SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kiểm soát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy

Là một trong những bệnh nghiêm trọng gây chết hàng loạt và lây lan nhanh ở tôm, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy đã và đang là nỗi ám ảnh với người nuôi tôm ở khắp các tỉnh thành nước ta. Để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, việc cần có một mô hình nuôi tôm kiểm soát hiệu quả các loại bệnh dịch trên là vô cùng cấp thiết hiện nay.

Tình hình bệnh trên tôm

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2017 của nước ta đạt 2,47 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu tôm đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 41,9%. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, diện tích tôm trên cả nước bị bệnh đốm trắng là 1656,2ha, chiếm khoảng 14,5% diện tích thiệt hại, trong đó tỉnh Cà Mau có diện tích bị bệnh đốm trắng lớn nhất (chiếm 24,4% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh), sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và các địa phương khác. Đối với bệnh hoại tử gan tụy, diện tích bị bệnh là 1557ha, chiếm khoảng 13,6%, trong đó tỉnh Bạc Liêu có diện tích bị bệnh lớn nhất (chiếm hơn 25,7% tổng diện tích tôm bị bệnh), tiếp đó là các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh...

Quy trình và phương pháp thực hiện

Thiết kế ao/trại nuôi tôm

Ao nuôi: ao có hình vuông hoặc hình chữ nhật, diện tích khoảng 1.000-2.000m2. Thiết kế đáy ao có độ dốc nghiêng về nơi gom chất thải hoặc tạo hố xy-phông (khoảng 100m2) ở giữa ao nuôi để dễ dàng rút bớt chất thải. Hố xy-phông được thiết kế có đáy thấp hơn đáy ao nuôi từ 40-50cm. Bờ ao nuôi phải được gia cố kỹ và có phủ bạt.

Hệ thống quạt nước: giàn quạt được lắp đặt theo hệ thống trục dài phù hợp với hình dạng và diện tích ao, tổng công suất là 12 HP/ao và tốc độ quay cánh quạt đạt 60–100 vòng/phút. Nếu ao có diện tích từ 2.000-3.000m2 thì phải lắp ít nhất 4 giàn quạt nước, mỗi giàn có 8-10 cánh quạt.

Cải tạo nền đáy ao

Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa; loại bỏ lớp bùn cũ ra khỏi ao nuôi; tu sửa bạt lót bờ ao, lưới chắn địch hại quanh bờ ao và các cống cấp và thoát nước.

Đối với ao nuôi không phủ bạt đáy, cần bón vôi để cải thiện pH nền đáy và diệt địch hại (cua, còng, ốc, cá tạp) cũng như mầm bệnh. Lượng vôi sử dụng tùy vào loại vôi và độ pH của đất đáy ao.

Đối với ao nuôi có phủ bạt ở đáy, sau khi thu hoạch cần phải chà sạch rong rêu bám quanh bờ, xả cạn nước rồi dùng máy bơm áp lực cao xịt rửa toàn bộ ao, phần chất thải còn sót lại được rút hết thông qua hệ thống xy-phông hoặc bơm hút ra ngoài. Sau đó phun chlorine nồng độ 100mg/lít khắp toàn bộ ao và phơi ao 2–3 ngày.

Trường hợp ao nuôi bị bệnh, phải phun xịt khử trùng nền đáy ao bằng dung dịch chlorine với nồng độ 30mg/lít.

Cách bón vôi: bừa kỹ ao cho vôi ngấm vào nền đáy, phơi ao khoảng 7-10 ngày sau đó cày lật đất đáy ao rồi tiếp tục phơi đáy ao từ 7-10 ngày. Đối với những ao không phơi được đáy thì sau khi bơm cạn nước, dùng máy cào chất thải vào hố xy-phông rồi dùng máy bơm áp lực cao tẩy rửa nền đáy ao và bơm chất thải vào ao chứa chất thải.

Cấp nước vào ao gây màu

Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc đến mức nước cần thiết. Để 2-3 ngày, sau đó xử lý bằng chlorine (nồng độ 30mg/lít). Tiếp tục để yên 3-4 ngày trước khi cấp nước sang ao nuôi.

Tiến hành diệt khuẩn nước trong ao nuôi bằng một trong các loại hóa chất sau: iodine, benzalkonium chloride (BKC), chlorine, thuốc tím (KMnO4). Nếu sử dụng chlorine, cần quạt nước liên tục ít nhất 7 ngày để chlorine phân hủy.

Gây màu khi màu nước đã đạt yêu cầu (độ trong khoảng từ 25-50cm), tiến hành thu mẫu nước, bùn và động vật phù du để kiểm tra mầm bệnh. Trường hợp phát hiện có virus gây bệnh đốm trắng, cần tháo cạn nước, cải tạo lại ao, xử lý ao bằng chlorine (nồng độ ít nhất 30mg/lít).

Đối với các ao có thời gian từ lúc gây màu nước đạt yêu cầu cho đến khi thả giống trên 2 tuần thì trước khi thả giống cần phải thu mẫu nước và bùn kiểm tra lại lần nữa về các chỉ tiêu thủy lý hóa cũng như vi sinh.

Chọn giống

Chọn mua con giống từ các công ty uy tín. Con giống tối thiểu phải ở giai đoạn hậu ấu trùng (postlarvae, PL) 12 ngày tuổi (PL12), khỏe mạnh, có màu sắc gan tụy bình thường, phụ bộ đầy đủ, phản xạ tốt, kích thước đồng đều, bơi thành đàn ngược dòng nước liên tục và phản ứng nhanh khi có tác động đột ngột của ánh sáng.

Sốc formol tôm ở nồng độ 0,2ml/lít trong 30 phút để đánh giá tình trạng sức khỏe tôm, sau 30 phút sục khí nếu tỷ lệ sống 100% thì là giống tốt.

Kiểm tra tôm giống bằng phương pháp PCR và không mang các mầm bệnh do virus như bệnh đốm trắng, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu…

Vận chuyển và thả giống

Tôm giống phải được thuần độ mặn về bằng với độ mặn của ao nuôi ngay tại trại giống. Khi vận chuyển về trại nuôi, tôm phải được cho vào bể đã được sục khí trong ao nuôi giúp tôm giảm sốc và khỏe mạnh. Phải cân bằng nhiệt độ nước trong bể chứa về bằng với nhiệt độ nước ao trước khi thả tôm giống trực tiếp xuống ao nuôi.

Ương tôm giống trong ao lót bạt hoặc bể xi măng: thiết bị ương phải có mái che, có điều kiện vệ sinh tốt và cung cấp nước tốt.

Tăng đề kháng cho tôm

Từ ngày nuôi thứ 7, bổ sung các chất kích thích miễn dịch, bổ trợ gan và các hợp chất kháng khuẩn cho tôm.

Tuần đầu sau khi thả, ổn định pH, tảo, khử khí độc cho ao và cải thiện đáy ao bằng cách bổ sung chế phẩm vi sinh hỗn hợp Bacillus sp. định kỳ 3 ngày/lần.

Tuần nuôi thứ 2, phối trộn xen kẽ theo tuần một trong các sản phẩm kháng khuẩn có nguồn gốc thảo dược hoặc axít hữu cơ, kết hợp với vitamin C, β-glucan, MOS và cho ăn liên tục. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chất khoáng vào thức ăn, sử dụng chế phẩm vi sinh 3 ngày/lần.

Kiểm soát mầm bệnh

Kiểm tra Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus trong nước và trong bùn 2 lần/tuần. Nếu phát hiện Vibrio tổng số và Vibrio parahaemolyticus trong nước và bùn cao, cần phải thu mẫu tôm kiểm tra bằng phương pháp PCR.

Kiểm tra hàng tuần tình trạng mô gan tụy, các tác nhân gây bệnh trên tôm như bệnh đốm trắng, Vibrio parahaemolyticus và EHP (vi bào tử phá hủy hệ tiêu hóa ở tôm). Nếu thấy biểu hiện xấu trên gan tụy thì tăng liều sử dụng chất kháng khuẩn và chất kích thích miễn dịch lên gấp 2-3 lần, sử dụng vi sinh 3 ngày liên tục.

Từ tuần nuôi thứ 4-6 là giai đoạn tôm dễ mắc bệnh, nên ngoài việc sử dụng các loại thức ăn đã trộn các chất kích thích miễn dịch, vitamin, khoáng... thì hàng ngày cần kết hợp quan sát hoạt động bắt mồi, sức ăn của tôm cũng như tình trạng chuyển biến màu sắc gan tụy.

Từ tuần nuôi thứ 8 (tôm trên 2 tháng tuổi) trở đi, môi trường ao nuôi bắt đầu tích tụ nhiều chất thải hữu cơ, vì vậy cần quản lý nguồn nước tốt để đảm bảo tôm khỏe, theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu như NH3, H2S, độ kiềm, tảo và hường xuyên quan sát hoạt động của tôm, đặc biệt là vào ban đêm.

Quản lý chất thải

Kiểm soát lượng chất thải từ phân tôm thông qua việc xy-phông đáy và thay nước ao bằng cách xả đáy hoặc xy-phông bằng máy bơm áp lực cao.

- Giai đoạn tôm < 30 ngày tuổi: tần suất xy-phông 3 ngày/lần.

- Giai đoạn tôm > 30 ngày tuổi: tần suất xy-phông 1-2 ngày/lần tùy thuộc vào sinh khối của tôm.

Cần có lượng nước đã xử lý từ ao lắng để có thể cấp vào ao nuôi bất kỳ lúc nào tùy thuộc vào chất lượng nước và tình hình sức khỏe của tôm.

 

Ưu điểm công nghệ

Mô hình giúp phòng và kiểm soát tốt bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy ở tôm thẻ chân trắng.

 

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Chuyên gia: TS.Lê Hồng Phước.

Đơn vị: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2.

Địa chỉ: 116 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM.

Số điện thoại: 0909161271.

Email: lehongphuoc@yahoo.com.