SpStinet - vwpChiTiet

 

9 sáng chế đạt Giải thưởng sáng chế TP.HCM lần 3

Máy gặt đập lúa
 
Số bằng sáng chế: 1-0006641; cấp ngày: 09/10/2007 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Phạm Hoàng Thắng; địa chỉ: 196 Lý Tự Trọng, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
 
Sáng chế đề cập đến máy gặt đập lúa bao gồm khung (1) được lắp trên ít nhất ba bánh xe (3).
 
Bộ phận cắt (6) có các dao cắt lúa và miệng cắt, được bố trí ở phía trước khung (1).
 
Guồng gạt lúa (8) đẩy cây lúa vào miệng cắt của bộ phận cắt (6) rồi gạt lúa về phía vít xoắn chuyển lúa (7). 

 
Vít xoắn chuyển lúa (7) thu lúa đã cắt đưa vào bộ phận chuyển lúa (9) để chuyển đến bộ phận đập tuốt lúa. Bộ phận đập tuốt lúa gồm buồng đập (12), bên trong có lô đập (14) quay trong sàng đập (13). Bên dưới buồng đập (12) có sàng dạng lưới (16), dưới sàng có thùng chứa hạt (17). Quạt (18) ở phía trước sàng (16), sau sàng là thùng chứa bông lúa đập sót (19).
 
Vít xoắn chuyển hạt (20) đưa hạt từ thùng chứa hạt (17) vào bao đựng. Vít xoắn thu bông lúa đập sót (21) chuyển bông lúa đập sót từ thùng chứa (19) qua cửa (22) trở lại buồng đập (12). Cửa thoát rơm (24) được bố trí ở cuối buồng đập (12).
 

Giường dành cho người bất động, nệm và tấm trải giường sử dụng cho giường này 
 
Số bằng sáng chế: 1-0008663; cấp ngày: 03/08/2010 tại Việt Nam; tác giả: Nguyễn Long Uy Bảo; chủ bằng: Nguyễn Long Uy Vũ ; địa chỉ: 42/28 Chu Văn An, phường 12, quận BìnhThạnh, TP. Hồ Chí Minh.
 
Sáng chế đề xuất giường dành cho người bất động gồm có giát giường (1, 2); thân giường được ghép bởi khung đầu giường (3) và chân giường (13); trục xoay (8) và cần xoay (9). 

 
Giát giường được cấu tạo bởi hai nửa giát giường (1, 2) có dạng hình răng lược cài lại với nhau. Ở đầu thanh dọc (22) của mỗi giát giường có gắn trục xoay (8). Cần xoay (9) gắn vào trục xoay (8) để xoay hai nửa giát giường, nhờ đó có thể thay tấm trải giường mà không cần di chuyển bệnh nhân nằm trên đó cũng như tháo lắp giường dễ dàng. Sáng chế cũng đề xuất nệm và tấm trải giường tương ứng với kiểu giường trên.
 

Dụng cụ cạo mủ cao su 
 
Số bằng sáng chế: 2-0000784; cấp ngày: 24/07/2009 tại Việt Nam; tác giả: Đỗ Kim Thành, Trần Thúc Bảo, Nguyễn Năng; chủ bằng: Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam; địa chỉ: 177 Hai Bà Trưng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
 

 
Giải pháp hữu ích đề cập đến dụng cụ cạo mủ cao su có kết cấu cải tiến bao gồm lưỡi cạo (1) được thiết kế tách rời với thân (2). Một mặt bên ở phần đầu thân (2) được tạo rãnh có chiều sâu khớp với bề dày của lưỡi cạo (1) để gắn lưỡi cạo. Trên phần liên kết giữa lưỡi cạo (1) với thân (2) có lỗ để bắt đinh ốc (4).

Số bằng sáng chế: 2-0000785; cấp ngày: 24/07/2009 tại Việt Nam; tác giả: Đỗ Kim Thành, Trần Thúc Bảo, Nguyễn Năng; chủ bằng: Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam; địa chỉ: 177 Hai Bà Trưng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
 

 
Giải pháp hữu ích đề cập đến dụng cụ cạo mủ cao su dùng để cạo những điểm trên cao của thân cây có kết cấu cải tiến gồm lưỡi cạo (1) liên kết với thân (2) bằng đinh ốc.
 
Lưỡi cạo làm bằng kim loại có dạng hình cung cong lên phía trên, tạo với trục ngang một góc khoảng 10 độ. Đầu lưỡi cạo có mặt cắt ngang hình chữ V với hai cạnh chữ V dài như nhau, tạo một góc khoảng 30 độ. Phần lưỡi cạo (1) liên kết với thân có dạng phẳng, được tạo lỗ để bắt đinh ốc (3). Phần đầu thân (2), đoạn liên kết với lưỡi cạo được tạo rãnh hình chữ V và cũng có lỗ để bắt đinh ốc (3).
 
 
Gương soi ghép an toàn

Số bằng sáng chế: 2-0000762; cấp ngày: 07/04/2009 tại Việt Nam; tác giả: Nguyễn Quang Bình; chủ bằng: Công ty TNHH Kính - Trang trí Nội thất Hòa Bình; địa chỉ: 219/46 đường số 12, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh.
 
Sáng chế đề cập đến gương soi ghép an toàn dùng trong xây dựng và hộ gia đình có độ an toàn cao và thời gian sử dụng lâu dài hơn. Kết cấu gương soi ghép gồm hai lớp: một lớp gương phản chiếu ghép với một lớp kính trong có độ phản chiếu thấp bằng một lớp keo. Keo được phối trộn theo tỷ lệ phần trăm khối lượng như sau: 98% Polyeste dạng nguyên sinh, 1% butanox M50 và 1% silquest A174 silan. Nhờ màng keo này, khi chịu tác động của ngoại lực tới hạn, gương chỉ rạn nứt chứ không bị vỡ vụn thành nhiều mảnh.
 
 
 Bộ dao đánh bóng dùng cho máy đánh bóng hạt cà phê

Số bằng sáng chế: 1-0009775; cấp ngày: 25/10/2011 tại Việt Nam; tác giả: Bùi Thông Minh, Bùi Trọng Nghĩa; chủ bằng: Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ; địa chỉ: 241 An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. 

 
Sáng chế đề cập đến bộ dao đánh bóng dùng cho máy đánh bóng hạt cà phê có kết cấu gồm: thân dao, nẹp dao và chổi. Trên thân dao có các lỗ thoát gió thông với các hàng lỗ thoát gió trên trục chính.
 
Bố trí các bộ phận theo thứ tự liên tiếp: nẹp dao - chổi - lỗ thoát gió, cho phép hạt cà phê được đảo trộn, cọ xát lần lượt với nẹp dao, chổi và luồng khí nên sạch và bóng hơn. Bộ dao đánh bóng được thiết kế gồm một hoặc nhiều con dao.


Phương pháp làm tranh cát

Số bằng sáng chế: 1-0009046; cấp ngày: 28/01/2011 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Trần Thị Hoàng Lan; địa chỉ: 393/21 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
 
Sáng chế đề cập đến phương pháp làm tranh cát. Mục đích là tạo ra các bức tranh cát có đường nét tinh xảo, màu sắc phong phú, hình ảnh không bị biến dạng khi vận chuyển mà không cần sử dụng keo để kết dính cát.
 
Phương pháp này gồm các công đoạn: chuẩn bị cát màu; chuẩn bị các dụng cụ làm tranh cát (muỗng rải cát, que nhọn để rạch và cố định cát, vật chứa cát làm bằng vật liệu trong suốt); tạo các nét vẽ phác của hình mẫu; rải và điều chỉnh cát; cố định cát bằng cách nén cát theo phương nằm ngang; và hoàn thiện tranh cát.
 

Thiết bị luyện tập đa năng

Số bằng sáng chế: 1-0009132; cấp ngày: 08/03/2011 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Dương Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Bảo; địa chỉ: 224 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
 
Sáng chế đề cập đến thiết bị luyện tập đa năng bao gồm: chân đế (1); hai trụ đứng (3) gắn lên mặt chân đế nhờ hai chân trụ (2); xà đôi (7) để tỳ tay, bàn xoay (8) để vặn người; các dây đàn hồi (10) và dây đai để gắn vào chân (12), và bụng (11).
 
Chân đế (1) hình chữ H, tại bốn đầu dưới chữ H có gắn bánh xe, tại hai ngã ba phía mặt trên của chữ H có gắn chân trụ (2). Chân trụ là một ống ngắn và trụ đứng (3) là một đoạn ống dài nội tiếp trong chân trụ (2). Đầu trên trụ đứng có lắp ống trượt (4) và đầu trên của ống trượt (4) được gắn khớp trượt (5). Khớp trượt (5) có đục lỗ để một đầu của thanh ngang di động (6) luồn qua, đầu còn lại của thanh ngang di động (6) có gắn bộ phận đỡ (6a). Xà đôi (7) được gắn lên bộ phận đỡ (6a).
 
Tại tâm chân đế (1) có gắn trục tròn (1b), bàn xoay (8) được lắp vào trục (1b). Hai đầu bàn xoay (8) có gắn bệ nhón (9). Các dây đàn hồi (10) được liên kết một đầu vào bệ nhón (9), đầu còn lại được liên kết vào dây đai bụng (11) và dây đai cổ chân (12).
 
Khi tập xoay, người tập đứng lên bệ nhón (9), tay tỳ lên xà đôi (7) và vặn người qua lại, bàn xoay (8) sẽ xoay theo quanh trục (1b).
 
Khi tập chạy bộ, tháo bàn xoay (8) ra khỏi chân đế (1). Sau đó lắp bộ phận chạy bộ vào xà đôi, gài các dây đàn hồi (10), dây đai (11) và dây đai (12) tương tự như tập xoay. Người tập đứng lên bệ nhón (9) tỳ tay lên xà đôi (7) và tập đá chân tại chỗ.
 
 
Xà đơn xoay di động
 
Số bằng sáng chế: 1-0009176; cấp ngày: 22/03/2011 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Dương Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Bảo; địa chỉ: 224 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
 
Sáng chế đề cập đến xà đơn xoay di động có kết cấu gồm: chân đế (1); trụ đứng (4) và thanh ngang (6) để gắn cụm xà xoay (8) có thể quay quanh trục; ghế (9) để sử dụng với tư thế ngồi và bệ nhón (10) để dùng với tư thế đứng.
 
Chân đế (1) là các đoạn ống có gắn bánh xe ở một đầu, đầu còn lại được gắn vào sàn (2). Sàn (2) là một hộp thép rỗng, tại hai đầu có gắn chân trụ (3). Trụ đứng (4) là một đoạn ống tròn nội tiếp trong chân trụ (3). 
 
Đầu trên của trụ đứng (4) có gắn ống chữ T (5). Thanh ngang (6) được luồn vào hai đầu của hai ống chữ T (5). Giữa thanh ngang (6) có gắn hộp quay (7), tâm hộp quay có trục (71) có thể quay quanh tâm của nó. Cụm xà xoay (8) được gắn chặt vào đầu dưới trục (71), có thể xoay theo trục. 

Khi tập với tư thế ngồi, ghế (9) được gắn trên sàn (2). Hai bên ghế (9) có gắn ống đứng (91) và ống trượt (92) để gài dây lăn (95) vào. Người sử dụng ngồi lên ghế (9) và xoay vặn tương tự như tập đứng, dây lăn (95) ở hai bên ghế sẽ mát xa vùng lưng và bụng người tập.
 
Khi tập với tư thế đứng, tháo ghế (9) ra, lắp hai bệ nhón (10) vào sàn (2).
 
Người sử dụng đứng lên bệ nhón (10) và kiễng chân, tay nắm lấy cụm xà (8) và xoay cụm xà qua trái, rồi qua phải để kéo dãn cơ thể và xoay vặn người. Khi tập ngồi, tháo bệ nhón (10) ra và lắp ghế ngồi (9) vào sàn (2).
 
Tập với tư thế ngồi, lắp ghế vào xà đơn.


Tập với tư thế đứng, tháo ghế, lắp bệ nhón..


Máy xoáy xupap tự động
 
Số bằng sáng chế: 2-0000895; cấp ngày: 09/05/2011 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Huỳnh Văn Đậu; địa chỉ: 101 Phạm Thế Hiển, phường 2, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh.
 
Giải pháp hữu ích đề cập đến máy xoáy xupap tự động bao gồm trục sơ cấp liên kết với trục thứ cấp để tạo ra chuyển động xoay tới xoay lui theo hình tròn. Việc bố trí hai bánh răng (3) răng và (4) răng lệch nhau trên trục sơ cấp để liên kết với bánh răng trên trục thứ cấp đã tạo ra chuyển động xoay tới xoay lui của máy xoáy xupap tự động. 
 
Máy xoáy xupap tự động là một công cụ hữu ích, hỗ trợ người thợ thực hiện công việc xoáy xupap một cách nhanh chóng và hiệu quả. Sáng chế này dựa trên phương pháp xoáy xupap truyền thống nhưng đã được cải tiến để làm việc tự động và khắc phục các nhược điểm của phương pháp truyền thống.

Nhật Anh (Tổng hợp), STINFO Số 1 & 2/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả