SpStinet - vwpChiTiet

 

Kết quả bước đầu điều trị bệnh nhân ung thư gan nguyên phát bằng phương pháp Toce tại khoa nội tiêu hoá - Bệnh viện 115 (từ tháng 3/2003 đến tháng 9/2006)

Đề tài do các tác giả Tống Nguyễn Diễm Hồng, Hứa Thúy Vi, Lê Thị Tuyết Phượng thực hiện nhằm có những nhận định ban đầu về kết quả của kỹ thuật TOCE trên bệnh nhân ung thư gan nguyên phát hiện đang áp dụng tại Bệnh viện 115.

Tại Việt Nam, việc phát hiện sớm ung thư gan vẫn còn rất khó khăn. Đại đa số bệnh nhân được phát hiện bệnh khi quá muộn như khối u quá lớn, nền xơ gan nặng… nên chỉ 15-30% bệnh nhân được điều trị phẫu thuật. Ngoài ra, một số phương pháp điều trị không phẫu thuật như hoá chất toàn thân, tiêm Ethanol qua da vào khối u…, trong đó phương pháp TOCE (kết hợp việc tiêm hỗn hợp Lipiodol, thuốc chống ung thư với kỹ thuật làm tắc nghẽn mạch máu đến nuôi u bằng spongel làm u hoại tử triệt để hơn) có thể thực hiện được trên những bệnh nhân phát hiện bệnh trong giai đoạn trễ đã quá chỉ định để can thiệp các phương pháp khác.
Nghiên cứu tiến hành với các đối tượng ung thư gan không có chỉ định phẫu thuật, ung thư gan tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ khối u gan, đã được chẩn đoán là ung thư gan nhưng từ chối phẫu thuật…
Kết quả, tổng số bệnh nhân là 50, 40 nam và 10 nữ, tuổi từ 39-86, tuổi trung bình là 58; số lượt làm TOCE 1 lần: 22%, 2 lần: 42%, 3 lần: 22%, 4 lần: 12%. Đặc điểm bệnh nhân ung thư gan trước TOCE: tình trạng nhiễm siêu vi gồm 6% không nhiễm siêu vi, 64% nhiễm siêu vi B, 14% nhiễm siêu vi C; tình trạng huyết khối tĩnh mạch cửa gồm 82% chưa phát hiện có huyết khối, 18% có huyết khối nhánh phải, trái và nhánh chính… Tình trạng của bệnh nhân ung thư gan tái phát sau phẫu thuật trong nghiên cứu này có 8% (4 bệnh nhân), thời gian tái phát sau phẫu thuật ít nhất là 1 năm, đa số chức năng gan còn tốt, không huyết khối tĩnh mạch cửa, kích thước khối u khá lớn (50% kích thước u 50mm, 50% kích thước u 80mm…), thời gian sống còn < 6 tháng là 25%, 1 năm là 75%... Tình trạng xơ gan trên bệnh nhân ung thư gan can thiệp TOCE: 64% bệnh nhân xơ gan Child A và B, trong đó có 18 bệnh nhân Child B chiếm 36% với tỷ lệ thời gian sống còn chỉ 2/18 bệnh nhân (11%) sống < 6 tháng, 10/18 bệnh nhân (56%) sống > 24 tháng…
Về biến chứng sau TOCE: trong khoảng 1 tuần lễ đầu sau TOCE, bệnh nhân thường sẽ có những triệu chứng như sốt cao (90%), đau hạ sườn phải (74%), nôn (18%) và các triệu chứng này giảm dần theo thời gian. Về kết quả sống còn chung trong nghiên cứu này, chỉ 5 bệnh nhân (10%) thời gian sống còn < 6 tháng, thời gian sống còn 6 tháng, 1 năm có tỷ lệ tương ứng là 82% và 48%...
Như vậy, kỹ thuật TOCE tương đối an toàn và hiệu quả, kéo dài thời gian sống còn cho những bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn tương đối muộn, kể cả những bệnh nhân tái phát sau phẫu thuật mà không còn chỉ định điều trị phẫu thuật tiếp. Để nâng cao kết quả của kỹ thuật này cần phải tầm soát hết các mạch máu nuôi khối u trong quá trình chụp mạch máu.
 

LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 1/2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả