SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình kỹ thuật phòng bệnh cho cá Dĩa

Cá Dĩa được xem là vua của các loài cá kiểng nhờ vào hình dáng và màu sắc tuyệt đẹp. Nghề nuôi cá Dĩa hiện nay đang phát triển mạnh ở nhiều nước thuộc vùng Đông Nam Á, do đây là nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của cá. Chính vì thế mà ngày nay, người nuôi không chỉ nuôi cá Dĩa để giải trí và làm cảnh, mà còn để kinh doanh và tạo ra các giá trị kinh tế.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP.HCM trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh tại TP.HCM đã đạt khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi tập trung chủ yếu ở các quận 8, 9, 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và huyện Thủ Đức. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt gần 16,25 triệu con, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Tuy cá Dĩa là loài cá có giá trị kinh tế cao và được chăm sóc rất cẩn thận nhưng cũng rất dễ nhiễm bệnh, làm cá chết hay làm giảm giá trị của cá, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi.

Cá Dĩa hầu hết dùng giống tự sản xuất hoặc mua ngoài thị trường, nuôi trong bể kính với hai nguồn nước chính là nước giếng và nước máy. Ngoài ra, cá còn được nuôi kết hợp trong bạt và trong bể xi măng khi còn nhỏ, sau khi nuôi một thời gian cá sẽ được chuyển lên bể kính.

Nguồn nước nuôi thường được xử lý trước khi thả nuôi bằng các biện pháp như lọc thô, sục khí, để lắng tự nhiên hoặc dùng vôi để chỉnh pH trước khi cấp nước. Thời gian từ lúc lấy nước để xử lý đến khi thả là từ 24-48 giờ. Khi nuôi, nước được thay hàng ngày, lượng nước thay phụ thuộc vào lứa tuổi của cá (cá bố mẹ thay khoảng 10-30% lượng nước trong bể, cá con thay trên 50-100% lượng nước trong bể).

Thức ăn chủ yếu cho cá là trùn chỉ và thịt bò tươi, ngoài ra còn bổ sung thêm các loại vitamin hoặc tảo.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Các biện pháp phòng bệnh chung cho cá Dĩa

Kiểm tra chất lượng cá giống bằng cảm quan hoặc xét nghiệm. Chọn đàn cá con khỏe mạnh, đồng đều, phản xạ nhanh nhẹn, đủ lớn (khoảng 18-21 ngày tuổi).

Thay nước và xiphon mỗi ngày cho cá, tránh trường hợp nước nhiễm hữu cơ do thức ăn dư thừa gây bệnh cho cá.

Khi trong trại nuôi có bể cá bệnh, nên dùng riêng dụng cụ với các bể khác.

Trường hợp cho cá ăn trùn chỉ hoặc các thức ăn tự nhiên: xử lý trùn chỉ trước khi cho cá ăn từ 2-3 ngày để loại bỏ hết chất dơ của trùn chỉ bằng cách thả trùn vào trong thau nước, sau đó sục khí và xả nước liên tục.

Trường hợp cho ăn thức ăn chế biến: tùy theo cỡ cá để có công thức chế biến thức ăn thích hợp. Tuy nhiên khi cho cá ăn thức ăn chế biến cần chú ý liều lượng và có chế độ cho ăn hợp lý, tránh dư thừa làm ô nhiễm nước.

Không cho cá ăn trùn chỉ hoặc các loại thức ăn tự nhiên khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là giai đoạn thời tiết chuyển mùa mưa–nắng, vì thời gian này trùn chỉ thường mang nhiều mầm bệnh.

Định kỳ tắm cho cá 2 tuần/lần với nước muối hột 2-3% (20-30 g/1 lít nước) trong 5-10 phút, hoặc tắm cá trong thuốc tím KMnO4 với liều 10 ppm (1 g/100 lít nước) trong 20-30 phút (tùy cỡ cá), sau đó thay nước mới hoàn toàn.

Điều quan trọng nhất trong việc trị bệnh là chẩn đoán đúng và sớm tác nhân gây bệnh.

Các loại bệnh thường gặp ở cá Dĩa và cách điều trị

Bệnh do sán lá

Biểu hiện: Bệnh làm mang cá nhợt nhạt, trắng từng vùng và có nhiều nhớt, gây cho cá khó hô hấp, hoạt động chậm chạp, kém ăn và gầy yếu. Sán lá thường được tìm thấy trên mang, da và trên vây của cá.

Điều trị: tắm cho cá bằng nước muối 3% (30g/1lít nước) trong 5-10 phút, 2-3 ngày/lần và tắm liên tục 3 lần. Từ 2–3 ngày tắm 1 lần cho cá bằng formalin 200 ppm trong 15-30 phút, dừng tắm khi cá có biểu hiện hơi mệt.

Bệnh do vi khuẩn Amyloodinium sp.

Biểu hiện: Bệnh gây sậm thân cá, tụ góc, tụm vây, cá yếu ớt và khiến cá chết rải rác đến 50% nếu không điều trị.

Điều trị: dùng thuốc tím KMnO4 kết hợp với muối ăn NaCl (theo tỉ lệ KMnO4: NaCl là 4:1) với liều dùng KMnO4 là 10 ppm và muối là 2,5 ppm (cân 1 g thuốc tím và 250 mg muối cho vào bể 100 lít nước) tắm cho cá từ 20-30 phút, 2-3 ngày tắm 1 lần, tắm liên tục 3 lần. Tắm xong ngâm cá trong nước muối 3‰ (3 g/1 lít nước) từ 5-7 ngày liên tục.

Bệnh do nhóm vi khuẩn Aeromonas sp.

Biểu hiện: cá thường bị xuất huyết trên da và vây, lồi mắt, lở loét bên ngoài tế bào biểu bì làm da cá mất nhớt, khô ráp. Đồng thời gan cá tái nhợt, mật sưng to, thận sưng, nội tạng xuất huyết, xoang bụng chứa nhiều dịch. Bệnh lây nhiễm qua con đường nước ô nhiễm hoặc là những cá thể đã nhiễm khác.

Điều trị: ngâm cá trong Oxytetracyclin nồng độ 2 g/100 lít nước, ngâm mỗi ngày, kéo dài 5-7 ngày liên tục.

Bệnh do nấm hạt Ichthyophonus sp.

Biểu hiện: khi mổ cá sẽ thấy nấm nhiễm trên da, mang, cơ quan nội tạng (tim, gan, thận, lá lách, buồng trứng) và đường tiêu hóa của cá. Biểu hiện lâm sàng thường phụ thuộc vào cường độ nhiễm của nấm tấn công trên các cơ quan khác nhau.

Điều trị: bệnh không có thuốc trị. Khi cá gặp bệnh này cần tăng nhiệt độ nước lên 32-340C để hạn chế sự phát triển của nấm.

Bệnh đen thân

Biểu hiện: thân cá trở nên sậm màu (đen thân) kèm theo một lớp màng trắng bên ngoài (thường gọi là mốc), cá bị tụ đáy, túm đuôi, bỏ ăn dần dần và chết rải rác. Nếu bệnh nặng, cá có thể chết hàng loạt, tỷ lệ từ 75-100%. Cá thường bị bệnh khi thời tiết lạnh và có thể bị nhiễm ở mọi lứa tuổi.

Điều trị: sử dụng Erythromycine, Tetracycline, Ampiciline, Oxytetracycline, Doxyciline, Metronidazole, Formol và muối để tắm và ngâm cá bệnh.

Bệnh lở loét, mủ đầu (hay lỗ ở đầu)

Biểu hiện: biểu hiện của bệnh là cá bị lở loét ở đầu và thân, có lúc bị cụt vây. Những vùng da bị lở loét có màu khác với chỗ bình thường. Cá thường bị bệnh vào vào lúc giao mùa hay mùa lạnh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ gây chết cá hàng loạt với tỷ lệ chết từ 90–100%.

Điều trị: sử dụng Ampiciline, Metronidazole và Tetracycline để tắm cho cá hoặc dùng Ampiciline và bột Iod rắc lên vết thương.

Bệnh đường ruột

Biểu hiện: bệnh gồm các triệu chứng phân trắng, cá bỏ ăn, chướng bụng, ruột chứa hơi, dạ dày không có thức ăn. Cá có thể bị nhiễm bệnh ở mọi lứa tuổi và làm cá chết rải rác. Thời điểm xảy ra bệnh là quanh năm hay vào mùa lạnh, nhưng đa số là quanh năm.

Điều trị: sử dụng thuốc tiêu, rửa sạch trùn chỉ trước khi cho ăn để phòng bệnh, đồng thời sử dụng Erythromycine và Metronidazole ngâm cá 1 ngày, hôm sau rút bớt nước cũ và thêm nước mới vào.

Ưu điểm của công nghệ

Mô hình giúp hạn chế và phòng ngừa hiệu quả các loại dịch bệnh ở cá Dĩa, giảm thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Nguyễn Ngọc Du – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2

116 Nguyễn Đình Chiểu, Đa Kao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3829 9592

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả