SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng và chăm sóc ổi lê Đài Loan

Ổi lê Đài Loan có hình dạng như trái lê, vỏ xanh nhạt, láng, nặng khoảng 250-400 g, mẫu mã đẹp, phần cùi dày, thịt trắng, giòn, ngọt, mềm, mùi thơm đặc trưng của ổi. Ổi lê Đài Loan sinh trưởng và phát triển khỏe, cho năng suất khá cao tại Việt Nam.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Ổi sinh trưởng tốt trên đất phù sa giàu chất hữu cơ như Đồng bằng sông Cửu Long. Nó cũng có thể mọc trên đất phèn đã được lên liếp và cải tạo, đất không được úng nước, độ pH từ 4,5-8,2 (tốt nhất là 6-7). Ổi phát triển tốt khi đất đủ ẩm, tuy nhiên nó cũng là cây chịu hạn khá. Mưa nhiều hay nhiệt độ cao, gió mạnh sẽ làm hoa và quả non rụng nhiều. Khô hạn trong thời kỳ trái đang lớn sẽ làm kích thước trái giảm. 

Ổ lê có nguồn gốc từ Đài Loan, được trồng ở Việt Nam trong vài năm gần đây, có đặc điểm sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng trái có thể ngon nhất trong các loại ổi hiện có. Ổi lê Đài Loan cho năng suất khá cao ngay từ năm thứ nhất; khi ổn định (khoảng 3 tuổi) có thể đạt từ 25-50 tấn/ha), đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyết điểm trái có hạt trung bình; tỉ lệ thịt độ 70-74%. Thời gian ra hoa tới khi thu hoạch chỉ độ 2,5 tháng. Theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, nên thu hoạch khi trái chín khoảng 70% vì lúc ấy ăn giòn nhất.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Chuẩn bị thực hiện mô hình

Đất trồng

i lê Đài Loan không kén đất, có thể phát triển mạnh trên nhiều nền đất, tuy nhiên phù hợp nhất là vùng đất có sa cấu nhẹ như đất phù sa, đất cát pha, có tầng canh tác sâu (tối thiểu 0,5m), có độ dốc không quá 20%,

Thiết kế vườn

  • Hướng trồng: thiết kế hàng ổi trồng vuông góc với hướng Đông-Tây để cây trên vườn nhận được đầy đủ ánh sáng. 

Vườn có quy mô lớn (trên 3ha) nên thiết kế lô trồng theo kiểu bàn cờ, có các trục đường chính nối liền bằng các đường nhánh và hệ thống đường lô nhỏ. Thiết kế mương thoát nước (từ 2–3 hàng ổi có 1 mương thoát nước). Xung quanh vườn xẻ mương lớn thoát nước.

  • Đối với địa hình đồi dốc:

+ Đất có độ dốc dưới 70: chỉ cần chống xói mòn bằng các biện pháp sinh học và canh tác như trồng theo đường đồng mức, trồng thành băng thẳng góc với hướng dốc để hạn chế tốc độ dòng chảy, trồng cây họ đậu che phủ đất.

+ Đất có độ dốc 8-150: đối với các loại đất mẫn cảm với xói mòn (thành phần cơ giới nhẹ, sức kháng xói mòn thấp, mưa tập trung, sườn dốc dài...) cần làm vườn dạng bậc thang.

Hệ thống tưới

  • Tưới phun: phun nước từ dưới lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay với góc 3600, đặt cao khỏi mặt đất 0,5-1,0m (dưới dạng phun sương hay phun mù) thường áp dụng tưới cho cây con trong vườn ươm hoặc vòi phun hạt to di động cầm tay dùng để tưới vào những ngày nắng nóng (phun vào 16-18 giờ chiều) để tăng ẩm độ không khí, giảm độ nóng cho quả, cho cây, chống hiện tượng rụng quả do thời tiết khắc nghiệt.
  • Tưới phun mưa bằng cơ giới: rất phổ biến cho nhiều loại cây trồng.
  • Tưới nhỏ giọt: thường được áp dụng đối với những vườn cây ăn trái đặc sản có hiệu quả kinh tế cao ở những vùng thiếu nước tưới.

Trong điều kiện thâm canh cây ổi Lê Đài Loan có thể chọn hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun tùy khả năng đầu tư.

Trồng cây chắn gió

Nên trồng cây chắn gió xung quanh vườn, đặc biệt là hướng gió chính để hạn chế thiệt hại do gió, đồng thời ngăn cản côn trùng có hại theo gió từ vườn khác vào. Cây chắn gió có thể là cây dâm bụt để cao (trồng đan chéo chữ A bằng phương pháp dâm cành). Khoảng cách giữa hàng cây chắn gió với hàng cây ổi trong vườn khoảng 3m.

Chuẩn bị cây giống

Giống phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn và quy cách sau:

  • Giống trồng (thường là cây chiết cành, cũng có thể sử dụng cây ghép) phải được công nhận hoặc đã được tuyển chọn và được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, sản xuất từ các vườn có nguồn gốc rõ ràng.
  • Cây giống khỏe và không mang sâu, bệnh nguy hiểm, trồng trong túi bầu polyetylen hoặc các vật liệu làm bầu khác.
  • Cây giống phải giữ nguyên được bộ lá ban đầu hoặc có các đợt lộc mới đã thành thục.

Khoảng cách trồng

  • Khoảng cách trồng phụ thuộc vào tính chất của đất, đất giàu dinh dưỡng trồng thưa, ngược lại đất nghèo dinh dưỡng thì trồng dày hơn. Nếu vườn có trồng cây trồng xen thì trồng thưa. Nếu hộ gia đình có khả năng thâm canh cao thì trồng thưa.
  • Khoảng cách trồng của cây ổi Lê Đài Loan ở miền Đông Nam bộ thích hợp là 3x4m, hoặc có thể trồng với mật độ 3x3m kết hợp với kỹ thuật cắt tỉa, mật độ từ 1.000 cây/ha.

Chuẩn bị hố trồng

  • Hố được đào với kích thước 60x60x60cm. Bón lót mỗi hố 20–30 kg phân chuồng hoai mục + 0,5kg supe lân + 2 kg phân hữu cơ vi sinh. Lượng phân này được trộn đều với đất đào dưới hố lên rồi lấp trở lại hố và vun đất xung quanh lên thành vồng cao hơn so với mặt đất 15–20 cm, ở giữa lõm xuống để giữ nước tưới sau khi trồng.
  • Chuẩn bị hố trước khi trồng 1 tháng.

Quy trình hoạt động của mô hình

Thời vụ trồng

Ổi lê Đài Loan có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa, đất đủ ẩm (tháng 5-7 dương lịch).

Cách trồng

Không trồng vào lúc trời nắng gắt (10 giờ sáng đến 16 giờ chiều)

  • Đào giữa hố một lỗ lớn hơn bầu cây. Dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu cây và kéo bao nylon ra.

  • Nhẹ nhàng đặt cây giống xuống lỗ, xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính (nếu là cây ghép) để tránh tách chồi ghép và đặt mặt bầu ngang mặt hố, dùng tay kéo đất vào gốc cây và nén đất chặt vừa phải ngang mặt bầu, không được lấp đất vào vị trí ghép. Sau khi trồng, nếu không có mưa thì phải tưới nước ngay.

  • Sau trồng phải cắm cọc và buộc cố định cây con và tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng rơm, thân cây họ đậu, thân cây cỏ với bề dày khoảng 2 cm và đường kính lớp phủ khoảng 2 m.

  • Tưới nước thường xuyên nếu không có mưa

Cắm cọc

  • Cọc thường dùng bằng tre, nứa, gỗ, đường kính 1,5-2 cm, dài 1,0-1,2 m. Tuỳ theo kích thước cây giống, điều kiện thời tiết khí hậu của vùng mà có thể chuẩn bị số lượng và kích thước cọc thích hợp (số cọc ít nhất là bằng số lượng cây trồng, nhiều nhất là gấp 3 lần số lượng cây cần trồng). Ở vùng hay có gió mạnh, vụ mưa, cây giống to cao thì nên sử dụng 3 cọc/cây.
  • Đóng cọc và cố định cây: cọc được vót nhọn, đóng chắc chắn theo thế chân kiềng, tạo góc 45-500 so với thân cây.
  • Dùng các loại dây mềm như nylon, lạt tre…cột chặt vừa phải cọc với thân cây, không làm tổn thương lớp vỏ thân chỗ tiếp xúc. Điểm tiếp xúc của thân cây với cọc ở trạng thái tự nhiên, để khi cố định cây vào cọc không ảnh hưởng xấu đến tư thế cây và bộ rễ.

Tưới nước giữ ẩm

Sau khi trồng, tiến hành tỉa bớt lá, tưới thật đẫm nước để cho rễ tiếp xúc với đất được tốt. Có thể dùng thùng để tưới xung quanh gốc hoặc đào rãnh để tưới, không nên tưới nước bằng ống nước có dòng nước xối mạnh làm rửa trôi, tróc gốc, đất bị váng, cây khó ra rễ.

Che nắng 

Nếu trồng trong thời thiết nắng to thì sau khi trồng phải che nắng cho cây. Cây không được che bóng sẽ dễ bị cháy lá, cháy thân cục bộ, chùn ngọn, chậm lớn, dễ bị sâu bệnh tấn công, cây phân cành sớm, lá rụng sớm. Tùy theo đặc điểm thời tiết của từng vùng, có thể che tất cả các hướng hay che một phần, sử dụng tàu lá dừa, lưới che nắng hoặc bao tải.

Tiến hành cắm cọc che nắng cho cây ở hướng nắng chiều gắt nhất. Che trong thời gian đầu, sau khi mới trồng, che khoảng 50% ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Phủ gốc, giữ ẩm

Để đảm bảo độ ẩm cho cây phát triển tốt trong mùa khô thì phải thường xuyên phủ (tủ) gốc cho cây bằng cỏ rác, rơm rạ, lá khô…hoặc có thể trồng đậu phộng dại để che phủ. Mùa mưa thu gom vật liệu che phủ gốc để gốc không bị ẩm ướt, hạn chế bệnh hại cho cây.

Tưới nước

Cây ổi cần lượng mưa từ 1.500-4.000 mm phân bố tương đối đều thì không phải tưới. Nếu lượng mưa không đáp ứng được đầy đủ, nhất là trong mùa khô thì cần có thêm các biện pháp tưới nước, che tủ đất...

  • Khi cây còn nhỏ, chưa ra hoa kết quả: cần tưới đủ ẩm cho cây (thiếu nước, cây có thể chết héo; thừa nước rễ không phát triển được, có thể bị thối và chết). Giai đoạn này, nhu cầu về ẩm độ của cây ổi là 65-80%. Ở giai đoạn mới trồng, nếu tưới kịp thời và đầy đủ, cây con sẽ nhanh bén rễ, phát triển xanh tốt
  • Khi cây ra hoa, kết quả: yêu cầu nước cao hơn, nếu thiếu nước trong thời gian này cành và lá phát triển yếu, hoa ra chậm, chóng tàn, quả nhỏ, chín sớm và chóng rụng. Trong trường hợp độ ẩm quá thừa, nước đẩy hết không khí thoát ra ngoài làm cho rễ cây thiếu khí thở, rễ cây bị phồng và thối nát, còn quả phát triển chậm, lá rụng, cây héo và chết dần..

Bón phân

Khi sử dụng phân bón cần chú ý: không được sử dụng phân chuồng (phân bò, gà, heo, cút…) khi chưa được ủ hoai mục; không được để phân bón chảy thẳng vào nguồn nước; chỉ sử dụng phân bón có trong danh mục được phép. Chọn phân bón của các công ty lớn, có uy tín để giảm thiểu rủi ro và khả năng hấp thụ kim loại nặng từ phân bón của sản phẩm thu hoạch.

Bón phân giai đoạn kinh doanh

- Năm thứ 2, lượng phân bón cho một gốc 400-500g phân NPK (16-16-8), bổ sung thêm 100g urê, 100g KCl. Chia thành 4 lần để bón trong 1 năm.

- Năm thứ 3 (khi cây cho quả ổn định): bón phân thành nhiều lần:

  • Sau khi thu hoạch, tỉa sửa nhánh, xới đất bón thúc cho cây nhảy tược non: 300g phân NPK 16-16-8 + 100g Urea + 100g KCl + 10-15 kg phân chuồng hoai + bồi một lớp bùn mỏng (ở ĐBSCL). Vùng bị phèn nên bón thêm vôi và tro.
  • Thúc đâm bông và nuôi trái: sau lần tỉa nhánh chừng 2 tháng cây ra hoa, cứ 20 ngày bón 1 lần, mỗi lần: 100 g (16-16-8) + 50 g Urea + 60 g KCl. Bón khoảng 10 lần (tổng lượng phân khoáng bón cho ổi (năm 3-4) tính cho mỗi gốc: 484 g N, 208 g P2O5, 524 g K2O/ năm chưa kể phân chuồng (10 kg), vôi và tro). Lượng phân trên mỗi cây cần điều chỉnh theo mật độ cây/ha và theo sản lượng thực tế mà cây cho; theo độ lớn và tuổi cây; theo mật độ trồng (nếu trồng dày thì lượng phân trên mỗi cây giảm đi).

Cách bón: xẻ rãnh vòng quanh gốc, cách gốc 0,7-1,0m. Bón phân xong lấp đất kín.

Sử dụng phân bón lá

  • Thời kỳ ra nụ chuẩn bị nở hoa có thể dùng một số loại phân bón lá giúp tăng khả năng đậu trái.
  • Thời kỳ mang trái để hạn chế rụng có thể dùng phân chứa Bo để phun.
  • Trước khi thu hoạch 20 ngày có thể phun các phân bón lá có hàm lượng K và S cao giúp tăng chất lượng trái thu hoạch.

Cắt tỉa cành tạo tán

Định hình tán cây

Để dễ chăm sóc và thu hoạch, nhất là các vườn trồng ổi chuyên canh, cần khống chế chiều cao cây (cây 3-4 tuổi nên cao khoảng 1,5m; cây 5-6 năm tuổi cao 1,6-1,7m và cây 7-8 năm tuổi cao 2m).

Đối với cây ổi nên tạo dạng tán hình cầu hay hình nấm để cây nhận được nhiều ánh sáng

Tỉa cành

  • Cắt bỏ những cành mọc xà, cành mọc ở dưới (không cho trái hoặc trái nhỏ); cành la, cành vượt (không cho trái), những cành mọc cao quá cũng cần bỏ.
  • Tỉa bỏ những cành mọc chồng chéo lên nhau (tạo tán cây thông thoáng và sử dụng tốt ánh sáng mặt trời), cành khô, cành bị sâu bệnh.

Cắt cành xử lý ra hoa

Ổi có thể ra hoa quanh năm, nhưng để có sản lượng tập trung, hạn chế sâu bệnh phá hại cũng như bán được giá cao, ổi cần được xử lý ra hoa đồng loạt.

  • Trường hợp nhánh ổi chưa ra hoa, dùng kéo bấm bỏ đọt sao cho trên nhánh đó chỉ còn 3 cặp lá kép.
  • Đối với nhánh ổi đã ra hoa, nếu thấy mới có 1 cặp hoa (nụ) thì bấm bỏ đọt nhưng chừa phía trên cặp hoa đó một cặp lá để có thể ra thêm một cặp nụ mới từ cặp lá đó.
  • Sau khi trên nhánh ổi có đủ 2 cặp nụ thì cắt đọt hết, không chừa cặp lá nào phía trên cặp nụ trên cùng nữa để nhánh ổi có thể tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
  • Việc bấm đọt được tiến hành thường xuyên 1-2 tuần/lần.

Bao trái

Bao trái sau khi đã tỉa trái và phun thuốc ngừa sâu bệnh. Lúc này trái non có đường kính khoảng 2-2,5 cm. Bao trái giúp cho trái bớt cháy nắng, ít bị sâu, ruồi đục trái và một số bệnh phá hoại; bao trái còn giúp sản phẩm đẹp và an toàn hơn.

Có nhiều loại bao trái khác nhau: (1) loại chuyên dùng để bao trái, có loại bao ở đáy có ghép nylon trong nên có thể nhìn thấy trái bên trong dễ dàng (2) dùng bao nylon màu trắng sữa, cắt vát đáy bao, phía trên đục vài lỗ đường kính độ 2 mm, chống đọng nước và làm thoáng. Mùa nắng, nên lót thêm bên trong bao nylon một bao giấy để chống cháy nắng. (3) nếu sản xuất chuyên nghiệp, dùng bao có lưới xốp co dãn ở bên trong và bọc bên ngoài bằng bao nylon trắng (kích thước tùy theo giống ổi, thường là 10x12 cm). Bao nylon bên ngoài cũng phải đục lỗ ở đáy để tránh đọng nước gây thối trái, phần miệng bao được quấn băng dính kín miệng tới cuống trái.

Phòng trừ một số dịch hại chính bằng biện pháp IPM

  • Rệp mềm (Aphis spp.)

Tuy có bộ thân gỗ khá cứng nhưng lá ổi khá mỏng, nhất là phần chồi non. Đây chính là nơi rệp mềm tấn công nhiều nhất. Rệp chích hút nhựa cây, làm cho đọt bị thui không phát triển được. Ngoài ra, phân của rệp mềm còn là môi trường lý tưởng cho nấm bồ hóng phát triển gây hại. Phòng tránh bằng cách thường xuyên thăm vườn ổi để phát hiện ra dấu hiệu rệp mềm tấn công. Với những cành bị bệnh, dùng dung dịch Trebon 10EC hoặc Sevin 85WP nồng độ 0,1-0,2% phun đều lên cây làm 2 đợt mỗi đợt cách nhau 10 ngày.

  • Ruồi đục trái (Dacus dorsalis)

Không chỉ phần lá, mà khi có trái, ổi vẫn thường bị ruồi đục trái tấn công (đẻ trứng bên trong thành giòi, ăn phá hoại trái). Mùa mưa thường hay gặp ruồi đục trái hơn mùa nắng.

Vì ruồi bị hấp dẫn với vị ngọt của ổi, nên có thể sử dụng bẫy mồi để dẫn dụ ruồi. Bẫy thường được làm bằng nhựa có bôi chất Methyl Eugenol. Ruồi bị bẫy sẽ chết. Tuy nhiên, ruồi chết thường là ruồi đực, nên ruồi cái vẫn tiếp tục đẻ trứng phá hoại. Vệ sinh vườn tược sạch sẽ, nhổ cỏ dại là biện pháp để hạn chế ruồi làm nhộng trong đất.

  • Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis)

Các loại sâu này đục phá khiến trái bị thối và rụng. Đây cũng là loại sâu bệnh hại ảnh hưởng đến năng suất của ổi nhất hiện nay. Để phòng ngừa và điều trị bệnh sâu đục trái, nên ngắt bỏ đài hoa sớm để sâu không có chỗ ẩn nấp. sau đó, phun thuốc Karate 2,5 EC (nồng độ 0,1-0,2%) trước khi thu hoạch 15 ngày để ngăn chặn. Bao trái bằng nylon cũng giúp hạn chế được sâu đục trái và ruồi.

  • Bọ xít hại trái (Helopeltis bakeri và H. collari)

Bọ xít xâm nhập và leo đến chồi và trái non chích hút, khiến trái rụng sớm. Đây cũng là loại sâu bệnh điển hình ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng của cây.

Để phòng trị bệnh, cần phun một số loại thuốc tương tự như sâu đục trái. Chú ý phun làm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 ngày.

  • Bệnh thán thư (anthracnose, do Gloesporium psidii và Glomerella psidii)

Bệnh ảnh hưởng lớn đến cây ổi do tấn công vào cả cành, lá và trái của cây ổi. Tùy theo môi trường mà triệu chứng bệnh thay đổi. Bệnh thường phát triển vào mùa mưa, với biểu hiện là xuất hiện những chấm nhỏ màu hồng trên trái, sau đó chuyển màu đen khi trái chín, ở giữa nổi các hạch cứng, khiến trái bị bệnh nhỏ và dễ rụng.

Với loại bệnh này, phun các loại thuốc như  Antracol 70 WP, Ridomil 72 WP nồng độ 0,1-0,2% lên đều khắp cây bị bệnh khoảng 2 lần mỗi lần cách nhau 10 ngày sau đó theo dõi tiếp. Nếu bệnh tiến triển hơn cần phun bổ sung kịp thời tránh lây lan sang các cây khác.

  • Bệnh ghẻ trên cây ổi

Bệnh do một loại nấm có tên là Venturia inaequalis gây ra, chúng tấn công trên các phiến lá và phần cuống hoa, trái non. Những sợi nấm sẽ theo nước và gió len lỏi qua các lỗ khí khổng ở phần lá và cuống rồi từ đó phát triển gây hại cho toàn bộ cây ổi. Biểu hiện trên lá là nấm sẽ xuất hiện từ mặt dưới sau đó mới lan sang mặt trên. Ban đầu sẽ là những đốm bệnh có hình tròn màu xám sau đó sẽ to dần lên. Bệnh tiến triển khiến cho trái bị nhỏ lại, lá bị xoắn và khô héo. Phòng trị bằng cách định kì cắt tỉa cành, loại bỏ cành vượt, cành khô héo giúp cây thông thoáng. Phun các loại thuốc Benomyl, Metalaxyl theo liều lượng ghi trên nhãn, chia làm 2 đợt, cách nhau khoảng 10 ngày.

Thu hoạch

Thời điểm thu hoạch: khi vỏ trái từ màu xanh chuyển sang xanh vàng, thịt trái từ trạng thái cứng, rắn chuyển sang giòn, cùi có vị thơm, màu kem, độ Brix 8–10%.

Nên thu hái vào những ngày khô ráo, vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát, tránh thu hái vào giữa trưa, khi trời quá nóng. Trái sau khi thu hoạch xong cần nhanh chóng đưa vào nơi râm mát để tiêu thụ hoặc bảo quản.

Kỹ thuật thu hoạch: khi thu hoạch, cần thang chuyên dụng và kéo để thu hoạch trái. Nhát cắt phải dứt khoát. Không dùng tay bẻ, tránh xước cành, ảnh hưởng đến đợt lộc và khả năng ra trái tiếp theo.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi lê Đài Loan không phức tạp, không cần nhiều công lao động. Trồng và chăm sóc ổi lê Đài loan như mô hình có thể áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Các biện pháp trong mô hình giúp nâng cao năng suất trồng ổi từ 10-20% và tăng chất lượng trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn (từ 15-20%) cho nhà sản xuất.

Hiệu quả kinh tế vườn ổi lê Đài Loan giai đoạn cho trái ổn định (trên 3 năm tuổi)

STT

Hạng mục thực hiện

Đơn vị tính

Vườn mô hình

I

Tổng chí

1.000đ

90.000

1

Chí phí vật tư (phân bón, thuốc BVTV)

1.000đ

40.000

2

Chí phí lao động

1.000đ

40.000

3

Chi khác

1.000đ

10.000

II

Tổng thu

1.000đ

350.000

1

Giá bán bình quân

1.000đ

10

2

Năng suất

kg/ha

35.000

III

Đánh giá hiệu quả đầu tư

 

 

1

Lợi nhuận

1.000đ

260.000

2

Tỷ suất lợi nhuận

lần

2,9

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

  • Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững
  • Địa chỉ: khu 6, ấp Bàu Cát, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
  • Website: nongnghiepbenvungcsa.com.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả