SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình kỹ thuật trồng giống ớt cay lai F1 LĐ16

Để đáp ứng thị trường nội địa và nhu cầu xuất khẩu đang ngày một tăng, trồng ớt đang trở thành mô hình sản xuất được nhiều địa phương áp dụng bởi vốn ít, rủi ro thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.   

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Giống ớt cay chỉ địa lai F1 LĐ16 do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo, khảo nghiệm và được phép đưa vào sản xuất từ năm 2017.

Giống sinh trưởng mạnh, ra hoa sớm (26-29 ngày sau trồng), cho thu hoạch quả sớm (61-66 ngày sau trồng), chống chịu được bệnh thán thư. Quả có màu vàng khi chưa chín và màu đỏ tươi khi chín, quả thuôn bóng đẹp, khối lượng trung bình quả 14-18 g, quả dài 8,1-10,4 cm, đường kính 1,7-2,1 cm, thịt quả dày 2,2-2,8 mm, vị cay. Giống ra hoa đậu quả sớm, cho năng suất cao, đạt 25-30 tấn/ha, thích hợp vụ xuân hè ở điều kiện các tỉnh miền Nam.

Quy trình kỹ thuật trồng

* Thời vụ

Giống phát triển tốt ở vụ khô (đông xuân hoặc xuân hè). Vụ mưa (hè thu hoặc thu đông) tuy không thuận, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

* Chuẩn bị đất trồng         

Làm sạch cỏ dại, cày xới và phơi ải đất, bón vôi với lượng 80-100 kg cho 1.000m2 đất trồng. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế sâu bệnh và cỏ dại nhất là trong mùa mưa.

Tùy theo mùa vụ, đặc điểm ruộng trồng mà có khoảng cách trồng khác nhau. Nếu mô rộng 0,8-1 m thì chỉ trồng 1 hàng, mô rộng 1,2-1,4 m thì trồng 2 hàng, cây cách cây 0,4-0,5 m. Nếu trồng quá dày sẽ hạn chế sự phát triển cành mang quả, tăng khả năng sâu bệnh. Mật độ trồng trung bình 25.000-30.000 cây/ha.

Giống cho ra hoa đậu quả sớm nên các quả gần gốc phát triển sát mặt đất, vì vậy cần phủ liếp trồng bằng màng phủ nông nghiệp.

* Gieo hạt và chăm sóc cây con

Ngâm hạt trong 3-4 giờ, ủ cho nứt nanh mới đem gieo. Nên gieo hạt trong bầu để khi đem trồng cây con nhanh bén rễ và hồi xanh. Trước khi trồng một tuần cần luyện cho cây con cứng cáp vì cây con mềm yếu thì khi trồng sẽ dễ bị héo nếu gặp trời nắng và dễ đỗ ngã nếu gặp trời mưa. Cần tháo hết giàn và lưới che để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, không nên tưới nước thường xuyên mà nên để cho cây bắt đầu hơi héo mới tưới và tưới thật đẫm. Tiến hành trồng khi cây con được 20-30 ngày tuổi. Nên tưới đẫm nước trước khi trồng 3-4 giờ vì nếu vừa tưới xong mà trồng liền thì bầu đất dễ vỡ. Lượng hạt giống cần trồng cho 1.000 m2 khoảng 20-25 g.

* Phân bón

Lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau:

- Phân chuồng: hoai 2-3 m3 hoặc 1.000-2.000 kg (có thể thay thế bằng 100-200 kg phân hữu cơ vi sinh), N: 25-30 kg, P2O5: 15-18 kg, K2O: 18-22 kg.

- Tỷ lệ lượng phân chuồng, đạm, lân và kali có thể chia ra các lần bón như sau:

Loại phân

Bón lót

20-25 ngày
sau trồng

40-45 ngày sau trồng

75-80 ngày sau trồng

Phân chuồng

N

P2O5

K2O

100%

20-25%

40-70%

10-15%

-

25-30%

20-30%

10-15%

-

25-30%

0-20%

40-45%

-

25-30%

0-10%

30-35%

Ví dụ: Có thể bón cho 1.000m2 với lượng phân như sau:

Loại phân

Bón lót

20-25 ngày sau  trồng

40-45 ngày sau  trồng

75-80 ngày sau trồng

Tổng cộng

Phân chuồng (tấn)

Ure (kg)

KCl (kg)

16-16-8 (kg)

1,5

3

-

30

-

5

-

30

-

5

10

30

-

8

8

10

-

21

18

100

Ngoài các lần bón thúc như trên, có thể tưới dặm thêm tùy theo tình hình sinh trưởng của cây. Đối với chân đất ruộng, kết hợp bón phân với bồi bùn. Nếu trồng trên đất liếp, sau khi bón phân cần xới xáo, vun gốc lấp phân để tránh phân bốc hơi, đồng thời giúp ớt ra rễ bất định (khi vun đất hoặc bồi bùn lên phần thân sát gốc thì rễ sẽ mọc ra ở vị trí thân được lấp đất), hạn chế đổ ngã, tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng.

Tùy theo độ phì nhiêu của đất, cây trồng vụ trước và tình hình sinh trưởng của cây mà có thể điều chỉnh lượng phân cho hợp lý.

Sử dụng thêm phân bón lá có chứa Ca và các chất vi lượng. Khi sử dụng phân bón lá cần chú ý hàm lượng đạm, lân, kali ghi trên bao bì. Giai đoạn cây mang quả không sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, nhất là trong mùa mưa vì sẽ tăng bệnh thán thư. Lúc cây ra hoa nên phun CaBo, khoảng 7-10 ngày phun 1 lần sẽ giúp tăng tỷ lệ đậu quả, quả bóng và cứng, hạn chế bệnh thán thư và ngăn ngừa thối quả do thiếu canxi.

Các chồi nằm dưới vị trí phân cành cần được tỉa bỏ bằng tay khi chồi mới ra 1-2 cm để giúp thông thoáng, hạn chế sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng phát triển cành mang quả giúp tăng năng suất.

* Phòng trừ một số sâu bệnh chủ yếu

Để hạn chế các loại sâu bệnh phát triển và lây lan, cần luân canh hợp lý, vệ sinh đồng ruộng, trồng với mật độ vừa phải và tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt, tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, thường xuyên thăm ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại. Hái bỏ các phần bị bệnh (lá, cành và quả) đem tiêu hủy. Hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phổ rộng để bảo vệ các loài thiên địch, lưu ý ưu tiên sử dụng các loại thuốc vi sinh.

Xử lý một số côn trùng và sâu hại:

- Bọ trĩ, rầy mềm, bọ phấn: chích hút nhựa cây, phá hại trên lá non, đọt non, hoa và quả, làm cho lá bị quăn queo, đọt non không phát triển được.

Phòng trừ: dọn sạch cỏ dại, tỉa bớt cành nhánh để cây được thoáng, hạn chế điều kiện ẩn nấp của côn trùng và dễ phun thuốc. Phun các loại thuốc chứa hoạt chất Abamectin, Imidacloprid, Emamectin benzoate, Chlorfenapyr…

- Các loại sâu ăn lá và sâu đục quả (sâu xanh, sâu ăn tạp, …)

Phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, phun các loại thuốc chứa hoạt chất Abamectin, Emamectin benzoate, Indoxacarb, Chlorfluazuron...

- Bệnh thán thư: giống ớt lai F1 LĐ16 ít nhiễm các loại bệnh hại kể cả bệnh thán thư. Bệnh thán thư có thể xuất hiện trên ruộng hoặc làm thối quả ớt đã thu hoạch. Bệnh rất phổ biến và gây hại nghiêm trọng trong điều kiện ẩm ướt mùa mưa. Bệnh mẫn cảm với chế độ phân bón, đặc biệt trong mùa mưa bệnh sẽ phát triển mạnh khi bón nhiều phân đạm.

Phòng trừ: bón phân cân đối, phun thêm phân bón lá có chứa Ca và hàm lượng kali cao giai đoạn cây bắt đầu mang quả. Không trồng dày, không tưới nước vào chiều tối, hái bỏ các quả bị bệnh đem tiêu hủy, tỉa bỏ chồi và lá gốc để ruộng thông thoáng hạn chế bệnh và dễ phun thuốc, luân canh. Sử dụng  luân phiên các loại thuốc trừ nấm chứa hoạt chất như Mancozeb, Kasugamycin, Metominostrobin, Copper oxychloride+Kasugamycin…

* Thu hoạch

Thu vào buổi sáng hoặc lúc trời mát, khi quả chuyển màu đỏ ở đỉnh. Khi thu quả được chứa trong giỏ hoặc thùng sạch. Cần phân loại trong lúc thu hoạch những quả có vết sâu bệnh hoặc dị dạng. Chuyển các giỏ quả vừa thu vào nơi thoáng và mát, sau đó chuyển đến nơi tập kết.

Thời gian thu quả khoảng 1,5-2 tháng.

Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế từ việc trồng ớt phụ thuộc nhiều vào giá thị trường.

Kết quả sản xuất giống ớt lai F1 LĐ16 ở Đồng bằng sông Cửu Long cho lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng (khi giá bán 30.000 đ/kg) và khoảng 15 triệu đồng (khi giá bán 10.000 đ/kg) cho mỗi đơn vị diện tích canh tác 1.000 m2.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trần Kim Cương

Bộ môn Rau, Hoa và Cây cảnh - Viện Cây ăn quả miền Nam

Địa chỉ: Xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Điện thoại: 0918 629 304

Email: tkcsofri@yahoo.com

Thu Thủy (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả