SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất quy hoạch nguồn giống cây lâm nghiệp cho các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đắc Lắc

Đề tài do TS. Phạm Đức Tuấn (Cục Lâm nghiệp) thực hiện đánh giá thực trạng và đề xuất quy hoạch hệ thống nguồn giống lâm nghiệp nhằm tuyển chọn và bổ sung nguồn giống mới cho các nguồn giống thiếu hụt, nâng cao chất lượng di truyền cho giống cây trồng lâm nghiệp.

Nghiên cứu tiến hành 6 đợt điều tra khảo sát hệ thống nguồn giống ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đắc Lắc từ 6/4-31/7/2007 với các lâm phần tuyển chọn (LPTC), rừng giống chuyển hoá (RGCH), rừng giống (RG), vườn giống (VG) đã được công nhận trước năm 2006 và những đề xuất mới của các Sở NN&PTNT cũng như các Chi cục lâm nghiệp.
Kết quả cho thấy, so với trước năm 2006 nguồn giống trong khu vực đã tăng từ 90 nguồn giống với 35 loài lên 107 nguồn giống với 47 loài. Diện tích LPTC tăng từ 189 ha lên 361 ha, VG tăng từ 69 ha lên 101 ha trong khi RGCH lại giảm từ 1991 ha xuống còn 1052 ha và RG giảm từ 220 ha xuống 91 ha. Nhìn chung, về thực trạng về diện tích, phân bố và khả năng sản xuất giống của các nguồn giống hiện có tại các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đắc Lắc có số lượng nguồn giống và diện tích của các loại nguồn giống chất lượng cao (rừng, vườn giống) rất thấp. Một số loài cây có diện tích nguồn giống rất lớn, khả năng sản xuất giống cao nhưng nhu cầu sử dụng rất thấp (thông ba lá, tếch…), trong khi một số loài có nhu cầu sử dụng giống rất cao nhưng lại thiếu nguồn giống nghiêm trọng hoặc có diện tích nguồn giống rất hạn chế (keo tai tượng, keo lá tràm, trám trắng, mỡ, thông Caribe, lát hoa, dầu dái, sao đen…).
Sự chăm sóc bảo vệ và nâng cấp chất lượng rất hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư, đi lại khó khăn và hạn chế trình độ kỹ thuật. Thiếu thông tin về hệ thống nguồn giống dẫn đến tình trạng người có giống không biết bán cho ai, người có nhu cầu sử dụng không biết tìm mua ở đâu. Thiếu quỹ đất tốt, thuận lợi về canh tác, thiếu những diện tích rừng tốt, thuận lợi để tuyển chọn…
Từ đó, tác giả đã đề xuất giải pháp là tiếp tục đầu tư xây dựng các LPTC có chất lượng trên mức trung bình, có thể sản xuất giống trong một thời gian ngắn để giải quyết nhu cầu sử dụng giống trước mắt. Xây dựng các rừng giống mới bằng giải pháp tuyển chọn cây trội trong rừng tự nhiên cho các loài cây như bằng lăng ổi (6 ha), chò nhai (6 ha), ràng ràng mít (15 ha)…; giải pháp tuyển chọn cây trội trong vùng lân cận, địa phương và nhập giống gốc từ Australia cho các cây lát hoa (30 ha), keo tai tượng (30 ha), keo lá tràm (30 ha)… Cần ưu tiên đất lâm nghiệp dài ngày và trên lập địa tốt, thuận lợi canh tác, giao thông, bảo vệ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống; có chính sách hỗ trợ đầu tư, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh giống…; khuyến khích các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, đặc biệt là giống di truyền; quy định chế độ báo cáo theo định kỳ và đột xuất về diễn biến của hệ thống nguồn giống, phát hành các tài liệu kỹ thuật đơn giản về xây dựng và quản lý giống cây trồng lâm nghiệp…
 
LV (nguồn: TC NN&PTNT, số 1/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả