SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình phòng và trị bệnh cho cá Koi

Cá Koi là một loài cá cảnh đẹp và có giá trị kinh tế lớn, khi mỗi con có thể có giá lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm ngàn USD. Tuy nhiên, nếu xảy ra dịch bệnh, cá chết hàng loạt sẽ gây tổn thất kinh tế rất lớn. Vì vậy, mô hình dưới đây sẽ cung cấp các giải pháp phòng trị bệnh hiệu quả cho cá Koi, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người nuôi cá.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cá Koi hay cá chép cảnh (Cyprinus carpio koi) là loài cá được nuôi nhiều ở các nước như Mỹ, Australia, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel, các nước vùng Đông Nam Á và chiếm tỷ lệ cao trong xuất khẩu thủy sản. Doanh số bán cá cảnh trên thế giới (phần lớn ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ) vào khoảng 10-17 tỷ USD mỗi năm. Ở châu Á, Singapore mỗi năm cũng xuất khẩu trên 300 triệu USD ra thị trường thế giới.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP.HCM, 10 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh tại TP.HCM đã đạt khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi tập trung ở các quận 8, 9, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và huyện Thủ Đức. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu gần 16,25 triệu con, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Cá Koi chủ yếu yếu được nuôi ao hoặc nuôi bè cho đến khi thành cá thương phẩm sẽ được chuyển lên nuôi ở bể xi măng hoặc bể kính.

Nguồn thức ăn

Chủ yếu là trùn chỉ, bo bo đối với cá bột và cá giống, còn cá bố mẹ và cá thương phẩm thường sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự pha chế giữa cám với cá tươi.

Hình thức nuôi

- Nuôi bè: mật độ nuôi từ  50-100 con/m2. Trước khi thả cần xử lý cá giống bằng các hóa chất như muối, iodin. Dùng Oxytetracycline tắm cho cá trong 1 phút hoặc ngâm cá trong Tetracycline trong 1 giờ với liều lượng 1-2 viên/bao. Cho cá ăn thức ăn công nghiệp như Cargill và thức ăn tự phối trộn có kết hợp với vitamin.

- Nuôi ao: trước khi lấy nước vào, xử lý ao bằng cách phơi ao 2-3 ngày, bón vôi với liều lượng 2,5-3 kg/100 m2 rồi tiếp tục phơi từ 5-7 và ngày bón phân hữu cơ, sau 1 tuần bắt đầu thả cá. Cá nhỏ cho ăn tảo Spirulina hoặc bobo, cá lớn cho ăn thức ăn công nghiệp dạng viên.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Các biện pháp phòng bệnh chung cho cá Koi

  • Tẩy và dọn ao nuôi kỹ trước khi thả cá, bón vôi CaCO3 (đá vôi) hoặc Ca(OH)2, phơi ao để diệt mầm bệnh.
  • Cá mua về phải biết rõ nguồn gốc, không bị nhiễm các mầm bệnh. Cá mới bắt về phải được cách ly kiểm dịch.
  • Chọn cá giống khỏe mạnh. Trước khi thả nuôi, tắm cá bằng muối 3% để xát trùng vết thương do vận chuyển.
  • Cho cá ăn vừa đủ, tránh dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nước.
  • Ngăn chặn các loài chim hoang dã và chim ăn thịt làm hại cá.
  • Sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau.
  • Trong quá trình nuôi tránh gây sốc cá.
  • Không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh.
  • Vệ sinh môi trường nuôi thường xuyên bằng vôi bột tùy theo độ pH của nước ao. Nếu pH<7, bón 2 kg vôi/100 m3 nước, pH từ 7-8,5 bón 1 kg vôi/100 m3, bón định kỳ 2-4 lần/tháng. Pha nước vôi loãng tạt đều ao để tiêu diệt mầm bệnh.
  • Đối với cá nuôi bè hàng tháng phải treo ngập nước túi có chứa 2-4kg vôi bột ở đầu bè, đặc biệt là vào mùa nước đổ.
  • Trộn kháng sinh cho cá ăn vào những thời điểm giao mùa hoặc trước khi vận chuyển cá. Sử dụng Sulphamerazine liều lượng 220 mg/kg cá/ngày hoặc Oxytetracyclin 75 mg/kg cá/ngày, cho ăn kéo dài trong vòng 7-10 ngày.
  • Khi cá yếu hoặc có dấu hiệu bệnh (thường xảy ra khi thay đổi môi trường nuôi), ngâm cá với Oxytetracyclin liều lượng 10 g/100 lít nước, ngâm liên tục từ 5-7 ngày. Trong quá trình điều trị không nuôi nhốt cá ở mật độ quá cao và ngưng cho ăn trong vài ngày.

Các bệnh thường gặp ở cá Koi và cách điều trị

Tuột nhớt

Biểu hiện: cơ thể cá bị mất nhớt, cứng mình, trắng mắt. Bệnh xảy ra đồng loạt sau vài giờ, cá ít hoạt động nên còn gọi là bệnh ngủ. Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa mưa (tháng 4 đến tháng 6) ở mọi lứa tuổi và cỡ cá với tỷ lệ cá chết từ 60-70%.

Điều trị: ngâm cá trong nước muối với nồng độ 3-7‰ khoảng 12 giờ hoặc thay 70% nước và bón vôi để nâng pH nước.

Lở loét

Biểu hiện: thân cá bị ghẻ tróc, lở loét, trầy da, đốm đỏ, cá bơi lờ đờ, bỏ ăn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi cá với kiểu chết rải rác do môi trường nước xấu, cá bơi va chạm vào nhau, gây tổn thương lẫn nhau.

Điều trị: dùng formol với nồng độ 5 ml/100 lít nước tắm cho cá, hoặc tắm muối cho cá với nồng độ 1,5 kg/20 lít nước, hoặc cho cá ăn kháng sinh Oxytetracyclin. Có thể ngâm Tetracycline trong hồ với số lượng 1-2 viên/20 lít nước.

Phù mang

Biểu hiện: mang cá có mủ, các sợi mang dính lại với nhau, nhiều nhớt, nhạt màu và hoại tử làm cho cá khó thở nên dễ xảy ra chết hàng loạt với tỷ lệ 60-70%, bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh.

Điều trị: sục khí mạnh và bỏ bột đồng sunfat 2,5 ppm vào trong hồ, bệnh sẽ tự khỏi sau 24 giờ. Có thể dùng muối, formol, xanh malachite để tắm cho cá.

Đốm trắng

Biểu hiện: da cá hiện lên những đốm trắng. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi cá, gây cho cá khó chịu nhưng không gây chết.

Điều trị: dùng muối, formol, xanh malachite để tắm cho cá.

Đường ruột

Biểu hiện: bụng cá bị chướng to, cá bắt đầu chán ăn rồi bỏ ăn hoàn toàn, sau 3-4 ngày thì chết. Bệnh xảy ra ở mọi tuổi và cỡ cá, tỷ lệ chết dưới 5%.

Điều trị: cho cá ăn thức ăn trộn với kháng sinh Vime-ciprocin với liều lượng 500g Vime-ciprocin/300 kg cá.
 

Ưu điểm công nghệ

Quy trình giúp hạn chế và phòng ngừa hiệu quả các loại dịch bệnh ở cá Koi.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Nguyễn Ngọc Du – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2

116 Nguyễn Đình Chiểu, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3829 9592

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả