bột lá khô cây chùm ngây thu hái tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, nhóm nghiên cứu đã điều chế được các cao EtOH (ethanol) toàn phần, hexane, CHCl3, EtOAc (ethyl acetate) và nước. Từ cao chiết, nhóm nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc của 12 hợp chất tinh khiết. Trong đó, hợp chất MO8 (moringaside) là chất mới lần đầu tiên công bố trên thế giới; các hợp chất MO1[(+)-dehydrovomifoliol], MO2 (loliolide), MO6 [1-0-(4-hydroxymethylphennyl)-α-L-rhamnopyranoside], MO9 (adenosine), MO12 (benzyl-7-O-β-D-glucopyranoside) là chất mới lần đầu tiên tìm thấy trong chi Moringa. 


Thử nghiệm hoạt tính chống oxy hóa các cao chiết và các chất phân lập được bằng phương pháp DPPH và MDA cho thấy, 4 hợp chất có hoạt tính ở phương pháp thử DPPH là MO4 (isoquercitrin), MO5 (p-hydroxybenzaldehyde), MO10 (vanillin), MO17 [4-(α-L-Rhamnopyranosyloxy)-benzaldehyde và niazirin] và 2 hợp chất thể hiện hoạt tính ở phương pháp MDA là MO4 (isoquercitrin) và MO17 [4-(α-L-Rhamnopyranosyloxy)-benzaldehyde và niazirin]. Đặc biệt, hợp chất isoquercitrin thể hiện hoạt tính mạnh trên cả hai phương pháp.
 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích một số chỉ tiêu hóa lý trong bột lá khô cây chùm ngây và xác định hàm lượng flavonoid toàn phần; xác định hàm lượng chất chính trong lá chùm ngây là isoquercitrin (chiếm khoảng 0,022% theo kết quả định lượng bằng phương pháp HPLC). Kết quả nghiên cứu này đóng góp thêm những cơ sở khoa học để tiến tới khẳng định giá trị sử dụng về mặt dược dụng của cây thuốc vốn lâu nay chỉ được sử dụng như một loại dinh dưỡng bổ sung đạm và khoáng chất. Tuy nhiên cần có thêm những nghiên cứu về mặt hóa học cũng như một số hoạt tính khác của cây chùm ngây như kháng khuẩn, kháng nấm, độc tế bào, hạ đường huyết, giảm mỡ máu, bảo vệ gan…


Bích Vân, STINFO Số 3/2013
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả