SpStinet - vwpChiTiet

 

Cây Lô Hội trên thế giới và ở Việt Nam

Trong xu hướng sử dụng nguồn nguyên liệu thiên nhiên để sản xuất và ứng dụng vào đời sống, chúng ta thấy thực vật được đặc biệt chú ý nghiên cứu vì đặc tính tự nhiên, ít gây tác dụng phụ của chúng. Cây Lô Hội cũng là một loại thực vật lành tính và có nhiều dược tính hữu ích. Cây có nguồn gốc từ Bắc Phi với tên khoa học là Aloe vera L. (hoặc Aloe barbadensis Mill); ở Việt Nam cây còn được gọi là Nha đam, Lưỡi hổ, Long thủ ...

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy cây Lô Hội có rất nhiều tác dụng như: trị vết thương, ngăn ngừa và chữa bệnh, làm thức uống, dưỡng da, dầu gội,… Do vậy ngày nay cây Lô Hội được sử dụng để làm nguyên liệu chế biến các loại mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm rất hữu dụng và bổ ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các sản phẩm Lô Hội phụ thuộc vào độ tinh khiết của sản phẩm cũng như phương pháp sản xuất và cách bảo quản. Chúng ta đã biết rằng trong quá trình chế biến, việc làm khô phần ruột lá Lô Hội để làm thành dạng bột sẽ làm mất đi hầu hết các đặc tính y học của nó, do đó để duy trì được các đặc tính có lợi này trong một thời gian dài thì các sản phẩm này phải được giữ ổn định về mặt hóa học. Đây là một công việc khá phức tạp, khó khăn và chính điều này đã thôi thúc các nhà khoa học trên thế giới tập trung vào nghiên cứu.
Nhận thức được tính hữu ích của cây Lô Hội, các nhà nghiên cứu đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm cách thức để trích ly, bảo quản nhằm hạn chế tối đa sự thay đổi phẩm chất của chất gel trong cây Lô Hội.
Đầu tiên là hai sáng chế được đăng ký ở Mỹ vào năm 1975:
Sáng chế US3892853 – Stabilized aloe vera gel and preparation of same - Ổn định chất gel trong Aloe vera và quá trình sản xuất của Cobble Henry H., tác giả đã nghiên cứu quá trình làm ổn định chất Gel từ lá để tìm cách bảo quản lâu bền hoạt tính chữa bệnh trong gel tươi.
Sáng chế US3878197 – Process for preparing extracts of aloe vera - Quá trình chiết xuất từ cây Lô Hội của Maret Ray H., tác giả tìm hiểu quá trình trích và làm ổn định dịch nước từ lá cây Lô Hội, chất gel được lấy bằng cách cắt bỏ vỏ và lớp aloin từ lá, được xử lý bằng tia cực tím ở nhiệt độ môi trường để sản phẩm trích ly ổn định về mặt hóa học và giữ được đặc tính như nước Lô Hội tươi.
Đến năm 1985, tác giả Tumlinson Larry N (US4555987) đã nghiên cứu thiết bị trích xuất chất gel tinh khiết từ cây Lô Hội. Lá cây Lô Hội sau khi thu hoạch được đặt giữa cặp dây cua roa chuyển động liên tục qua nhiều con lăn cán được sắp xếp theo khuôn mẫu định trước. Những con lăn cán này vừa nghiền vừa đẩy chất gel ra khỏi lá, sau đó được đưa vào lọc. Vỉ lọc được đặt nghiêng nhằm mục đích cho lá cây di chuyển từ từ qua nhằm hứng chất gel rơi xuống, sau đó lá cây này bị đẩy ra khỏi khu vực thu gom chất gel trước khi gel bị nhiễm bẩn bởi aloin từ lá.
Trong những năm sau đó, từ những nghiên cứu cách thức để giữ ổn định chất gel được trích xuất từ cây Lô Hội, các nhà khoa học đã từng bước nghiên cứu để sản xuất chất gel theo hướng công nghiệp hóa và tinh khiết hơn.
Những năm tiếp theo, lượng sáng chế tăng lên đáng kể, năm 2002 với 38 sáng chế, 2003 với 40 sáng chế…. Trong giai đoạn này các nghiên cứu cũng khá đa dạng, các nhà khoa học của các nước (Mỹ, Nhật, …) tiếp tục nghiên cứu việc làm ổn định chất gel và ứng dụng tính mát, tính mềm mại của cây Lô Hội để sản xuất găng tay, giày dép, … Bên cạnh đó, cây Lô Hội còn được dùng làm thức uống: nước ép, nước giải khát… Và cho đến nay, để thương mại hóa các sản phẩm của cây Lô Hội, các nhà nghiên cứu đã từng bước đi sâu vào phương thức tạo ra sản phẩm cho đời sống: thức uống (sáng chế ES2298003), mỹ phẩm (WO2008051080), găng tay (US2004115250), thuốc trừ sâu (US2008125320) và thậm chí cả phương pháp trồng cây Lô Hội (WO2008007389),…
Ngày nay với công nghệ phát triển của thế giới, cây Lô Hội đã trở nên phổ biến hơn. Để sản xuất các sản phẩm từ cây Lô Hội có tính thương mại thì đòi hỏi phải có công nghệ cao trong việc tách chiết và bảo quản chất gel, việc này các nhà khoa học đã nghiên cứu, vấn đề còn lại là làm sao để đưa các công nghệ đó vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang đầy đủ các tính năng hữu ích của loài cây này? Nhưng trước hết chúng ta phải đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.
Ở nước ta, Lô Hội cũng đã được biết đến từ rất lâu nhưng chỉ làm cây cảnh và dùng để chữa một số bệnh thông thường ngoài da. Kỹ sư Lê Đình Chức đã nghiên cứu kỹ thuật trồng cây Lô Hội, nêu rõ quy trình từ chọn giống, làm đất, kỹ thuật trồng đến chăm sóc và phòng trừ sâu hại cho cây nhằm đạt được năng suất cao. Cây Lô Hội rất thích hợp trồng ở vùng có khí hậu nóng và không ngập nước, phát triển mạnh ở dạng đất cát và đất pha cát ven biển. Tuy nhiên, cũng có thể trồng Lô Hội trên các loại đất khác, nơi những cây trồng khác kém hiệu quả, như đất hơi kiềm, đất chua, đất sét. Cây đã được trồng nhiều ở Ninh Thuận và một số vùng đất Bình Dương như Tân An … Khi trồng cây Lô Hội, nông dân không phải đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật chăm sóc đơn giản và trồng một lần có thể thu hái lâu dài, mang lại hiệu quả rất cao.
Dù vậy, điều mà người nông dân lo lắng là khi diện tích trồng ngày càng được nhân rộng thì tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm là rất khó và ước ao có một thị trường tiêu thụ tàu lá Lô Hội. Các nhà khoa học Việt Nam bước đầu đã nghiên cứu một số công nghệ, góp phần giải quyết những khó khăn cho người trồng. Một số kết quả có thể kể đến như:
– Công nghệ sản xuất các chế phẩm thực dưỡng từ cây Nha đam (Lô Hội) Aloe vera, sản phẩm của Công ty TNHH Sức Khỏe Vàng, năm 2003.
– Công nghệ và thiết bị sản xuất thực phẩm bảo kiện và dược phẩm, mỹ phẩm từ cây Nha đam (Lô Hội) Aloe vera Barbadensis, sản phẩm của Công ty TNHH Sức Khỏe Vàng, năm 2006.
– Tác giả Nguyễn Phú Kiều cũng nghiên cứu ứng dụng dược tính của Lô Hội trong y học: Vegakiss dùng để điều trị HIV/AIDS từ cây Trà hoa Dormoy và cây Lô Hội, năm 2006.
Với lợi thế về địa lý và khí hậu ở nước ta, chúng ta có thể phát triển vườn cây Lô Hội theo hướng công nghiệp, mặt khác cũng cần hỗ trợ các nhà khoa học trong các nghiên cứu tạo ra các máy móc thiết bị, các quy trình công nghệ để chiết xuất các chất có ích cho chế biến sản phẩm và xuất khẩu.
Nguyễn Hà