SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình sản xuất viên nang cứng từ cao hỗn hợp Râu mèo, Mướp đắng và Mắc cỡ

Quy trình bào chế viên nang từ cao hỗn hợp Râu mèo, Mướp đắng và Mắc cỡ có khả năng áp dụng sản xuất để tạo ra một sản phẩm mới thương hiệu Việt, cung cấp cho thị trường dạng chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường có nguồn gốc thảo dược an toàn và hiệu quả.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Đái tháo đường, chủ đề của các chương trình quốc gia hành động nhằm phòng ngừa và điều trị bệnh, hiện đang được quan tâm ở hầu hết các nước trên thế giới. Năm 2015, ước tính khoảng 1,6 triệu trường hợp tử vong trực tiếp do đái tháo đường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2030, bệnh đái tháo đường sẽ là một trong bảy nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trên thế giới. Năm 2014, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh đái tháo đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn, với 5% dân số quốc gia bị bệnh đái tháo đường và 27% tiền đái tháo đường.

Hiện nay, để điều trị các bệnh đái tháo đường, bệnh nhân phải dùng thường xuyên các dược phẩm tây y đắt tiền như diamicron, glucophase, insulin. Chi phí cho việc khám, điều trị và phòng chống bệnh đái tháo đường rất lớn, khoảng 232-430 tỷ USD/năm. Bên cạnh vấn đề tốn kém về tiền bạc do phải điều trị suốt đời, các dược phẩm tây y thường để lại những tác dụng phụ đáng kể, ảnh hưởng đến thể trạng chung cho người bệnh, đặc biệt gây tổn hại gan và thận, đây là các cơ quan thanh lọc chất độc cho cơ thể. Chính vì thế, xu hướng trở về với thiên nhiên, tìm kiếm nguồn thảo dược có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường đang ngày càng tăng cao. Trong đó, các dược liệu như quả Mướp đắng, Râu mèo, Mắc cỡ đã được nghiên cứu chứng minh tác dụng hạ glucose huyết và một số tác dụng dược lý khác. Theo kinh nghiệm dân gian, Việt Nam đã có nhiều bài thuốc điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả từ Râu mèo, Mướp đắng (khổ qua) và Mắc cỡ.

Trong Mướp đắng, có ít nhất 3 nhóm thành phần hóa học có tác dụng hạ đường máu và những tác dụng khác có lợi cho việc điều trị bệnh đái tháo đường (gồm một hỗn hợp những glycosid steroid gọi là charantin, những peptid tác dụng kiểu insulin, và những alkaloid). Cây Mướp đắng còn có tác dụng chống lại các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipd máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, và trị các bệnh về da.

Râu mèo chứa các nhóm chất flavonoid, saponin, coumarin, các hợp chất diterpen, các acid hữu cơ và khoáng với hàm lượng kali cao. Theo kinh nghiệm dân gian, Râu mèo được dùng làm thuốc lợi tiểu trong điều trị bệnh viêm thận, sỏi thận, sỏi mật, tê thấp, phù thũng, viêm gan; có tác dụng tốt đối với các bệnh đường tiêu hóa, bệnh gout, thấp khớp, đau lưng, đau nhức khớp xương. Cao lỏng Râu mèo được dùng làm thuốc hạ đường huyết trong bệnh đái tháo đường.

Toàn cây Mắc cỡ chứa một alkaloid là minosin và crocetin; flavonoid; các alcol; acid amin; acid hữu cơ. Cây được dùng trong các chế phẩm thảo dược có tác dụng chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, viêm phế quản, viêm kết mạc cấp, viêm gan, viêm dạ dày – ruột, bệnh tiểu đường,…

Năm 2016, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM đã nghiên cứu chiết xuất được cao dược liệu từ hỗn hợp Râu mèo, Mướp đắng và Mắc cỡ, có tác dụng hạ đường huyết, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Cùng với kết quả này, có thể áp dụng quy trình công nghệ bào chế dạng dùng mới (công nghệ sản xuất viên nang cứng từ cao hỗn hợp Râu mèo, Mướp đắng và Mắc cỡ) để sản xuất trên quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng, thuận tiện sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, góp phần làm phong phú sản phẩm thảo dược có tác dụng phòng và điều trị bệnh đái tháo đường, bảo vệ sức khỏe người dân và bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình chiết xuất cao toàn phần

+ Nguyên tắc: chiết theo phương pháp sắc, dung môi là nước.

+ Công thức: hỗn hợp dược liệu khô tính cho 1 lô (chiết 3 lô):

- Mướp đắng (quả): 22,4%

- Râu mèo (toàn cây): 44,3%

- Mắc cỡ (toàn cây): 33,3%

+ Sơ đồ thực hiện:

+ Chi tiết quy trình:

- Cân hỗn hợp dược liệu khô gồm Mướp đắng (quả), Râu mèo (toàn cây), Mắc cỡ (toàn cây). Các dược liệu sau khi thu hái loại bỏ hết phần tạp chất, rửa sạch rồi phơi hoặc sấy ở nhiệt độ nằm trong khoảng 40-450C.

- Xắt nhỏ hỗn hợp các dược liệu thành những mảnh nhỏ có kích thước 5 mm.

- Trộn đều hỗn hợp dược liệu khô nói trên, cho vào nồi chiết có áp suất, thêm vào nồi chiết 36 lít nước (tỷ lệ dược liệu: dung môi là 1:4). Thời gian chiết: tính từ khi sôi là 1 giờ. Sau đó, dịch chiết nước 1 được chuyển sang bình cô dịch trong cùng hệ thống bằng hệ thống bơm tự động. Bã dược liệu được chiết tiếp tục lần 2 và lần 3, mỗi lần với 27 lít nước nước (tỷ lệ dược liệu: dung môi là 1:3).

- Toàn bộ khối lượng dịch chiết sẽ được chuyển sang bình cô của hệ thống chiết xuất này (áp suất hơi gia nhiệt trong nồi chiết (Mpa) 0,08-0,15; áp lực chân không (Mpa) -0,05~-0,08; nhiệt độ 70-800C). Cô dịch chiết còn khoảng 9 lít dịch, tới tỷ lệ 1:1 (1 g dược liệu: 1 mL cao lỏng).

- Thu dịch cao lỏng chuyển sang nồi cô cao để tiếp tục cô thu được dạng cao toàn phần, được đặt tên là cao MIMOSTAM, dùng cho các thực nghiệm sau.

Quy trình bào chế viên nang cứng chứa cao dược liệu MIMOSTAM

Công thức điều chế lô 10.000 viên:

Thành phần

Lượng cho 1

viên (mg)

Lượng cho lô 10.000 viên (g)

Mẻ 1

Mẻ 2

Tổng 2 mẻ

Giai đoạn trộn - tạo hạt (chia 2 mẻ)

Cao lỏng

239,5

1197,7

1197,7

2395,4

Lactose monohydrate

108,4

542,0

542,0

1084,0

Tinh bột mì

108,4

542,0

542,0

1084,0

Sodium croscarmellose

21,0

105,0

105,0

210,0

Aerosil

16,8

84,0

84,0

168,0

Giai đoạn trộn hoàn tất (gộp 2 mẻ)

Talc

2,5

25,0

25,0

Magnesi stearat

2,5

25,0

25,0

Tổng

420

4200

4200

Sơ đồ quy trình điều chế:

 

Thuyết minh:

Chia 1 lô điều chế thành 2 mẻ. Đối với mẻ 1:

+ Giai đoạn trộn và tạo hạt:

- Cân khoảng 1.197,7 g cao lỏng dược liệu (tương đương 802,5 g cao khô) vào thùng chứa bằng thép không gỉ. Thêm khoảng 84,0 g aerosil vào thùng chứa cao dược liệu, vừa phối vừa trộn đều (thu được hỗn hợp bột nhão A). Cân khoảng 542,0 g lactose monohydrate, rây qua lưới 0,5 mm. Cân khoảng 542,0 g tinh bột mì, rây qua lưới 0,5 mm.

- Cho lần lượt lactose monohydrate và tinh bột mì vào máy nhào trộn cánh hình chữ Z. Trộn khô trong thời gian 15 phút, tốc độ trộn được cài đặt ở mức II. Thêm hỗn hợp bột nhão (A) vào hỗn hợp bột khô trong máy nhào trộn. Nhào trộn kỹ trong 20 phút, tốc độ cánh Z được cài đặt ở mức II, thu được hỗn hợp bột ướt.

- Xát hỗn hợp bột ướt qua lưới 2 mm bằng thiết bị xát hạt trục ngang, thu được cốm ướt. Sấy cốm trong tủ sấy ở nhiệt độ 600C trong 4 giờ. Sửa cốm qua lưới 1,0 mm bằng thiết bị sửa hạt trục ngang.

Tiếp tục thực hiện trộn và tạo hạt mẻ 2 với các thông số tương tự.

Gộp cốm đã sửa của mẻ 1 và mẻ 2. Cân xác định khối lượng và tính toán lượng talc và magnesi stearat thực tế cần dùng.

+ Giai đoạn trộn hoàn tất: cho xen kẽ cốm đã sửa hạt và talc, magnesi stearat vào thùng trộn chữ V. Trộn đều với thời gian trộn 5 phút, tốc độ trộn 24 vòng/phút.

+ Giai đoạn đóng nang: nạp cốm đã trộn hoàn tất vào phễu của máy đóng nang có vít phân liều.Vận hành máy với khối lượng hạt trong nang là 420 mg ± 5% (cỡ nang số 0). Tiến hành điều chế lặp lại 3 lô để kiểm tra tính ổn định của quy trình.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Cao toàn phần và viên nang cứng đáp ứng các tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam V. Quy trình bào chế đã áp dụng sản xuất 30.000 viên nang cứng ở quy mô pilot. Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã được Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (LADOPHAR) đánh giá. Chế phẩm an toàn khi khảo sát về độc tính cấp đường và độc bán trường diễn đường uống; có tác dụng hạ đường huyết trên chuột nhắt với liều 0,5 g/kg thể trọng.

Quy trình sản xuất đơn giản, dễ triển khai, sử dụng dung môi chiết xuất dễ tìm, rẻ tiền, không gây độc hại, giải pháp chiết xuất có hiệu suất cao, có thể áp dụng sản xuất lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu chính (các dược liệu) phong phú, dễ trồng, không phải nhập khẩu. Việc kết hợp 3 dược liệu này vào sản xuất sẽ tạo ra sản phẩm mới mang thương hiệu Việt Nam cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài, góp phần làm giảm kinh phí trong điều trị bệnh đái tháo đường và nâng cao đời sống kinh tế của người dân trồng dược liệu.

Giá thành sản phẩm 1 viên nang cứng MIMOSTAM theo quy mô pilot khoảng 200 đồng/viên; giá thành sản xuất khoảng 800 đồng/viên. Hiện nay, một số sản phẩm trên thị trường có giá bán khoảng từ 3.233 đồng/viên đến 10.833 đồng/viên (tùy loại).

Quy trình bào chế hiện đã sẵn sàng chuyển giao cho các cơ sở dược phẩm trong nước để ứng dụng vào sản xuất.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Dương Thị Mộng Ngọc

Điện thoại: 0987 400 043.

Email: duongmongngoc54@gmail.com.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả