SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng khoai mì bằng máy liên hợp máy kéo 50 HP

Trồng khoai mì bằng máy đã được nhiều nước nghiên cứu rất sớm. Điển hình là Ấn Độ, Brazin, Malaysia, Thái Lan và gần đây nhất là Trung Quốc với 3 hướng cơ giới hóa trồng khoai mì là liên hợp máy rạch hàng trồng hom khoai mì kết hợp thủ công, liên hợp máy trồng khoai mì bán tự động và máy trồng khoai mì tự động (dạng liên hợp máy hoặc máy tự hành). Nhưng cho đến nay, chưa có bất kỳ công bố khoa học hay thương mại nào về mẫu máy trồng khoai mì tự động.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Khoai mì là cây trồng theo mùa vụ, có thời gian yêu cầu sinh trưởng dài, khá tương đồng với một số cây trồng từ hom thân như cây mía. Thân cây khoai mì có vỏ mềm và dễ cắt, hom có chiều dài ngắn, khi trồng cần phải lên luống. Cây khoai mì được trồng và lấp ở độ sâu thích hợp. Do vậy, cần phải làm đất kỹ, đảm bảo khoảng cách giữa hàng trồng cũng như khoảng cách giữa các cây trên cùng hàng.

Thời vụ trồng khoai mì tùy thuộc nông lịch cụ thể của từng địa phương. Các giống khoai mì công nghiệp trồng để lấy bột thường thu hoạch 8-12 tháng sau trồng. Các giống khoai mì ngọt trồng để ăn tươi thí có thể thu hoạch rãi rác từ 6-9 tháng. Thời vụ trồng khoai mì dựa vào thổ nhưỡng tại vùng cần trồng, ví dụ như : đất đỏ trồng vào mùa mưa (tháng 4 đến tháng 5); đất xám nên chia thành hai thời vụ trồng để rải vụ thu hoạch và giảm áp lực về công lao động.

Trồng khoai mì bằng máy đã được nhiều nước nghiên cứu rất sớm. Điển hình là Ấn Độ, Brazin, Malaysia, Thái Lan và gần đây nhất là Trung Quốc. Có các hướng cơ giới hóa chính để trồng khoai mì là: trồng khoai mì hoàn toàn bằng thủ công ngoại trừ khâu rạch hàng để trồng bằng cơ giới hóa; trồng khoai mì bằng liên hợp máy trồng khoai mì bán tự động từ hom, trong đó các khâu chuẩn bị hom (cắt hom) chất lên máy trồng và thả hom xuống rãnh hoàn toàn bằng thủ công; trồng khoai mì bằng liên hợp máy trồng khoai mì bán tự động từ cây hom, trong đó duy nhất chỉ có khâu cung cấp cây hom vào để cắt hom trồng là bằng lao động thủ công; trồng khoai mì bằng máy trồng khoai mì tự động (dạng liên hợp máy hoặc máy tự hành). Hướng cơ giới hóa thứ nhất cho năng suất thấp, chi phí lao động và giá thành trồng cao, ước tính chi phí lao động 15–17 công/ha, chi phí trồng từ 3-4 triệu đồng/ha. Do có chi phí đầu tư thấp nhất, nên phương pháp trồng khoai mì này hiện đang còn áp dụng phổ biến ở nước ta. Hướng cơ giới hóa thứ hai ra đời cùng từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước mã số KC.07/06-10 với việc sáng chế máy trồng khoai mì từ hom liên hợp với máy kéo có công suất 50 HP. Hướng cơ giới hóa này không chỉ có chi phí đầu tư cao mà còn làm phức tạp thêm như phải chuẩn bị hom (cắt hom bằng máy cắt hom hoặc bằng thủ công), chất hom lên máy trồng (phức tạp hơn là chất cây hom lên máy trồng), thả hom xuống rãnh bằng tay (sẽ thiếu chính xác và làm gia tăng cường độ lao động cho người lao động so với cung cấp bằng cây hom để cắt hom ngay trên máy trồng). Vì vậy hướng cơ giới hóa này không được sản xuất chấp nhận. Hướng cơ giới thứ ba cho năng suất cao hơn nhiều lần, giảm giá thành trồng khoai mỳ trên 60 %, giảm chi phí lao động trên 80% . Vì vậy đây là hướng cơ giới hóa hiện đang được áp dụng chủ yếu ở các nước trồng khoai mì truyền thống và nhiều vùng chuyên canh khoai mì trong nước. Hướng cơ giới hóa thứ tư hiện vẫn còn trong quá trình nghiên cứu không chỉ ở trong nước mà cả thế giới.

Tình hình cơ giới hóa canh tác khoai mì ở nước ta ở các khâu còn lại khá thấp so với thế giới. Vì vậy, chi phí sản xuất khoai mì ở nước ta cao hơn nhiều quốc gia khác, nên tính cạnh tranh thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân vùng chuyên canh khoai mì.

Sản phẩm của khoai mì chủ yếu là phần củ dùng làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu xăng sinh học, dược phẩm,… Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị sau khi sơ chế thành khoai mì lát khô hay chế biến thành tinh bột. Ngoài ra lá khoai mì còn dùng làm bột cỏ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có thể khẳng định rắng, thị trường tiêu thụ đầu ra của cây khoai mì rất lớn, không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu, Sản phẩm của cây khoai mì còn là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu.       

Quy trình và phương pháp thực hiện

Khoai mì là loại cây trồng có yêu cầu độ ẩm nhất định. Nếu đất khô, cây không phát triển được hoặc chết. Khoai mì còn là cây không chịu nước, nên cần có rãnh thoát nước mưa. Căn cứ thời gian trồng và kỹ thuật làm đất trồng khoai mì, độ ẩm đất trồng khoai mì thích hợp là 18-21%.

Các yêu cầu đối với đất trồng khoai mì

Cây khoai mì cần đất tơi xốp, sâu để rễ, củ phát triển, do vậy, đất trồng khoai mì phải được chuẩn bị kỹ trước khi trồng

-Thu dọn rễ cây và tàn dư thực vật, san lấp mặt bằng, xử lý cỏ dại.

- Cày sâu 20cm, cày 2 lần, mỗi lần cách nhau 10–15 ngày, bừa 2 lần (lần 1 sau khi cày lật đất lần 1 khoảng 7–15 ngày và lần 2 sau khi cày 2,5–7 ngày).

- Không lên luống theo chiều dốc của thửa ruộng, vì nước sẽ rửa trôi đất màu.

Việc chống xói mòn trên đất dốc trồng khoai mì là rất cần thiết, vì vậy, khi trồng trên đất dốc cần thực hiện các biện pháp sau:

- Trồng theo đường đồng mức, lên luống vuông góc với độ dốc.

- Trồng các băng cây chống xói mòn theo đường đồng mức: cỏ vetiver, cây cốt khỉ hoặc các cây phân xanh khác.

- Trồng xen các cây họ đậu: đậu phộng, đậu xanh, đậu đen…cũng có tác dụng chống xói mòn, đồng thời làm tăng dinh dưỡng đất, giúp đất phục hồi độ phì sau khi trồng khoai mì, đây là việc cần phải làm lâu dài đối với các khu vực canh tác.

- Phủ bằng rơm rạ hoặc các nguồn phụ liệu khác khoai mì có từ địa phương.

Các yêu cầu đối với hom trồng

- Chọn giống khoai mì có năng suất cao, hàm lượng tinh bột từ 28-30%, dạng cây gọn phù hợp với đặc tính thổ nhưỡng của đất canh tác.

- Cây hom được bảo quản ở nơi khô ráo và có bóng mát, diệt côn trùng để phòng trừ. Thời gian bảo quản giống dưới 60 ngày.

- Thân cây giống lấy hom phải đạt từ 7 tháng tuổi trở lên, đường kính trên 1,5cm, loại bỏ phần ngọn non và phần gốc quá già, sử dụng ở đoạn giữa thân với chiều dài làm hom giống chiếm từ 1/3–1/2 chiều dài cây hom.

- Hom khoai mì có chiều dài 15–20 cm, đạt 4–6 mắt, nhặt mắt đặc lõi và không bị trầy dập.

- Hom giống trước khi trồng phải được xử lý bằng các hỗn hợp diệt nấm.

Các yêu cầu đối với khoảng cách và mật độ trồng

+ Nguyên tắc chung: “đất tốt trồng thưa, đất xấu trồng dày, khoai mì cây cao to trồng thưa, khoai mì cây thấp gọn trồng dày, đất xấu cần đầu tư nhiều phân hơn so với đất tốt”.

+ Đất tốt: khoảng cách trồng 1,0x0,8 m (mật độ 12.500 cây/ha).

+ Đất trung bình: khoảng cách trồng 0,9x0,8 m (mật độ 13.888 cây/ha).

+ Đất nghèo: khoảng cách trồng 0,8x0,8 m (mật độ 15.620 cây/ha) hoặc 0,8x0,7 m (mật độ 16.286 cây/ha).

Ứng dụng trồng khoai mì bằng máy

Máy trồng khoai mì sẽ thực hiện các công việc: lên luống, rạch hàng, cắt và rải hom, bón phân, lấp và nén đất, vun luống. Để thực hiện việc này, máy được thiết kế có các bộ phận lên luống; rạch hàng kiểu đĩa kép thụ động; cắt hom bằng dao trống theo nguyên lý cán cắt và rải hom; bón phân; lấp, nén đất và bộ phận vun luống.

Hình: Mô hình máy trồng khoai mì MTKM – 2.

1.Khung chính; 2.Cơ cấu treo; 3.Bộ phận bón phân; 4.Nắp bộ phận nạp cây khoai mì vào cắt hom; 5.Ống nạp cây hom; 6.Bộ truyền động xích từ trục bánh xe tới trống cắt; 7.Ghế ngồi; 8.Thanh treo đàn hồi; 9.Khung của bộ phận lấp đất; 10.Khung lắp chảo lấp đất; 11.Thanh bắt chảo lấp đất; 12.Chảo lấp đất; 13.Bánh xe lấp và đè hom; 14.Tấm chặn kết hợp chuyển đất của bộ phận rạch hàng; 15.Bánh xe đỡ tựa; 16.Đĩa rạch hàng; 17. Tấm chặn kết hợp chuyển đất của bộ phận lên luống; 18.Lưỡi lên luống.

Nguyên lý hoạt động

Máy trồng khoai mì liên hợp treo với máy kéo 4 bánh hơi. Máy có bộ phận chứa nguyên liệu trồng là thân cây khoai mì được cung cấp tại các đầu bờ. Thân cây khoai mì trồng được đặt nằm trên các thanh khung kiểu đặt hai hay ba điểm. Thùng chứa phân được đặt gần với máy kéo để trọng tâm máy gần với điểm treo, nhằm giảm nhẹ tải trọng đặt vào cơ cấu nâng của máy kéo khi liên hợp máy di chuyển hay quay đầu bờ.

Trên khung thùng chứa có bố trí hai ghế ngồi. Khi liên hợp máy chuyển động, hai lao động ngồi trên thùng sẽ liên tục cấp từng thân cây khoai mì xuống ống cấp liệu cắt hom. Các thân cây khoai mì sẽ được cung cấp vào giữa hai trống dao và được các mặt cao su linh hoạt hay các dao lắp trên trống dao kéo vào cắt.

Trống dao nhận truyền động từ bánh xe tựa thông qua bộ truyền động xích. Khoảng cách hai hom kề nhau trên một hàng phụ thuộc vào tỷ số giữa tốc độ quay của bánh xe và trống dao. Quá trình liên hợp máy chuyển động, ba lưỡi xới vun kép sẽ tạo thành hai luống trồng.

Hai cụm dao đĩa kép sẽ tạo ở giữa luống rãnh trồng. Độ sâu rãnh trồng khoai mì điều chỉnh bằng cách nâng hay hạ trụ lắp cụm đĩa dao rạch hàng. Hom khoai mì cắt sẽ rơi và trượt xuống rãnh vừa rạch. Đồng thời phân bón sẽ được vít tải lùa, rơi xuống rãnh. Vít tải nhận truyền động từ trống dao. Mức độ bón điều chỉnh bằng tỷ số truyền từ trống dao đến vít tải. Bánh xe lấp hom phía sau máy sẽ gạt cho hom khoai mì nằm (hay nghiêng) trên rãnh, gạt và nén đất xuống rãnh. Vị trí hom, lượng đất đổ vào giữ hom điều chỉnh bằng cách nâng hay hạ vị trí tương đối của bánh xe lắp đất theo phương thẳng đứng. Phía sau bánh xe lắp đất là chảo vun luống có cấu tạo cắt tai khế.

Kết quả thực tế khi ứng dụng trồng khoai mì bằng máy trên ruộng (có kích thước dài 168 m, rộng 120 m) đã được cày (bằng liên hợp máy kéo MTZ –50 và cày phá lâm 3 chảo) một lần và bừa (bằng liên hợp máy kéo MTZ – 50, cày lật rạ 7 chảo) một lần; độ sâu làm đất đạt 18-22 cm như sau:

Chỉ tiêu

Kết quả

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Lần 4

Lần 5

Trung bình

Chiều dài hom khoai mì, [cm]

18,1

17,8

17,5

18,3

18,5

18,0

Bề rộng làm việc, [m]

2

2

2

2

2

2

Chiều dài luống khoai mì, [m]

168

168

168

168

168

168

Diện tích khoai mì được trồng sau một lượt đi, [m2]

338

338

338

338

338

338

Tổng thời gian trồng mì trên một lượt đi (cả chất hom và quay vòng đầu bờ), [s]

160

155

156

148

157

155

Năng suất trồng mì thực tế, [ha/h]

0,757

0,780

0,776

0,817

0,770

0,780

Khoảng cách luống (hàng) khoai mì trồng, [m]

1,061

0,980

0,966

1,046

0,948

1,000

Khoảng cách các hom trên hàng , [mm]

698

807

745

780

722

750,4

Kết quả ứng dụng cho thấy, các yêu cầu kỹ thuật nông học về độ sâu, mật độ trồng, mức bón phân, độ rải phân đều được đáp ứng, tỷ lệ hom mọc và phát triển cao. Máy đạt năng suất cao, mức độ cơ giới hóa tốt, phù hợp với đồng ruộng Việt Nam.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Máy trồng khoai mì có những dạng kết cấu mới:

+ Trụ bộ phận rạch hàng có mặt cắt dạng tam giác, giúp giảm khối lượng, nâng cao khả năng chống uốn (độ bền), có thể điều chỉnh độ sâu rạch hàng trồng liên tục, không theo từng nấc.

+ Bộ phận liên kết trụ bộ phận rạch hàng với khung máy dạng ngàm conson, kiểu khớp trượt khóa hãm bằng mối ghép bulon.

+ Kết cấu bộ phận lấp đất không chỉ điều chỉnh góc tiến của chảo lấp mà còn điều chỉnh cả phương ngang, vuông góc với hướng tiến nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nông học để lấp đất tốt hơn.

Máy trồng khoai mì MTKM – 2 liên hợp với máy kéo 4 bánh bơm có công suất từ 50 HP trở lên làm việc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chi phí trồng khoai mì khoảng 623 ngàn đồng/ha. So sánh với chi phí trồng khoai mì hiện nay tại tỉnh Phú Yên (trồng bằng máy rạch hàng) là 1,85 triệu đồng/ha thì mỗi ha khoai mì trồng bằng máy MTKM – 2 tiết kiệm được hơn 1,2 triệu đồng/ha. Như vậy, hiệu quả kinh tế, tính cho một đời máy MTKM – 2 là hơn 1,5 tỉ đồng.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Nguyễn Thị Kiều Hạnh

Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM

ĐTDĐ: 0983035396

Email: nguyenkieuhanh@hcmuaf.edu.vn

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả