SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN, TP.HCM 06/2013

 


Đề tài nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị hệ thống định ôn – nhà trồng cây và thử nghiệm sản xuất hạt giống trong hệ thống. Một số giống như dưa leo, khổ qua, đặc biệt là lúa lai cần phải thuần giống trong điều kiện tiểu khí hậu, và được điều khiển theo yêu cầu sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu giống cây trồng trong nước.


Hệ thống được thiết kế với hai phòng định ôn 20m2 nằm trong nhà trồng cây 400m2, được lắp đặt tại Trung tâm Giống Tân Hiệp, thuộc Công ty Giống cây trồng miền Nam (tỉnh Bình Dương). Hệ thống được giám sát và điều khiển tự động với các bộ phận điều khiển tự động như cửa thông thoáng, lưới cắt nắng, màng che, làm mát... để các yếu tố như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và CO2 trong phòng định ôn ổn định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất giống.


Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm sản xuất giống lúa lai trong phòng định ôn, khổ qua và dưa leo trong nhà trồng cây. Tính toán bước đầu cho thấy, với hệ thống này, năng suất sản xuất hạt giống khổ qua và dưa leo cao hơn gấp 1,5 lần và giá thành sản xuất hạt khổ qua giống giảm 19%, hạt dưa leo giống giảm 40% so với sản xuất bình thường bên ngoài.


Thử nghiệm sản xuất lúa lai trong phòng định ôn cho thấy, chế độ xử lý chế độ nhiệt 260C/180C ngày/đêm, ẩm độ 70-80%, ánh sáng ban ngày 10.000 lux thích hợp để làm hữu dục hoàn toàn dòng MN12S và cho năng suất hạt G0, G1 chấp nhận được. 

 

 


Streptococcus suis serotype 2 (SS2) là tác nhân gây bệnh phổ biến trên người bệnh viêm màng não mủ tại Việt Nam. Heo là ký chủ tự nhiên của vi khuẩn này và là nguồn lây nhiễm trực tiếp cho người thông qua tiếp xúc và tiêu thụ sản phẩm thịt heo nhiễm khuẩn.


Đề tài thực hiện nhằm xác định tỷ lệ bội nhiễm SS2 trong mẫu bệnh phẩm của heo nhiễm vi rút bệnh tai xanh (PRRS) nhằm đưa ra khuyến cáo về nguy cơ nhiễm bệnh cho người.

 
Nghiên cứu thực hiện trên 563 mẫu máu và 14 bộ mẫu mô của 573 heo thuộc 107 hộ chăn nuôi. Kết quả 493 mẫu thuộc 91 hộ được xác định nhiễm vi rút PRRS. Khảo sát tỷ lệ nhiễm của 493 heo bị PRRS và 52 heo khỏe cho thấy heo bệnh tai xanh có tỷ lệ nhiễm S. suis liên cầu khuẩn heo (60 heo, 12,3%) cao hơn (có ý nghĩa thống kê với p<0,05%) so với heo khỏe. Trong số heo bệnh PRRS nhiễm S. suis, có 43,3% (26/60) heo nhiễm SS2. Đây là serotype chủ yếu gây bệnh viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết trên người và heo. Kết quả nghiên cứu cho thấy có khả năng tăng nguy cơ nhiễm S. suis cho người trong giai đoạn dịch của heo nhiễm vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp.


Kết quả nghiên cứu cũng ứng dụng thành công quy trình rtPCR để khuếch đại DNA của SS2 trong mẫu máu, ứng dụng vào khảo sát sự hiện diện của SS2 trong mẫu máu heo bệnh cho thấy có 26 (5,3%) heo nhiễm SS2; quy trình 16SrDNA PCR phát hiện S. suis với ngưỡng phát hiện 25 tế bào/phản ứng, ứng dụng vào khảo sát sự hiện diện của S.suis cho thấy có 60 (12,3%) heo bệnh tai xanh nhiễm S. suis.


Nhóm tác giả khuyến cáo cần trang bị và sử dụng các biện pháp và dụng cụ bảo hộ lao động trong việc chăm sóc, giết mổ, tiêu hủy heo bệnh tai xanh để giảm thiểu nguy cơ nhiễm S.suis cho người. Cần có biện pháp điều trị thích hợp heo tai xanh nếu không tiêu hủy. Kháng sinh nhóm beta lactam có thể sử dụng điều trị bội nhiễm S.suis. Công tác chẩn đoán xác định tác nhân vi khuẩn nhiễm/bội nhiễm trên heo bệnh nên được khuyến cáo ứng dụng nhằm điều trị đúng và đủ liều.
 
 

 


Đề tài được thực hiện với mục tiêu phục dựng một cách có hệ thống toàn cảnh quá trình phát triển không gian đô thị của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh (SG - TP.HCM) từ thế kỷ 18 đến năm 2005; tìm ra những động lực nội sinh và ngoại sinh tác động đến chiều hướng phát triển đô thị trước đây của thành phố, trong đó có việc phác họa lại quá trình đô thị hóa cưỡng bức, để qua đó các nhà quy hoạch hiện đại có thể rút kinh nghiệm cho việc xây dựng thành phố văn minh, văn hóa.


Đề tài nghiên cứu sự phát triển của không gian đô thị SG – TP.HCM qua hai thành tố: các thành tố không gian vật thể là môi trường không gian vật chất do con người tạo ra bao gồm không gian kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cả không gian thiên nhiên; các thành tố không gian xã hội là cộng đồng dân cư sinh sống trên lãnh thổ đô thị với quy mô, đặc tính dân cư cùng các thể chế, lối sống văn hóa...


Theo đó, chặng đường phát triển không gian đô thị của SG - TP.HCM được hình thành từ một đồn dinh Tân Mỹ nhỏ bé, trải qua nhiều sự kiện, nhiều cuộc khai phá xây dựng cũng như tranh chấp, chiến tranh là một khoảng thời gian khá dài để có được diện mạo như hôm nay. Công cụ bản đồ phục vụ cho việc nghiên cứu khoảng thời gian này cũng khá dày dặn, từ bản đồ rất đơn giản của Le Brun vẽ năm 1795 và sau đó là nhiều bản đồ khác của các thời kỳ khác và cuối cùng là các bản đồ khá phức tạp năm 2003 – 2005.


Vào cuối thế kỷ 18, Sài Gòn nổi lên như một trung tâm hành chính và cùng với Chợ Lớn là địa bàn có hoạt động buôn bán nổi bật trong vùng Đồng Nai – Gia Định. Dưới thời nhà Nguyễn, Sài Gòn và Chợ Lớn là các đô thị trù phú, bến cảng nội và ngoại thương năng động, thu hút nhiều nguồn lực kinh tế, nhân lực từ các nơi. Dưới thời Pháp thuộc, Sài Gòn và Chợ Lớn được nhập lại thành một thành phố (khu Sài Gòn – Chợ Lớn, 1931) được quy hoạch với hạ tầng kỹ thuật và xã hội tương đối đầy đủ. Hoạt động kinh tế, xuất nhập khẩu của Thành phố phát triển mạnh.


Từ năm 1945 đến 1975, do ảnh hưởng của chiến tranh, hiện tượng đô thị hóa cưỡng bức diễn ra mạnh mẽ khiến Sài Gòn – Chợ Lớn không có những bước phát triển tích cực về không gian vật thể cũng như về kinh tế, xã hội, văn hóa. Sự mở rộng thiếu quy hoạch của Thành phố, dân số tăng nhanh, lại thêm sự yếu kém trong quản lý đã dẫn đến những hậu quả tiêu cực như cơ sở hạ tầng bị quá tải, môi trường bị ô nhiễm, các khu nhà ổ chuột lan rộng.


Giai đoạn 1975 – 2005, sau một thời gian gần như không phát triển, từ thập niên 90, tốc độ đô thị hóa bắt đầu gia tăng ở TP.HCM. Tại các quận ven và ngoại thành, nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp được hình thành. Đồng thời, các khu cư trú đô thị cũng xuất hiện, được thể hiện rõ trên bản đồ TP.HCM năm 1997 và nhất là trên bản đồ 2005. Các khu cư trú đô thị lan ra đến bốn phía, lấn vào các vùng ngoại thành vốn trước đây là nông thôn như huyện Bình Chánh, huyện Thủ Đức, quận 12, quận 8, Hóc Môn...


Các yếu tố ngoại sinh – vốn đầu tư nước ngoài, kỹ thuật nước ngoài... kết hợp với các yếu tố bản địa như nguồn nhân lực, năng lực tiếp nhận... đã khiến cho Thành phố phát triển nhanh, mức độ đô thị hóa của Thành phố đạt gần 84% vào năm 2005. Trong giai đoạn này, địa hình không còn là yếu tố quyết định sự mở rộng của không gian đô thị, các vùng đầm lầy vẫn trở thành những khu vực nhà máy, nhà cao tầng, khu dân cư; không gian đô thị vật thể của Thành phố phát triển tỏa ra các hướng, thậm chí vùng đất ngập nước Thủ Thiêm trong tương lai sẽ trở thành một khu đô thị mới cao cấp với người lao động thường xuyên khoảng 500.000 – 1.000.000 người.


Khuynh hướng phát triển không gian đô thị của TP.HCM là mở rộng dọc các trục giao thông quan trọng theo hướng từ trung tâm ra là đặc điểm xuyên suốt ngay từ đầu cho đến hiện nay.
 

BÍCH VÂN, STINFO Số 6/2013

 
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả