SpStinet - vwpChiTiet

 

Châu Phi tự nuôi mình và nuôi thế giới

 


Nếu gần đây bạn theo dõi sự phát triển nông nghiệp của châu Phi thì sẽ được biết tin tốt lành: lần đầu tiên, nông nghiệp ở châu Phi, đặc biệt là hạ Sahara đang bùng nổ.
 

Quỹ hỗ trợ phi chính phủ hàng đầu cho nông nghiệp châu Phi là tổ chức của Bill Gates (Bill & Melinda Gates Foundation) báo cáo rằng 10 nước vùng hạ Sahara đang có mức tăng trưởng sản lượng hàng năm là 6%, hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng dân số. Ngay cả những nước tai tiếng về bất ổn lương thực như Malawi và Ethiopia hiện cũng đang tăng trưởng đủ để xuất khẩu phần thặng dư sang các nước láng giềng. Vùng phía tây có mật độ dân số cao nhất châu Phi này đã duy trì được những tiến bộ quan trọng đến nỗi các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu cũng phải tuyên bố rằng ở đây đang diễn ra cuộc cách mạng xanh.


Quả thật, đây là chuyện thật khó tin vì trong nhiều năm qua chúng ta luôn nhớ đến hình ảnh chết đói khi nghĩ đến châu Phi. Tuy nhiên, những câu chuyện của hôm nay từ vùng hạ Sahara đang cho thấy những thay đổi và cách tân thực sự hứa hẹn tiềm năng to lớn trong tương lai.


Chúng ta sẽ cùng “tham quan” một vài điểm sáng tạo điển hình.
 
 

Accra, Ghana - Thủy canh vùng đô thị


Người trồng rau ở thủ đô, thành phố lớn nhất của Ghana này đã canh tác rau sống, cà chua và những sản phẩm khác trong nhà bằng hệ thống thủy canh. Nhờ vậy việc canh tác không những bảo vệ nguồn nước mà còn cung cấp nước và dưỡng chất cho cây trồng quanh năm. Hơn nữa đây là cây trái sạch và không gây ô nhiễm môi trường. Mặc khác, những nông trại nằm kế những trung tâm đô thị lớn nên thời gian, chi phí vận chuyển, lưu kho là tối thiểu.

 


Hệ thống thủy canh tại Accra, Ghana


Burkina Faso - Cây trồng công nghệ sinh học
 

Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất và khô cằn nhất châu Phi nhưng cũng là một trong những nước dẫn đầu về cây trồng biến đổi gen (GMC – Genetically Modified Crop). Việc du nhập đại trà bông vải biến đổi gen vào năm 2010 đã giúp hàng chục ngàn nông dân tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, nhờ vậy họ có thể đầu tư nâng cao khả năng canh tác cho những loại cây trồng khác. Sản lượng bông của Burkina Faso vụ mùa kết thúc vào tháng 1 năm 2013 tăng 57,5% so với vụ mùa 2011-2012 đạt 630.000 tấn so với 400.000 tấn. 

 

Bông vải biến đổi gen tại Burkina Faso 

 

Nigeria - Khá phám lại những cây trồng đã “mất”
 

Sản xuất sắn, hạt hướng dương và đậu đũa đã gia tăng nhanh chóng khắp vùng hạ Sahara trong hai thập niên qua. Ở Nigeria, sản lượng sắn đã tăng gấp 3 lần từ giữa những năm 1980 cho đến giữa những năm 2000. Một triệu tấn sắn có thể đáp ứng nhu cầu sắn cho 22 triệu người châu Phi.
 

 

Niger - “Tái xanh hóa” sa mạc
 

Nhờ mô hình nông dân tái sinh thiên nhiên (FMNR – Farmer Managed Natural Regeneration) đơn giản, rẻ tiền để phát triển và tái tạo cây gỗ cũng như cây bụi mà nông dân ở Niger đã chặn được tình trạng đất trồng trọt bị “thổi mất” và canh tác mùa màng quanh đó. Nhờ vậy họ đã lấy lại đất đai bị mất do quá trình sa mạc hóa, giúp phủ xanh lại quốc gia nghèo nàn và khô hạn này. 
 


Niger "tái xanh hóa" sa mạc.
 


Malawi - Phân bón rẻ hơn


Những nông dân trồng bắp ở Malawi đã từ chỗ phá sản trở nên phát đạt nhờ những trợ cấp của chính phủ về phân bón và một chương trình viện trợ quốc tế thu mua bắp để chuyển sang Zimbabwe. Rất ít đất trồng trọt của châu Phi được bón phân – ít nhất thế giới – vì thế nếu nông dân có thể mua được phân bón với giá thấp thì năng suất sẽ tăng rất cao.

 


Zomba, Malawi: Tưới tiêu 
 

Những vùng miền trung của nước Malawi thuộc dự án Làng Thiên niên kỷ (Millennium Villages) của Liên hiệp quốc, nông dân mang những thùng nước ra đồng để tưới rất tiết kiệm cho cây. Với hệ thống tưới tiêu cực kỳ hiếm hoi ở châu Phi thì cách tưới nước rẽ tiền này đang phục hồi đất trồng trọt và năng suất đang tăng cao.
 


Tưới tiêu ở Zomba, Malawi. 


Togo, Benin, Chad - Giải pháp lưu trữ thực phẩm
 

Tác hại của loài mọt ngũ cốc đối với đậu cowpeas là hiểm họa to lớn đối với vùng Sahel (dãi đất nằm giữa sa mạc Sahara và Sudan) nóng, khô hạn gây tổn thất sau thu hoạch đến 50%. Những nhà nghiên cứu của Đại học Purdue (Indiana, Mỹ) đã tạo ra những chiếc túi ba lớp kín hơi để giải quyết vấn nạn này. Năm 2012, những chiếc túi này được phân phối đến 28.000 ngôi làng của 10 nước châu Phi. Dự án này (Purdue Improved Cowpea Storage) không chỉ bảo quản được đậu mà còn giúp nông dân không phải bán “non” sản phẩm hay phải dùng các chất diệt côn trùng độc hại, đắt tiền; dự án 5 năm này được quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ 12 triệu USD. 
 


Túi 3 lớp kín hơn.
 

Takoradi, Ghana - Canh tác ven đô
 

Những nông gia dám nghĩ dám làm đã canh tác trên những vùng đất tạm để trống ở ven đô và vận chuyển nông sản đến chợ trung tâm cách đó chỉ vài km bằng taxi hay xe đạp. Do tốc độ đô thị hóa rất nhanh nên nông dân ở trong hay gần thành phố đang phát đạt, còn nông dân ở những vùng xa hơn lại có được những nông trại thuận lợi giao thông hơn nhiều.
 


Canh tác ven đô Takoradi, Ghana.



Kenya - Cải cách ngành sản xuất sữa


Chính phủ Kenya đẩy mạnh những chương trình cải cách về chế biến và tiếp thị sữa cũng như tài trợ cho những nghiên cứu về lai tạo giống bò có khả năng chống chịu mạnh hơn và có năng suất cao hơn. Đàn bò 5,5 triệu con của Keneya cho sữa nhiều nhất châu Phi và Uganda, Ethiopia đang học tập mô hình sản xuất sữa của Kenya.

 


Gulu, Uganda - Cải thiện việc phân phối
 

Vận chuyển lương thực trong khu vực hạ Sahara từ những vùng dư thừa đến vùng thiếu hụt vẫn là một thách thức ở đây. Vì thế, việc dỡ bỏ những hàng rào chính thức giữa Uganda và Nam Sudan đối với giao thương lương thực là một lợi ích to lớn cho nông dân ở bắc Uganda.
 


Nairobi, Kenya - Công nghệ thông tin kết nối nông dân
 

Nhà môi giới lương thực đa quốc gia VP Group thu thập đậu xanh và những loại rau khác từ hàng ngàn nông trại nhỏ rồi nhanh chóng phân loại, đóng gói và chở bằng xe tải đến sân bay để chuyển sang châu Âu. Nhắn tin (kết nối nông dân với người mua) và mã vạch (theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa) làm cho hoạt động này ngày càng hiệu quả.
 

 

Kampala, Uganda - Cung vượt cầu
 

Uganda ở Đông Phi và 15 nước ở Tây Phi đã có tốc độ tăng trưởng sản lượng lương thực vượt qua tốc độ tăng dân số dù đây là vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất thế giới. Động lực cho thành tựu này chính là việc áp dụng công nghệ vào canh tác, các chính sách nông nghiệp quốc gia, giá nông sản tăng, v.v…

 


Mbale, Uganda - Vị thế của phụ nữ
 

Phụ nữ đang khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của mình ở châu Phi khi tự cai quản đồng ruộng và gặt hái những thành quả nhờ doanh thu từ mùa màng. Phụ nữ châu Phi phải làm hầu hết công việc đồng áng vì thế sự cải thiện về giáo dục hay địa vị của họ có tác động trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp.

 
 

TRẦN QUÂN (IEEE Spectrum, Internet), STINFO Số 10/2013

 
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả