SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu: công nghệ và thiết bị sấy phấn hoa; sản xuất gạch lát vỉa hè và màng sinh học từ cellulose

Đăng nhập để xem toàn văn (94 trang) 

Phấn hoa là nguồn thức ăn chính cung cấp các nhu cầu về protein, chất béo, vitamin, nguyên tố vi lượng và các chất dinh dưỡng khác cho đàn ong. Phấn hoa còn là loại thực phẩm chức năng rất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, hoạt lực của phấn hoa cao hay thấp còn phụ thuộc vào sự tác động của yếu tố môi trường trong quá trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản.
 

Ở những nước tiên tiến như Mỹ, Pháp,... phấn hoa sau thu hoạch thường được bảo quản bằng công nghệ đông khô nên vẫn giữ được tươi, chất lượng rất tốt, giá thành cao hơn so với các loại phấn hoa sấy khô.
 

Việt Nam có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong mật. Với gần 900 ngàn đàn ong hiện có, sản lượng phấn hoa hàng năm ước đạt 900 đến 1.000 tấn. Tuy nhiên, cách sơ chế và bảo quản chưa tốt nên thành phần dinh dưỡng trong phấn hoa giảm đáng kể, vì vậy hơn 80% phấn hoa được dùng cho ong ăn lại, còn 20% phục vụ tiêu dùng.
 

Đề tài nghiên cứu công nghệ và thiết bị sấy phấn hoa theo nguyên lý sấy chân không năng suất 10 kg/mẻ nhằm tăng hiệu quả sấy và chất lượng phấn hoa.
 

Máy sấy phấn hoa được tính toán, thiết kế và chế tạo theo nguyên lý sấy chân không cấp nhiệt bằng vi sóng năng suất 10 kg/mẻ. Phấn hoa sau khi sấy giữ được chất lượng dinh dưỡng, màu sắc, mùi vị, hàm lượng vitamin C và hoạt chất chống oxy hóa tốt hơn hẳn các mẫu phấn hoa được làm khô bằng phơi nắng; ẩm độ phấn hoa sau sấy ≤ 10%. Kết quả nghiên cứu cũng xây dựng phương trình hồi quy mô tả ảnh hưởng của nhiệt độ sấy và độ dày của lớp phấn hoa trên khay sấy đến tỷ lệ hàm lượng vitamin C của phấn hoa sau khi sấy so với hàm lượng vitamin C có trong mẫu phấn hoa ban đầu và chi phí điện năng riêng cho sấy; xác định các thông số tối ưu và các chỉ tiêu tối ưu của máy sấy.
 

Máy sấy được chế tạo hoạt động ổn định, khắc phục được các nhược điểm của máy sấy phấn hoa chân không gia nhiệt bằng điện trở. Quy trình sấy đơn giản, phù hợp với quy mô sản xuất nông hộ và các cơ sở sản xuất nhỏ. Máy có thể triển khai ứng dụng trong thực tế sản xuất, góp phần tăng chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất phấn hoa, thúc đẩy phát triển ngành ong mật, phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.


 

Hiện nay, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều nhà máy thép đi vào hoạt động, khối lượng xỉ lò từ quá trình luyện thép và xỉ sắt từ quá trình cán khoảng 900 tấn/ngày. Sử dụng xỉ thải làm cốt liệu cho bê tông rỗng góp phần giải quyết gánh nặng về xử lý môi trường cho các công ty luyện gang thép, đồng thời tận dụng được phế phẩm công nghiệp tạo ra các sản phẩm gạch bê tông rỗng phục vụ đời sống.
 

Đề tài thực hiện nhằm nghiên cứu công nghệ sản xuất gạch lát vỉa hè tận dụng xỉ thải từ các nhà máy thép để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.
 

Kết quả nghiên cứu đã tạo được gạch bê tông rỗng sử dụng xỉ sắt làm cốt liệu có khả năng thoát nước tốt, độ rỗng 18 đến 30% tương ứng với hệ số thấm 1,2 đến 2,5 cm/s, đáp ứng được yêu cầu về cường độ và độ bền ứng dụng vào các công trình xây dựng như công viên, bãi đậu xe, quảng trường, các sảnh nhà hàng khách sạn lớn, sân gôn, sân tennis… Ngoài ra, gạch bê tông rỗng có thể trồng cỏ trên bề mặt góp phần tạo cảnh quan xanh và cải thiện chất lượng môi trường.
 

Khả năng làm việc cũng như tính chất cơ lý của gạch bê tông rỗng đối với các kích thước cỡ hạt khác nhau có sự khác biệt về cường độ, độ rỗng, hệ số thấm. Hạt có đường kính nhỏ thì cho cường độ cao, độ rỗng, hệ số thấm thấp; hạt có đường kính lớn thì cường độ thấp, độ rỗng, hệ số thấm cao. Cường độ phụ thuộc vào tỷ lệ các kích thước hạt phối trộn, khi phối trộn các cỡ hạt với nhau thì cường độ cao hơn so với một cỡ hạt. Cường độ đạt giá trị cao nhất (15,68 Mpa) khi phối trộn hạt 12,5 mm và 5 mm, có độ rỗng 21,9%, hệ số thấm đạt 1,1 cm/s.
 

Nghiên cứu cũng đã khảo sát các tính chất của gạch lát vỉa hè làm từ bê tông rỗng sử dụng xỉ sắt. Gạch lục giác có cường độ khoảng 200 kg/cm2 có thể ứng dụng cho các công trình xây dựng bãi đậu xe, sân bóng, sân gôn, lát vỉa hè… Gạch chữ I (gạch con sâu) có cường độ khoảng 150 kg/cm2 sử dụng cho các công trình công cộng như công viên, sân nhà phố, sảnh nhà hàng, khách sạn…
 

Từ kết quả nghiên cứu này, dây chuyền công nghệ cho nhà máy sản xuất gạch lát vỉa hè bê tông rỗng sử dụng xỉ sắt làm cốt liệu có công suất 150.000 m2/năm đã được thiết kế. Sản phẩm gạch bê tông rỗng sử dụng xỉ sắt đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đối với gạch lát vỉa theo TCVN.
 

Hiện nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ này cho các doanh nghiệp để sản xuất đại trà.


 

Các vết thương do bỏng, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp… tạo ra các thương tích nặng nề. Tiến trình lành vết thương mất da tùy thuộc nhiều vào quá trình điều trị chăm sóc vết thương. Một trong những yếu tố quan trọng của quá trình này là sử dụng các vật liệu che phủ vết thương, trong đó nhiều loại màng đã được nghiên cứu chế tạo và chứng minh hiệu quả điều trị thực tế.
 

Đề tài được thực hiện nhằm xây dựng quy trình sản xuất màng sinh học từ cellulose vi khuẩn phối hợp với hoạt chất tái sinh mô của dầu mù u và tinh dầu tràm trà úc trị tổn thương mất da quy mô 1.500 màng/lô; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và quy trình kiểm nghiệm màng; thử nghiệm lâm sàng màng sinh học giai đoạn 1 và 2 làm cơ sở cho việc điều trị tổn thương mất da bằng màng sinh học.
 

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các quy trình sản xuất màng trị bỏng acetul quy mô 1.500 màng/lô từ cellulose của vi khuẩn acetobacter xylinun, hoạt chất tái sinh mô từ dầu mù u và tinh dầu tràm trà úc. Trong đó, quy trình nuôi cấy nhân giống và lên men tạo màng BC (cellulose do vi khuẩn tạo ra) xác định được các thành phần môi trường và điều kiện nuôi cấy có thể đưa vào thực tế sản xuất. Quy trình tinh chế màng BC thô sử dụng các hóa chất thông thường, thiết bị và phương pháp đơn giản cho phép thu được màng tinh chế BC đạt tiêu chuẩn về độ tinh khiết, không gây kích ứng da.
 

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tá dược 7% là thích hợp tạo sản phẩm màng trị bỏng vừa có khả năng thấm hút khi phối hợp với hoạt chất tái sinh mô và tinh dầu tràm trà úc đồng thời vẫn giữ được tính hút nước và giữ ẩm tốt. Chế phẩm màng acetul có nhiều ưu điểm như có khả năng che phủ tốt, cản khuẩn 100%, đặc biệt bám dính vào vết thương giúp vết thương mau lành. Việc sử dụng đơn giản, dễ dàng lấy màng ra khỏi bao bì, dễ dàng lấy màng ra khỏi vết thương… Màng có tính ổn định trong điều kiện bảo quản ở nhiệt độ phòng, đạt tiêu chuẩn cơ sở, hạn dùng 24 tháng, các hoạt chất và đặc tính vẫn trong tình trạng tốt.
 

Sản phẩm đã được dùng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 tại Viện Bỏng Quốc gia Hà Nội cho kết quả khả quan với tác dụng tương đương băng nano bạc là một màng có tính sát khuẩn mạnh nhập ngoại. Các quy trình đóng gói và tiệt trùng màng acetul đảm bảo độ vô trùng theo quy định của Dược điển trong thời gian bảo quản. Kết quả nghiên cứu này có thể triển khai sản xuất màng acetul để đưa ra thị trường.
 

Bích Vân, STINFO Số 12/2012

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả