SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình nuôi sinh khối luân trùng nước mặn phục vụ thủy sản

Sử dụng bể nuôi phù hợp với điều kiện tại Cần Giờ, giúp chủ động cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho các trại sản xuất giống thủy sản, tránh phụ thuộc mùa vụ và vùng nuôi.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Luân trùng Brachionus plicatils là một trong những loại thức ăn tươi sống được sử dụng phổ biến cho ương nuôi ấu trùng tôm cá nhờ khả năng sinh trưởng nhanh, kích thước nhỏ, lơ lửng trong nước giúp ấu trùng tôm cá dễ bắt mồi,…Ngoài ra, luân trùng còn có thành phần axit béo không no có chứa EPA, DHA, là axit béo thiết yếu, có tác động đến tỷ lệ sống và sự phát triển của cá biển. Vì vậy, luân trùng đã trở thành nguồn thức ăn tươi sống không thể thiếu trong sản xuất giống của nhiều loài giáp xác và cá biển.

Kỹ thuật nuôi luân trùng đã được nghiên cứu với nhiều hình thức nuôi đa dạng, từ nuôi nước tĩnh đến nước chảy, nước tuần hoàn với thức ăn phong phú, tùy theo điều kiện của từng nơi như tảo (tươi, khô, đông lạnh, cô đặc), men bánh mì hoặc thức ăn nhân tạo. Tảo là thức ăn phổ biến và có giá trị dinh dưỡng cao đối với luân trùng, trong đó, tảo Nannochloropsis oculata được sử dụng nhiều nhất trong các hệ thống nuôi luân trùng nhờ tốc độ sinh trưởng nhanh, thành phần dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, nếu cho luân trùng ăn hoàn toàn bằng tảo thì chi phí cao. Ngược lại, sử dụng men bánh mì để nuôi luân trùng sẽ hạ giá thành, nhưng nhược điểm rất lớn là giá trị dinh dưỡng của luân trùng kém, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho ấu trùng tôm, cá biển và làm suy giảm chất lượng nước nuôi rất nhanh.

Cần Giờ có diện tích nuôi thủy sản nước lợ, mặn lớn, nên nhu cầu sử dụng luân trùng làm thức ăn cho sản xuất giống thủy sản khá cao. Tuy nhiên, hiện nay các khu vực nuôi luân trùng phân bố xa huyện Cần Giờ nên việc cung cấp tại chỗ cho người sản xuất thủy sản gặp nhiều khó khăn. Quy trình nuôi luân trùng phù hợp với điều kiện Cần Giờ giúp chủ động cung cấp luân trùng cho các trại sản xuất giống thủy sản. Bên cạnh đó, việc nhân nuôi sinh khối tảo Nannochloropsis oculata để làm thức ăn cho luân trùng giúp nâng cao năng suất và hiệu quả nuôi.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nhân sinh khối tảo Nannochloropsis oculata

1.  Cấy chuyển mẫu tảo giống từ ống nghiệm vào các bình tam giác 500 ml

Sinh khối tảo giữ giống trong ống nghiệm được cấy chuyển sang cấp độ bình tam giác 500 ml và nuôi trên môi trường lỏng Walne, sử dụng ánh sáng đèn led màu trắng với cường độ chiếu sáng 90 μmol/m2/s, thời gian chiếu sáng 12 giờ, sục khí liên tục, cung cấp khí CO2 với hàm lượng 18ppm cho tảo quang hợp. Mật độ trung bình ban đầu 105 TB/ml. Tảo được tiếp tục nuôi trong phòng thí nghiệm với nhiệt độ 27-300C.

2. Cấy chuyển tảo từ các bình tam giác 500 ml sang các bình tam giác 1.000 ml

Sau 5-7 ngày nuôi cấy ở cấp độ bình tam giác 500 ml chuyển tảo sang nuôi ở bình tam giác 1000 ml, sinh khối tảo được cấy chuyển bằng cách pha loãng mẫu theo tỷ lệ 50:50 trên môi trường lỏng Walne, sử dụng ánh sáng đèn led màu trắng với cường độ chiếu sáng 90 μmol/m2/s, thời gian chiếu sáng 12 giờ, sục khí liên tục, cung cấp khí CO2 cho tảo quang hợp và chuyển từ các bình tam giác 500 ml sang các bình tam giác 1000 ml sao cho mật độ trung bình ban đầu đạt khoảng 105 TB/ml. Tảo được tiếp tục nuôi trong phòng thí nghiệm với nhiệt độ duy trì 27-300C.

3. Cấy chuyển tảo từ các bình tam giác 1000 ml sang bình nhựa 10 lít

Sau 5-7 ngày nuôi cấy ở cấp độ bình tam giác 1.000 ml tảo chuyển sang nuôi ở bình 10 lít, sinh khối tảo được cấy chuyển bằng cách pha loãng mẫu theo tỉ lệ 50:50 trên môi trường lỏng Walne, sử dụng ánh sáng đèn led màu trắng với cường độ chiếu sáng 90 μmol/m2/s, thời gian chiếu sáng 12 giờ, sục khí liên tục, cung cấp khí CO2 cho tảo quang hợp và chuyển từ các bình tam giác 500 ml sang các bình tam giác 1000 ml sao cho mật độ tế bào ban đầu đạt khoảng 105 TB/ml. Tảo được tiếp tục nuôi trong phòng thí nghiệm với nhiệt độ duy trì 27-300C đến khi đạt mật độ 2x106 tb/ml, tảo dùng để bố trí nhân sinh khối tảo bằng túi nilon ngoài trời làm thức ăn cho luân trùng.

Quy trình nuôi luân trùng Brachionus plicatils tại Cần Giờ

1. Chuẩn bị bể nuôi

Bể sử dụng để nuôi sinh khối luân trùng là bể có thể tích 500 lít, hình trụ tròn, bể được đặt ở nơi hạn chế ảnh hưởng của ánh nắng và nước mưa. Bể nuôi và các dụng cụ được vệ sinh bằng cách ngâm với Chlorine với nồng độ 200 ppm trong thời gian 1 ngày, sau đó được rửa sạch lại bằng nước ngọt và phơi khô. Sau đó, tiến hành lắp đặt hệ thống khí cho bể nuôi với số lượng 1 dây khí/bể để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cho bể nuôi.

2. Chuẩn bị nước nuôi

Nước nuôi luân trùng là nước đã xử lý được cấp vào bể nuôi với thể tích là 150 lít, chỉ tiêu chất lượng nước: pH 7,0-7,5; độ mặn nước đạt 25‰. Độ mặn của nước được thiết lập bằng cách pha muối hoặc nước ốt vào nước giếng cho đến khi đạt mức yêu cầu.

3. Con giống

Luân trùng nước lợ (Brachionus plicatilis) trong quy trình này có nguồn gốc từ Bỉ được lưu giữ giống bằng hệ thống ống Falcon 50ml tại Phòng thí nghiệm nuôi thức ăn tự nhiên thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II. Trước khi tiến hành nhân nuôi, luân trùng được nuôi tăng sinh từ ống Falcon 50ml lên đến bình thể tích 8 lít sau đó mới dùng để thả giống nuôi sinh bể ngoài trời.

4. Thả giống

Với thể tích nuôi là 150 lít và mật độ nuôi là 200 ct/ml, mật độ luân trùng đạt được là 30 triệu cá thể/bể. Trước khi thả giống thì lấy nước trong bể nuôi cho chảy từ từ vào xô đựng giống cho giống quen dần với nước trong bể nuôi. Sau đó, thả vào vị trí các quả khí nhằm tránh trường hợp giống bị vón cục khi thả vào bể nuôi.

5. Cho ăn và chăm sóc

Bể nuôi được thay nước 30% hàng ngày vào buổi sáng. Lượng nước thay được cấp trở lại bằng tảo Nannochloropsis oculata với mật độ tảo đưa vào bể nuôi luân trùng là 6,4-6,8 triệu tế bào/mL. Men bánh mì dùng làm thức ăn bổ sung cho luân trùng trong các thí nghiệm là men tươi (30% trọng lượng khô) bảo quản ở 4oC. Men bánh mì được bổ sung với lượng 3g men/triệu cá thể/ngày. Luân trùng được cho ăn bổ sung men bánh mì 2 lần/ngày vào các thời điểm 7 giờ (sau khi thay nước và đếm mật độ) và 15 giờ. Nếu nước có biểu hiện bẩn (màu nước trắng đục lâu trong trở lại) thì giảm lượng thức ăn. Sục khí liên tục trong quá trình nuôi để cung cấp đủ oxy cho luân trùng và tránh sự lắng tụ thức ăn xuống đáy bể, giúp hiệu quả lọc thức ăn của luân trùng trong quá trình bơi lội tốt hơn.

6. Thu hoạch

Luân trùng trong bể được thu hoạch bằng cách hút nước nuôi của bể nuôi cấy vào các túi lọc có kích thước mắt lưới từ 50-70μm. Sau khi cô đặc luân trùng, cho sục khí nhẹ, tránh sục khí quá mạnh có thể làm luân trùng bị tổn thương hoặc chết. Sinh khối luân trùng ở các bể nuôi được thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Luân trùng rất thích hợp làm thức ăn cho ấu trùng các loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, nghêu hoặc cá bột các loài cá cảnh như cá dĩa, cá neon, cá ông tiên Albino, cá ông tiên Ai Cập.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Luân trùng Branchionus plicatilis trong quy trình được cho ăn 4 loại thức ăn khác nhau là tảo Nannochloropsis oculata, cám gạo ủ men EM gốc, men bánh mì, tảo Nannochloropsis oculata kết hợp men bánh mì. Trong đó, luân trùng được cho ăn tảo kết hợp với men bánh mì đạt năng suất cao nhất (230 ct/ml/ngày) và mật độ cực đại cao nhất (2.770 ct/ml). Mật độ luân trùng được duy trì trong suốt vụ nuôi đủ để cung cấp cho các loài ấu trùng thủy sản.

Chi phí sản xuất luân trùng là 301,4 nghìn đồng/lít (thức ăn tảo kết hợp với men bánh mì). Tùy theo điều kiện của người nuôi, có thể chỉ sử dụng men bánh mì làm thức ăn cho luân trùng để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất (202,6 nghìn đồng/lít).

Với ương nuôi giống thủy sản, khâu quan trọng nhất là thức ăn, trong đó, luân trùng là thức ăn phù hợp nhất cho giai đoạn cá bột. Hiện nay, tại Cần Giờ chưa có nơi sản xuất thương mại luân trùng để cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Mô hình nuôi luân trùng với năng suất cao sẽ giúp chủ động nguồn thức ăn tươi sống tại chỗ, giảm chí phí vận chuyển và tăng tỷ lệ sống của luân trùng (so với mua từ các nơi khác như Vũng Tàu, Ninh Thuận) lên đến 15-20%, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Nguyễn Thị Kim Liên

ĐT: 0983 499 015. Email: lienkimnguyen85@gmail.com        

2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 6886 2726.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả