SpStinet - vwpChiTiet

 

Ức chế tyrosinase một cách hiệu quả, không gây hại cho cơ thể

Hỏi: Được biết tyrosinase là một trong những enzyme có tác dụng tổng hợp ra melanin tạo sắc tố da. Nếu cơ thể thiếu hoàn toàn tyrosinase sẽ mắc bệnh bạch tạng; còn nếu quá dư tyrosinase sẽ làm da đen, sạm và nám; trong khi đó, tyrosinase dễ hoạt hóa mạnh dưới tia UV (cực tím) trong ánh nắng mặt trời. Xin hỏi trong thiên nhiên có chất gì làm ức chế tyrosinase một cách hiệu quả, không gây hại cho cơ thể và công nghệ sản xuất chất đó để ứng dụng trong mỹ phẩm? (Lê Trung Kiên TP.HCM).
 

Đáp: Màu da của con người được quyết định bởi các yếu tố khác nhau, bao gồm các hoạt động sản xuất tế bào biểu bì tạo hắc tố, phân bổ mạch máu, độ dày của da, và sự tồn tại của các sắc tố cơ thể như carotenoids, bilirubin,... Trong đó, yếu tố chính quyết định màu da là sắc tố melanin, được sản xuất bởi hoạt động của nhiều loại enzyme khác nhau như tyrosinase. Melanin đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể chống lại tia UV, nhưng nếu melanin được sản xuất quá mức sẽ làm sạm, đen da và đẩy nhanh quá trình lão hóa da, thậm chí gây ung thư da. Có ba yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất melanin: yếu tố di truyền, các yếu tố sinh lý liên quan đến tiết hormone, các tác động bên ngoài như: tia UV trong ánh nắng mặt trời, môi trường ô nhiễm, tâm trạng lo âu căng thẳng, v.v…
 

Trà xanh có tên khoa học là camellia sinensis kuntze, thành phần hóa học của lá trà có tinh dầu, các dẫn xuất polyphenolic (flavonoid, catechol, tannin), alkaloid là cafein, theophyllin, theobromin, xanthin, và các vitamin C, B1, B2, B3. Các flavonoid trong trà xanh có hoạt tính mạnh ức chế tyrosinase, chống lại quá trình tổng hợp melanin. 
 

Qua các nghiên cứu được lặp lại nhiều lần trên các chất có tác dụng ức chế tyrosinase hiệu quả, các khoa học Hàn Quốc đã phát hiện ra rằng chất chiết xuất từ lá trà xanh bằng phương pháp chiết xuất nước nóng và được lên men với chủng nấm mốc aspergillus oryzae có hiệu quả ức chế tyrosinase rất tốt. Nghiên cứu về thành phần để làm trắng da chiết xuất từ lá trà xanh của nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã được đăng ký bảo hộ tại Mỹ trong sáng chế số US201200087.
 

Phương pháp tạo chất chiết xuất lá trà xanh lên men gồm các bước sau:
 

Bước 1: chiết dịch từ lá trà xanh
 

200g lá trà xanh được ngâm trong 2 lít nước ion hóa, hỗn hợp dung dịch lá trà xanh được chiết xuất nước nóng trong 3 giờ ở nhiệt độ từ 60 độ C đến 90 độ C; nếu nhiệt độ dưới 60 độ C, hiệu quả chiết xuất thấp, còn trên 90 độ C sẽ làm cho chất chiết không ổn định; nhiệt độ tối ưu theo sáng chế là 80 độC. Sau đó, dịch chiết được để nguội tự nhiên và được điều chỉnh độ pH là 3,5 bằng acid lactic.
 

Bước 2: tạo môi trường nuôi cấy
 

Tạo môi trường nuôi cấy từ sucrose 22,5% và 1% dịch chiết nấm men, sử dụng acid lactic để điều chỉnh độ pH là 3. Sau đó tiệt trùng ở 121 độ C trong 1 giờ.
 

Bước 3: lên men dịch chiết trà xanh
 

Cho từng 150ml dịch chiết trà xanh vào môi trường nuôi cấy, cấy từng mẻ nấm mốc aspergillus oryzae, cho quá trình lên men ở 30 độ C. Lượng aspergillus oryzae được sử dụng tốt nhất là 105 đến 107 sinh vật/1gram trong mỗi mẻ và ít hơn 106 sinh vật/1gram ở mẻ cuối cùng. Nếu trong mỗi mẻ, lượng nấm mốc ít hơn 105 sinh vật/1gram sẽ lên men không đạt, còn lượng nấm mốc nhiều hơn 107 sinh vật/1gram sẽ bị nhiễm bẩn bởi các vi sinh vật không mong muốn khác.
 

Dung dịch lên men thu được đem rửa bằng thiết bị rửa siêu âm trong 10 phút, lọc bằng khoáng chất celite. Dịch sau lọc thu được cho vào ống falcon 50ml đem trữ lạnh để sử dụng trong mỹ phẩm.
 

Ngoài ra, trong sáng chế này, các nhà nghiên cứu còn thực hiện những thí nghiệm so sánh như thay thế chủng nấm aspergillus oryzae bằng các chủng khác như nấm men (saccharomyces cerevisiae), B. subtilis (bacillus subtilis), vi khuẩn axit lactic (lactobacillus bulgaricus delbrueckii spp.) để theo dõi hiệu quả ức chế hoạt động của tyrosinase có phụ thuộc vào vi sinh vật lên men hay không. Kết quả là dịch chiết từ lá trà xanh được lên men bằng aspergillus oryzae có tác dụng ức chế tyrosinase cao hơn.
 

Công thức tạo dịch chiết lá trà xanh lên men theo sáng chế này có thể ứng dụng vào nhiều loại mỹ phẩm như nước toner (làm đẹp da), kem thoa mặt, kem massage, nước hoa, mặt nạ dưỡng da, son môi, phấn trang điểm, phấn nền, kem dưỡng da, thuốc mỡ, sữa rửa mặt, xà bông,... Bảng bên là một số công thức làm mỹ phẩm từ chất chiết lá trà xanh lên men.
 

STINFO Số 11/2012


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả