SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình chăn nuôi heo Đan Mạch

Giống heo có nguồn gốc từ Đan Mạch là một trong những giống heo có năng suất cao nhất thế giới và thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam. Mô hình dưới đây có thể ngăn chặn tất cả các mầm bệnh nguy hiểm, tạo sức đề kháng, môi trường sinh sống và phát triển tốt nhất cho heo, từ đó nâng cao chất lượng con giống và tạo ra nguồn giống năng suất cao cho TP.HCM.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Ngành chăn nuôi heo ở nước ta nhiều năm qua vẫn chiếm vị trí số 1 về giá trị và tỷ trọng của ngành chăn nuôi, nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới thì năng suất và chất lượng đàn giống của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù các cơ quan nhà nước đã chú trọng đầu tư cho công tác cải tạo và nâng cấp đàn giống thông qua các chương trình heo giống quốc gia, nhưng năng suất sinh sản bình quân của đàn heo nhập ngoại ở các cơ sở chăn nuôi vẫn còn thấp so với năng suất sinh sản bình quân tại Mỹ, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức.

Trong 3 năm trở lại đây, giống heo Đan Mạch với khả năng sinh sản mạnh đã được chú trọng đưa về Việt Nam nhằm mục đích tăng chất lượng đàn giống trong nước. Một số cơ sở giống đã tiến hành lai tạo heo giống Đan Mạch với một số heo có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Canada… nhằm mục đích khai thác tối đa năng suất của heo giống thuần Đan Mạch cũng như tận dụng được đặc điểm thích nghi của các giống heo đã được nhập về trước đó. Các tổ hợp lai giữa các giống heo này đã cho năng suất tốt, đặc biệt là khả năng sinh sản.

 

Quy trình và phương pháp thực hiện

Điều kiện sản xuất.

Môi trường sống tối ưu cho đàn heo: 

Nhiệt độ 24–270C, ẩm độ 70–75% và tốc độ gió từ 1,5–2 m/giây.

Chuồng trại cho heo hậu bị:

Chuồng trại thiết kế theo kiểu chuồng kín, có hệ thống làm mát, hệ thống thông gió.

Mật độ nuôi 2 m2/con.

Nhiệt độ chuồng từ 25–280C, ẩm độ từ 65–75%, tốc độ gió tại vị trí giữa chuồng 1,5–2 m/giây. Chuồng phải đầy đủ ánh sáng từ 12–14 giờ/ ngày với cường độ 150-200 lux.

Nền chuồng bằng tấm đan hoặc xi măng, có độ dốc từ 2-300, đảm bảo khô thoáng.

Máng ăn, máng uống tự động bằng inox không gỉ.

Chuồng trại cho trại mang thai:

Bố trí chuồng trại cho nái mang thai ở nơi yên tĩnh và ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khác trong trại.

Trại phải được quây kín, đảm bảo nhiệt độ ở 25–280C, độ ẩm từ 75–80%, tốc độ gió giữa chuồng 1,5–2 m/giây, thời gian chiếu sáng 12-16 giờ/ngày với cường độ 250–300 lux.

Chuồng nuôi phải được thiết kế có thể chống nóng, nền chuồng khô ráo, có độ nhám thích hợp và không trơn trượt.

Kích thước ô nái mang thai là 0,65 x 2,2 x 1,1 m, và ô thử, ép heo 2,2 x 2,2 m.

Hệ thống núm uống nước mật độ 2 con/núm uống, áp lực 1,5–2 lít/phút, độ cao núm uống 70-90 cm.

Chuồng trại cho nái nuôi con:

Xây dựng chuồng trại theo kiểu khép kín và tách biệt với các trại khác, đồng thời đường di chuyển cho heo phải khoa học và thuận tiện. Mỗi trại có 2 dãy chuồng cho heo mẹ và heo con, chính giữa là lối đi khoảng 1 m có khe thoát nước, hệ thống đèn. Trại được thiết kế theo kiểu 2 mái, lợp tôn, đóng la phông. Mỗi trại có 2 cửa, 1 ở đầu trại và 1 ở cuối trại, có hệ thống quạt thông gió và làm lạnh.

Nền chuồng bằng xi măng, cao ráo và có độ dốc vừa phải.

Mỗi ô chuồng được chia làm 3 phần, heo mẹ ở giữa, heo con ở hai bên, ngăn cách nhau bằng khung sắt. Lồng úp heo con được làm bằng khung sắt, phủ kín bằng nhựa polymer (kích thước 30 x 40 cm), bên dưới lót tấm cao su, bên trên có bóng đèn điện sưởi ấm.

Máng tập ăn cho heo con làm bằng nhựa có cánh chắn, hình tròn gắn trực tiếp trên nền đan nhựa. Máng ăn cho heo mẹ làm bằng inox dạng máng cá thể.

Môi trường trong chuồng: Nhiệt độ từ 24–280C, tốc độ gió 0,8–2,2 m2/giây và 1,5-2 m/giây tại vị trí giữa chuồng.

 

Phương pháp thực hiện

Vệ sinh phòng dịch

Trại phải có hàng rào bảo vệ xung quanh.

Bên trong trại phải được chia làm 2 khu vực (khu chăn nuôi và khu văn phòng, ký túc xá, nhà ăn) cách nhau 50-100 m và được ngăn cách bằng hệ thống hàng rào.

Phương tiện vận chuyển phải xịt sát trùng và nghỉ 10–15 phút trước khi vào trại.

Con người trước khi vào trại phải sát trùng, thay đồng phục và tuân thủ nội quy của trại.

Vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng và rắc vôi khu xuất/bán heo.

Heo hậu bị khi nhập về phải được nuôi cách ly ít nhất 60 ngày, định kỳ xịt sát trùng cho heo và thực hiện tốt công tác tiêm vaccine phòng bệnh.

Nuôi heo hậu bị

Dinh dưỡng cho heo hậu bị trong các giai đoạn.

Tuần tuổi Khối lượng nái Lượng ăn kg/ngày
15 - 16 55 - 65 1,9
17 - 19 71 - 81 2,1
20 - 21 81 - 90 2,25
22 - 25 91 - 105 2,4
26 - 30 120 - 130 2,6
31 - 32 131 - 135 3 - 3,2
33- 35 136 - 145 3 - 3,2

 

Nhu cầu nước uống: 12–15 lít/con/ngày, áp lực nước 1,5–2 lít/phút. Heo uống bằng múm tự động, độ cao núm 70–90 cm, 10 heo hậu bị/núm uống.

Nuôi trại mang thai

Cách sắp xếp heo nái: chia làm 2 khu.

Khu nái khô (10–12%) được đặt vị trí ở gần cửa, gần giàn mát và heo nọc, có đủ ánh sáng 16 giờ/ngày với cường độ 250–300 lux. Khu nái khô bao gồm: khu nái cai sữa (4–5%), hậu bị chờ phối(2-3%), khu chờ thử lên giống (1%), nái vấn đề(0-1%) và khu heo đang phối(2-3%).

Khu mang thai (88-90%) có vị trí yên tĩnh, càng xa khu ép càng tốt để tránh làm heo giật mình dẫn đến động thai, sẩy thai.

Dinh dưỡng: khẩu phần ăn cho heo nái mang thai phải cân bằng dưỡng chất, tránh dư thừa năng lượng, dư chất béo hay thiếu chất xơ. Vì vậy, ngay sau khi phối giống nên hạn chế cho ăn, chỉ cho ăn đủ nhu cầu duy trì cho heo nái và phần nhỏ của bào thai với mức năng lượng từ 2.800–3.000 Kcal/kg, đạm 13–15%.

Nhu cầu nước uống: 15–16 lít nước/con/ngày, áp lực nước 1,5–2 lít/phút.

Chăm sóc heo nái mang thai: thời kỳ mang thai của heo kéo dài khoảng 114–116 ngày, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ 1–85 ngày, bào thai phát triển chậm, lượng thức ăn bình quân cho heo nái từ 1,8-2,2 kg/con/ngày. Giai đoạn2 từ 86–114 ngày, bào thai phát triển mạnh, lượng thức ăn bình quân cho heo nái tăng lên thành 2,5-2,7 kg/con/ngày. Gần đến ngày đẻ nên giảm lượng thức ăn xuống để tránh gây dư thừa sữa ở heo nái sau khi đẻ.

Lưu ý:

  • Tắm mát hằng ngày và thường xuyên chống nóng cho heo.
  • Tránh lùa, đuổi heo vì dễ làm heo sẩy thai, nhất là trong tháng mang thai thứ nhất.
  • Đưa heo nái sang chuồng đẻ 5-7 ngày trước khi đẻ. Chuồng đẻ phải được vệ sinh, tẩy uế cẩn thận.
  • Tắm chải và tăng cường xoa bóp bầu vú cho heo để mạch máu dễ lưu thông, phát triển tuyến sữa.
  • Bắt buộc tắm ghẻ, xịt sát trùng cho heo nái trước ngày dự đẻ từ 10-14 ngày để đề phòng heo mẹ bị ghẻ lây truyền sang heo con.

Phòng bệnh ở heo nái mang thai.

  • Heo sau khi phối giống từ 80–100 ngày cần tiêm vaccine E-coli, Circovirus, PRRS…
  • Tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm các loại vaccine dịch tả, đóng dấu son, lepto, FMD.
  • Định kỳ tắm ghẻ và tẩy nội ngoại ký sinh trùng cho heo nái.

Lưu ý: không tiêm phòng cho heo nái từ giai đoạn phối giống đến 30 ngày sau phối giống.

Nuôi heo nái nuôi con

Phương thức nuôi:

  • Đưa heo nái sang chuồng đẻ trước ngày đẻ dự kiến 5–7 ngày. Cho heo mẹ nuôi heo con đến ngày heo con cai sữa (21–24 ngày) sau đó chuyển heo mẹ sang trại nái khô chờ phối, còn heo con ở lại chuồng nái đẻ cho đến ngày chuyển đàn.
  • Kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi ít nhất 2 lần/ngày (đầu buổi sáng và chiều). Tạo 2 vùng nhiệt khác nhau trong chuồng đẻ, một vùng mát cho heo mẹ và một vùng ấm cho heo con mới sinh (30–350C), sau đó giảm dần xuống 24–280C theo ngày lớn của heo con.

Dinh dưỡng:

  • Nhu cầu nước uống: heo nái chờ đẻ 12–15 lít/con/ngày, heo mẹ nuôi con trên 40 lít/con/ngày với áp lực nước 2 lít/phút.
  • Khẩu phần ăn dành cho heo nái trước khi đẻ: trên 1 ngày–1,5kg, trên 2 ngày–2kg, trên 3 ngày–2,5kg, trên 4 ngày–3kg.
  • Khẩu phần ăn dành cho heo nái sau khi đẻ: trên 1 ngày–2,5kg, trên 2 ngày–3,5kg, trên 3 ngày–4,5kg, trên 4 ngày–5kg, trên 5 ngày–5,5kg, trên 6 ngày–6kg.

Cách điều trị các bệnh thường gặp ở heo

Điều trị liên tục 3–5 ngày đối với các bệnh sau:

  • Bệnh phân trắng heo con: tiêm kháng sinh (Spectilin, Lincosep…), uống thuốc Colivinavet, Florfenicol 4%, tiêu chảy heo…và thuốc điện giải B-complex hoặc Vinatosal.
  • Bệnh sưng phù đầu: tiêm kháng sinh (PTLC, Lincosep…) và uống thuốc điện giải B-complex hoặc Vinatosal, Gluco-C kết hợp thuốc an thần Vinathazin.
  • Bệnh phó thương hàn: tiêm kháng sinh Vinaenro 5% vào buổi sáng và Chlor-tylan vào buổi chiều. Tiêm thuốc bổ Anagil- C và  B-complex hoặc Vinatosal, Gluco-C Polyaminovitamix, kết hợp vệ sinh chuồng trại.
  • Viêm ruột hoại tử: dùng kháng sinh (Gentamox, Lincosep, Ampicoli-.D…) kết hợp tiêm Vitamin K và sử dụng thêm 1 số sản phẩm bổ sung như B-complex, Vinatosal, Gluco-C… Vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
  • Bệnh hồng lỵ: dùng kháng sinh (Anflox-T.T.S, Tiamulin10%, tiêu chảy heo…) kết hợp tiêm Vitamin K và sử dụng thêm 1 số sản phẩm bổ sung như B-complex, Vinatosal, Gluco-C… Vệ sinh và sát trùng chuồng trại định kỳ bằng Vinadin.
  • Viêm ruột truyền nhiễm và viêm dạ dày: bệnh không có thuốc đặc trị do heo chết vì đói, mất nước và bội nhiễm E-coli. Vì vậy, khi heo nhiễm bệnh, nên giữ chuồng ấm, cho heo uống thuốc điện giải B-complex và định kỳ sát trùng chuồng trại bằng Vinadin. Đồng thời dùng Spectam SH, PTLC, hoặc Norcoli cho heo để hạn chế bệnh kế phát gây tử vong.
  • Bệnh tiêu chảy do Rotavirus nhóm A: bệnh không có thuốc đặc trị, khi bệnh bùng phát thì cho heo dùng một trong các loại thuốc như Anflox TTS, Pneumotic, Tylotetasol… kết hợp thuốc bổ như B-complex, Vinatosal, Gluco-C… Định kỳ sát trùng chuồng bằng Vinadin
  • Dịch tả heo: bệnh không có thuốc đặc trị. Khi heo bệnh cần tiêm ngay vaccine vào ổ dịch, kết hợp với thuốc điều trị bệnh phó thương hàn để điều trị và chẩn đoán phân biệt.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm công nghệ

  • Giống có khả năng sản xuất và khả năng sinh sản cao.
  • Giá thành thấp: 8.000.000 đ/con (80-100kg), so với heo thuần Đan Mạch 60.000.000 đ/con (40 kg).
  • Thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam
  • Giúp người dân tiếp cận được với giống heo có năng suất tốt, những kĩ thuật chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi.
  • Mô hình không tác động hay gây ô nhiễm môI trường

Hiệu quả kinh tế

  • Thúc đẩy quá trình cải tạo đàn heo giống trong nước.
  • Nâng cao chất lượng con giống và cung cấp giống chất lượng cao cho cả nước.
  • Tăng năng suất từ 5-10% so với các giống heo khác.

 

Thông tin chuyên gia, hỗ trợ

Các hộ sản xuất tiêu biểu

Hộ Nguyễn Đức Hùng - Địa chỉ: xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Hộ Lâm Xuân Lai - Địa chỉ: xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Địa chỉ cung cấp giống

Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ - Địa chỉ: khu phố Hiệp Thắng, phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Công ty TNHH Khang Minh An - Địa chỉ: 224 Nguyễn Ái Quốc, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.