SpStinet - vwpChiTiet

 

NẤU CƠM: từ công nghệ nhiệt đến công nghệ cao tần

Nồi nấu cơm, vật dụng đơn giản nhưng được cải tiến liên tục với nhiều công nghệ tiên tiến.
 

Hơn nữa thế kỷ phát triển
 

Năm 1945, nồi cơm điện (NCĐ) đầu tiên xuất hiện do Tập đoàn Mitsubishi, Nhật Bản sản xuất. Lúc đó, thiết kế của NCĐ rất đơn giản, chỉ có một mâm nhiệt có khả năng tự động tắt khi nhiệt độ đạt đến một mức nhất định để thực hiện việc đun nước và gạo tới một nhiệt độ định trước và người sử dụng phải chú ý theo dõi từ khi bật công tắc điện đến khi cơm chín. Do đó, nồi cơm điện vẫn chưa thực sự phổ biến vào giai đoạn này.

Năm 1956, Công ty Toshiba giới thiệu NCĐ mới có hai lớp: ruột nồi và lớp cách điện. Nhờ đó, nhiệt độ được giữ ổn định trong suốt quá trình nấu và an toàn sử dụng. Ngoài ra, NCĐ có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động tắt nguồn khi cơm chín. Sáng chế này đã làm bùng nổ thị trường NCĐ, Toshiba vào thời điểm đó bán được đến 200.000 NCĐ mỗi tháng chỉ với thị trường Nhật Bản. Trong vòng bốn năm, ít nhất 50% gia đình Nhật Bản sử dụng loại NCĐ này của Toshiba.
 

Nồi nấu cơm bằng khí đốt tự động đầu tiên được sáng chế vào năm 1986 bởi Công ty Điện và Khí đốt Kema. Sản phẩm này về sau đã trở thành sản phẩm chủ lực và tạo nên tên tuổi cho công ty này. Cấu tạo của nồi bao gồm một nồi nấu bên trong, lớp bọc bên ngoài, mâm hấp thu nhiệt của bếp gas bên dưới, cảm biến nhiệt, bảng điều khiển. Cảm biến nhiệt sẽ kích hoạt và tự động tắt bếp, dừng cung cấp nhiệt cho nồi khi đã đạt nhiệt độ mong muốn. Loại nồi này thích hợp khi cần nấu cơm với số lượng lớn hoặc tại nơi không có nguồn điện dồi dào.
 

Nồi cơm nấu bằng lò vi sóng được đề cập lần đầu tiên vào năm 1989, trong sáng chế số US 4853509, do Công ty Hairo Kabushiki Kaisa đăng ký.
 

Đây là một trong những sáng tạo về nồi nấu cơm khi cấu tạo hoàn toàn không có mâm nhiệt, không dây hoặc các nút điều khiển. Thay vào đó, cần có một lò vi sóng và nồi nấu được làm từ một chất liệu đặc biệt để có thể nung nóng trong lò vi sóng đến một nhiệt độ đủ cao để đun sôi gạo. Khi nhiệt độ tăng, áp lực được tạo ra bên trong nồi và gạo được nấu chín nhanh hơn. Với loại nồi này, nhiệt độ phân bố khắp nồi, từ đáy đến thành nồi, làm cho quá trình nấu diễn ra nhanh chóng và cơm ngon. Tuy nhiên, công suất nấu của nồi khá thấp, chỉ khoảng 600g gạo.

 

Năm 2003, công ty Matsushita đã phát triển một loại nồi cơm điện sử dụng hơi nước ở nhiệt độ cao (130 độ C) để nấu cơm nhằm giữ được vị ngọt và mùi hương tự nhiên của gạo.
 

Hiện nay, ít người biết rằng NCĐ thế hệ mới đã sử dụng công nghệ làm nóng bằng từ trường để nấu, gọi là NCĐ cao tần hay nồi cảm ứng từ. Ruột NCĐ cao tần thường được cấu tạo bằng nhiều lớp kim loại khác nhau như nhôm, đồng, thép,..., nhằm đảm bảo việc tạo ra từ trường, truyền nhiệt tốt và chống dính. Từ trường được tạo ra khi dòng điện chạy qua các cuộn dây bằng đồng ở bên dưới của NCĐ và lớp bên ngoài của ruột nồi bằng thép không rỉ để tương tác với từ trường được tạo ra và sinh nhiệt cho nồi nấu. Lớp trong cùng của ruột nồi bằng nhôm có phủ lớp chống dính. Ngoài ra còn có bộ phận cảm biến nhiệt và rơle, khi đủ nhiệt độ, rơle nhiệt sẽ ngắt điện bộ phận phát nhiệt, khi nhiệt độ xuống đến giới hạn nhất định, rơle sẽ tiếp tục cho điện vào bộ phận phát nhiệt, giúp tiết kiệm điện.

Lợi thế của NCĐ cao tần:
 

- Nhiệt độ phân bố ở toàn bộ diện tích nồi nấu, giúp cơm chín đều.
 

- Có thể thay đổi nhiệt độ nồi nấu ngay lập tức bằng cách tăng cường hoặc làm suy yếu từ trường xung quanh nồi.
 

- Do nấu bằng cảm biến nhiệt nên có thể điều chỉnh nhiệt độ chính xác hơn.
 
Kết quả nhiệt phân bố đồng đều và chính xác giúp cơm chín hoàn hảo và nấu nhanh. Ngay cả trong trường hợp nấu cho quá nhiều hoặc ít nước, nhiệt độ nồi sẽ được tự động điều chỉnh thích hợp để cơm chín không quá nhão hay quá khô như khi nấu bằng nồi thường.
 

Thế hệ NCĐ nấu cao tần mới nhất còn có cuộn cảm ứng ngay trên nắp nồi, để nồi nấu được gia nhiệt cao, đồng đều cả trên và dưới. Ngoài ra, NCĐ cao tần có thể nấu các loại thực phẩm khác như nấu canh, món hầm, nướng bánh mì, bánh bông lan, hấp thịt, luộc rau… Một số nhà sản xuất còn đưa ra thị trường NCĐ có thêm chức năng làm sữa chua hoặc đậu hũ.
 

Không dừng lại, NCĐ còn được nghiên cứu sử dụng hơi nước tạo áp suất cao trong quá trình nấu để hạt gạo chín đồng nhất, hấp thụ nước tốt và cơm trở nên dẻo và ngon hơn.
 

Dù có rất nhiều loại nồi nấu cơm khác nhau, nhưng có lẽ không có loại nồi nào phổ biến rộng rãi và phong phú như NCĐ. Ứng dụng các công nghệ hiện đại, NCĐ có thêm nhiều chức năng như: hẹn giờ giúp cho người dùng có thể vo gạo cho vào nồi trước khi đi ngủ và sẽ được ăn cơm vừa mới chín tới vào sáng hôm sau, hay NCĐ được trang bị một chip siêu nhỏ cho phép nấu ăn theo thời gian và nhiệt độ tối ưu phù hợp với các loại gạo khác nhau như gạo lức, gạo trắng, gạo xốp, gạo dẻo…. Với công nghệ này, NCĐ đã được lập trình sẵn để có nhiều chế độ nấu không những thích ứng với nhiều loại gạo và còn biết nấu cả những loại thực phẩm khác như cháo, các món hấp, luộc...
 

Có thể nói, NCĐ ngày nay đã phát triển thành một công cụ nấu ăn đa dụng, và khi con người vẫn còn phải ăn để sống thì cuộc chạy đua công nghệ để phát triển NCĐ vẫn sẽ tiếp tục.
 

Phát triển nồi cơm điện qua đăng ký sáng chế 
 

Qua dữ liệu sáng chế (SC) tiếp cận được, trên thế giới hiện có 6.648 SC về NCĐ. Trong đó, NCĐ cao tần chỉ có 122 SC, đây là công nghệ mới được áp dụng cho NCĐ nhưng hứa hẹn thành công về thương mại. Thời gian 1994-2009, lượng SC về NCĐ được đăng ký nhiều, bình quân hơn 300 SC/năm.
 

Công ty phát triển nhiều nghiên cứu về NCĐ trên thế giới là Matsushita Electric Industrial, sở hữu đến 1.520 SC về NCĐ, đứng thứ hai là Mitsubishi Electric Corp: 639 SC và thứ ba là Tiger Vacuum Bottle: 470 SC.
 

Thế mạnh về nghiên cứu phát triển và thị trường công nghệ NCĐ thì Nhật Bản đang dẫn đầu, có 4.520 SC, chiếm đến 68% số SC về NCĐ trên thế giới, với những công nghệ hiện đại như công nghệ đun nóng bằng từ trường, công nghệ sử dụng áp lực chân không, công nghệ vật liệu mới cho nồi nấu… Hướng nghiên cứu về NCĐ tại Nhật chú trọng vào việc làm sao để giữ được dinh dưỡng và hương vị của hạt gạo. Đăng ký SC tại các quốc gia khác như Hàn Quốc có 1097 SC, Trung Quốc: 838 SC, các SC ở đây tập trung vào công nghệ vật liệu nồi, công nghệ điều khiển nhiệt độ và thời gian…

 

Trên thị trường, hầu hết các sản phẩm NCĐ được sản xuất ở các nước châu Á như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam,..., do các nước này sử dụng gạo là thực phẩm chính. Các thương hiệu châu Á nổi bật trong lĩnh vực này có Zojirushi, Sanyo, Tiger, Toshiba, Sharp... Trong khi đó các thương hiệu quen thuộc của Mỹ có Aroma, Black & Decker, Panasonic….
 



Hiện nay, đã có một số công ty Việt Nam phát triển các loại NCĐ mang thương hiệu của mình như HappyCook, Goldsun, Sunhouse... Tuy nhiên các hãng này vẫn đang sản xuất các loại NCĐ kiểu cũ chứ chưa sản xuất loại NCĐ công nghệ mới. NCĐ điện cao tần hiện có ở Việt Nam là hàng nhập từ nước ngoài, của các hãng như Panasonic, Hitachi, Toshiba… có giá từ 1.890.000đ đến 3.190.000đ, tùy tính năng.



 

Theo bà Kim Hiền, đại diện bán hàng tại siêu thị điện máy Thiên Hòa thì tùy vào nhu cầu sử dụng để chọn loại NCĐ. Nếu có nhu cầu đơn giản thì nên mua loại nồi cơm điện thông thường còn nếu có nhu cầu đa dạng như nấu canh, nấu cháo, nấu cơm thì nên mua lại nồi cơm điện cao tần. Độ bền của hai loại nồi này là tương đương nhau theo kinh nghiệm bảo hành của Thiên Hòa. Doanh số hiện nay tại Thiên Hòa đối với mặt hàng NCĐ thì có 2/3 là từ NCĐ thường và 1/3 là từ NCĐ cao tần.

Minh Hải, STINFO Số 8/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả