SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội thảo khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 30/9/2011, tại thành phố Cà Mau, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội thảo “KH&CN vì sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Đây là chương trình trong khuôn khổ diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL- Cà Mau 2011 với chủ đề “ĐBSCL- liên kết phát triển bền vững (MDEC 2011)”.
 

Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Huỳnh Minh Đoàn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, các tỉnh, thành, địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh: Bên cạnh những thành tích, lợi thế có được, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế phát triển chưa bền vững, nhiều vấn đề như sâu, bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; cạn kiệt nguồn nước; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; biến đổi khí hậu; xâm nhập mặn; khai thác thủy điện sông Mê kông;v.v… Hoạt động KH&CN của vùng ĐBSCL đã được Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương quan tâm. Tuy nhiên, sự liên kết hoạt động KH&CN trong vùng chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển KTXH của vùng.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng vấn đề cần đặt ra với ĐBSCL là làm thế nào để đưa được các kết quả nghiên cứu KH&CN vào ứng dụng sản xuất và đời sống để tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả vùng nói chung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi, ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên, các sản phẩm chủ lực từ nông nghiệp đã tạo nên những thương hiệu của Việt Nam trên thương trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất vẫn còn hạn chế, dẫn tới năng suất chưa cao, chất lượng chưa đáp ứng các chuẩn mực thế giới, tổn thất trong thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm còn lớn, sự liên kết vùng chưa mang lại hiệu quả cao,…
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, Hội thảo lần này sẽ là cơ hội, điều kiện để KH&CN các tỉnh ĐBSCL có cái nhìn thực tế, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó cần thiết có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; giúp các tỉnh, thành trong vùng phát triển tương xứng với tiềm năng, khẳng định vai trò là vùng kinh tế trọng điểm quốc gia,…
Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và phát biểu ý kiến tham luận xoay quanh việc đánh giá thực trạng về kết quả nghiên cứu KH&CN thời gian qua cũng như bàn về cơ chế chính sách liên kết nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN vùng để xây dựng các chương trình nhiệm vụ KH&CN trọng điểm trong thời gian tới. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội thảo đã được nghe 11 tham luận của các nhà khoa học với những chủ đề như: Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” trong hoạt động KH&CN để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL của TS. Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL trường đại học Cần Thơ; Liên kết hoạt động KH&CN đối với yêu cầu phát triển cây lúa ĐBSCL của TS.Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL; Bàn về giải pháp khoa học để đảm bảo phát triển bền vững trong sống chung với lũ ở vùng ĐBSCL của PGS.TS Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng trường cán bộ thành phố Hồ Chí Minh; Một số đánh giá và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đến năm 2020 cho vùng ĐBSCL của Th.S Nguyễn Duy Đức, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch,...
Trên cơ sở Hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, Bộ KH&CN dự kiến phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình KH&CN cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững KT-XH vùng ĐBSCL. Chương trình sẽ huy động lực lượng các nhà khoa học, quản lý trong cả nước và thuộc mọi lĩnh vực khác nhau tập trung nghiên cứu đưa KH&CN vào giải quyết những vấn đề đặt ra cho vùng ĐBSCL.
Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả