SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ 4.0

Đây là quy trình mới đưa vào sử dụng cho canh tác dưa lưới trong nhà màng. Ứng dụng hệ thống điều khiển thông minh, vận hành từ xa công việc tưới phân tự động qua smartphone, giúp cây dưa lưới phát triển đồng đều và cho năng suất ổn định, chất lượng đảm bảo.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Dưa lưới là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Theo thống kê của FAO năm 2013, diện tích trồng dưa lưới trên thế giới là 1,34 triệu ha, với tổng sản lượng 31,93 triệu tấn (năm 2012). Trong đó, châu Á dẫn đầu với diện tích đạt 0,99 triệu ha (chiếm hơn 70%) và sản lượng 24,21 triệu tấn (hơn 75% sản lượng dưa lưới toàn thế giới).

Du nhập về Việt Nam từ năm 2007, diện tích trồng dưa lưới tăng liên tục hàng năm. Đến nay, ước tính có khoảng 300 ha dưa lưới trồng trong điều kiện nhà màng. Năng suất biến động từ 20 tấn đến 30 tấn/ha, cho sản lượng khoảng 20.000-25.000 tấn/năm.

Công nghệ sản xuất dưa lưới trên thế giới hiện nay đã được hoàn thiện với trình độ cao, ví dụ như trồng không sử dụng đất, với những hướng dẫn về kỹ thuật trồng, thành phần dung dịch dinh dưỡng và hệ thống cung cấp phân tự động trở nên khá phổ biến.

Nhiều giống dưa lưới khác nhau đã được trồng trên giá thể tại TP.HCM (và Việt Nam), chủ yếu được tưới thủ công hoặc bán tự động, với hệ thống châm phân qua Vantury. Một vài đơn vị đã đầu tư hệ thống tưới hiện đại như Netajet và FertiMax-Go. Mô hình trồng dưa lưới 4.0 với hệ thống tưới bón tự động, điều khiển từ xa qua smartphone được sản xuất trong nước, cho thấy hiệu quả và phù hợp với quy mô nhỏ tại Việt Nam, giúp người nông dân dễ đầu tư.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Công tác chuẩn bị

Nhà màng

Có kết cấu khung thép mạ kẽm không rỉ, mái lợp màng PE chống mưa, xung quanh được bao lưới chống côn trùng 50 mesh, chiều cao tới máng xối 4m, tới nóc nhà là 7,0-8,0 m. Trong nhà có dây treo dưa bằng cáp, được căng theo chiều dọc nhà để buộc dây quấn cây dưa. Lắp đặt hệ thống tưới phân tự động, điều khiển từ xa (gồm các bồn phân và hệ thống điều khiển).

Giống dưa

Các giống được chọn tạo trong nước, thích nghi tốt, năng suất cao và tính chất thịt trái phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam (ngọt, giòn, lưới đẹp, không rụng cuống), ví dụ như giống AB Sweet Gold (trái ô-van, ruột cam), Khang Nguyên (trái tròn hơi dài, ruột xanh), Queen KN (trái tròn hơi dài, ruột cam), King KN (trái tròn hơi dài, ruột xanh), Kanabi (trái tròn, ruột cam),…

Kỹ thuật ươm

Tốt nhất là gieo ươm hạt trên khay xốp (loại khay 50 lỗ), điều kiện gieo phải cách ly trong nhà lưới, nhà kính. Tưới thấm cho các khay đã gieo hạt, không tưới lên ngọn cây để tránh ngộ độc do nguồn nước có thể chứa Bi-urea, NaCl,…hàm lượng cao. Cây mọc từ 8-10 ngày thì đem trồng ra ruộng.

Mật độ, khoảng cách

Hàng cách hàng 120 cm (hàng đơn), cây cách cây 30-35 cm (Mật độ 24.000-27.000 cây/ha). Hàng kép có tâm là 200 cm, hai hàng kép cách nhau 60 cm. Khoảng cách cây 35-40 cm (Mât độ 25.000 - 28.000 cây/ha).

Làm giàn treo cây

Cây được đỡ bằng dây nilon treo trên dây kẽm dọc luống. Căng cáp hoặc dây kẽm 3mm phía trên các hàng với độ cao 2,0-2,2m. Sử dụng dây nilon chuyên dùng để buộc lên dây kẽm theo khoảng cách cây dự định trồng. Công việc này phải làm trước khi trồng cây.

Kỹ thuật chăm sóc

Ngắt tỉa 

Ngắt bỏ hết cành nách từ gốc cho đến đốt thân thứ 10-11 mới để cành trái. Ngắt ngọn cành trái khi hoa cái nở, chừa lại 1 lá kế tiếp nách mang hoa. Ngắt hết tua cuốn trên thân cây để tập trung dinh dưỡng.

Quấn dây treo cây

Khi cây được 25 cm (4-5 lá) thì buộc dây vào gốc cây ở vị trí dưới lá thật, trên lá mầm. Quấn dây treo vào cây theo chiều kim đồng hồ. Lưu ý, khi gần đến độ cao cáp treo thì quấn 2 vòng/đốt đảm bảo đủ chặt để cây đủ treo trái khi lớn, tránh việc trái nặng kéo sập cây xuống đất.

Thụ phấn

Lấy hoa lớn nhất trên thân chính từ ngọn xuống thụ cho hoa cái. Thụ phấn sao cho mỗi cây chắc chắn đậu 2-3 trái thì ngưng. Tốt nhất là thụ phấn bằng ong mật, mỗi vườn diện tích 1.000 m2 thì thả 1 thùng ong (có 5 cầu). Thả trong vòng 1 tuần, trước khi hoa cái nở 1-2 ngày cho ong làm quen vườn dưa.

Tưới nước

Yêu cầu nước của cây khác nhau theo từng giai đoạn sinh trưởng vào nhiệt độ, cường độ ánh sáng,… Cây cần nhiều nước nhất vào giai đoạn đậu trái đến tạo lưới. Mỗi ngày tưới 8-10 lần cho cây nhỏ trước giai đoạn ra hoa (khoảng 1,2-1,4 lít/cây/ngày), sau đó tưới 10-12 lần/ngày (khoảng 1,8-2,2 lít/cây/ngày) vào giai đoạn đậu trái và giảm còn 1,6-1,7 lít vào giai đoạn sau tạo lưới đến cuối vụ.

Bón phân

Có thể chia làm 5 giai đoạn để bón. Tùy từng giống có thể điều chỉnh lượng phân, những giống chịu đạm thì bón đạm cao và ngược lại.

STT

Loại phân

Trồng đến 10 ngày

10 ngày sau trồng đến ra hoa (13 ngày)

Nở hoa – đậu trái (10 ngày)

Đậu trái đến trái tạo lưới (15 ngày)

Trái tạo lưới đến chín (12 ngày)

1

N (ppm)

100-120

120-140

150-170

160-180

150

2

(ppm)

60

52

60

40

50

3

K

(ppm)

100

120-140

200-230

180-200

250-300

4

Ca

(ppm)

110

120

120

142

120

5

Mg

(ppm)

40

50

50

50

50

Công tác tưới, bón phân ứng dụng công nghệ 4.0

Hệ thống tưới nước, bón phân có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại smartphone, vận hành theo sơ đồ:

Chuẩn bị

-Phân bón được hòa vào 5 bồn (từ A đến D) dung dịch đậm đặc (gọi là dung dịch mẹ).

-Bồn E chứa KOH để chỉnh pH cho bồn dung dịch trung gian.

-Lượng phân đã được tính toán để hút đủ mức EC theo yêu cầu (theo sensor lưu lượng).

-Một bồn trung gian 1.000 lít được dùng chung cho 6 nhà màng trồng dưa.

-Một bồn dung dịch xử lý gốc hoặc dùng xả nước cuối mỗi ngày làm sạch phân trong đường ống, tránh kết tủa nghẹt ống.

Vận hành

- Thông qua giao diện hiển thị trên màn hình điện thoại, sử dụng SIM 3G/4G hoặc mạng internet.

- Cài đặt lệnh hút phân từ các bồn dung dịch mẹ đổ vào bồn trung gian chứa 1.000 lít nước; lệnh bơm nước vào bồn trung gian cho đủ nhu cầu tưới cho mỗi vườn trong một ngày.

- Cài đặt lệnh tưới dung dịch phân từ bồn trung gian vào các nhà màng theo thời gian tưới mỗi lần và số lần tưới trong ngày.

- Cài đặt lệnh bơm nước xả hoặc xử lý gốc bằng các dung dịch hữu cơ/vi sinh.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại

Dưa lưới trồng trong nhà màng chủ yếu bị bọ phấn trắng, bọ trĩ và nhện đỏ gây hại.

Sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học để trừ bọ phấn trắng và trừ sâu khoang. Phun một trong những loại thuốc trừ sâu sau đây: Abamectin 1g/l (20g/l) + Matrine 5g/l (5g/l); Ememectin benzoat; Azadirachtin (chất chiết từ hạt cây Neem) 1.500ppm, 3.000ppm. Vineem 5 ngày phun 1 lần.

Bệnh hại

Bệnh thường gặp là thối gốc gây héo, bệnh phấn trắng hại lá, bệnh đốm lá do nấm, bệnh virus,…

Sử dụng một trong những loại thuốc sau đây để phun xịt: thuốc sinh học Bacillus subtilis (với các tên thương mại là Biobac 50WP, Bionite WP); thuốc hóa học với hoạt chất Cymoxanil 8% + Mancozeb 64% (tên thương mại Curzate M8 72WP, Victozat 72 WP, Xanized 72 WP,…), hoạt chất Fosetyl Aluminium (min 95 %) (tên thương mại Aliette 80 WP, 800 WG; Alimet 80WP, 80WDG, 90SP; Alonil 80WP;…);  hoạt chất Difenoconazole (min 96%) (tên thương mại: Score 250 EC; Kacie 250EC; Goldnil 250EC;…). Phun luân phiên để tránh hiện tượng kháng thuốc, phun ngay khi thấy chớm phát hiện cây bệnh. Cách ly 10 ngày mới thu hoạch.

Thu hoạch

Thông thường, tại khu vực Đông Nam bộ, thời gian từ trồng đến 70 ngày với những giống dưa trên là thu hoạch được. Vùng Tây Nguyên thì cây sinh trưởng chậm do lạnh, nên kéo dài thêm 7-10 ngày tùy vụ. Xác định độ chín bằng cách đo độ Brix. Dưa giống Khang Nguyên, AB Sweet Gold có hàm lượng đường khá cao, đạt 13-160 Brix.

Theo dõi độ chín: lá gần trái nhất chuyển màu vàng hoặc héo, tua cuốn sát trái bị khô. Màu của vỏ trái chuyển từ đậm qua màu sáng. Xuất hiện vòng xanh đậm quanh cuống trái . Lưới chuyển màu từ đậm sang màu kem nhạt. Cuống trái có những vết sọc thấy rõ.

Thu hái cẩn thận, tránh gây các vết thương sẽ tạo ra ethylen làm trái chín nhanh, dễ hư hỏng. Loại bỏ những trái có dị tật. Thu hoạch và đặt vào thùng vận chuyển đến nhà đóng gói. Lót tấm xốp trong thùng để trái không bị xây sát khi vận chuyển. Chỉ nên xếp 2 lớp trái trong thùng. Trái đưa về nhà đóng gói, được xử lý chlorin 1%, đưa lên băng chuyền quạt gió cho khô rồi bọc bao lưới. Xếp vào thùng carton (có đục lỗ thoáng khí) 1 lớp 6 trái để tránh gãy cuống. Thùng đựng trái được bảo quản trong kho hoặc xe lạnh 12-150C, ẩm độ không khí 85-90%.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Quy trình dễ áp dụng, tiện lợi với việc có thể điều khiển tưới phân từ xa (một khâu quan trọng nhất, quyết định năng suất dưa). Qua đó, đảm bảo năng suất ổn định trên 30 tấn/ha/vụ (>120 tấn/ha/năm) với các giống dưa AB Sweet Gold, Khang Nguyên, Queen KN, King KN; tạo được sản phẩm dưa lưới an toàn cho người tiêu dùng.

Hệ thống điều khiển tưới bón tự động từ xa qua smartphone chế tạo trong nước với giá thành thấp (100 triệu đồng/bộ) so với những bộ điều khiển tưới của nước ngoài (470-1.000 triệu đồng/bộ) cùng tính năng, nên có thể ứng dụng trên diện rộng ở Việt Nam, giảm chi phí đầu vào cho nông dân.

Hiệu quả kinh tế:

- Vốn đầu tư ban đầu: nhà màng 250 triệu/1.000 m2; hệ thống thiết bị tưới 140 triệu.

- Chi phí đầu tư trong vụ: 45 triệu đồng (hạt giống, phân bón, giá thể, bịch trồng cây, thuốc BVTV,…).

- Sản lượng (1.000 m2): 3.000 kg x 30.000 đ/kg = 90.000.000 đồng (doanh thu)/vụ. Mỗi năm trồng được 4 vụ dưa. Tỉ suất lợi nhuận: 100% (1 đồng vốn thu được 1 đồng lời).

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Tư vấn và Phát triển Nông nghiệp Bền vững

Địa chỉ: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Người liên hệ: TS. Phạm Hữu Nhượng.

Điện thoại: 0913770557.

Email: tttvnnbv@gmail.com.

Xem video giới thiệu tại đây

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả