SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long ruột đỏ

Cây thanh long thời gian gần đây trồng đạt năng suất cao, mang lại thu nhập cho người dân. Đặc biệt, trong tiến bộ kỹ thuật hiện nay, thanh long cho trái quanh năm (giá thường cao hơn từ 3.000-5.000đồng/kg so với chính vụ) rất thuận lợi cho việc xuất khẩu. Do đó, cây thanh long thực sự trở thành cây có hiệu quả kinh tế và có lợi thế cạnh tranh cao so với một số cây trồng khác.

 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Cây thanh long là cây ăn trái thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc ở vùng sa mạc thuộc Mexico và Columbia, thuộc nhóm cây nhiệt đới khô. Phần lớn thanh long được trồng ở Việt Nam là loài Hylocereus undatus, có vỏ đỏ hay hồng/ruột trắng (95%), còn lại là loại ruột đỏ (5%).

Việt Nam có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Diện tích trồng thanh long ở Việt Nam tăng khá nhanh từ 5.512 ha (năm 2000) lên đến 35.665 ha, với tổng sản lượng đạt khoảng 614.346 tấn vào năm 2014. Theo ước tính sơ bộ năm 2015, diện tích trồng mới gần 5.000 ha, sản lượng đạt khoảng 686.195 tấn.

Thanh long hiện đang được trồng ở hầu hết ở các tỉnh/thành phố, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh như Bình Thuận, Tiền Giang, và Long An. Diện tích thanh long của ba tỉnh này chiếm 92% tổng diện tích và 96% sản lượng của cả nước, phần diện tích thanh long còn lại phân bố ở một số tỉnh Miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh miền Bắc.

Bình Thuận là nơi có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất chiếm 63,2% diện tích và 68,4% sản lượng cả nước, kế đến là Long An (chiếm 17,3% diện tích và 14,2% sản lượng) và đứng thứ ba là Tiền Giang (chiếm 10,9% diện tích và 13,7% sản lượng).

Sản phẩm thanh long lưu thông trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi. Trong đó, thị trường nội địa chiếm khoảng 15-20% sản lượng; 80-85% sản lượng còn lại được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan và Đài Loan, thanh long còn được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Ý, Nhật, Singapore và đang thâm nhập một số thị trường mới như Ấn Độ, New Zealand, Úc và Chi Lê.

Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thanh long chiếm 49,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm trái cây, đạt 567,88 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2015. Tính riêng tháng 8/2016 đạt 86,15 triệu USD, tăng 18,3% so với tháng trước và tăng 200,5% so với tháng 8/2015. Trong đó, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 91,2% tổng kim ngạch, đạt 518,1 triệu USD, tăng 165,3% so với 8 tháng đầu năm 2015 (riêng tháng 8/2016 đạt 81,22 triệu USD, tiếp tục tăng 18% so với tháng trước và tăng 248,5% so với tháng 8/2015); Mỹ - thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ hai của Việt Nam, đạt 11,64 triệu USD, chiếm 2,1% tổng kim ngạch, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước (riêng tháng 8/2016 đạt 476 nghìn USD, giảm 9% so với tháng trước nhưng tăng 195,2% so với tháng 8/2015). Đáng chú ý, trong tháng 8/2016, Thái Lan trở thành thị trường xuất khẩu thanh long lớn thứ ba của Việt Nam, kim ngạch đạt 1,09 triệu USD, tăng đột biến 73,3% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng đầu năm 2016 đạt 9,73 triệu USD, chiếm 1,7% tỷ trọng.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chọn đất

Thanh long trồng được trên nhiều loại đất, đất không bị ngập, thoát nước tốt, có hàm lượng hữu cơ cao, không bị nhiễm mặn, pH từ 5,5–6,5.

Cách trồng: đào hố 80x80x30 cm (Đông Nam Bộ); đắp mô cao 30–50 cm, rộng 80–100 cm (đồng bằng sông Cửu Long).

Trụ trồng

Trụ có thể bằng xi măng, trụ gạch, hay trụ gỗ. Đường kính trụ 15–20 cm, chiều cao trụ: 1,5–2,0 m, đối với trụ xi măng thì chôn sâu dưới mặt đất 0,5 m, phía trên có 4 thanh sắt ló ra dài 30–40 cm để làm giá đỡ thanh long, trụ được đặt giữa hố (hoặc mô) và trồng trụ trước khoảng 1 tháng.

Chuẩn bị hom giống để trồng

Cành được chọn làm giống cần chọn trên cây mẹ tốt, khỏe và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Tuổi cành từ 6-24 tháng.

- Chiều cao cành từ 40–50 cm.

- Cành có màu xanh đậm.

Mật độ - khoảng cách trồng

Khoảng cách trồng 2,5x3,0 m hay 3,0x3,0m. Mật độ trồng 75-100 trụ/1.000m2.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Thời vụ trồng

- Từ tháng 5–6 (vào đầu mùa mưa)

- Từ tháng 10–11 (cuối mùa mưa)

Cách đặt hom

- Đặt hom sâu từ: 2–4 cm, đặt phần lõi (gọt bỏ phần thân để tránh thối gốc).

- Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ tạo điều kiện thuận lợi cho cành ra rễ và bám sát vào cây trụ.

- Cố định hom/trụ bằng dây nilon đen để tránh gió làm lung lay và đổ ngã.

- Mỗi trụ đặt 4 hom.

Tưới nước

Tuy thanh long là cây chịu hạn tốt, nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng phát triển của cây và giảm năng suất. Do đó, cần tưới nước thường xuyên cho cây, tùy theo ẩm độ đất mà chu kỳ tưới cho cây có thể thay đổi 1-7 ngày/lần. Biểu hiện của sự thiếu nước là: cành mới hình thành ít, cành phát triển rất chậm, cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng, tỉ lệ rụng hoa ở các đợt ra hoa đầu tiên cao >80%, quả bé.

Tủ gốc giữ ẩm

Tủ gốc giữ ẩm cho cây vào mùa nắng bằng rơm rạ, cỏ khô, xơ dừa, rễ lục bình,.. tủ cách gốc 5 - 10 cm. Biện pháp này cũng tránh được cỏ dại phát triển đồng thời khi rơm rạ bị phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể.

Tỉa cành và tạo tán

Thường xuyên buộc dây nilon cố định thân cành sát vào trụ xi măng. Khi cành vượt qua đầu trụ, uốn và cố định cành cong xuống về phía đối diện bằng dây nilon đen. Công việc nay thực hiện vào buổi chiều trong ngày nắng để tránh gãy cành. Sắp xếp cành tỏa đều ra các hướng để tạo tán hình dù.

- Tạo tán

Mục đích là tạo cho cây có bộ khung cơ bản, vững chắc từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp, giúp cây sinh trưởng mạnh, thông thoáng, ít bị sâu bệnh tấn công. Cây có dạng hình tròn đều sẽ cho năng suất cao và ổn định lâu dài.

- Tỉa cành

+ Thường xuyên tỉa bỏ chồi dại mọc ra từ trên cổ rễ đến dưới đầu trụ 10 cm. Tỉa cành nhằm tạo bộ tán đẹp cho cây, hạn chế sâu bệnh và cạnh tranh dinh dưỡng.

+ Trên cành chính, từ mặt đất tới giàn, tỉa tất cả các cành xung quanh chỉ để lại một cành phát triển tốt, áp sát cây trụ, tỉa các chồi và cành nhiễm sâu bệnh, cành dị dạng, cành tai chuột (ngắn hơn 20 cm) và cành già nằm khuất trong tán.

+ Trên giàn, tỉa cành theo nguyên tắc 1 cành mẹ để lại 1-2 cành con, chọn cành sinh trưởng mạnh, phát triển tốt, tỉa bỏ các cành tai chuột, cành ốm yếu, cành sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho quả, các cành nằm khuất trong tán không nhận được ánh sáng. Khi cành dài 1,2-1,5m bấm đọt cành giúp cành phát triển tốt và nhanh cho quả.

+ Hàng năm, sau thu hoạch cần xén bớt cành dài chạm đất, giữ khoảng cách từ cành đến mặt đất tối thiểu 30 cm và cần tỉa bỏ những cành đã cho quả 2 năm, cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm khuất trong tán.

Cỏ dại

Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây thanh long và là nơi trú ẩn của sâu bệnh, trước mỗi đợt bón phân cần làm sạch cỏ gốc và xung quanh gốc thanh long. Trong vườn có thể dùng máy cắt cỏ hoặc dùng thuốc diệt cỏ (các loại thuốc đã được cho phép sử dụng trên thị trường).

Phân bón

- Bón lót cho mỗi trụ: trước khi trồng bón: 20 kg phân bò hoai hoặc 5 kg phân hữu cơ vi sinh + Super lân / Lân vi sinh 500g + vôi bột 200g + Furadan 5–10g + tưới thuốc trừ bệnh Ridomyl hoặc Coc 85: 5–10g.

- Bón thúc:

+ Cây chưa ra hoa (8–10 sau khi trồng)

 

Phân sử dụng

Lượng sử dụng

Cách bón

Thời gian

 

Phân chuồng hoai (hoặc phân gà hoai)

 

Bón rải trực tiếp vào gốc

1–3 tháng sau khi trồng, 4 tuần/lần

 

 

Humix loãng + Yogen 10 -10 -6

 

DAP 18 – 46 – 0

 

50 ml Humix + 30ml Yogen/ bình 16 lít

100g ADP/trụ

50g URE/trụ

 

 

 

 

Rải gốc

Hòa nước tưới

1-3 tháng sau khi trồng, 2 tuần/lần

 

 

Humix gà VK 3-2-2

Humix gà xử lý

 

 

Bón rãnh sâu 10cm, cách gốc 20-40 cm.

4–10 tháng sau khi trồng, 1 tháng/lần

 

DAP 18-46-0

NPK 20-20-15 +TE

 

 

Tưới gốc hoặc rải cách gốc tối thiểu 20cm, sau đó tưới nước.

4-8 tháng sau khi trồng, 30 ngày/lần.

 

Super Humix

50g/bình 16 lít

 

15 ngày/lần

 

Humix loãng +

Yogen 10-10-6

50ml/bình 16 lít

30ml/bình 16 lít

 

15 ngày/lần

 

 

Phân chuồng hoai

NPK 20-20-15 +TE

Super Lân

 

 

 

Bón rãnh sâu 15cm kết hợp bồi bùn lấp phân.

Cuối mùa mưa (12 dl) và đầu mùa mưa (4-5 dl)

 

+ Cây ra hoa và quả 1-2 năm tuổi hoa:

  • Chuẩn bị ra hoa: 100g Ure + 900g Lân super + 75g KCl/trụ (kết hợp thêm phân bón lá 10-60-10 1-2 lần, cách nhau 7 ngày).
  • Trước khi hoa nở: bón gốc 200g NPK 20-20-15 + TE 7-10 ngày/lần, (kết hợp phun GA3 ½ gói + 5g Thiên Nông + NPK 6-30-30 10g/bình 8 lít).
  • Quả phát triển: NPK 20-20-15 + TE 100/trụ hoặc 12-12-17 + TE hoặc NPK 15-15-15 bón 7 ngày/lần.
  • Trước khi quả chín 7-10 ngày: phun 30g NPK 6-30-30 +1 gói GA3 + 15ml Bóng trái Arrow/bình 8 lít.

Lưu ý:

  • Cây mang quả trong các tháng mưa (6-9 dương lịch) cần bổ sung thêm KCl 50 -100g/trụ bón vào thời điểm 2-3 tuần sau khi đậu trái. Ngoài ra, cần bổ sung thêm phân có hàm lượng Canxi và Magie.
  • Phân hữu cơ: khi cây cho quả, bón định kỳ 2 tháng/lần, các loại phân dung là: phân chuồng (hoặc phân gà) hoai 4-5kg/trụ, Humix gà xử lý 1-2kg/trụ, phân hữu cơ sinh học các loại 1-2 kg/trụ, kết hợp với phủ xơ dừa hay tro trấu trên mô trồng dày 2-3 cm.
  • Cây sau khi thu hoạch và ra cành mới (tháng 9-10 dương lịch hằng năm): Super Lân 500g (bón 1 lần sau thu hoạch) + 300-400g NPK 20-20-15/trụ, mỗi tháng 1 lần kết hợp với phân hữu cơ.

+ Cây từ 3 năm tuổi:

Áp dụng giống giai đoạn cây ra hoa 1-2 năm tuổi nhưng khác về lượng phân bón gốc (tăng 2-3 lần) tùy vào sinh trưởng cây và số quả trên trụ.

Xử lý ra hoa

Cây thanh long thuộc nhóm cây ngày dài, sự ra hoa chịu ảnh hưởng của quang kỳ, ở miền Nam thanh long bắt đầu ra hoa vào tháng 4-9 vì số giờ chiếu sáng trong ngày >12 giờ (ngày dài). Vì vậy, muốn thanh long ra hoa quả nghịch vụ vào giai đoạn đêm dài ngày ngắn, một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tạo chiếu sáng nhân tạo trong thời gian ngày ngắn bằng cách đốt đèn trong một thời gian nhất định giúp cho cây ra hoa đồng loạt.

- Phương pháp chiếu đèn:

Tùy theo mùa vụ mà số đêm chiếu sáng và thời gian chiếu sáng thay đổi, số giờ chiếu sáng trong ngày càng ngắn và thời tiết càng lạnh thì thời gian chiếu đèn và số giờ đốt đèn trong đêm càng tăng, số đêm chiếu sáng từ 15-20 đêm đồng thời số giờ chiếu sáng/đêm từ 6-10 giờ là thanh long có thể ra hoa. Thời gian từ khi ra nụ đến khi hoa nở  từ 18-21 ngày và từ khi hoa nở đến lúc thu quả từ 28-35 ngày. Do đó, tùy theo mục đích và nhu cầu quả trên thị trường mà nhà vườn quyết định thời gian xử lý ra hoa. Loại bóng đèn chiếu sáng có thể sử dụng là loại bóng đèn tròn 75-100W, khoảng cách hợp lý nhất từ bóng đèn đến cành thanh long là 0,5-1,0m.

- Bón phân

+ Phân hữu cơ:

  • + Lần 1: trước khi thắp đèn một tháng bón 5 kg phân chuồng hoai mục hoặc 0,5kg phân hữu cơ sinh học/trụ
  • + Lần 2: trước khi thắp đèn 15 ngày, bón 0,5 kg/trụ phân hữu cơ sinh học.
  • + Lần 3: sau khi nụ xuất hiện bón 0,5 kg/trụ phân hữu cơ sinh học.

+ Phân bón lá:

  • Trước khi thắp đèn một ngày, phun phân bón lá 6-30-30, phun 2 lần, cách nhau 5 ngày, 15 g/bình 8 lít.
  • Sau thụ phấn, phun phân bón lá 30-10-10, phun 2 lần, cách nhau 5 ngày, 15g/bình 8 lít.
  • Trước khi thu họach 3 tuần, phun phân bón lá 12-0-40-3 Ca, phun 2 lần, cách nhau 5 ngày, 15 g/bình 8 lít.

Tất cả các phân bón lá, phân hữu cơ sinh học có công thức và công dụng tương đương này đã có trong danh mục phân bón được phép sử dụng đều có thể áp dụng cho quy trình này.

Ngoài ra, có thể sử dụng các chế phẩm sinh học khác nhằm kích thích thanh long ra hoa rãi vụ nhưng cần tính toán hiệu quả kinh tế và vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn môi trường sinh thái.

Tỉa hoa, quả

Chọn 2-4 hoa phát triển tốt trên mỗi cành, các hoa còn lại tỉa bỏ, nên chọn các hoa trên cùng một cành ở 2 mắt xa nhau. Sau khi hoa nở 5-7 ngày tiến hành tỉa quả, mỗi cành chỉ để lại 1-2 quả, chọn các quả phát triển tốt, không dấu vết sâu bệnh và không bị che khuất trong bóng mát.

Bao quả

Nhằm tạo quả thanh long có màu sắc đẹp ngăn ngừa vết chích hút của côn trùng, có thể dùng bao ni lon để bao quả thanh long.

Thời gian bao: sau khi hoa thụ phấn vài ngày, lúc cánh hoa vừa héo hoặc rụng. Nếu cánh hoa chưa rụng thì cần tỉa bỏ cánh hoa khi bao quả.

Phương pháp bao: bao ni lon được cắt phần dưới đáy bao ở hai bên gốc đáy, cách gốc bao 2cm, cắt sâu vào trong bao khoảng 2cm, mục đích cho hơi nước thoát ra khi quả hô hấp, dùng dây thun cột miệng bao dính vào cành thanh long.

Phòng trị sâu bệnh hại

Thanh long ít bị sâu bệnh hại như các loại cây ăn quả khác. Một vài sâu bệnh hại chính trên thanh long và biện pháp phòng trị.

- Các loại sâu hại chính

+ Kiến:

Kiến cắn đục khoét làm hư hom giống và cành thanh long, trên quả làm tổn thương vỏ quả, đây là loại côn trùng dễ phòng trị.

Biện pháp phòng trừ: Dùng Padan 3H trộn với cát rải đều quanh gốc hoặc những nơi kiến làm tổ, dùng các loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm 3 phun vào các đoạn cành bị kiến tấn công.

+  Rầy mềm (Toxoptera sp):

 Gây hại trên hoa, quả bằng cách chích hút nhựa để lại vết chích nhỏ trên vỏ quả đến khi quả chín sẽ mất màu đỏ của quả, mất giá trị xuất khẩu.

Biện pháp phòng trừ: Phun các thuốc bảo vệ thực vật đã được cho phép lưu hành trên thị trường có hoạt chất như: Methidathion; Cypermethrin + Profenofos; Buprofezin + Isoprocarb theo liều khuyến cáo.

+ Các loại bọ xít:

 Dùng vòi chích hút vào vỏ quả, tai quả gây vết thương tạo điều kiện cho nấm bệnh và vi khuẩn gây hại làm giảm chất lượng của quả.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn thanh long, phát quang bụi rậm, cỏ dại. Dùng các loại thuốc phòng trừ rầy theo nồng độ khuyến cáo, phun lên vườn khi có bọ xít xuất hiện.

+ Ruồi đục quả:

là đối tượng nguy hiểm và là đối tượng kiểm dịch rất khắc khe của nhiều nước nhập khẩu thanh long trên thế giới hiện nay. Ruồi cái chích vào vỏ quả và đẻ trứng vào bên trong, bên ngoài lớp vỏ có dấu chích sẽ biến màu nâu, khi trứng nở thành giòi ăn phá bên trong quả làm thối quả và rụng.

  • Biện pháp phòng trị:

- Vệ sinh đồng ruộng: quả rụng là nơi lưu tồn ruồi làm tăng mật số rất nhanh do đó phải nhặt quả rụng, thu hái những quả còn sót lại trên cây sau khi thu hoạch đem đốt hoặc chôn vùi vào đất sâu 10cm

- Biện pháp canh tác: thu quả đúng thời điểm.

- Sử dụng pheromone bẫy ruồi đực: Tẩm pheromone có trộn thuốc trừ sâu vào miếng thấm, gắn vào bẩy và treo lên cây, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào bẫy, mỗi 2 tuần thay thuốc một lần, nên treo bẫy đồng loạt trên diện rộng.

- Phun mồi Protein: ruồi thành trùng cần ăn Protein để phát triển giới tính, con cái phát triển trứng, con đực phát triển tinh trùng.

* Phương pháp pha Protein: 50ml mồi protein + 1 lít nước + thuốc trừ sâu (Malathion 50ND = 4cc, Pyrinex 20ND = 10cc, Regent 5SC = 3cc). Phun hỗn hợp Protein đã pha thành điểm 20ml/trụ. Phun vào lúc 8-10 giờ sáng.

- Sử dụng thuốc hóa học: chỉ nên phun khi vừa đậu quả sau đó áp dụng các biện pháp khác. 

-Bệnh hại và biện pháp phòng trị

+ Bệnh thối cành: 

Bệnh thường xảy ra vào mùa nắng. Cành bị nhiễm bệnh chuyển sang màu vàng, mềm sau đó thối, do nấm Alternaria sp gây ra.

+ Bệnh đốm nâu trên thân cành:

Thân cành thanh long có những đốm tròn như mắt cua màu nâu. Vết bệnh nằm rải rác hoặc tập trung, thường kéo dài thành từng vệt dọc theo thân cành. Do nấm Gloeosporium agaves gây ra.

+ Bệnh nám cành:

Trên thân cành có một lớp màng mỏng màu xám tro, nhám. Tác nhân do nấm Macssonina agaves. Syd Sphaceloma sp.

  • Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp phòng trị chung cho các bệnh trên là vệ sinh vườn, cắt và tiêu hủy những cành bệnh.

- Phun các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Kasugamycin; Copper Hydrocide, ở giai đoạn cây đâm cành, ra hoa và đậu quả.

Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch

Thanh long nên thu hoạch trong thời gian 30–32 ngày sau khi nở hoa để quả có chất lượng ngon nhất và bảo quản lâu hơn.

Thu hoạch lúc sáng sớm hoặc chiều mát, tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào quả làm tăng nhiệt độ trong quả, mất nước nhanh ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản.

Hái quả bằng kéo cắt tỉa cành sắc bén, khi cắt quả xong cho vào giỏ nhựa, để trong mát, vận chuyển ngay về nhà đóng gói càng sớm càng tốt, không để lâu ngoài vườn.

Không đặt quả xuống đất trong khi hái nhằm tránh nhiễm nấm bệnh

Không chất quả quá đầy giỏ khi vận chuyển, bao lót kỹ, che phủ mặt giỏ bằng giấy, lá, tránh ánh nắng chiếu và tổn thương khi va chạm.

Bảo quản:

Nhiệt độ 5oC, ẩm độ 90% kết hợp với bao quả bằng polyetylen có đục 20-30 lổ bằng kim may và hàn kín bao, thanh long có thể bảo quản tươi được 40-50 ngày. Ở nhiệt độ 28oC và ẩm độ 70% thời gian tồn trữ chỉ được một tuần.

Tiêu chuẩn quả thanh long xuất khẩu

Chất lượng quả thanh long thương mại là do màu sắc và hình dạng hấp dẫn của quả thanh long. Do vậy, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quả thanh long cần đạt các tiêu chuẩn sau:

- Trọng lượng quả: tùy thị trường nhập khẩu:

  • Thị trường Châu Âu: 250-300g/quả.
  • Thị trường Trung Quốc: 400-600g/quả.
  • Thị trường Singapore: 300-500g/quả.
  • Thị trường Hồng Kông: > 400g/quả.

- Quả không bị vết của nấm hay côn trùng gây hại.

- Quả sạch dạng hình đẹp, vỏ có màu đỏ đều trên 70% diện tích quả và láng. Khoang mũi không sâu quá 1cm và quả không có mũi nào lồi lên.

- Tai thẳng, cứng, xanh và dài trên 1,5cm (đối với thị trường Trung Quốc tai quả càng dài càng tốt).

- Thịt quả có màu đỏ và cứng, hột màu đen.

- Quả không có vết tổn thương cơ giới hay chỗ bị thâm và không có đốm xanh hay vết cháy do nắng hay do phun thuốc hóa học.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả mô hình

- Sản phẩm an toàn, chất lượng tốt.

- Đảm bảo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Họ tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt

Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM

Điện thoại: 0935.805.869

Email: hoanghietcnc@gmail.com

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả