SpStinet - vwpChiTiet

 

Chất chuẩn xác định dược liệu thật hay giả

 


Việt nam có một nền y học dân tộc phong phú, hàng năm nước ta cần khoảng 50.000 tấn cây dược liệu cho ngành dược, nhưng số lượng dược liệu thu hoạch trong nước chỉ đạt 25-30% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung quốc. Làm cách nào để phân biệt giữa dược liệu thật và giả. Câu trả lời chính là chất chuẩn.
 

Thị trường dược liệu ngày một gia tăng sôi động, nhưng chất lượng đang “vàng thau lẫn lộn”. Các phương pháp kiểm nghiệm thô sơ như dựa vào hình dạng, màu sắc… có thể dẫn đến những kết luận sai lầm. 

Với tiến bộ của các phương pháp kiểm nghiệm hiện đại như các phương pháp sắc ký, đặc biệt là sắc ký lỏng hiệu năng cao có sử dụng các chất chuẩn, việc kiểm nghiệm dược liệu và đông dược được thực hiện một cách dễ dàng và chính xác hơn. Chất chuẩn hết sức quan trọng trong kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, đông dược, thực phẩm chức năng.


Chất chuẩn là gì?
 
Sâm Ngọc Linh có giá từ 80 đến 100 triệu đồng/kg tươi nhưng vẫn có thể bị làm giả.


Chất chuẩn (standard substances) hay chất chuẩn đối chiếu (reference standards) là chất cần thiết để đánh giá các nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm … theo các quy trình đã xác định nhằm đảm bảo kết quả phân tích đạt độ chính xác, đáng tin cậy.


Hiện nay có nhiều loại chất chuẩn khác nhau trên thị trường.

Chất chuẩn dược điển: là chuẩn gốc (primary) được thiết lập theo kiến nghị của ủy ban chuyên gia về kỹ thuật cho các chế phẩm dược phẩm, được sử dụng chủ yếu trong các thử nghiệm, phân tích hóa học và vật lý, được mô tả chi tiết trong dược điển hoặc các chuyên luận dự thảo, có thể dùng để hiệu chuẩn các chuẩn thứ cấp.


Chất chuẩn dược điển bao gồm: chuẩn dược điển quốc tế, chuẩn dược điển châu Âu, chuẩn dược điển Anh, chuẩn dược điển Mỹ, chuẩn dược điển Nhật… Dược điển Việt nam có đề cập đến chất đối chiếu (Mục 2.5, Phụ lục 2, trang PL-105), trong đó có quy định chính thức đơn vị phân phối là Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP. HCM. Ngoài ra, các nguồn chất đối chiếu quốc tế, khu vực hay quốc gia khác được sử dụng theo quy định.


Chuẩn gốc hay chuẩn sơ cấp (primary): là các chất chuẩn được thẩm định đầy đủ và được thừa nhận rộng rãi, có chất lượng phù hợp trong điều kiện quy định và có giá trị được chấp nhận mà không phải so sánh với chất khác.


Chuẩn làm việc (working standards) hay chuẩn thứ cấp (secondary standards): gồm các chất chuẩn sinh học hay hóa học được thiết lập trên các nguyên liệu được chuẩn hóa so với các chất chuẩn gốc hay bằng phương pháp phân tích có độ chính xác cao để cung cấp rộng rãi cho các phòng kiểm nghiệm thuốc, được dùng để định tính, định lượng, đánh giá hoạt lực, xác định độ tinh khiết của thuốc, nguyên liệu và thành phẩm. Chuẩn thứ cấp là một chất có độ tinh khiết và chất lượng được thiết lập bằng cách so sánh với một chất chuẩn gốc, được dùng làm chất chuẩn đối chiếu cho các phân tích thường ngày của phòng thí nghiệm.


Chuẩn cơ sở hay chuẩn của nhà sản xuất: là các chất được sản xuất và thiết lập bởi cơ sở hay nhà sản xuất theo các quy trình và các tiêu chí của cơ sở. Chất chuẩn cơ sở được tinh khiết hóa, mô tả đầy đủ và xác định rõ cấu trúc (IR, UV, MNR, MS…), thường được sử dụng cho các chất hóa học mới (New Chemical Entity - NCE) chưa có chuyên luận.

Dù là chuẩn khu vực, chuẩn quốc gia hay chuẩn làm việc đều phải tuân theo một nguyên tắc chung về thiết lập, bảo quản và phân phối như sau:


• Nguyên liệu được sử dụng thiết lập chất chuẩn phải có độ tinh khiết cao (đối với hợp chất hóa dược > 95%), được lựa chọn từ các lô nguyên liệu sản xuất thuốc có chất lượng cao, có tính đồng nhất và được cung cấp từ các nguồn đáng tin cậy (các nhà sản xuất gốc).


• Việc đánh giá mức độ phù hợp của một nguyên liệu dự kiến thiết lập chuẩn phải được tiến hành rất cẩn thận, phải cân nhắc tất cả số liệu thu được từ các phép thử và nên áp dụng nhiều phương pháp phân tích khác nhau để đánh giá so sánh.


• Các nhà sản xuất chất chuẩn có uy tín thường xây dựng một quy trình cụ thể, chặt chẽ để thẩm định chất chuẩn của mình.


Sáng chế về chất chuẩn phát triển mạnh trong thời gian gần đây


Theo nguồn thông tin sáng chế (SC) tiếp cận được, nghiên cứu về điều chế và thiết lập chất chuẩn để phục vụ công tác nghiên cứu và kiểm nghiệm có trên 200 SC. SC đầu tiên trong lĩnh vực này vào năm 1967, số US3466249, đề cập tới chất chuẩn trong kiểm nghiệm huyết thanh (blood serum reference standard).


Tình hình đăng ký SC tập trung nhiều từ năm 2000 cho đến nay. Trong khi từ năm 1967-1999, trung bình mỗi năm có khoảng 1 SC đăng ký thì từ năm 2000-2012 số lượng đăng ký SC tăng vọt lên gấp 20 lần, trung bình mỗi năm có khoảng 20 SC đăng ký. Lượng SC tăng liên tục trong giai đoạn 2002-2007, đỉnh điểm vào năm 2007 với 34 SC đăng ký.
 

Phát triển đăng ký sáng chế về điều chế và thiết lập chất chuẩn, năm 1970 – 2012
 

Nguồn: Wipsglobal


Hiện nay có 18 quốc gia có đăng ký SC về điều chế và thiết lập chất chuẩn. Trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều SC đăng ký, hiện diện 3 quốc gia phát triển ở khu vực châu Á là: Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trung Quốc đi sau Mỹ về đăng ký SC trong nghiên cứu và điều chế chất chuẩn nhưng trong những năm gần đây, tình hình đăng ký SC tại Trung Quốc tăng nhanh, hiện đang đứng thứ nhất với 69 SC.


Phân tích dựa trên bảng phân loại SC quốc tế IPC, hai hướng nghiên cứu về chất chuẩn được quan tâm nhiều là: phương pháp đo, kiểm nghiệm, phân tích vật liệu có sử dụng chất chuẩn và hướng nghiên cứu điều chế chất chuẩn thuộc nhóm hóa hữu cơ. Trong đó, điều chế chất chuẩn dạng hợp chất dị vòng; hợp chất vòng cacbon, mạch hở; đường và các dẫn xuất của đường đang là hướng nghiên cứu có nhiều SC đăng ký trong thời gian gần đây.
 

10 quốc gia/vùng có nhiều sáng chế đăng ký về điều chế và thiết lập chất chuẩn 
 

Nguồn: Wipsglobal

 


Nghiên cứu và sử dụng chất chuẩn trong kiểm tra dược liệu

Hiện nay, trên thế giới việc nghiên cứu và phân phối chất chuẩn chủ yếu phát triển mạnh ở các nước có nền công nghiệp dược phẩm tiên tiến như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung quốc... Các chất chuẩn được thiết lập bằng con đường tổng hợp hóa học hoặc điều chế từ nguồn dược liệu thô ban đầu. Danh mục chất chuẩn chủ yếu là các chất chuẩn hóa học, chuẩn hợp chất tự nhiên còn hạn chế và thậm chí là chưa có. Gần đây, do xu hướng và nhu cầu phát triển thuốc từ thiên nhiên, Trung quốc đã nghiên cứu phát triển nguồn chất chuẩn thiên nhiên để cung cấp cho công tác nghiên cứu và kiểm nghiệm dược liệu.


Số lượng chất chuẩn thiên nhiên chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu kiểm định dược liệu và đông dược trong tình hình chất lượng có nhiều bất cập hiện nay. Các công ty chuyên cung cấp chất chuẩn thiên nhiên được biết đến là Chromadex (Mỹ, chất chuẩn được phân loại P, SH, AUP), Wako Chemicals (Nhật bản). Giá thành chất chuẩn cung cấp cho các phòng thí nghiệm phần lớn rất đắt và thời gian đặt hàng cho một sản phẩm tương đối dài từ vài tuần thậm chí vài tháng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học.


Tại Việt nam, cung cấp chất chuẩn chính thức gồm:


- Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương hiện cung cấp 10 chất chuẩn từ dược liệu gồm acid chlorogenic, conessin, holothurin B, kaemferol, malloapeita, myricetin, nuciferin, phyllanthin và sylibin bên cạnh hàng trăm chất chuẩn tân dược (8/2013).


- Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP. HCM cung cấp 213 chất chuẩn tân dược và 18 chất chuẩn từ dược liệu gồm acid aristolochic, acid gallic, acid oleanolic, asiaticosid, berberin HCl, colchicin, curcumin, damnacanthal, diacerein, diosgenin, epigallocatechin (ECGC), ginsenosid-Rb1, ginsenosid-Rg1, hesperidin, majonosid-R2, quercetin, rutin, syllibin (8/2013.


- Từ năm 2007-2010, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương tiến hành đề tài nghiên cứu điều chế chất chuẩn từ thiên nhiên trong khuôn khổ chương trình KC10, đã điều chế được 10 chất chuẩn, với lượng 2 g cho mỗi chất chuẩn bao gồm: acid chlorogenic, conessin, holothurin B, kaemferol, malloapeita, myricetin, nuciferin, phyllanthin và sylibin. Các chất chuẩn này hiện nay đang được Viện phân phối.


- Từ năm 2008-2012, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM đã triển khai dự án “Điều chế chất chuẩn đối chiếu phục vụ kiểm nghiệm dược liệu và đông dược”, đã điều chế được 10 chất chuẩn từ dược liệu gồm acid oleanolic, asiaticosid, berberin chlorid, curcumin I, damnacanthal, diosgenin, hesperidin, ginsenosid-Rb1, ginsenosid-Rg1 và majonosid-R2. Các chất chuẩn được điều chế với lượng lớn và được thẩm định theo tiêu chí của chuẩn gốc, có đủ điều kiện đăng ký chất chuẩn quốc gia.


Trong buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ chuyên đề: “Điều chế và thiết lập chất chuẩn từ thiên nhiên để phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm nghiệm và tiêu chuẩn hóa dược liệu, đông dược”, nội dung được đặc biệt quan tâm là làm sao phát triển nguồn chất chuẩn để giúp phân biệt các loại dược liệu quý của Việt Nam như sâm Ngọc Linh, nấm linh chi, tam thất….. Theo đánh giá của GS.TS. Nguyễn Minh Đức – Bộ môn Dược liệu Trường Đại học Y, thì đây là hướng phát triển đầy tiềm năng trong tương lai.
 

GS.TS. Nguyễn Minh Đức – Bộ môn Dược liệu trường Đại học Y dược
giới thiệu một số công trình nghiên cứu liên quan đến điều chế
và thiết lập chất chuẩn từ thiên nhiên.


 

HOÀNG MI, STINFO Số 10/2013

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả