SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN, TP.HCM 09/2013

 

Hội chứng suy đa cơ quan sau ong đốt thường gặp trên các bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt nhiều vết hoặc bệnh nhân nhỏ tuổi. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy, độc tố ong hay nọc ong có vai trò quan trọng tác động trực tiếp lên các cơ quan trong cơ thể gây ra hội chứng suy đa cơ quan, ngoài ra độc tố ong còn kích hoạt các tế bào viêm phóng thích cytokine gây viêm, làm tổn thương các cơ quan. Do đó, việc thải trừ độc tố ong cũng như các cytokine gây viêm ra khỏi cơ thể sẽ góp phần cải thiện tỷ lệ tử vong ở các thể lâm sàng nặng có biểu hiện hội chứng suy đa cơ quan. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá kết quả áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh nhân ong đốt suy đa cơ quan thông qua sự cải thiện chức năng các cơ quan trên lâm sàng cũng như cải thiện kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và nồng độ các cytokine gây viêm trong máu sau lọc máu liên tục.


Theo đó, trong 3 năm (2007-2010), Khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 1 có 31 trường hợp trẻ (tuổi từ 21 tháng đến 15 tuổi, hầu hết đều cư ngụ tại các tỉnh) bị ong đốt tổn thương đa cơ quan. Loại ong đốt là vò vẽ (30/31 trường hợp) và ong đất 1/31 trường hợp. Đánh giá hội chứng suy đa cơ quan do ong đốt theo tiêu chuẩn Wilkinson cải tiến cho thấy, suy cơ quan gan, thận thường gặp nhất với 77,4% và 70,9%; kế đến là hệ tuần hoàn (51,6%); hệ hô hấp (38,7%), huyết học (38,7%); thần kinh (3,2%). Tất cả các trường hợp trong nghiên cứu đều biểu hiện hội chứng suy đa cơ quan, trong đó phần lớn suy 3 cơ quan (70,9%) với thể lâm sàng hay gặp là suy thận cấp + suy gan cấp + suy hệ huyết học.
 

Kết quả điều trị lọc máu liên tục đã cứu sống 28 bệnh nhân với tỷ lệ thành công 90,3%, tử vong 9,7% (3 bệnh nhân). Thời gian nằm tại Khoa Hồi sức trung bình là 10,6 ± 8,3 ngày. Lọc máu tĩnh mạch liên tục đã cải thiện tình trạng tổn thương các cơ quan. Nồng độ cytokine gây viêm như TNFα, IL1b, IL6 tăng cao trong máu ở thời điểm lúc bắt đầu lọc máu và giảm ở thời điểm 12, 24 giờ cũng như thải loại các hóa chất trung gian gây viêm qua dịch lọc.


Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, cần tuyên truyền cho người dân trong khi lao động và sinh hoạt tránh đụng chạm tổ ong, nhất là giáo dục trẻ em không được chọc phá tổ ong. Nếu bị ong đốt cần đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi xử trí sớm. Ong vò vẽ và ong đất đốt thường gây biến chứng nặng trên nhiều cơ quan, nhân viên y tế nhận bệnh cần đánh giá toàn diện bệnh nhân ong đốt, xem xét tất cả các cơ quan có tổn thương; bệnh nhân ong đốt có suy đa cơ quan cần phải được chỉ định lọc máu liên tục sớm nhất có thể...
 

 

Hiện nay nhu cầu nghiên cứu các cây dược thảo cũng như chọn lọc, cung cấp cây dược liệu ngày càng phát triển ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn dược phẩm lớn. Kéo theo đó, việc nuôi trồng cây dược liệu trong điều kiện sạch (bao gồm điều kiện in vitro) là điều cần thiết để cung cấp những cây dược liệu sạch cho những nghiên cứu về dược học và lâm sàng. Đề tài này được thực hiện nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của một số yếu tố môi trường nuôi cấy quang tự dưỡng lên sự tích lũy hợp chất thứ cấp của cây diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum. & Thonn.) trong giai đoạn in vitro, tiến đến việc xây dựng mô hình sản xuất quanh năm các cây dược thảo có tăng trưởng đồng nhất, sạch bệnh, hàm lượng hợp chất thứ cấp cao trong điều kiện môi trường nuôi trồng có kiểm soát và không bị phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết.
 

Cây diệp hạ châu đắng được trồng để làm nguồn dược liệu. Ảnh: BV.


Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố cường độ ánh sáng, thời gian chiếu sáng, nồng độ CO2, nhiệt độ, ẩm độ tương đối, thời gian nuôi cấy và loại ánh sáng lên sự tăng trưởng và tích lũy hợp chất thứ cấp của cây diệp hạ châu đắng vi nhân giống bằng phương pháp quang tự dưỡng.


Kết quả đã xác định điều kiện môi trường nuôi cấy thích hợp cho sự tăng trưởng và tích lũy một số hợp chất thứ cấp chính của cây diệp hạ châu in vitro; xác định hiệu quả của phương pháp nuôi cấy quang tự dưỡng đối với việc gia tăng sinh khối của cây và gia tăng hàm lượng một số hợp chất thứ cấp chính trong cây diệp hạ châu đắng. Trong đó, nồng độ CO2 có ảnh hưởng rõ rệt lên sự tăng trưởng và tích lũy hợp chất thứ cấp của diệp hạ châu đắng nuôi cấy in vitro quang tự dưỡng (nồng độ CO2 1200 µmol mol-1 thích hợp giúp cây diệp hạ châu tăng trưởng tốt và tạo được nhiều hợp chất lignan). Ngoài ra, sự kết hợp giữa ánh sáng đỏ và ánh sáng trắng (tỷ lệ 1:1) giúp cây diệp hạ châu đắng tăng trưởng tốt nhất trong điều kiện nuôi cấy in vitro quang tự dưỡng bơm khí trực tiếp trong hộp 17 lít.


Kết quả đề tài cũng xây dựng được mô hình phương pháp sản xuất cây diệp hạ châu đắng bằng nuôi cấy quang tự dưỡng bơm khí trực tiếp. Đây là cơ sở cho việc ứng dụng sản xuất cây diệp hạ châu đắng cũng như một số cây dược liệu quý ở quy mô lớn.
 
 

 

Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu xây dựng phương pháp tính phí tái chế bao bì tại TP.HCM; áp dụng tính toán thử nghiệm phí tái chế bao bì tại một vài đơn vị cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế tại TP. HCM.


Theo ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải bao bì nhựa và gần 150.000 tấn chất thải bao bì thủy tinh phát sinh trên địa bàn TP. HCM từ nguồn sinh hoạt, chưa kể một lượng rất lớn từ hoạt động sản xuất. Trong đó một phần được thu gom tái chế, một phần đi đến bãi chôn lấp và phần còn lại phát tán trong môi trường. Các chiến lược phát triển bền vững, quản lý và bảo vệ môi trường đã xác định các đô thị phải tăng cường công tác tái sử dụng, tái chế và áp dụng công nghệ xử lý mới nhằm giảm 30-50% lượng chất thải rắn đô thị thải ra các bãi chôn lấp.


Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phí tái chế và hệ thống ký quỹ cho bao bì đồ uống giải khát mang lại hiệu quả kinh tế cao như Mỹ, Canada, Nhật Bản... Phí này đã tạo ra nguồn ngân sách lớn cho quốc gia, hỗ trợ hoạt động tái chế về công nghệ, hệ thống xử lý môi trường, kỹ thuật tạo ra những sản phẩm tái chế chất lượng cao...

 


Hình minh họa.


Vì vậy, phí tái chế bao bì được xây dựng với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế các loại bao bì đã qua sử dụng có thể tái chế như bao bì nhựa, giấy, thủy tinh...; giảm tiêu thụ các loại bao bì gây ô nhiễm, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tái chế...


Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra, khảo sát tại 59 đơn vị sản xuất kinh doanh có sử dụng bao bì, 45 cơ sở thu mua phế liệu, 71 cơ sở tái chế bao bì nhựa, 40 cơ sở tái chế giấy, 6 cơ sở tái chế thủy tinh và phòng tài nguyên môi trường 24 quận huyện cùng một số cơ quan liên quan. Đồng thời tập trung nghiên cứu phí tái chế cho 3 loại bao bì chính là bao bì bằng nhựa (không kể bao bì màng mỏng), giấy và thủy tinh.


Theo tính toán đề xuất từ nhóm nghiên cứu, các loại bao bì có thể chịu phí tái chế hiện nay là đồ đựng thủy tinh, kim loại thép tráng thiếc, kim loại nhôm, chai PET, thùng giấy và giấy gói, thùng hàng và giấy gói bằng nhựa. Thử nghiệm công thức và phương pháp tính toán tại hai loại doanh nghiệp là doanh nghiệp sử dụng và doanh nghiệp sản xuất/tái chế bao bì cho thấy, mức phí tái chế bao bì chiếm từ 1-2% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nên sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên suất sinh lợi của doanh nghiệp. Mức phí tái chế cho các loại bao bì nhựa, giấy, thủy tinh bình quân 1,58 triệu đồng/tấn nguyên liệu tái chế. Trong đó cao nhất là phí tái chế của các loại nhựa PS, PP... (khoảng 2 triệu đồng/tấn phế liệu nhựa tái chế). Với bao bì giấy carton, phí tái chế khá thấp (khoảng 790.000 đồng/tấn), thủy tinh là 1,02 triệu đồng/tấn.


Đề tài cũng đề xuất hai mô hình quản lý phí tái chế phù hợp với TP. HCM, trong đó lựa chọn mô hình do Quỹ Tái chế chất thải TP. HCM quản lý phí tái chế bao bì; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thu phí tái chế bao bì ở TP. HCM thông qua các công cụ về chính sách, kỹ thuật và giáo dục.


Bên cạnh đó, đề tài đã phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng phí tái chế bao bì ở TP. HCM. Thuận lợi là TP. HCM có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tái chế có thể hỗ trợ các cơ quan nhà nước quản lý cơ sở tái chế và đề xuất nhiều dự án phát triển ngành tái chế; số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất bao bì tập trung ở TP. HCM tạo ra nguồn thu phí dồi dào... Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng đặt ra bởi bao bì là mặt hàng thiết yếu, trong khi trên thị trường lại chưa có nhiều loại bao bì thân thiện môi trường để thay thế, về lâu dài phí tái chế bao bì sẽ tạo gánh nặng tài chính cho người dân. Mặt khác, ý thức tuân thủ pháp luật của đối tượng nộp phí còn thấp; người tiêu dùng chưa quen với các sản phẩm tái chế; phí tái chế được áp dụng cho loại bao bì có thể tái chế nên khi triển khai nhà sản xuất có xu hướng chuyển sang sử dụng bao bì không thể tái chế để không phải đóng phí... Về pháp luật, chính sách, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nhằm khuyến khích và hỗ trợ hoạt động tái chế; bao bì hiện nay không được ký hiệu rõ ràng, gây khó khăn trong việc thu gom, phân loại để tính phí cụ thể.

 

BÍCH VÂN, STINFO số 9/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả