SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng hoa chuông trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt

Hoa chuông (Gloxinia speciosa) có nguồn gốc từ Brazil, là một trong những loại hoa nội thất có hình dáng lạ, màu sắc đa dạng rất đươc ưa chuộng trên thế giới. Cây thuộc nhóm thân thảo, có dạng thân củ, thấp (12-15 cm). Lá hình thuôn hoặc oval, có màu xanh đậm, lá mọc đối xứng từng cặp xen kẽ nhau. Hoa hình chuông khá to. Tán lá tỏa đều có đường kính từ 20–30 cm. Hoa chuông rất đa dạng về màu sắc (tím, đỏ tươi, hồng thẫm hồng phớt, trắng), hoa có cánh đơn hoặc cánh kép. Cây có nhiều hoa, hoa ra nhiều đợt và thời gian ra hoa kéo dài.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khuyến nông Thành phố, trong dịp Tết Mậu Tuất năm 2018, TP.HCM đã tiêu thụ khoảng 5,5 triệu chậu hoa nền tăng 3,3% so với năm 2017 tập trung các chủng loại hoa truyền thống như cúc, sống đời, vạn thọ, mào gà, hướng dương, mãn đình hồng….Rõ ràng, hoa trồng chậu đang được người tiêu dùng ưa thích bởi nó phù hợp cho những khu nhà chung cư, nhà phố hiện nay.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Thời vụ: Hoa chuông có thể trồng được quanh năm trong điều nhà màng, nhà có mái che và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt

Chọn giống

Hoa chuông rất đa dạng về màu sắc, tùy theo sở thích của người sử dụng có thể chọn hoa có màu sắc khác nhau như đỏ, tím, hồng, cam, cánh hoa có viền hoặc không viền.

  • Hạt giống: hạt giống phải được đóng gói, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trên bao bì ghi rõ thời hạn sử dụng.
  • Cây cấy mô: chọn cây cao 4-5cm, thân mập, khỏe, có 4-5 lá, cây đã hình thành củ và có nhiều rễ tơ. Sau khi chuyển chai mô từ phòng thí nghiệm ra vườn ươm, không nên đưa cây ra khỏi chai ngay mà nên để chai tại vườn 3-5 ngày để cây thích nghi dần với điều kiện bên ngoài.

Chuẩn bị nhà trồng hoa

Nhà màng trồng hoa chuông được thiết kế chắc chắn, chống gió bão và đảm bảo được sự thông thoáng. Chiều cao nhà màng từ 3,0–3,5 m.

Mái lợp bằng màng polymerđộ truyền ánh sáng 70–80%, xung quanh nhà phủ lưới ngăn côn trùng. Bên trong nhà cần có một lớp lưới có độ che ánh sáng 50%, lớp lưới nàycó thể di chuyển lại được điều chỉnh ánh sáng khi trời nắng nóng. Ngoài ra nên lắp đặt hệ thống phun sương để làm mát cho cây khi nhiệt độ trong nhà tăng cao.

Giàn để chậu hoa có chiều cao 0,8–1m, chiều rộng từ 1-1,5 m tùy diện tích trồng. Các giàn cách nhau 0,4–0,6 m để thuận tiện trong quá trình chăm sóc.

Hệ thống tưới nhỏ giọt bao gồm máy bơm, bồn chứa nước và dinh dưỡng, ống dẫn dinh dưỡng, bộ lọc, van từ, bộ hẹn giờ, bộ châm phân, đầu cắm tưới nhỏ giọt.

Chuẩn bị giá thể trồng cây

Hoa chuông thích hợp môi trường trồng thoáng, xốp, thoát nước tốt

  • Giá thể gieo hạt: dùng đất sạch để gieo hạt. Hạt được gieo trên vỉ nhựa, phủ nhẹ một ít mụn dừa lên trên hạt. Tưới nước đủ ẩm, sau 5-7 ngày hạt nẩy mầm.
  • Giá thể trồng cây hậu cấy mô và cây trưởng thành: hỗn hợp giá thể gồm 1 mụn xơ dừa : 1 tro trấu : 1/4 phân chuồng. Ngoài ra, để hạn chế nấm gây hại rễ, có thể bổ sung chế phẩm sinh học BIMA, theo tỷ lệ 100kg giá thể trộn với 0,3 kg BIMA.

Cây con hình thành từ hạt sẽ được chuyển sang trồng chậu sau 25-30 ngày. Đối với cây cấy mô, sau khi chuyển cây ra ngoài vườn ươm từ 15-20 ngày sẽ chuyển sang trồng chậu.

  • Xử lý mụn xơ dừa

Sử dụng 5 kg vôi pha với 200 lít nước sạch để ngâm 10 bao mụn xơ dừa (khoảng 300 chậu mụn xơ dừa có quy cách  15x12 (chiều cao x đường kính)) ngâm trong 5-7 ngày, sau đó xả lại 2-3 lần nước sạch (2 ngày xả 1 lần).

  • Phương pháp ra cây hoa chuông nuôi cấy mô

+ Dùng panh gắp phần tiếp giáp giữa rễ và thân cây hoa chuông cho vào thau nước sạch. Thao tác nhẹ nhàng, tránh dập rễ.

+ Rửa sạch môi trường bám trên rễ, loại bỏ những lá thối.

+ Rửa 2 lần nước sạch. Sau đó nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm Dithane nồng độ 1%0 trong 1 phút.

+ Vớt cây hoa chuông ra rổ có trải 1 lớp giấy báo.

+ Chuẩn bị khay, cho giá thể mụn xơ dừa đã xử lý vôi, lớp giá thể cao khoảng 5 cm, tưới nước ẩm.

+ Mang cây con ra vươn ươm giâm lên giá thể đã chuẩn bị sẵn, giâm với khoảng cách cây cách cây 4-5 cm.

Tưới nước

Hoa chuông có cấu tạo hình ống kín, vì vậy khi tưới nước hoặc gặp mưa, nước thường đọng lại trong ống hoa không thoát ra được, làm cho hoa dễ bị thối và nhanh tàn. Do đó, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp cho lượng nước cần thiết được cung cấp trực tiếp vào gốc cây, không làm ướt lá và hoa, góp phần hạn chế nấm bệnh gây hại trên lá và hoa.

Sử dụng nguồn nước sạch, pH nước tốt nhất từ 6–7. Định kỳ tưới nước cho cây qua hệ thống nhỏ giọt, 1 lần/ngày với lượng nước tưới là 150-200ml/chậu tùy vào điều kiện thời tiết, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, không  được để cây bị úng.

Dinh dưỡng

Dinh dưỡng cung cấp cho cây qua hệ thống tưới nhỏ giọt 1 tuần 3 lần, mỗi lần khoảng 100ml/chậu (EC = 1.000 µS/cm, pH = 5,8-6,5).

- Giai đoạn cây con (3-20 ngày sau khi ra vườn ươm): sau khi chuyển cây mô ra vườn ươm được 3 ngày, tiến hành phun Vitamin B1 với liều lượng 1 ml/lít nước. Sau 1 tuần, phun phân bón lá NPK 30 - 10 - 10 (0,5 gr/l nước) kết hợp cùng Vitamin B1 (0,5 ml/l nước), định kỳ phun 2 lần/tuần.

- Giai đoạn cây con đến hình thành nụ (20–60 ngày sau khi ra vườn ươm): phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt 5 lần/tuần, 150ml/chậu/lần (EC = 1.000 µS/cm, pH = 5,8 - 6,5).Có thể kết hợp phun thêm phân bón lá BiO trùn quế 01, 02 với liều lượng 1,5–2 ml/l nước.

- Giai đoạn từ nụ đến ra hoa (60–90 ngày sau khi ra vườn ươm): phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt 5 lần/tuần, 150ml/chậu/lần (EC = 1.000 µS/cm, pH = 5,8 - 6,5, đồng thời bổ sung thêm phân bón gốc NPK 20-10-10 liều lượng 1g/chậu. Có thể kết hợp phun thêm phân bón lá BiO trùn quế 03, 04 với liều lượng 1,5-2ml/l nước.

Chăm sóc

  • Phải thường xuyên vệ sinh cỏ dại, ngắt bỏ những lá bị dập, thối, các nụ hoa bị côn trùng cắn phá.
  • Ngắt bỏ 2 nụ hoa đầu tiên để tập trung dinh dưỡng cho cây hoa chuông sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao năng suất và chất lượng hoa.
  • Phải giữ bộ lá của cây luôn xanh tươi, tỏa đều quanh gốc. Điều này không chỉ tạo hình cho chậu hoa đẹp mà còn tăng khả năng ra nụ của cây. Cây càng nhiều lá thì khả năng nuôi nụ, hoa càng cao. Nếu lá quá ít và nhỏ sẽ làm chất lượng hoa kém
  • Sau mỗi vụ trồng, phải thu gom, dọn sạch tàn dư chuyển ra khỏi nhà màng. Thường xuyên xịt rửa các vách màng để tránh sâu bệnh và bụi bẩn bám vào màng vách.

Phòng trừ sâu bệnh hại

  • Rệp sáp Planococcus citri: gây hại chủ yếu trên thân và tán lá. Rệp sáp thường phát sinh nhiều trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.  Xử lý bằng thuốc Mospilan 3EC, Rago 650EC hoặc Suprathion 40EC kết hợp với chất bám dính, liều lượng 1ml/1 lít nước. Phun sương, ướt đều hai mặt lá
  • Sâu vẽ bùa Liroomyza spp: là một đối tượng rất khó diệt trừ, rất dễ kháng thuốc, hầu hết các loại thuốc trong danh mục không có hiệu quả cao ngoại trừ hai loại thuốc đặc trị có tính chuyên biệt được đăng ký chính thức trừ sâu vẽ bùa là: Trigard 100SL và Vertimect 1.8EC. Xử lýbằng cách vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư khi thu hoạch, ngắt bỏ lá, cây bị hại chôn vùi dưới đất hoặc thiêu đốt. Tiêu diệt nguồn lây lan.
  • Nhện đỏ Tetranychus sp: nhện đỏ chích hút nhựa ở mặt dưới lá, có thể xuất hiện trên những lá già làm cho lá bị nhăn, nếu nặng làm lá vàng và rụng sớm, giảm năng suất. Nhện đỏ phát triển mạnh khi trời khô hạn, cây được bón nhiều phân đạm. Xử lý bằng cách vệ sinh khu vực trồng, bón phân cân đối, dùng các thuốc đặc trị: Comite, Nissorun, Rufast, Supracide
  • Bệnh thối thân, lá, củ do nấm Phytophthora cryptogea, Pythiumsp và Collectotrichum sp: thường xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, gây hại ở tất cả các giai đoạn của cây. Xử lý bằng cách không tưới nước quá đẫm cho cây; Xuống giống đồng loạt; Giảm lượng nước tưới khi cây xuất hiện bệnh; Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh, thu dọn các cây bệnh; Phun thuốc trừ bệnh như Ridomin gold 72WP, Aliette 80 WP, Sumi Eight, DuPontTM Kocide 61,4 WG để phòng ngừa.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Có thể trồng hoa chuông quang năm trong nhà màng, hạn chế được sâu bệnh, góp phần tiết kiệm chi phí thuốc BVTV.
  • Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động giúp tiết kiệm được nước, phân bón và công lao động.
  • Cây hoa chuông nuôi cấy mô được cung cấp với số lượng lớn, cây đồng đều, sinh trưởng khỏe.

Hiệu quả kinh tế

  • Chi phí đầu tư:

- Xây dựng nhà màng 1.000m2: 300 triệu

- Hệ thống tưới nhỏ giọt:52 triệu

- Chi phí cây giống 1 năm:75 triệu

- Vật tư, nguyên liệu 1 năm : 100 triệu

- Công lao động 1 năm: 48 triệu   

  • Sử dụng giống nuôi cấy mô rút ngắn thời gian trồng, cây nhanh ra hoa, khoảng 2,5–3 tháng/vụ, lợi nhuận thu được: từ 80–100 triệu đồng/1.000m2/năm, giá bán từ 25.000 – 30.000đ/chậu.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Phòng Thực nghiệm Cây trồng – Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp.HCM

2374 QL 1A, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Tp.HCM