SpStinet - vwpChiTiet

 

10 phát hiện khoa học lạ trên thế giới năm 2014

 

Trong năm 2014, giới khoa học đã có nhiều phát hiện và sáng tạo đáng ghi nhớ như khả năng biến tất cả các loại tế bào thành tế bào gốc, tạo ra tế bào chứa 6 thành phần DNA hay chữa trị thành công bệnh tiểu đường ở chuột… Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cũng đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu khá lạ lùng. 
 


1. Chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân nhờ coi phim truyền hình


Tháng 2/2014, các bác sĩ người Đức đã bất ngờ tìm ra cách để chữa bệnh cho một ca suy tim nặng mà chưa rõ nguyên nhân, khi xem phim truyền hình Mỹ "House”. Các bác sĩ đã thấy một bệnh nhân trong phim có một số triệu chứng tương tự như bệnh nhân mà họ đang chẩn đoán, nguyên nhân là do bị nhiễm độc từ nguyên tố đồng của mảnh cấy ghép kim loại trong cơ thể. Và, khi các bác sĩ ngoài đời thay thế mảnh kim loại cấy ghép trong vùng xương chậu của bệnh nhân bằng vật liệu sứ thì bệnh nhân này đã khỏi bệnh và hồi phục nhanh chóng.


Poster bộ phim “House”.
Nguồn: Azzurri107/azzurri107.deviantart.com

 


2. Đàn ông có râu chỉ hấp dẫn phụ nữ khi bộ râu đó “lạ và độc”


Tháng 4/2014, các nhà nghiên cứu Úc công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy đàn ông để râu chỉ hấp dẫn đối với phụ nữ nếu bộ râu đó có hình dạng hiếm thấy. Nếu có nhiều người cùng để một dạng râu, bộ râu đó sẽ bị coi là xấu và không hợp. Mặt khác, đàn ông cạo râu cũng chỉ hấp dẫn giới nữ khi mọi người xung quanh không cạo. Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện của họ phản ánh bản năng chọn giống ở giới nữ: họ sẽ có xu hướng bị hấp dẫn bởi các đặc điểm hiếm thấy ở bạn tình tiềm năng.


Bộ râu chỉ hấp dẫn khi là “hàng hiếm”.
Nguồn: http://pixabay.com

 


3. Phát hiện ra côn trùng mang “giới tính ngược”
 

Tháng 4/2014, các nhà khoa học Nhật Bản, Braxin và Thụy Sỹ đã hợp tác nghiên cứu và công bố phát hiện về một loại côn trùng mà giống cái có “dương vật” và giống đực có “âm đạo”. Đó là loài côn trùng Neotrogla phân bố tại những hang động ở Brazil. Khi giao hợp, con côn trùng cái sử dụng cơ quan dương vật có gai nhọn để thâm nhập âm đạo của con đực. Liên kết này chặt đến nỗi nếu cố gắng tách rời ra thì cơ thể của con đực sẽ bị xé làm đôi, với phần sau vẫn gắn chặt vào con cái. Điều đặc biệt ở loài côn trùng này là chúng có thời gian giao phối lên đến 70 giờ.


Ở loài côn trùng Neotrogla, con cái mang “dương vật” và con đực có “âm đạo”.
Nguồn: www.wired.it

 


4. Tinh trùng hóa thạch siêu lớn


Tháng 5/2014, các nhà khoa học Đức, Úc, Nhật, Cộng hòa Séc và Pháp đã hợp tác phát hiện hóa thạch tinh trùng kích cỡ siêu lớn ở Queensland, có tuổi thọ ít nhất 16 triệu năm tuổi. Các tinh trùng này có kích thước lớn gấp mười lần so với vật chủ sản xuất tinh trùng - một loài giáp xác được gọi là Ostracod. Tinh trùng này cũng lớn gấp 20 lần chiều dài của tinh trùng người. Các nhà khoa học sử dụng tia X để tìm ra cách những tinh trùng khổng lồ này có thể ẩn bên trong cơ thể loài động vật giáp xác có kích thước chỉ bằng một phần mười kích thước của chúng. Tuy nhiên, lý do vì sao tinh trùng của loài này rất lớn vẫn còn là một bí ẩn.


Loài giáp xác Ostracod. Nguồn: Wikipedia

 


5. Tìm ra cách điều khiển giấc mơ


Tháng 5/2014, các nhà khoa học Đức cho biết họ đã tìm ra cách để kích thích ý thức trong giấc mơ. Nhờ đó, con người có thể tạo ra trạng thái mà trong đó người đang mơ ngủ có ý thức, biết rằng họ đang mơ, và có khả năng kiểm soát giấc mơ theo ý muốn. Để thực hiện điều này, các nhà khoa học cấp một dòng điện nhẹ đến các vùng não trán và thái dương của 27 tình nguyên viên nhằm thay đổi hành vi thần kinh của họ. Dưới sự kích thích này, sóng não gamma tăng mạnh và các đối tượng thử nghiệm đã nhận thức được rằng họ đang mơ, và đã có thể kiểm soát tốt hơn các giấc mơ của họ.


Hình ảnh các vùng não của người tham gia thí nghiệm.
Nguồn: Ursula Voss và đồng sự,Tạp chí Nature.

 


6. Cơn bão mang tên nữ giới thì nguy hiểm hơn cơn bão mang tên nam giới


Tháng 6/2014, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố thống kê cho thấy các cơn bão mang tên nữ giới thì nguy hiểm hơn các cơn bão mang tên nam giới. So sánh số nạn nhân tử vong của các cơn bão mang tên nam giới và nữ giới từ năm 1950 đến năm 2012 cho thấy, trung bình những cơn bão mang tên nữ có nhiều nạn nhân tử vong hơn cơn bão mang tên nam. Các nhà khoa học giả định rằng tên gọi nam giới làm mọi người liên tưởng đến sự nguy hiểm, trong khi tên gọi của nữ lại ít khi gợi đến điều này và do đó có thể làm mọi người đánh giá thấp sự nguy hiểm gây ra bởi cơn bão. Kết quả là mọi người cảm thấy miễn cưỡng hơn khi  phải  sơ  tán  và  có  xu hướng  ở  lại hiện trường  
Hình ảnh cơn bão nhiệt đới mang tên Claudette làm chết 2 người ở Mỹ năm 1979.
Nguồn: Wikipedia

nhiều hơn, làm tăng số trường hợp tử vong do cơn bão. Nhưng nghiên cứu cũng vấp phải sự chỉ trích của các nhà khoa học khác, cho rằng sự thật là tất cả các cơn bão mang tên nữ cho đến năm 1979 và số nạn nhân tử vong trung bình, nói chung đã giảm theo thời gian dù cho là cơn bão mang tên nam hay tên nữ. Do đó các nhà khoa học này cho rằng kết quả nghiên cứu trên là vô nghĩa.



7. Hóa thạch cho thấy người cổ đại đã biết ăn món salad
 

Tháng 6/2014, các nhà khoa học Tây Ba Nha và Mỹ đã hợp tác công bố kết quả phân tích một số mẫu hóa thạch có 50.000 năm tuổi thu thập được trong quá trình nghiên cứu người Neanderthal cổ ở Tây Ban Nha. Kết quả phân tích cho biết đó là mẫu phân người cổ xưa nhất từng được phát hiện. Qua phân tích, trong mẫu hóa thạch này có sự hiện diện của thịt. Ngoài ra, cũng có dấu vết của thực vật như quả mọng, hạt và các loại rau kèm với món thịt nướng. Mẫu phân cũng cho biết người cổ đại Neanderthal đã bị nhiễm nhiều loại giun ký sinh. Số lượng giun này nhiều đến mức đủ để làm cho một con người hiện đại bị bệnh nặng.


8. Phát hiện mới về truyền thuyết Người Tuyết
 

Tháng 7/2014, các nhà khoa học Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã công bố phân tích chi tiết về 30 mẫu lông được cho là của quái vật Người Tuyết trong truyền thuyết trên khắp thế giới. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu lông này đều đến từ các loài vật hoàn toàn bình thường và không có bằng chứng về sự hiện diện của Người Tuyết. Có 10 mẫu là lông gấu, các mẫu khác từ chó, bò, ngựa, và thậm chí có 1 mẫu lông là của con người. Tuy nhiên, có 2 mẫu lông đến từ vùng núi của Ấn Độ và Bhutan không phù hợp với bất kỳ loài động vật đang sống nào nhưng lại phù hợp với một loài gấu Bắc cực được cho là đã tuyệt chủng từ khoảng 40.000 năm trước.


9. Một nụ hôn chứa 80 triệu vi khuẩn
 

Tháng 11/2014, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã lấy mẫu vi khuẩn từ miệng của 21 cặp vợ chồng sau khi hôn nhau. Nghiên cứu cho thấy trong vòng 10 giây, có đến 80 triệu vi khuẩn được truyền từ người này qua người khác. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng các cặp vợ chồng hôn nhau hơn 9 lần/ngày có lượng và chủng loại các vi khuẩn trong miệng tương tự nhau. Tuy nhiên, nụ hôn không chỉ mang vi khuẩn có hại mà còn cả các vi khuẩn có lợi. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy hôn nhau sẽ giúp kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động liên tục để chống lại các vi khuẩn thâm nhập và do đó có thể chống chọi với các lây nhiễm sau này tốt hơn.


10. Robot chim cánh cụt giúp theo dõi thế giới tự nhiên một cách bí mật


Tháng 11/2014, các nhà nghiên cứu Pháp, Úc và Na Uy đã hợp tác giới thiệu một robot điều khiển từ xa có hình dạng bên ngoài tương tự như một con chim cánh cụt con để giám sát các quần thể chim cánh cụt tại Nam Cực. Những con chim cánh cụt thực sự hoàn toàn không nghi ngờ gì về sự hiện diện của robot này. Thậm chí, ngay cả loài chim cánh cụt hoàng đế nổi tiếng là nhút nhát cũng cố gắng giao tiếp với robot này và dẫn nó vào nhóm các con chim cánh cụt con tại chỗ. Những chú chim cánh cụt robot này sẽ cho phép các nhà khoa học theo dõi những tác động của biến đổi khí hậu lên quần thể chim cánh cụt hoang dã mà không làm gián đoạn hành vi tự nhiên của những con chim này.


Robot chim cánh cụt. Nguồn: Yvon Le Maho và đồng sự/tạp chí Nature
 

HOÀNG MI, STINFO số 1&2/2015

Tải bài này về tại đây.


 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả