SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình nhân giống in vitro lan rừng Giả hạc xuân

Quy trình sử dụng nguồn vật liệu ban đầu là các đoạn thân mang chồi ngủ, giúp chủ động nguồn mẫu ban đầu và tạo cây con với số lượng lớn, đồng nhất về mặt di truyền, đáp ứng nhu cầu cây giống lan rừng Giả hạc xuân (Dendrobium anosmum Lindl.) của thị trường.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Hoàng thảo (Dendrobium) là một chi lớn nhất trong họ lan, ngoài các loài lan lai, nhập nội được trồng cắt cành phổ biến hiện nay, rất nhiều loài lan rừng đặc hữu có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cũng nằm trong chi hoàng thảo này, đặc biệt là lan rừng Giả hạc xuân (Dendrobium anosmum Lindl.). Giả hạc xuân là loài có hoa nở vào mùa xuân, hoa đẹp, có hương thơm nên được nhiều người chơi hoa ưa chuộng.

Hiện nay trên thị trường, giá của một thân lan rừng Giả hạc xuân dao động khoảng 200.000-500.000 đồng, tùy theo độ dài của thân. Do có giá trị kinh tế cao, nhu cầu mua bán, chơi lan rừng tăng cao khiến cho loài hoa quý này bị săn lùng ráo riết trong tự nhiên, có thể cạn kiệt nếu không được nhân giống, bảo tồn,…

Gần đây, một số mô hình trồng lan rừng Giả hạc xuân đã phát triển, tuy nhiên quy mô còn rất nhỏ do nguồn cây giống chủ yếu được tạo ra bằng phương pháp tách và nhân chồi ngoài tự nhiên. Phương pháp này có hệ số nhân giống rất thấp, cây không đồng đều, không đáp ứng được nhu cầu cây giống của thị trường. Bên cạnh đó, nhân giống in vitro bằng phương pháp gieo hạt cũng được thực hiện, có thể giải quyết vấn đề số lượng cây giống nhưng cây giống tạo ra có thể bị phân ly tính trạng, không đồng nhất về mặt di truyền; phải mất nhiều thời gian để trồng khảo nghiệm, đánh giá và chọn lọc.

Việc nhân nhanh với số lượng lớn cây giống trong khi nguồn mẫu ban đầu hạn chế (có khi chỉ là một mẫu chồi hay đoạn thân duy nhất) bằng cách xác định điều kiện nuôi cấy tối ưu, kỹ thuật xử lý mẫu cấy và phương thức nuôi cấy phù hợp là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần phát triển và bảo tồn, lưu trữ nguồn gen giống lan rừng này.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nhân giống in vitro lan rừng Giả hạc xuân

Thuyết minh quy trình

Chọn cây mẹ

Cây mẹ được chọn là cây khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh, không bị biến dị về hình thái.

Khử trùng mẫu

Nguyên liệu: đoạn thân lan rừng giả hạc xuân 2 năm tuổi, giai đoạn tăng trưởng, các mắt ngủ được bao bọc bởi các bẹ lá. Cắt mẫu thành các đoạn 1,5 cm có chứa mắt ngủ. Mẫu cấy được lắc với xà bông trong 3 phút và rửa sạch. Chuyển vào tủ sấy, rửa sạch với nước vô trùng, sau đó lắc mẫu với cồn 700 trong 1 phút. sau khi rửa sạch mẫu với nước vô trùng, sử dụng javel Mỹ Hảo (Sodium Hypochloride 5%) với tỷ lệ javel:nước vô trùng là 2:1 để khử trùng mẫu trong 30 phút, rửa lại bằng nước vô trùng, cắt phần mẫu bị tổn thương, cấy mẫu sạch vào môi trường MS bổ sung 2 mg/L BA (Benzyladenine), 150mL/L nước dừa, 20g/L đường sucrose, 8g/L agar. Sau 8 tuần nuôi cấy, chồi in vitro đạt kích thước khoảng 2-2,5 cm được sử dụng để tách đỉnh chồi tạo PLBs (Protocorm like bodies).

Tạo PLBs

Sau khi đã tạo được chồi in vitro, tiến hành tách đỉnh chồi, cắt dọc đỉnh chồi nuôi cấy trên môi trường MS + 1 mg/L BA + 0,2 mg/L TDZ (Thidiazuron) + 25 g/L đường sucrose + 8g/L agar ở điều kiện phòng nuôi cấy có nhiệt độ 27 ± 20C, ánh sáng khuếch tán từ các kệ nuôi lân cận (67 µmol/m2/s), ẩm độ là 60 ± 5%. Sau 60 ngày nuôi cấy, các PLBs được tạo thành phục vụ làm nguồn vật liệu cho mục đích nhân nhanh, tái sinh chồi.

Tăng sinh PLBs, tái sinh chồi từ PLBs

Sự tăng sinh PLBs và tái sinh chồi đạt hiệu quả cao khi nuôi cấy trên môi trường MS + 1 mg/L BA + 0,2 mg/L NAA (α ‒ naphthalene acetic acid) + 25 g/L đường sucrose, sử dụng hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời RITA® với tần suất ngập 3 phút sau mỗi 2 giờ. Điều kiện phòng nuôi cấy có nhiệt độ 27 ± 20C, cường độ ánh sáng 27 µmol/m2/s, ẩm độ là 60 ± 5%.

Tăng trưởng cây lan rừng Giả hạc xuân in vitro

Sau khi tạo được lượng chồi cần thiết sẽ cấy chuyền sang môi trường mới để chồi phát triển thành cây con, sử dụng môi trường nuôi cấy là môi trường Hyponex® với hàm lượng 3 g/L kết hợp với hàm lượng 30 g/L chuối sứ + 0,5 mg/L NAA + 100 ml/L nước dừa + 20 g/L đường sucrose + 8 g/L agar. Điều kiện nuôi cấy phòng nuôi cây có nhiệt độ là 27 ± 20C cường độ ánh sáng 27 µmol/m2/s, ẩm độ là 60 ± 5%. Sau 2 tháng nuôi cấy, cây con đạt kích thước 3-4 cm, có 3-4 rễ.

Giai đoạn huấn luyện cây

Cây con đạt tiêu chuẩn về chiều cao, số lá, số rễ sẽ được đưa ra khỏi phòng nuôi và bắt đầu giai đoạn huấn luyện thích nghi, nhằm giúp cây làm quen từ từ với điều kiện bên ngoài khi không còn được nuôi trong điều kiện phòng thí nghiệm, tránh cho cây bị sốc, tăng tỷ lệ sống ngoài vườn ươm.

Khi cây phát triển hoàn chỉnh trong các bình nuôi cấy sẽ được chuyển tới khu huấn luyện thích nghi được thiết kế đón ánh sáng tự nhiên và thoáng gió. Thời gian của giai đoạn này khoảng 2-4 tuần.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Sử dụng hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời RITA® làm gia tăng hiệu quả nhân nhanh PLBs và tái sinh chồi lan rừng Giả hạc xuân gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi cấy truyền thống trên môi trường thạch. PLBs và chồi có hình thái khỏe mạnh, phát triển tốt.

Quy trình nhân giống in vitro lan rừng Giả hạc xuân với đầy đủ các thông số về môi trường nuôi cấy, điều kiện nuôi cấy, thời gian nuôi cấy từng giai đoạn cho hiệu quả tạo PLBs cao (hệ số nhân cao); tỷ lệ PLBs tái sinh chồi đạt 60-80%.

Cây giống Giả hạc xuân đủ tiêu chuẩn ra vườn ươm: chiều cao cây từ 3-4 cm, có 3-4 rễ, 3-4 lá. Tỷ lệ cây sống khi đưa ra vườn ươm đạt 95%.

Quy trình nhân giống này đã được ứng dụng trong sản xuất lan Giả hạc và hoàng thảo thân thòng cho các hộ dân ở Bình Dương (quy mô 50.000 cây/năm), Tây Ninh (50.000 cây/năm), Vĩnh Long (30.000 cây giống/năm), TP.HCM (50.000 cây giống/năm).

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Vương Thị Hồng Loan

ĐT: 0983904599. Email: hongloanvuong@gmail.com

2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 38862726.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả