SpStinet - vwpChiTiet

 

Sản xuất cây hương thảo trồng chậu trong điều kiện nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Cây hương thảo dùng làm kiểng, có giá trị cao trong y học cổ truyền. Khi trồng, cây tỏa ra mùi hương thơm ngát, dễ chịu, có thể khuếch tán trong phòng, giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa căng thẳng. 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cây hương thảo có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, Bồ Đào Nha và tây bắc Tây Ban Nha, là loài cây bụi xanh lâu năm, cao 1-2 m, thân cây thẳng đứng có nhiều nhánh dài, mảnh, có vỏ màu tro và bong tróc. Hương thảo từ lâu đã được xem là một loại cây quan trọng, có tinh dầu được dùng trong nước hoa và dược liệu, cũng như là một loại gia vị và chất chống oxy hóa trong chế biến thực phẩm.

Một số quốc gia đã trồng hương thảo để lấy tinh dầu sử dụng trong thực phẩm, nước hoa, mỹ phẩm và các ngành công nghiệp dược phẩm. Trong dân gian, lá hương thảo được sử dụng như một thành phần của hỗn hợp trà cải thiện lưu thông máu. Ngày nay, cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu trồng cây cảnh ngày càng gia tăng. Bên cạnh những loại cây chdùng để trang trí, những loại cây có mùi hương, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng rất được ưa chuộng.

Quy trình tổ chức thực hiện

Chuẩn bị, xây dựng mô hình

Chuẩn bị nhà màng

Nhà màng được thiết kế với hệ thống cửa áp mái cố định có rèm che, thông gió tự nhiên với chiều cao đến máng nước 4 m, khẩu độ 8 m, bước cột 4 m, chiều cao máng nước 4,75 m. Với mái được lợp bằng màng Polymer và vách xung quanh là các tấm lưới mắt cáo chắn côn trùng gây hại với quy cách 64 lỗ/cm2.

Chuẩn bị vật tư

- Giá thể trồng: mụn dừa, cát, tro trấu, vỏ trấu.

- Xử lý giá thể: mụn dừa trước khi sử dụng cần được xử lý chất chát bằng cách bơm xả nước từ 7-10 ngày (khi thấy nước xả đã trong). Tro trấu, vỏ trấu được ủ nóng trước khi sử dụng: Giá thể được đổ thành đống, tưới nước để độ ẩm giá thể đạt khoảng 60-70%, sau đó dùng bạt che phủ lại, hàng ngày tưới nước lên đống giá thể, sau 15 ngày đem vào sử dụng.

Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt

- Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới: trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có bao gồm: bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc và bộ định giờ (timer và van từ).

- Sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60 cm, đường kính 4 mm; dây tưới được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng (đường kính ống Ø16). Bố trí mỗi hàng 1 đường dây dẫn, mỗi chậu cây cắm 1 dây tưới nhỏ giọt

Quy trình vận hành mô hình

Chuẩn bị cây con từ phương pháp giâm cành

- Các cành giâm (phần ngọn thân) được cắt từ cây hương thảo khỏe mạnh, dài khoảng 7-8 cm tính từ ngọn.

- Cắt bỏ hết các lá từ phần gốc cành giâm là 1 cm, đem nhúng vào NAA nồng độ 3.000 ppm trong vòng 5 giây, sau đó đem giâm vào các khay xốp loại 50 lỗ có giá thể gồm 30% mụn dừa + 30% cát + 20% tro trấu + 20% vỏ trấu, mỗi lỗ một cành. Cành giâm được đặt trong điều kiện vườn ươm có lưới che nắng 50% và tưới nước 1 lần/ngày (tùy vào tình hình thời tiết).

Trồng cây con

- Cây giống khi trồng phải đạt các tiêu chuẩn sau:

  • Số ngày giâm cành: 28 ngày.
  • Chiều cao cây: 10-12 cm.
  • Cây khỏe mạnh, đồng đều, xanh đẹp, không dị hình, không bị dập nát, ngọn phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại.

- Nên trồng cây vào buổi chiều mát, khi trồng đặt cây nhẹ nhàng để tránh tổn thương cây con, không nén giá thể quá chặt. Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây không bị héo.

- Cây hương thảo được trồng trong chậu nhựa Ø20 x 15 cm, đặt trong điều kiện nhà màng áp dụng chế độ tưới nhỏ giọt, cây được che sáng bằng lưới màu xanh loại che 50% cường độ ánh sáng. Cây được trồng trên giá thể gồm 21% mụn dừa + 21% cát + 14% tro trấu + 14% vỏ trấu + 30% phân trùn quế

Mật độ đặt chậu: đặt chậu theo hàng đôi, khoảng cách hàng đôi là 0,5 m, khoảng cách hàng đơn là 0,3 m, khoảng cách cây là 0,4 m, mật độ là 6.250 cây/1.000 m2

Chế độ dinh dưỡng

- Tưới nước: dùng nguồn nước sạch, pH = 5-7 hoặc nguồn nước giếng khoan không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.

- Bón phân: tưới bón qua gốc (tưới nhỏ giọt) bằng dung dịch dinh dưỡng thủy canh theo liều lượng tại Bảng 2.2.

Bảng 2.2: Liều lượng dung dịch dinh dưỡng thủy canh

Loại phân

Liều lượng (g/1.000 L nước)

KH2PO4

235

K2SO4

550

Mg(NO3)2.6H2O

75

MgSO4.7H2O

440

Ca(NO3)2.4H2O

635

EDTA-Fe

25,5

CuSO4.5H2O

0,9

ZnSO4.7H2O

2

MnSO4.4H2O

3

H3BO3

4,2

(NH4)6Mo7O24.2H2O

0,1

- Liều lượng tưới: cây dưới 1 tháng tuổi: 80-100 mL/cây/ngày (4 lần/ngày). Cây từ 1-4 tháng tuổi: 200-250 mL/cây/ngày (4 lần/ngày).

Chăm sóc

- Nhổ cỏ dại trong chậu, có thể xới giá thể nhưng không được làm tổn thương đến rễ.

- Phòng trừ sâu hại: cây hương thảo có thể bị một số loại sâu hại như sâu ăn lá, rệp sáp. Phòng trừ bằng các loại thuốc như Alfatin 6.5EC (Abamectin 6,5%), Takumi 20WG (Flubendiamide 20%), Regent 800WG (Fipronil 80%). Nếu cây bị sâu hại trên diện rộng, cần cắt tỉa và loại bỏ những cành, lá bị nặng. Đối với rệp sáp, có thể kết hợp thuốc trừ rệp sáp với xà phòng và phun nước để trôi bớt chúng.

- Phòng trừ bệnh hại: hương thảo chủ yếu bị một số bệnh như phấn trắng, thối rễ. Phòng trừ bằng các loại thuốc trừ nấm như Kasumin 2L (Kasugamycin 2%), Ridomil 68WP (Metalaxyl M 4% và Mancozeb 64%), Starner 20WP (Oxolinic acid 20%). Cần hạn chế tưới nước nếu cây dư nước. Để giảm tỷ lệ mắc bệnh, cắt tỉa những cành nhánh um tùm, đồng thời cắt tỉa giúp cây sản sinh chồi mới.

Ưu điểm công nghệ, hiệu quả kinh tế

Cây hương thảo trồng chậu trong nhà màng hạn chế được các loại sâu bệnh hại và không bị úng nước do trời mưa, vì vậy mô hình sản xuất này cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với các phương pháp truyền thống

Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế tính trên 6.250 cây/1.000 m2/3 tháng. Đầu tư nhà màng trồng hương thảo 1.000 m2: 300 triệu đồng.

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (đồng)

Thành tiền (dồng)

1

Giống

Cây

6.250

3.000

18.750.000

2

Chậu nhựa

Cái

6.250

3.000

18.750.000

3

Giá thể trồng (mụn dừa + cát + tro trấu + vỏ trấu + phân trùn quế)

11.857.000

4

Phân vô cơ (thủy canh)

5.625.000

5

Thuốc bảo vệ thực vật

1.500.000

6

Khấu hao tài sản (nhà màng + lưới cắt nắng)

15.500.000

7

Công lao động

Công

22

120.000

2.640.000

 

Tổng chi

74.622.000

 

Tổng thu (90%) 

Chậu

5.625

30.000

168.750.000

 

Lợi nhuận

94.128.000

 

Tỷ suất lợi nhuận

1,26

 
 
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao.

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (028)38862726   Fax: (028)37990500

Email: nghiencuu.ahtp@tphcm.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả