SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế về phòng và chữa cháy

 

Hệ thống chữa cháy trong đường hầm
 

Số bằng sáng chế: 1-0004898; cấp ngày: 02/01/2013 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Demole, Frederic, Jean-Pierre; địa chỉ: 20 Yoidodong, Youngdungpogu, Seoul 150-721, Republic of Korea.
 

Sáng chế đề cập đến hệ thống chữa cháy trong đường hầm có kết cấu gồm: 
 

• Ống dẫn (11): để dẫn chất lỏng chữa cháy. 
 

• Máng (12) kéo dài song song với ống dẫn (11) để chứa chất lỏng từ ống dẫn. Máng có nhiều vách ngăn, mỗi ngăn có cảm biến để xác định lượng chất lỏng có ở mức quy định hay không.
 

• Ống nạp (26) hút chất lỏng từ máng (12).
 

• Bàn trượt (27) đỡ bơm có vòi phun (25), dịch chuyển theo gờ trên (19) của máng (12).
 

• Camera ghi hình (33) lắp trên ống bơm.
 

Các bộ phận trên có thể được điều khiển từ xa, quy trình lắp ghép đơn giản, thuận tiện cho việc chữa cháy trong các công trình hầm, ngầm. Camera ghi hình giúp nhân viên cứu hỏa có thể theo dõi và điều khiển quá trình chữa cháy từ xa.
 

 

Cửa và khung cửa chống cháy
 

Số công bố đơn: 31094; ngày nộp đơn: 14/06/2012 tại Việt Nam; tác giả và người nộp đơn: Park Gap Hwan; địa chỉ: 406-2001, Koaroo Apt., 1611-2, Jinyeong-ri, Jinyeong-eup, Gimhae-si, Gyeongsangnam-do 621-807, Republic of Korea.
 

Cửa chống cháy có kết cấu gồm: phần chứa nước, rãnh, vật liệu trương nở, cửa nạp, và nhiều lỗ cấp nước.
 

• Phần chứa nước: giữ nước bên trong.
 

• Rãnh (12): được tạo ra dọc theo cạnh của cửa chống cháy.
 

• Vật liệu trương nở (15): được chèn vào trong rãnh dọc theo cạnh của cửa chống cháy.
 

• Cửa nạp (17): được bố trí tại phần dưới để cấp nước vào phần chứa nước.
 

• Các lỗ cấp nước (23): được bố trí dọc theo rãnh, giữa phần chứa nước và vật liệu trương nở. Nhờ các lỗ cấp nước, nước từ phần chứa nước có thể đến vật liệu trương nở.
 

Khi hấp thu nước, vật liệu trương nở sẽ nở ra, bịt kín khe hở giữa khung cửa và cửa chống cháy, ngăn không cho khói tràn vào phòng.
 

 

Vòi phun đa năng của thiết bị chữa cháy
 

Số bằng sáng chế: 2-0000973; cấp ngày: 24/04/2012 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Huỳnh Hữu Phước; địa chỉ: 25C/6 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. HCM
 

Kết cấu vòi phun theo sáng chế gồm: 
 


• Ống phun nước (1), ống phun khí CO2 (2) và ống phun bột AB (6). Các ống phun khí (2) và phun bột AB (6) đặt về hai phía bên trong lòng ống phun nước (1), đối xứng với nhau qua trục của ống phun nước.
 

• Chi tiết trung gian (4) cung cấp nước; ống dẫn khí CO2 (5) cung cấp khí và ống dẫn bột AB (7) cung cấp bột AB sao cho nước, khí CO2 và bột AB được dẫn vào các ống phun riêng biệt.
 

Vòi phun có thể phun theo nhiều cách để khống chế loại đám cháy khác nhau:
 

• Phun độc lập: nước, hoặc khí CO2, hoặc bột chữa cháy AB.
 

• Phun kết hợp: nước - khí CO2; nước - foam (bọt xốp chữa cháy; tạo thành từ bột, nước và không khí); nước - bột AB; nước - khí CO2 - bột AB; foam - khí CO2; foam - bột AB; foam - khí CO2 - bột AB.
 

 

Xe chữa cháy rừng đa năng

 

Số bằng sáng chế: 1-0009940; cấp ngày: 21/12/2011 tại Việt Nam; tác giả: Dương Văn Tài; chủ bằng: Trường Đại học Lâm nghiệp; địa chỉ: Thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Sáng chế đề cập đến xe chữa cháy rừng đa năng, có thể chữa cháy bằng đất. Kết cấu xe gồm:
 

• Xe cơ sở (6): có thể di chuyển trong rừng ở cả những nơi không có đường.
 

• Hệ thống chặt cây và cắt cây bụi (1) để dọn đường cho xe chạy, lắp vào xe cơ sở (6) bằng gối đỡ (5).
 

• Hệ thống làm sạch cỏ rác (12): lắp ở phía sau, liên kết với khung xe bằng khớp nối và nâng lên hạ xuống được nhờ xy lanh thủy lực (9). Hệ thống (12) này giúp tạo ra băng cách ly có chiều rộng từ 2,5-20m; nhanh chóng khoanh vùng, cô lập đám cháy với vận tốc khoảng 15km/giờ.
 

• Hệ thống chữa cháy gồm bộ phận cắt đất, hút đất và phun đất vào đám cháy để dập tắt lửa.
 

Ngoài ra, trên xe cũng có hệ thống súng phun nước. Ưu điểm của sáng chế là cho phép lấy đất cát ngay tại chỗ để dập tắt đám cháy, phù hợp những nơi khan hiếm nguồn nước.

 

Thiết bị chữa cháy có động cơ
 

Số công bố đơn: 2074; ngày nộp đơn: 20/04/2011 tại Việt Nam; tác giả: Chang Yuan Huan , Chang Ming Hua; đơn vị nộp đơn: Yue San Enterprise Co., Ltd.; địa chỉ: No. 160-8, Shan Chiao Rd., Ta Tsuan Hsiang, Changhua Hsien, Taiwan.

 

 Giải pháp hữu ích đề cập tới thiết bị chữa cháy có động cơ nằm trên bánh xe. Kết cấu thiết bị chữa cháy gồm: các bình chứa nước thứ nhất và thứ hai, bình chứa bọt và súng phun. Nhờ máy bơm và cụm dẫn động sử dụng động cơ có sẵn trên xe nên không cần mua thêm động cơ khác để lắp vào, giúp tiết kiệm chi phí.

 

Súng và đạn dùng để chữa cháy
 

Số công bố đơn: 25126; ngày nộp đơn: 14/08/2009 tại Việt Nam; tác giả và người nộp đơn: Vũ Văn Thắng; địa chỉ: 189/18/11 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. HCM.
 

Sáng chế đề cập đến việc sử dụng súng bắn ra đạn dùng để chữa cháy. Đạn có chứa một ít thuốc nổ, các ngòi nổ, chất cháy và thuốc phóng. Khi đến mục tiêu, gặp nhiệt độ cao của đám cháy hoặc va chạm mạnh, đạn sẽ nổ tung và phát tán chất chữa cháy ra xung quanh để dập tắt lửa.
 

 

Hệ thống vận chuyển chất dập lửa
 

Số bằng sáng chế: 1-0004697; cấp ngày: 12/11/2008 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Paul Edwards, Gregory Ruebusch; địa chỉ: 7-3, Kudan Minami 4-chome, Chiyoda-ku, Tokyo, Japan.
 

Sáng chế đề cập đến phương pháp ngăn chặn và dập tắt lửa bằng cách tạo bình chứa nạp đầy chất dập lửa và bắn bình vào đám cháy. Vỏ bình cũng được làm bằng vật liệu rắn có khả năng dập lửa như nước đá, carbon dioxide lỏng… không gây nguy hiểm cho người.
 

Kết cấu của thiết bị bắn chất dập lửa gồm: 

• Khoang đúc, khi được nạp đầy vật liệu làm vỏ sẽ tạo thành vỏ bình chứa theo hình dạng của khoang.
 

• Ống dẫn thứ nhất để nạp chất xúc tác làm rắn vỏ bình chứa.
 

• Ống dẫn thứ hai để nạp tác nhân dập lửa (dạng lỏng, sền sệt hoặc khí) vào trong bình chứa.
 

• Pit tông nén thứ nhất nén tác nhân dập lửa vào bình chứa.
 

Cách sử dụng: nạp đầy tác nhân dập lửa ở dạng chất sền sệt, chất lỏng hoặc chất khí bên trong bình chứa. Khi va chạm hoặc khi tiếp xúc với điều kiện môi trường của đám cháy, vỏ bình sẽ bị phá vỡ, giải phóng chất dập lửa bên trong.
 

Phương pháp theo sáng chế áp dụng cho đám cháy lớn như cháy rừng, núi,… khó kiểm soát bằng các phương tiện thông thường. Ưu điểm là có thể vận chuyển chất dập lửa đến tận tâm đám cháy và bản thân vỏ bình cũng có khả năng ngăn chặn lửa.
 

 

Đầu phun tự động của bình chửa cháy
 

Số bằng sáng chế: 2-0000736; cấp ngày: 14/10/2008 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Đỗ Thành Tích; địa chỉ: 369/131 đường Lê Thiệt, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM.
 

Giải pháp hữu ích đề cập đến đầu phun tự động của bình chữa cháy cầm tay. Kết cấu gồm:

 

• Đoạn ống hình trụ: bằng kim loại có khoét rỗng bên trong. 
 

• Một đầu ống có đường kính nhỏ hơn, có ren ngoài để bắt trực tiếp vào bình chữa cháy cầm tay thông thường.
 

• Đầu còn lại có đường kính lớn hơn và có ren trong để bắt vào một đoạn ống có khoan lỗ hình phễu sao cho phần cuống phễu nằm ở phía ngoài.
 

• Lỗ hình phễu: được trám bằng một loại keo nhiệt rắn, nóng chảy ở nhiệt độ từ 60 độ C – 75 độ C. Có thể điều chỉnh loại keo để thay đổi nhiệt độ theo yêu cầu sử dụng.
 

Khi có cháy, nhiệt độ nhanh chóng tăng lên, đến khoảng 60 – 75 độ C (hoặc nhiệt độ theo yêu cầu sử dụng), keo trám trong lỗ hình phễu sẽ mềm ra. Áp suất có sẵn của bình chữa cháy giúp đẩy keo ra ngoài và chất chữa cháy được phun theo.
 

 

Vòi phun kép tiếp xúc được với lửa
 

Số bằng sáng chế: 1-0006383; cấp ngày: 05/06/2007 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Huỳnh Hữu Phước; địa chỉ: 25C/6 Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
 

Sáng chế đề cập đến vòi phun kép của thiết bị chữa cháy, có kết cấu cải tiến với một phần tiếp xúc được với lửa. Vòi phun theo sáng chế có khả năng phun nước và phun khí CO2 cùng lúc.
 

Kết cấu gồm:
 

• Ống phun nước (1)
 

• Ống phun khí CO2 (2) được đặt bên trong ống phun nước.
 

• Ống dẫn nước (4) và ống dẫn khí CO2 (5).
 

• Chi tiết trung gian (3) giúp tách riêng nước và khí CO2 để đưa vào ống dẫn (4) và (5) thành hai đường riêng biệt.


 

MINH NHẬT, STINFO số 7/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả