SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình nuôi cá Dĩa

Thị trường cá cảnh Việt Nam hiện nay đã và đang phát triển ngày càng sôi động và mạnh mẽ, không chỉ phục cho đa dạng đối tượng khách hàng trogn nước, mà còn có tiềm năng xuất khẩu to lớn, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nhiều hộ kinh doanh. Mô hình dưới đây cung cấp các kỹ thuật nuôi và gây giống cá dĩa – loài cá được ưa chuộng bởi nhiều đối tượng khách hàng bởi màu sắc đẹp và đa dạng chủng loại.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Từ thập niên 1980, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh trên thế giới đã tăng từ 40 triệu USD lên đến 200 triệu USD. Hiện nay, Châu Á cung cấp hơn 50% nhu cầu cá cảnh cho thị trường thế giới, trong đó, Singapore là nước xuất khẩu cá cảnh lớn nhất, sau đó là Hồng Kong, Indonesia, Malaysia và cộng hòa Czech.

Cá cảnh mang thương hiệu Việt Nam đã hiện diện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ thuộc Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. Hiện tại, Liên Minh Châu Âu (EU) đang là thị trường nhập khẩu cá cảnh lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước. Trong đó, cá dĩa và cá bảy màu là hai loài cá được ưa chuộng nhất hiện nay.

Nước ta có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá cảnh xuất khẩu, do không chỉ có nguồn nước, khí hậu, nhiệt độ phù hợp cho sự sinh sản và phát triển của các loài cá cảnh nhiệt đới, mà còn có lợi thế về nguồn cá cảnh giá rẻ, cá khỏe, đẹp, có thể nuôi trong nhiều loại môi trường (mặn - lợ - ngọt) và thời tiết khác nhau.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Điều kiện sản xuất

Trang thiết bị: bể nuôi (kích thước 120x50x40cm), bể cá đẻ (kích thước 60x50x40cm), hệ thống cấp thoát nước, máy và hệ thống sục khí, hệ thống lọc nước, thiết bị nâng nhiệt, giá thể đẻ.

Quy trình thực hiện

a. Chuẩn bị môi trường nuôi cá

  • Nhiệt độ nước

Nhiệt độ nước thích hợp cho cá con mới nở đến khi đạt chiều dài 5 - 6cm là 28 -300C.

Nhiệt độ nước thích hợp cho cá dĩa trưởng thành và cá sinh sản là 26 - 280C.

Lưu ý: Khi nhiệt độ nước giảm xuống dưới 230C nên sưởi ấm cho cá bằng thiết bị sưởi ở nhiệt độ 28 - 300C.

  • Độ pH của nước

Độ pH thích hợp cho cá con: 6,4 – 6,8.

Độ pH thích hợp cho cátrưởng thành: 6,5 – 7,0.

Độ pH thích hợp cho cá sinh sản: 5,8 - 6,2.

  • Độ cứng của nước (dH)

Độ dH thích hợp cho cá sinh sản: 4 – 60(10dH = 17,9 mg CaCO3/L).

Độ dH thích hợp cho cá con: 6 – 80.

  • Ánh sáng

Bể nuôi nên đặt trong nhà, thông thoáng và có cửa sổ, nhưng không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào sẽ làm cho cá hoảng sợ, không ăn, màu sắc sậm lại do bản chất nhút nhát của cá. Ánh sáng ảnh hưởng nhiều đến màu sắc của cá, khi cường độ ánh sáng ở mức thích hợp sẽ làm cho cá biểu lộ màu sắc sặc sỡ hơn.

  • Chất khí

Oxy: hàm lượng oxy cần thiết cho cá phải lớn hơn 5mg/lít.

CO2: hàm lượng cho phép của khí trong bể nuôi phải nhỏ hơn 20mg/lít.

H2S: cá sẽ bị ngộ độc nếu H2S ở nồng độ từ 0,01 - 0,05ppm.

NH3: cần duy trì ở nồng độ 1ppm.

Chlorine: do chlorine rất độc với cá, nên phải loại bỏ chlorine bằng cách sục khí liên tục ít nhất 48 giờ trong bể chứa nước.

  • Các hệ thống lọc nước

Lọc nước bằng cơ học: giúp loại bỏ các mảnh vụn đất cát, chất bẩn... ra khỏi nước.

Lọc nước bằng hóa chất: giúp tạo oxy và loại bỏ các phân tử như amoniac ra khỏi nước.

Lọc nước bằng cơ chế sinh học: ngăn ngừa sự hình thành và chuyển hóa các chất độc hại trong nước, giúp nước sạch và tốt hơn cho cá.

b. Sinh sản

  • Vị trí nuôi

Chọn nơi yên tĩnh, ánh sáng vừa phải, nhiệt độ từ 27 - 290C, tránh gió lùa và dễ cấp thoát nước.

  • Nuôi và chọn cá bố mẹ

Chọn cá bố mẹ hậu bị: chọn cá có thân hình tròn, đầy đặn, khỏe mạnh, kỳ vây nguyên vẹn, phản xạ nhanh nhẹn, màu sắc tùy ý muốn.

Chọn cá bố mẹ: khi nuôi cá được 12 tháng (kích thước cá 10 - 13cm) thì chọn lại khoảng 15 - 20 con nuôi trong 1 hồ để cá bắt cặp. Khi cá đã bắt cặp xong thì tách cặp cá đó sang bể đẻ. Cho cá ăn ngày 3 lần (vào 8, 11 và 15 giờ) với các loại thức ăn như: tim (90,9%), tảo spirunila (4,6%), Premix (2,7%), men tiêu hóa (1,8%) hoặc tim bò trộn với thức ăn tổng hợp vitamin A,D E và xen kẽ trùn chỉ, cá lóc con, lăng quăng. Thay nước hàng ngày, lượng nước thay khoảng 25 - 90% tùy thuộc vào chất lượng nước, loại thức ăn, số lượng cá, thời tiết và hệ thống lọc trong bể.

  • Chuẩn bị nước cho cá đẻ

Nước trước khi sử dụng phải được chứa trong bể chứa 24 giờ trở lên, sục khí và xử lý ozone 0,25 – 1g/10 lít nước/giờ (nếu có). Chất lượng nước sau khi đã xử lý phải có độ pH từ 5,8 – 6,4, dH từ 2 – 4 và nhiệt độ từ 27 - 280C.

  • Sinh sản

Hiện tượng: trước khi đẻ một vài ngày, cá sẽ có hiện tượng rùng mình liên tục, tăng cường cạp ổ, gai sinh dục dài ra hơn và có thể phân biệt cá đực-cái. Dùng ca vớt riêng từng cặp cá bố mẹ cho vào bể cá đẻ. Giá thể là miếng gạch ghép hình tam giác đặt cách mặt nước khoảng 15 cm. Thời gian đẻ trứng kéo dài 1-1,5 giờ.

Chăm sóc trứng: sau khi cá đẻ xong khoảng 12 giờ, dùng xanh methylen (nồng độ 0,3ppm) cho vào bể đẻ để ngăn ngừa trứng bị nhiễm nấm. Sau 24 giờ, trứng thụ tinh sẽ đen dần và nở thành con với tỷ lệ trứng nở khoảng 60 – 90%.

Bảo vệ trứng: nếu cặp cá bố mẹ có thói quen ăn trứng, sử dụng một tấm lưới bằng inox, hình chữ nhật, kích thước mắt lưới khoảng 0,3cm2 và khoảng cách từ lưới đến trứng khoảng 1,3cm, để chụp lên ổ trứng và giá thể.

Chăm sóc cá con: sau khi nở khoảng 4 ngày, cá con có thể tự do bơi lội và bám trên mình cá bố mẹ. Khi cá 5 - 6 ngày tuổi (sau khi bám mình bố mẹ), cho cá ăn dặm bo bo non hoặc ấu trùng artemia. Thời kỳ nuôi con của cá bố mẹ kéo dài 14 - 18 ngày (tính từ ngày cá nở).

  • Chăm sóc cá đẻ

Ánh sáng: chiếu sáng bể cá liên tục, có thể sử dụng mỗi bể một bóng đèn nhỏ.

Sục khí: khi cá đẻ trứng, chỉ cho ăn rất ít trùn chỉ để đảm bảo nước trong bể được sạch. Cho cá ăn nhiều dần lên khi cá con đã lên bám mình bố mẹ.

Thay nước: ở giai đoạn cá đẻ và chăm sóc trứng, cần xiphong hoặc dùng miếng lọc mút để lấy phân và thức ăn dư ra khỏi bể. Còn giai đoạn nuôi con thì lượng nước thay khoảng 5 - 10 cm mỗi ngày tùy vào chất lượng nước.

c. Chăm sóc cá con

  • Cá con tách bố mẹ

Sau khi cá con nở từ 14 - 18 ngày, nếu cá bố mẹ ăn trùn chỉ mà cá con sà xuống ăn thì có thể tách bầy cá con. Trước khi tách phải chuẩn bị nước trước 2 ngày. Nước trong bể cần có mực nước 30cm, nhiệt độ từ 29 - 310C, pH 6,5 - 7, dH 4 – 8 và muối ăn 1g/lít. Dùng vợt mềm tách cá con khỏi cá bố mẹ rồi chuyển ra thau, sau đó cho thau nước có chứa cá con vào trong bể mới rồi từ từ cho cá bơi ra ngoài.

  • Cho ăn

Cho cá con vào hồ và sục khí vừa phải, không cho cá ăn vào ngày đầu tiên, tới ngày thứ 2 cho ăn trùn chỉ 2 - 3 lần/ngày. Cho cá ăn đến 18 giờ nếu trời ấm và 14 giờ khi trời lạnh.

  • Thay nước

Khi cá nuôi trong bể khoảng 20 ngày thì thay nước khoảng 25 - 50% lượng nước trong bể tùy thuộc và chất lượng nước.

d. Chăm sóc cá con sau 4 tuần tuổi

Khi cá đạt 3 - 4cm, chuyển cá sang hồ có mật độ thưa hơn. Thức ăn chủ yếu là trùn chỉ, lăng quăng, tim bò xay. Thay nước hay 1 - 2 lần/ngày (sáng 8-9 giờ, chiều 16-17 giờ), lượng nước có thể thay từ 25-90% tùy chất lượng nước. Chú ý chùi đáy bể 10 ngày/lần và trước khi chùi thì bỏ thuốc tím hoặc xanh methylen 0,5ppm để diệt mầm bệnh.

e. Một số lưu ý

  • Bo bo và lăng quăng mua về nên để vài giờ để loại bỏ hết chất thải trong ruột của chúng và rửa qua nước sạch vài lần.
  • Trùn chỉ cho vào thau rộng và cứ cách khoảng 3h thì thay nước một lần để loại bỏ bùn đất và chất bẩn
  • Cho cá ăn vừa đủ hoặc hơi thiếu, không cho ăn thừa.
  • Co cá ăn ngày 3 lần vào lúc 8 giờ, 11 giờ và 15 giờ.
  • Thường xuyên kiểm tra cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ pH của nước trong bể nuôi.

f. Phòng bệnh cho cá dĩa.

  • Sán lá nang: triệu chứng gồm nắp mang sưng phồng, đỏ (hở mang) và thở dồn dập. Để chữa trị, cần ngừng cho cá ăn trùn chỉ và tắm muối cho cá 3 tuần/lần với liều 3% trong 5 - 10 phút và tắm liên tục 3 lần.
  • Sán dây: triệu chứng là vệt dài trắng đục trong nước hoặc kéo dài theo đường hậu môn của cá. Để chữa trị, cần cho cá lớn ngừng ăn trùn chỉ sau đó bệnh sẽ tự khỏi, còn cá con khi nhiễm sán thì không có biện pháp chữa trị.
  • Ký sinh trùng Amyloodinium sp: khi nhiễm cá thường có màu sậm (cá dĩa lam), đen vây, thân nhợt nhạt (cá dĩa bồ câu), ít vận động, hay cọ mình vào các vật cứng trong bể và chết rải rác. Để chữa trị, cần cho cá ngừng ăn trùn chỉ và tắm thuốc tím cho cá từ 20 - 30 phút, 2 - 3 ngày/lần và liên tục 3 lần. Tắm xong thì ngâm muối 3%  trong 3 ngày liên tục.
  • Vi khuẩn: triệu chứng là mắt và cơ thể cá bị ăn sâu tạo thành vết loét. Để chữa trị, cần ngâm cá trong Oxytetracyclin nồng độ 2g/100 lít nước, ngâm mỗi ngày, kéo dài 5-7 ngày liên tục
  • Nấm hạt Ichthyophonus sp.: triệu chứng là cá gầy, bỏ ăn và mang đỏ. Cá con thường tụ góc, sậm thân, mang trắng nhợt nhạt ở cá nhỏ và đỏ hồng ở cá lớn. Bệnh này không có thuốc điều trị, chỉ có thể hạn chế sự phát triển của nấm bằng các tăng nhiệt độ nước lên 32-340C

Hiệu quả kinh tế của mô hình

Tùy theo qui mô và loại hình kinh doanh:

  • Mô hình chuyên sản xuất cá bột và bán cá bột: dưới 40 triệu đồng/năm với 50 cặp cá đẻ.
  • Mô hình sản xuất cá bột và bán cá các độ tuổi: 50 – 60 triệu đồng/năm.
  • Mô hình sản xuất và bán cá thương phẩm: 60 – 80 triệu đồng/năm với 50 cặp cá đẻ.
  • Mô hình sản xuất cá bột, bán cá các độ tuổi và xuất khẩu: trên 40 triệu đồng/năm.
  • Mô hình mua cá về dưỡng để xuất khẩu: trên 40 triệu đồng/năm.

Thông tin hỗ trợ chuyển giao

  • Cơ sở sản xuất cá dĩa Hoàng Thiên Sơn: quận Bình Chánh, TP.HCM.
  • Cơ sở sản xuất cá dĩa Thạch Trần Vân Hà: 168/KP1, Phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM.