SpStinet - vwpChiTiet

 

Sản xuất cây giống gấc nếp bằng nuôi cấy mô

Quy trình sản xuất áp dụng phương pháp nhân giống in vitro cây gấc nếp đạt hệ số nhân giống cao, đáp ứng nhu cầu thị trường về nguồn cây giống chất lượng, sinh trưởng và phát triển đồng đều, sạch bệnh.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cây gấc (Momordica Cochinchinensis) là loài cây thân thảo dây leo, được trồng nhiều ở Việt Nam, một số nước Đông Nam Á và một số vùng ở Nam Á. Đối với người dân bản địa, cây gấc được đánh giá có nhiều lợi ích sức khoẻ quan trọng. Trái gấc có rất nhiều công dụng như sử dụng làm nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn dược liệu quý do chứa nhiều β-carotene, lycopene, zeaxanthin, β-cryptoxanthin. Trong các giống gấc hiện nay, xét về mặt dược tính thì gấc nếp là giống cho dược tính cao nhất, với nhiều chất quan trọng đang được dùng trong các sản phẩm dược liệu. Vì vậy, nhu cầu thị trường hiện đang rất cao, có thể  tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.

Tuy nhiên, khâu sản xuất cây giống hiện nay sử dụng biện pháp nhân giống truyền thống (gieo hạt, giâm hom) còn một số hạn chế như chất lượng cây giống khó đảm bảo, hệ số nhân giống thấp, nguồn giống khan hiếm,… Mặt khác, do đặc tính của cây gấc phân tính đực cái, nên khi gieo hạt, cây giống bị phụ thuộc rất nhiều vào tỉ lệ hình thành đực cái từ hạt giống. Cây gấc gieo hạt có tỷ lệ đực cái theo lý thuyết là 50-50, nhưng trong thực tế khi trồng cây giống gấc gieo hạt thì tỷ lệ này lên đến 80-20 tức là trong 100 cây gấc trồng ngoài vườn thì có tới 80 cây gấc đực, chỉ còn lại 20 cây gấc cái. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả kinh tế của người trồng gấc. 

Phương pháp nhân giống vô tính in vitro có thể cho hệ số nhân giống cao, các cây con sinh trưởng và phát triển đồng đều, sạch bệnh; số lượng cây con lớn trong thời gian ngắn, hầu hết các đặc tính di truyền của cây mẹ được lưu giữ và truyền cho đời con, do vậy tỉ lệ đực cái của cây gấc mô luôn ổn định, giúp người trồng gấc có kế hoạch cũng như các biện pháp canh tác hợp lý, nhằm đạt được kết quả tốt nhất.   

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nhân giống cây gấc nếp

Diễn giải quy trình

- Bước 1 (Khử trùng mẫu cấy): đoạn thân cây gấc nếp cái sau quá trình làm sạch sơ bộ bằng xà phòng và rửa dưới vòi nước sạch, được khử trùng bằng cồn 700 trong 30 giây, sau đó lắc trong dung dịch thủy ngân clorua 0,01% trong 10 phút và tween 20, rửa lại bằng nước tiệt trùng 3-5 lần.

- Bước 2 (Nuôi cấy tạo nguồn mẫu ban đầu): mẫu sau khi được khử trùng sẽ được cắt thành những đoạn nhỏ chứa mắt ngủ dài từ 1-2 cm và đặt trên môi trường MS + 0,2 mg/L BA + 0,01 mg/L IBA + 10%v/v nước dừa + 2% đường. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

- Bước 3 (Nhân nhanh cụm chồi): chồi in vitro dài từ 3 - 4 cm được chuyển qua môi trường nhân nhanh chồi MS + 0,5 mg/L BA + 0,01 mg/L IBA+ 10%v/v nước dừa + 2% đường. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

- Bước 4 (Ra rễ tạo cây hoàn chỉnh): chồi in vitro dài từ 3 - 4 cm được chuyển vào môi trường kích thích tạo rễ MS + 0,5 mg/L IBA + 10%v/v nước dừa + 2% đường. Điều kiện nuôi cấy nhiệt độ 25 ± 20C, thời gian chiếu sáng 12 giờ, cường độ chiếu sáng 2.000 lux.

- Bước 5 (Chuyển tiếp cây mô trong phòng ra ngoài nhà màng): cây mô được huấn luyện làm quen với nhiệt độ và ánh sáng bên ngoài trong 1 tuần, chuyển cây mô trồng sang giá thể mụn dừa, phủ nylon 1 tuần và tưới nước 2 lần/ngày. Giai đoạn này kéo dài 15 ngày.

- Bước 6 (Giai đoạn bầu ươm): chuyển cây mô từ bước 5 sang bầu ươm chứa giá thể 30% đất + 40% mụn dừa + 20% phân trùn + 10% trấu hun. Tưới nước 2 lần/ngày. Giai đoạn này kéo dài 30 ngày.       

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Quy trình đã được ứng dụng để nhân giống in vitro cây gấc nếp, từ giai đoạn vô mẫu đến giai đoạn tạo rễ hình thành cây con in vitro hoàn chỉnh, cây giống ngoài vườn ươm. Kết quả cây giống gấc in vitro hoàn chỉnh với chiều cao cây từ 5-10 cm, chiều dài rễ 3-7 cm với số rễ đạt trung bình khoảng 3-5 rễ. Từ đó cho ra cây gấc giống đạt tiêu chuẩn đem trồng ngoài vườn (cao từ 40-60 cm, có 8-10 lá, phát triển khỏe mạnh). Tỷ lệ cây cái đạt 100% từ giống cây gấc mô.

Chi phí sản xuất 1.000 cây con gấc bằng phương pháp nuôi cấy mô là 1,5 triệu đồng. Chi phí sản xuất 1.000 cây con gấc mô giai đoạn ngoài vườn ươm là 35 triệu đồng.

Như vậy, giá bán cây gấc mô là 35.000-40.000 đồng, tương đương giá cây gieo hạt và cây ghép hiện nay ngoài thị trường (từ 30.000-50.000 đồng/cây giống cao khoảng 50 cm). Tuy nhiên, hạn chế của cây giống truyền thống là không phân biệt được cây đực, cây cái, do đó xác suất cây đực gặp phải khi trồng rất lớn, khiến chi phí sản xuất cây giống cao hơn nhiều.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Phan Thị Hồng Thủy. ĐT: 0931 305 287. Email: hongthuyitb@gmail.com

2. ThS. Nguyễn Ngọc Ánh. ĐT: 0938 522 236. Email: anhnn1986@gmail.com

3. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028.6264 6103.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả