SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội thảo Kết nối mạng lưới thương mại hóa sáng chế

Ngày 05/5/2012, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trí tuệ, Công ty cổ phần tin học Lạc Việt và Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) tổ chức Hội thảo xây dựng và phát triển thị trường tài sản trí tuệ, kỳ 2 với chủ đề: Kết nối mạng lưới thương mại hóa sáng chế (Network for Invention Commercialization).
 

Tới dự hội thảo có gần 100 đại biểu gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu và phát triển KH&CN, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước, Trường đại học,các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền hình quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, khai thác và thương mại hóa sáng chế.
Hội thảo tập trung vào tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển thị trường giao dịch tài sản trí tuệ, thu hút sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và kinh doanh các sản phẩm sáng tạo do các nhà sáng chế trong nước tạo ra.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Bùi Văn Quyền- Vụ trưởng, trưởng Cơ quan đại diện Bộ KH&CN tại TPHCM, đã nhấn mạnh vai trò của nguồn lực trí tuệ và năng lực đổi mới đối với việc phát triển sức cạnh tranh và tiềm năng phát triển kinh tế của một quốc gia; khi hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu, thì các tài sản trí tuệ sẽ càng trở thành những tài sản chủ yếu; và thực sự, việc tạo dựng, phát triển và thương mại hóa các tài sản này là một nhu cầu cấp bách của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng đại diện- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, cũng cho rằng: đã đến lúc phải quyết liệt hơn nữa trong việc gắn kết hoạt động nghiên cứu với hoạt động đầu tư phát triển, thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, phục vụ nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp sản xuất. Ông đặc biệt hưởng ứng việc kết nối mạng lưới và tạo ra diễn đàn, sân chơi chung cho các nhà sáng tạo, nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh… trong đó vai trò dẫn dắt của nhà nước cần phải chú trọng.
Đặc biệt nhấn mạnh về phương thức hợp tác công - tư (Public - Private Partnership), ông Phạm Hồng Quất- Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cho rằng: sự chung tay giữa nhà nước với doanh nghiệp, với nhà sáng chế sẽ tạo ra động lực rõ ràng hơn cho việc xây dựng, phát triển thị trường tài sản trí tuệ nói chung và thị trường sáng chế nói riêng; gắn kết hoạt động nghiên cứu sáng tạo với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Ông cũng đưa ra mô hình liên kết tạo ra mạng lưới thương mại hóa sáng chế và các sản phẩm sáng tạo, trong đó có sự tham gia của đầy đủ các chủ thể: Nhà nước – Viện nghiên cứu/ Trường đại học – Nhà đầu tư – Doanh nghiệp – Nhà sáng chế, cũng như vai trò của các tổ chức dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm sáng tạo.
Trao đổi với hội thảo, Ông Hannu Koko- Trưởng đại diện Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) và ông Nguyễn Trọng Hào- giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển trí tuệ cũng chia sẻ các kinh nghiệm trong việc thương mại hóa sáng chế và tầm quan trọng, cách thức tạo ra mạng lưới thương mại hóa loại tài sản đặc thù này.
Hội thảo đã diễn ra với tinh thần cởi mở với sự tham gia thảo luận của các nhà sáng chế, nhà đầu tư, các đại diện từ rất nhiều đơn vị: Sở KH&CN, Viện nghiên cứu, Trường đại học, doanh nghiệp ... Các đại biểu tham dự đều đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo, cho rằng các thông tin cũng như kinh nghiệm được trình bày tại Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực và bày tỏ mong muốn được cùng tham gia kết nối và chung tay xây dựng thị trường thương mại hóa tài sản trí tuệ để đưa các tài sản trí tuệ trở thành một nguồn lực quan trọng, thành động lực chung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn:  Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả