SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế của phụ nữ Việt


 

Những sáng chế của phụ nữ không chỉ hữu ích mà còn rất gần gũi với cuộc sống.
 

         
 

Không ai biết có bao nhiêu nhà sáng chế là phụ nữ, bởi đến tận thế kỷ 18, phụ nữ vẫn chưa được đứng tên bằng sáng chế của chính mình do không có quyền sở hữu tài sản riêng (bằng sáng chế được xem là tài sản).


Sybilla Masters, người được cho là “nhà sáng chế” thuộc phái yếu đầu tiên với phương pháp chế biến bột ngô đã phải nhờ chồng đứng tên bằng sáng chế.

Ngày 05/05/1809, Mary Kies trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được cấp bằng sáng chế với phương pháp dệt nón từ rơm và lụa.

   
Mary Kies – người phụ nữ đầu tiên
được cấp bằng sáng chế năm 1809
 
 
Tại Mỹ, một nghiên cứu do Hội đồng Kinh doanh của Phụ nữ Quốc gia (NWBC) thực hiện năm 2012 cho biết: từ năm 1990, phụ nữ nắm giữ 18% số lượng bằng sáng chế và con số này đã tăng lên 35% trong năm 2010. Độ tuổi trung bình của các nhà sáng chế phụ nữ thường thấp hơn những nhà sáng chế nam giới khoảng 29%.
  
 
 



Áo phao cứu sinh

 

Số bằng sáng chế: 1-0011127; cấp ngày: 01/02/2013 tại Việt Nam; tác giả: Đinh Thị Song Nga, chủ bằng: Công ty TNHH Sản xuất vật liệu Composite; địa chỉ: 138 Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Sáng chế đề xuất áo phao cứu sinh gồm:

            

Mặt trước áo phao.
 

Mặt sau áo phao.


Vạt trước (1) và vạt sau (2): bên trong có các vật tạo sức nâng. Vạt trước (1): có chiều dài xấp xỉ chiều dài thân người sử dụng, chiều rộng nhỏ hơn chiều rộng thân người sử dụng, gồm hai nửa bên trái và bên phải nối với nhau nhờ các khóa cài (5). Các khóa cài (5) này bố trí ở vùng ngực và thắt lưng của người sử dụng.
 

Vạt sau (2): có chiều dài xấp xỉ một phần ba chiều dài vạt trước (1).
 

Phần nối (3): nằm ở vai áo, nối hai vạt trước và sau với nhau, sao cho vạt sau (2) có thể gập lại so với vạt trước (1) tại phần nối.
 

Khoảng trống (4): nằm giữa hai vạt để áo phao có thể choàng qua cổ người sử dụng.
 

Hệ thống dây buộc: gắn vào vạt sau (2) và được gài vào các khóa gài (10) ở mép ngoài vạt trước (1) để liên kết vạt trước (1) và vạt sau (2).
 

Áo phao cứu sinh theo sáng chế có kết cấu vừa thoáng mát, vừa thuận tiện cho người sử dụng trong các thao tác khi làm việc, vừa đảm bảo cho người sử dụng nổi được trên mặt nước ở tư thế thuận lợi khi rơi xuống nước.

 

Tấm kệ có gắn móc để treo đề vật


Số bằng sáng chế: 2-0000932; cấp ngày: 29/11/2011 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Trần Thị Hải Thảo; địa chỉ: số 9 Huỳnh Khương Ninh, phường ĐaKao, quận I, TP. Hồ Chí Minh.
 

Sắp xếp nhà cửa là cách mà người phụ nữ “xây tổ ấm”, và móc treo đồ là phương án tối ưu để giữ gọn gàng những ngôi nhà nhỏ. Giải pháp hữu ích đề cập đến tấm kệ có lắp móc để treo đồ dễ tháo lắp và sử dụng tại nhà lẫn trong các cửa hàng. 

Kệ lắp móc treo theo sáng chế có kết cấu gồm:

Tấm kệ có gắn móc để treo đồ.

Tấm kệ (1): với các rãnh khoét (1.a) ở mặt trước có dạng hình chữ T nằm ngang.
 

Thanh ray (2): làm bằng kim loại hay bằng nhựa, có dạng lòng máng hình chữ L. Bề rộng giữa hai mép thanh ray (2) bằng chiều rộng của rãnh khoét (1.a), sao cho thanh ray (2) có thể lắp khớp vào rãnh (1.a) của tấm kệ (1).
 

Mép dọc của thanh ray (2) uốn sang hai bên tạo thành gờ (2.a) để giữ chắc thanh ray và tạo độ thẩm mỹ khi lắp vào tấm kệ. 


Móc treo (3): gồm chân đế (3.a) và thanh khung treo (3.b). Chân đế (3.a) là miếng kim loại hình chữ nhật một đầu uốn cong để móc vào phần bên trong của thanh ray. Thanh khung treo (3.b) hình chữ U có đầu phía ngoài hơi chếch lên gắn vào chân đế (3.a). 
 

Nhờ kết cấu trên, móc treo (3) dễ dàng tháo lắp vào tấm kệ (1) nhờ gắn trên thanh ray (2). Khi treo đồ vật lên thanh khung treo (3.b), vật càng nặng thì móc treo (3) lại càng được giữ chặt trong lòng thanh ray (2).
 

 

Khung giữ viên đá để chế tác đề trang sức


Số bằng sáng chế: 2-0000396; cấp ngày: 02/03/2009 tại Việt Nam; tác giả: Nguyễn Thị Nhụ; chủ bằng: Trường Kim hoàn Việt Nam; địa chỉ: 1/8C Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
 

Nữ trang có đính đá là phụ kiện yêu thích của phụ nữ. Sáng chế đề cập đến khung giữ để chế tác các viên đá gắn trên đồ trang sức (nhẫn, vòng cổ…). Các viên đá này có dạng mặt phẳng phía trên và hình nón hoặc lăng trụ ở mặt dưới. 
 
Kết cấu khung giữ gồm một trụ kim loại được cố định vào một chi tiết gá để kẹp viên đá ở giữa theo phương thẳng đứng.

 

• Trụ kim loại (11): hình chữ U nằm ngang gồm: trụ trên (16), trụ dưới (17) dài hơn trụ trên. Trụ trên (16) được phân ngang thành hai nhánh theo phương nằm ngang. Ở đầu trụ dưới (17) có một chỗ lõm (20) để làm điểm tựa cho phần đỉnh hình nón (14) của viên đá.
 

• Chi tiết gá (23): được cố định sao cho có một phần nằm giữa đế của trụ kim loại (11) và chỗ lõm (20).


 
Khung giữ viên đá để chế tác đồ trang sức.


• Viên đá được cố định bằng cách ép phần mặt phẳng (13) vào trụ trên (16), còn đỉnh hình nón (14) của viên đá gắn vào chỗ lõm (20) của trụ dưới. Khi đó, mặt của chi tiết gá (23) ép vào phần hình nón (14) của viên đá.

• Moment quay phát sinh quanh chỗ lõm (20) giúp giữ viên đá tại bốn điểm: chỗ lõm (20), cạnh của chi tiết gá (23) và hai nhánh của trụ (16, 17). 

Kết cấu theo sáng chế giúp giữ và tháo lắp viên đá trên khung một cách dễ dàng, chắc chắn, phù hợp với mọi kích thước, hình dạng đá khác nhau; cho phép sản xuất đồ trang sức hàng loạt, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất.


Phương pháp nhuộm vải tự nhiên bằng màu tách chiết từ lá bàng
 

Số công bố đơn: 22923; ngày nộp đơn: 05/12/2008 tại Việt Nam; tác giả: Nguyễn Thị Thu Lan, Hoàng Thị Lĩnh; đơn vị nộp đơn: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; địa chỉ: Số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội.
 

Bàng là loại cây được trồng phổ biến để tạo bóng râm ở Việt Nam. Lá bàng to có màu xanh sẫm, chuyển thành sắc đỏ ánh hồng hay vàng nâu trước khi rụng.
 

Nhuộm vải bằng lá bàng không chỉ tạo màu đẹp mắt, tinh tế mà còn bảo vệ môi sinh. Sáng chế đề xuất phương pháp nhuộm vải tơ tằm và vải bông tự nhiên bằng dung dịch chất màu tách chiết từ lá bàng. Vải nhuộm có đủ màu từ vàng nhạt đến vàng sậm rất đẹp. 

Phương pháp gồm các bước: chuẩn bị nguyên liệu, tách chiết dung dịch chất màu trong nước, nhuộm vải và xử lý nâng cao độ bền màu cho vải nhuộm.
 

Vải nhuộm theo phương pháp trong sáng chế có độ bền màu tương đương hoặc hơn sản phẩm dùng thuốc nhuộm tổng hợp. Ngoài lá bàng, nhóm tác giả còn đăng ký sáng chế nhuộm vải từ các nguyên liệu sinh thái khác như hạt điều nhuộm, lá chè thải… để có nhiều màu sắc phong phú, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm bớt lượng thuốc nhuộm và hóa chất tổng hợp nhập khẩu.

 

Vải nhuộm từ lá bàng có đủ màu từ vàng nhạt đến vàng sậm.

  

Sáng chế đã được tác giả Hoàng Thị Lĩnh giới thiệu trong chương trình Nhà sáng chế số 10, phát sóng ngày 04/3/2013 trên VTV2. 
 

 

Phương pháp thêu mũi chữ thập hai mặt
 

Số bằng sáng chế: 1-0005928; cấp ngày: 09/10/2006 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Nguyễn Thị Kim Chi; địa chỉ: C2 - C3 đường Lê Lai, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.


Mũi chữ thập hay mũi dấu nhân "X" - tiếng Pháp gọi là "point de croix", tiếng Anh gọi là "cross stitch" - là một trong những mũi thêu cơ bản và rất phổ biến trong nghề thêu tay. Bức thêu tỉ mỉ hình thành từ nhiều dãy chữ thập, trong đó mỗi mũi chữ thập giới hạn bởi một ô vuông nền định sẵn.


Phương pháp thêu thông thường cho bức thêu rất đẹp ở một mặt tấm vải, nhưng ở mặt còn lại chỉ tạo thành những hình dạng không rõ ràng, kém thẩm mỹ. Đây là nhược điểm với những sản phẩm may thêu cần sử dụng cả hai mặt vải như màn cửa, khăn tay, tranh thêu hai mặt…


Sáng chế đề cập đến phương pháp thêu mũi chữ thập đặc biệt, có thể tạo ra ở cả hai mặt vải các mũi thêu hình chữ "X" giống và trùng khít nhau. Nhờ đó sản phẩm may thêu đạt được độ tinh xảo và giá trị thẩm mỹ cao.

 

Phương pháp thêu theo sáng chế thực hiện bằng cách:


• Thêu hoàn chỉnh từng chữ thập (AA'BCD) trong mỗi ô vuông trên vải nền sau đó mới thêu đến ô vuông nền tiếp theo.


• Ở mỗi ô vuông nền, thêu đường chỉ thành dấu "X" lặp lại ở cả hai mặt tấm vải thêu.


• Đặc biệt, khi muốn chuyển hướng mũi kim phải sử dụng thêm các đường thêu trung gian bằng 1/2 cạnh ô vuông nền (AA'B).

 
Thêu hoàn chỉnh từng chữ thập (AA'BCD) trong mỗi ô vuông trên vải nền sau đó mới thêu đến ô vuông nền tiếp theo.


Quy trình thêu theo sáng chế có thể thực hiện thủ công bằng tay hoặc dùng máy thêu dân dụng lẫn công nghiệp.

 

Thiết bị và lều xông hơi

 

Số bằng sáng chế: 2-0000547; cấp ngày: 19/06/2006 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Tống Thị Hải Thu; địa chỉ: 284 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
 

Đông y chuộng xông hơi như phương pháp trị cảm lạnh dân dã mà hiệu quả. Giải pháp hữu ích đề xuất loại thiết bị xông hơi đơn giản, di động và gọn nhẹ, có thể sử dụng mọi nơi với giá thành thấp.
 

Thiết bị xông hơi theo sáng chế gồm:
 

• Lều xông: khung lều có thể tháo lắp; bạt phủ lên khung lều nhằm tạo không gian kín để giữ hơi nóng bên trong.
 

• Bộ phận tỏa hơi: đặt trong lều xông.
 

• Bình tạo hơi nóng: chứa dung dịch sinh hơi và nguồn nhiệt để đun nóng dung dịch. Bình có thể đặt bên trong hoặc ngoài lều xông.
 

• Hệ thống ống dẫn: nối bình tạo hơi nóng với bộ phận tỏa hơi.
 

 

MINH NHẬT, STINFO Số 3/2014

 

Tải bài này về tại đây.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả