SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN, TP.HCM 10/2013

 


Các rối loạn về số lượng và cấu trúc nhiễm sắc thể (NST) là nguyên nhân của 60% các trường hợp sẩy thai trong ba tháng đầu thai kỳ, 7% chết sơ sinh và 0,62% trẻ bị đa dị tật bẩm sinh, chậm phát triển thể chất, tâm thần và chết sớm. Theo các nghiên cứu gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5-3% trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh (20-40% nguyên nhân là do các rối loạn NTS). Nhằm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các rối loạn di truyền, các chương trình sàng lọc và chẩn đoán trước sinh nhằm phát hiện và can thiệp sớm ngay trong giai đoạn bào thai đã được áp dụng ở một số bệnh viện lớn trong cả nước.


Đề tài được thực hiện với 400 trường hợp thai có nguy cơ cao bị rối loạn NST đã được tầm soát phát hiện qua tiền căn sinh con dị tật bẩm sinh, xét nghiệm và siêu âm được chọc ối và chẩn đoán trước sinh NST 13, 18, 21, X, Y bằng kỹ thuật QF-PCR và so sánh kết quả với kỹ thuật tiêu chuẩn vàng là karyotype.


Kết quả nghiên cứu đã xác định được các locus STR thích hợp cho phản ứng QF-PCR để phát hiện các trường hợp lệch bội NST số 13, số 18, số 21 và NST giới tính. Các locus STR được lựa chọn cho phản ứng QF-PCR có từ 5-30 loại alen với tỷ lệ dị hợp tử cao trên 70%. Có hiện tượng vi nhân đoạn xảy ra ở 2 locus trên NST 13 là D13S742 và D13S634. Mức độ tương hợp giữa kết quả bình thường và bất thường của kỹ thuật QF-PCR với kết quả karyotype là 100%. Kỹ thuật QF-PCR có độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương, giá trị tiên đoán âm đều đạt 100%. Khả năng trả lời kết quả cho các mẫu xét nghiệm bằng QF-PCR là 99,5% với thời gian trung bình từ 36-48 giờ.


Quy trình kỹ thuật QF-PCR trên tế bào dịch ối trong chẩn đoán trước sinh rối loạn NST được xây dựng với tài liệu hướng dẫn chi tiết; các báo cáo thống kê tần suất các loại lệch bội NST, xác định tỷ lệ hiện diện của các alen và mức độ dị hợp tử của các locus STR được lựa chọn... Kết quả nghiên cứu đã đánh giá ưu điểm của kỹ thuật QF-PCR là phương pháp chẩn đoán nhanh, đơn giản, chính xác, phát hiện được hầu hết các lệch bội NST phổ biến, khả năng trả lời kết quả cho bệnh nhân đạt đến 99,5% (cao hơn so với xét nghiệm karyotype dịch ối), không có trường hợp âm tính giả hoặc dương tính giả xảy ra... Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị sử dụng QF-PCR để chẩn đoán nhanh trước sinh rối loạn số lượng NST 13, 18, 21 và NST giới tính thay thế cho karyotype trong những trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao lệch bội NST được phát hiện qua tuổi mẹ, xét nghiệm sàng lọc trước sinh hoặc có dấu chứng trên siêu âm; sử dụng phối hợp kỹ thuật QF-PCR với kỹ thuật karyotype để chẩn đoán nhanh số lượng và khảo sát cấu trúc NST trong các trường hợp thai phụ hoặc chồng mang rối loạn cấu trúc NST, thai bị đa dị tật bẩm sinh không thuộc nhóm lệch bội NST 13, 18, 21 và giới tính. 



Nấm Bunashimeji (nấm cẩm thạch) là tên gọi bằng tiếng Nhật của loài Hypsizygus marmoreus nằm trong chi Hypsizygus thuộc họ Tricholomataceae. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển nuôi trồng loài nấm này. Dự án sản xuất thử nghiệm được thực hiện nhằm hoàn thiện công nghệ nuôi trồng loài nấm Hypsizygus marmoreus chủng giống Nâu tại Đà Lạt theo hướng nội địa hóa công nghệ.


Từ 6 chủng giống nấm nhập ngoại có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, dự án đã tuyển chọn được 1 chủng giống thích hợp cho việc sản xuất thử nghiệm (chủng Hypsizygus marnoreus 06). Chủng giống này ngoài tính chất phát triển nhanh nhất so với các chủng giống khác, còn có hình dạng, kích thước phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Giống Hypsizygus marmoreus khi bảo quản trong môi trường mạt cưa và được cấy truyền sau mỗi 3 tháng cho chất lượng bảo toàn và ổn định. Hệ sợi nấm Hypsizygus marmoreus tăng trưởng trên cả 5 môi trường PGA, Malt – Agar, YMA, CYM, YMG. Tuy nhiên nấm mọc mạnh nhất trên 2 môi trường PGA và Malt-Agar.


Nguyên liệu để làm môi trường nhân giống sản xuất nấm Hypsizygus marmoreus là cùi bắp xay, hỗn hợp mạt cưa – bã mía, bã mía, mạt cưa gỗ cao su và thóc, trong đó thóc cho kết quả tốt nhất, đây là nguyên liệu tương đối rẻ tiền và dễ tìm ở Đà Lạt.
 

Các nghiên cứu về xử lý nguyên liệu cho thấy, nấm Hypsizygus marmoreus phát triển tốt trên môi trường được khử trùng, không thích hợp với nguyên liệu được xử lý bằng cách lên men. Về bao bì chứa cơ chất, dạng bao bì chai nhựa thích hợp nhất, ngoài ra cũng có thể sử dụng chai thủy tinh, hộp nhựa, và túi nhựa. Dự án đã tiến hành nuôi trồng thử nghiệm nấm Hypsizygus marmoreus trên quy mô trang trại tại Công ty Nguyên Long với nhà nuôi trồng nấm được thiết kế có thể chứa 15.000 chai/bịch phôi loại 0,8 lít. Theo tính toán bước đầu, một nhà trồng sau một đợt nuôi trồng (kéo dài 25 ngày, thu hoạch một lứa) sẽ thu được lợi nhuận 19.080.000đ.  
          Nấm Hypsizygus marmoreus


Qua dự án này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình nhà xưởng theo hướng nuôi trồng công nghệ cao để sản xuất nấm Hypsizygus marmoreus. Mô hình bao gồm phòng cấy giống, phòng ủ sợi, phòng ra quả thể và đặc biệt chú trọng khâu điều khiển nhiệt độ trong nhà nuôi trồng thu quả thể. Mô hình đang được sử dụng khá hiệu quả tại Viện Sinh học Tây Nguyên, giúp hạn chế rủi ro hơn so với nuôi trồng nấm Hypsizygus marmoreus ở điều kiện khí hậu tự nhiên. 



Hiện nay, trên địa bàn TP. HCM chỉ có 3.120 m3 nước thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mỗi ngày, trong khi tổng lượng nước thải y tế là 17.276 m3/ngày. Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trong tổng số 109 bệnh viện, trung tâm y tế mới chỉ có 79 cơ sở có trang bị hệ thống xử lý nước thải. Nhóm nghiên cứu khảo sát 22 bệnh viện cho thấy, hầu hết các bệnh viện đều xử lý chưa đạt QCVN 28:2010/BTNMT, cột B. Các hệ thống xử lý nước thải hiện hữu không đáp ứng được đầu ra đối với chỉ tiêu nitơ, đặc biệt là amonia. Mặt bằng dành cho khu xử lý tại các bệnh viện tương đối nhỏ. Bên cạnh đó, một số công nghệ xử lý hiện nay có chi phí đầu tư khá cao. Do vậy cần có một công nghệ xử lý phù hợp hơn cả về hiệu quả lẫn kinh tế.


Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thiết kế chế tạo hệ thống xử lý nước thải y tế compact công suất 2m3/ngày ứng dụng công nghệ lọc kỵ khí dòng chảy ngược đa tầng bùn (UMBR) kết hợp công nghệ sinh học màng (MBR). Hệ thống xử lý UMBR-MBR có cấu tạo cơ bản gồm thiết bị lọc rác tinh, bể UMBR, bể MBR, màng lọc và bể khử trùng. Bể UMBR hoạt động dựa trên nguyên lý kết hợp như bể nén bùn, bể phân hủy kỵ khí dòng chảy ngược UASB và bể anoxic. Nước thải sau khi qua tầng bùn được đưa qua bể sinh học màng MBR. Tại đây các quá trình nitrat hóa và quá trình phân hủy chất hữu cơ xảy ra. Nước sau xử lý được lọc qua module màng nhúng chìm. Nước đầu ra sau lọc được đưa qua bể khử trùng để loại bỏ triệt để vi khuẩn.


Đánh giá hiệu quả xử lý cho thấy, hệ thống xử lý UMBR-MBR hoàn toàn có khả năng xử lý theo tiêu chuẩn QCVN 28:2010, cột B. Đặc biệt là khả năng loại bỏ COD và nitơ rất tốt. Sau hơn hai tháng vận hành hệ thống tại Bệnh viện Bưu điện 2, thành phần tính chất nước thải đầu ra có COD dao động từ 7-8 mg/l, SS từ 0-2 mg/l, amonia 1,2 mg/l, nitrate 2,5 mg/l và phosphate 2,5-3,7 mg/l. Tuy nhiên, hệ thống nên được vận hành có bổ sung thêm hóa chất để tăng độ kiềm cho nước thải đầu vào, giúp quá trình nitrate hóa diễn ra tốt hơn.


Công nghệ xử lý kết hợp UMBR-MBR là công nghệ tiên tiến, đem lại hiệu quả xử lý cao. Trong điều kiện diện tích đất hạn chế, việc ứng dụng công nghệ này là hợp lý vì ứng dụng quá trình lắng kết hợp thiếu khí, kỵ khí và nén bùn, không cần phải xây thêm bể lắng bùn sinh học; từ đó giảm được chi phí xây dựng và thiết bị, giảm chi phí vận hành và diện tích xây dựng. Với kích thước lỗ màng 0,02µm, màng MBR có thể tách các chất rắn lơ lửng, hạt keo, vi khuẩn, một số virus và các phân tử hữu cơ kích thước lớn. Mặt khác, quy trình công nghệ này có thể kết nối giữa hệ thống với văn phòng, vì có thể điều khiển, kiểm soát quá trình từ xa, thông qua mạng internet. Hệ thống này có thể ứng dụng cho cả những công trình cao ốc văn phòng, resort.

 

Các đề tài/dự án nghiệm thu trong quý 3 năm 2013

  

BÍCH VÂN, STINFO Số 10/2013

 
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả