SpStinet - vwpChiTiet

 

Lễ công bố dự án khoa học công nghệ “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”

Ngày 24/11/2011, tại TP. HCM, Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức lễ công bố và nhận quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt dự án khoa học công nghệ "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng", trao quyết định của Đại học Quốc gia TP.HCM về việc giao nhiệm vụ dự án RFID cho Trung tâm nghiên cứu- đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) và Lễ ký kết hợp tác phối hợp thực hiện đề tài giữa ICDREC với các trường Đại học, Viện và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn tham gia dự án RFID.
 

Tham dự Lễ công bố dự án có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Phan Thanh Bình cùng đại diện các sở Ban ngành, học viện và các trường đại học trong thành phố…
Dự án “Thiết kế, chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” được Bộ KH&CN phê duyệt đầu tư và ủy quyền cho Đại học Quốc gia TP HCM làm chủ đầu tư dự án. Tổng kinh phí đầu tư dự án là gần 146 tỷ đồng, trong đó 124,825 tỷ đồng từ ngân sách Bộ KH&CN và 20,931 tỷ đồng từ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Thời gian thực hiện trong 4 năm (2011- 2015) với mục đích thiết kế và sản xuất thử nghiệm chíp vi xử lý 32-bit công suất thấp, có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN 1632) và các lõi IP có liên quan. Từ đó, thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng chip RFID.
Sau khi kết thúc dự án, Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch này sẽ cùng phối hợp để kinh doanh các dòng sản phẩm đã được nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thành công.
Tham gia dự án này còn có Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Tế, Đại học Công nghệ Thông tin, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông nhằm tạo ra nhiều hơn nữa các trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực vi mạch Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ công bố dự án, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ mong muốn các bên đối tác cần phải hợp tác, nỗ lực nghiên cứu, phát triển dự án, đưa các sản phẩm vào thực tiễn, mang lại hiệu quả về kinh tế. Sự thành công của dự án sẽ có tác động mạnh mẽ đến các dự án công nghệ cao khác của quốc gia và cho phép Việt Nam trở thành nước có khả năng chế tạo, làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch, điện tử.
Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, Chủ nhiệm Dự án cho biết: “RFID là một loại công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến. Công nghệ này là xu hướng tất yếu trong việc phát triển của tất cả các nước trên thế giới. Thông qua dự án, chúng ta sẽ đi đến một sản phẩm rất cụ thể đó là thẻ nhận dạng RFID và các hệ thống dùng trong kho hàng để cung cấp sản phẩm, an ninh quốc phòng và giao thông công cộng”.
Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả