SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng, chăm sóc và bảo quản xoài

Xoài được trồng khá phổ biến ở nước ta, tuy nhiên năng suất chưa cao, mức độ sâu bệnh gây hại ngày càng nghiêm trọng,… Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trái, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho loại cây trồng này.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Việt Nam đứng thứ tư khối ASEAN về sản xuất xoài (sau Thái Lan, Indonesia và Philippines). Gia nhập thị trường xoài thế giới, Việt Nam đã bán xoài ra nhiều nước, nhưng số lượng còn hạn chế.

Xoài hiện được trồng trên cả nước, nhưng tập trung chủ yếu là khu vực Nam bộ, với hàng chục giống khác nhau. Một số giống vượt trội trên thị trường là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát chu, xoài Bưởi, xoài Canh Nông, xoài Thái, xoài Tứ quý, xoài Đài Loan,…Xoài cũng là ký chủ ưa thích của nhiều loại sâu bệnh, ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ giai đoạn nuôi trái, thu hoạch và cả sau thu hoạch, gây nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xuất hiện cũng làm cho năng suất xoài sụt giảm.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây xoài, cần có các giải pháp quản lý quy hoạch sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm,… Đặc biệt, kỹ thuật trồng và chăm sóc cần tập trung vào các biện pháp tiên tiến để phòng trừ sâu bệnh hại, sản xuất trái an toàn, đạt chất lượng cao.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Kỹ thuật trồng

Thiết kế vườn trồng

- Thiết kế vườn xoài phải đảm bảo các yêu cầu thoát nước tốt trong mùa mưa; chống xói mòn để giữ độ phì cho đất; đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại;...

- Tùy theo địa hình đất cao hay thấp để bố trí bề rộng, bề sâu của mương thoát nước cho phù hợp. Mương phụ rộng 0,3-0,4m, sâu 0,3-0,4m; mương chính rộng 0,5-0,8m, sâu 0,5-0,7m.

- Trồng cây chắn gió xung quanh vườn, các loại cây sử dụng làm cây chắn gió là bình linh, cây muồng đen, bạch đàn,…Những năm đầu mới trồng xoài có thể trồng xen các cây ngắn ngày như các loại đậu, bắp,…

Cây giống

Nên chọn cây giống được nhân giống bằng phương pháp vô tính (cây ghép) cây sẽ mau cho trái và giữ được phẩm chất của cây mẹ. Chiều cao (bắt đầu từ mắt ghép trở lên) khoảng 60-80cm. Đường kính thân 0,8-1,2cm. Cây đồng đều, đúng giống, thân thẳng, sinh trưởng khoẻ, không bị sâu bệnh hại.

Hố trồng, mật độ và cách trồng

- Hố trồng: kích thước 60x60x50cm. Mỗi hỗ lấy lớp đất mặt trộn đều với 20-30kg phân hữu cơ (phân chuồng, phân rác) hoai mục; 0,5-1kg vôi bột; 0,5-1kg lân, sau đó cho toàn bộ hỗn hợp này xuống hố, để 20–30 ngày sau mới trồng.

- Khoảng cách trồng (ở miền Đông Nam bộ): 7x7m, 8x7m, 8x8m hoặc 8x9m (hoặc 5x6m, 6x6m, nếu nếu thâm canh cao). Với mật độ dày hơn, cần phải tạo tán thường xuyên.

- Cách trồng: trước khi trồng, xé bỏ túi nylon bầu cây giống và đặt cây vào chính giữa hố, vun nhẹ đất vụn vào xung quanh bầu đất và dùng tay ấn nhẹ đất xung quanh bầu. Ở vùng đất thấp, cây được trồng nổi để tạo môi trường cho bộ rễ phát triển. Sau khi trồng xong dùng cọc 0,7-1,0m cắm chéo qua thân chính và dùng dây mềm buộc chắc cây vào cọc để tránh gió lớn làm long gốc. Ủ gốc bằng rơm, rác mục và tưới nước giữ ẩm cho cây liên tục trong một tháng.

Kỹ thuật chăm sóc

Bón phân

- Giai đoạn kiến thiết cơ bản: bón hàng năm 100-150g/gốc/lần NPK 20:20:15+TE. Năm đầu tiên nên pha phân với nước tưới định kỳ 2 tháng/lần.

- Giai đoạn kinh doanh: cần bón phân đầy đủ cho cây xoài. Hiện tượng cách niên của cây xoài được xác định là do chế độ bón phân, chăm sóc không đảm bảo.

- Nguyên tắc bón phân: gia tăng lượng phân sau khi thu hoạch vào năm trúng mùa để cây có đủ sức nuôi trái vào năm sau. Trên đất tốt màu mỡ cây có nhiều lá nên không bón nhiều đạm. Ở một số giống xoài, khi bón nhiều urea, kali dễ dẫn đến hiện tượng nứt trái hoặc trái có vị chát. Trường hợp này nên bón thêm vôi hay phun phân bón lá có chứa canxi (CaCl2, Ca(NO3)2,…).

- Lượng phân bón hàng năm: phân hữu cơ hoai mục 50kg/cây; urea 1,5-2,0kg/cây; lân 1,5- 2,5kg/cây; kali 0,8-1,6kg/cây; vôi 1,0-2,0kg/cây.

- Thời điểm bón: sau khi thu hoạch; 1 tháng trước thời điểm ra hoa; 3 tuần sau khi đậu trái và bón lúc trái đậu được 8-10 tuần. Nếu có hệ thống tưới tiết kiệm thì nên hòa phân hóa học trong bồn và bón theo hệ thống tưới để tăng hiệu quả phân bón.

Tưới nước

Khi cây còn nhỏ, tưới nước quanh năm để cung cấp đủ nước cho các đợt lộc hình thành và phát triển. Trong mùa khô, nên tưới định kỳ 3–5 ngày/lần. Sau khi thu hoạch, tưới thường xuyên để duy trì ẩm độ đất 50–60%. Trước khi xử lý ra hoa 2 tháng, xoài cần có giai đoạn khô hạn để phân hóa mầm hoa. Sau khi xử lý ra hoa và trong thời kỳ cây mang trái, tưới liên tục như sau khi thu hoạch để duy trì ẩm độ đất.

Làm cỏ

Làm sạch cỏ sát gốc 3–4 đợt/năm. Phát gọn cỏ giữa các hàng tạo thành luống có tác dụng chống xói mòn đất trong mùa mưa và chống cháy vào mùa khô.

Tỉa cành tạo tán

Khi cây con được 4–5 tầng lá (cao 0,8–1,0m) thì bấm đọt để cây ra cành cấp 1, tỉa bỏ để lại 3 chồi mọc về 3 hướng đều nhau. Khi cành cấp 1 dài 0,5–0,8m, tiếp tục tỉa và chỉ để lại 3 cành (cành cấp 2). Từ cành cấp 2, để lại 3 cành cấp 3. Sau đó ngưng tỉa để cho cây phát triển tự nhiên, lúc này cây sẽ có bộ khung vững chắc, tán sẽ phát triển theo dạng tròn về sau.

Hàng năm, cần tiến hành tỉa cành, ít nhất là 2 lần/năm, lần 1 sau thu hoạch và lần 2 trước khi xử lý ra hoa (cắt bỏ những cành già cỗi, sâu bệnh, cành bị che khuất).

Xử lý ra hoa

Tưới hóa chất xử lý ra hoa (loại được phép sử dụng tại Việt Nam) như Paclobutrazole vào gốc khi xoài ra lá non (cơi đọt có màu đồng và được 10-15 ngày tuổi), tưới cách gốc cây 0,5-1,0m. Sau đó, tưới nước liên tục 1-2 ngày/lần trong 7 ngày.

25-30 ngày sau khi xử lý Paclobutrazole thì bón phân lần 2, có thể kết hợp phun MKP 0:52:34 với liều lượng 50-80g/10 lít nước, cách 10 ngày phun 1 lần, phun 2-3 lần.

45-60 ngày sau khi xử lý Paclobutrazole, phun KNO3 để kích thích cây ra hoa. Phun khi thời tiết khô ráo, chồi ngọn phát triển mạnh, nhô cao, gân lá phát triển hoặc cong lại. Sau 5-7 ngày tiến hành phun lại lần 2, với liều lượng giảm 50%.

Lưu ý: giữ ẩm gốc cây sau khi tưới thuốc. Nếu xử lý trái vụ, cách 2-3 năm xử lý trái vụ 1 lần để cây không bị kiệt sức.

Tăng đậu quả

Khi phát hoa dài 10-12 cm, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kết hợp với phân bón lá có hàm lượng Bo cao để tăng cường khả năng đậu trái. Giai đoạn phát triển trái, bón phân đủ lượng và tưới đủ nước giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt. Phòng trừ sâu bệnh định kỳ để giữ năng suất và phẩm chất trái.

Bao trái

Sử dụng các vật liệu chuyên dùng (túi bao trái) để hạn chế sâu bệnh hại và đảm bảo chất lượng cảm quan của trái. Trước khi bao trái, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh kết hợp với tỉa trái. Bao trái khi trái đã qua giai đoạn rụng sinh lý (40-50 ngày tuổi).

Phòng trừ sâu bệnh hại

Rầy bông xoài

Tỉa cành, vệ sinh vườn sau thu hoạch. Sử dụng bẫy đèn, dưới bẫy đặt thau nước pha xà bông, dầu hôi trước giai đoạn ra bông từ một đến hai tuần để thu hút thành trùng. Phương pháp này chỉ hiệu quả khi rầy chưa đẻ trứng và áp dụng vào đêm không có trăng.

Vào giai đoạn xoài vừa ra nụ hoa, phát hiện sự hiện diện của rầy phun thuốc sinh học có hoạt chất Matrine, Abamectin, Emamectin benzoate, Azadirachtin, Rotenone,...

Sâu ăn bông xoài

Khi cây bắt đầu nở bông, mật độ sâu còn thấp (5% bông bị hại), sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Matrine, Rotenone, Permethrin phun vào buổi chiều.

Xén tóc đục thân

Sâu phá hoại quanh năm nên cần vệ sinh vườn thông thoáng, phát hiện sớm. Tỉa cành và tiêu hủy các cành bị hại để diệt sâu và nhộng. Thăm vườn thường xuyên để phát hiện lỗ sâu đục (dùng dây kẽm xoi vào lỗ để diệt sâu, chú ý quanh gốc cây và các trảng ba lớn).

Bọ trĩ

Dùng nước tưới lên cây có thể hạn chế mật độ bọ trĩ. Vào giai đoạn xoài ra chồi, lá, nếu mật độ bọ trĩ cao phun thuốc có hoạt chất Abamectin, Azadirachtin,...

Rệp sáp

Tiêu hủy các bộ phận có rầy, rệp, diệt các loài kiến cộng sinh với rệp. Khi mật độ rệp cao, phun thuốc có hoạt chất Dimethoate, Imidacloprid,...

Sâu đục ngọn xoài

Phát hiện chồi mới bị hại cắt bỏ, tiêu hủy ngay để diệt sâu non. Đốt bỏ các cành lá héo khô để diệt nhộng.

Bọ vòi voi đục ngọn

Cắt bỏ các chồi bị hại tập trung tiêu hủy để diệt sâu non và nhộng. Thời kỳ cây xoài ra đọt nhiều hoặc phát hiện có sâu non, có thể dùng thuốc có hoạt chất như Abamectin, Chlorpyrifos Ethyl,…

Ruồi đục trái

Bao trái để ngăn ruồi vàng gây hại và đẻ trứng vào trái. Sử dụng bẫy pheromone hay bả protein thuỷ phân để diệt ruồi vàng. Phun bả SOFRI protein trên vườn để phòng trừ ruồi vàng.

Bệnh thán thư

Tiêu hủy cành, lá nhiễm bệnh để tránh lây lan. Tỉa cành tạo tán kịp thời, bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi bệnh xuất hiện, phun thuốc có hoạt chất Propineb, Copper Hydroxide,...

Bệnh đốm vi khuẩn, thối trái

Tiêu hủy lá và quả nhiễm bệnh để tránh lây lan. Dùng các thuốc đặc trị trong danh mục được phép sử dụng có đăng ký trên xoài hoặc các loại thuốc có thành phần là chitosan để phòng trừ bệnh.

Bệnh đốm da ếch

Tiêu hủy quả nhiễm bệnh để tránh lây lan. Tỉa cành tạo tán kịp thời, bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, vệ sinh vườn thường xuyên. Những vườn thường bị bệnh xảy ra, phun ngừa sau giai đoạn trái rụng sinh lý (30-35 ngày sau khi nở hoa) bằng các loại thuốc: Benlate 50 WP, Derosal 60 WP, hoặc Chlorine 0,04% hoặc bao trái lại cũng hạn chế được bệnh này.

Bệnh phấn trắng

Tỉa cành lá tạo thông thoáng trong vườn. Thu gom tiêu hủy các bộ phận bị bệnh. Phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời để bảo vệ hoa và trái non. Có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất Diniconazole (min 94%), hoạt chất Hexaconazole (min 85%) hay hoạt chất Sulfur.

Thu hoạch, bảo quản

Thu hoạch

Tùy theo giống, xoài đạt độ chín thu hoạch khoảng 90-120 ngày sau khi đậu trái (da láng, vỏ dầy, trái chìm khi thả vào nước hoặc tỷ trọng bằng 1,02).

- Nên thu hoạch lúc trời mát, không thu hoạch sau mưa hoặc có sương mù nhiều. Khi hái trái nên chừa cuống (5-10cm) để mủ không chảy ra trái, giữ cho trái có hình thức đẹp và giảm tỷ lệ hư hỏng trong quá trình bảo quản hay vận chuyển.

- Không để trái tiếp xúc trực tiếp với đất, tránh chất thành đống và phải còn nguyên cuống, quay ngược đầu lại để cho khô nhựa trước khi bao giấy đưa vào thùng.

Sơ chế và bảo quản

- Loại bỏ trái không đạt yêu cầu, phân loại trái theo 3 kích cỡ trọng lượng (loại 1: 401-450g; loại 2: 351-400g và loại 3: 300-350g), tùy theo yêu cầu thị trường tiêu thụ.

- Trái sau khi phân loại được xử lý với nước nóng 520C có pha Choline Chloride 200ppm trong 2-3 phút. Việc nhúng nước ấm làm tuột màng sáp trên bề mặt quả và làm sạch vết mủ trên vỏ trái. Xử lý với dung dịch chất bảo quản AC-36 FDA (xuất xứ Tây Ban Nha); pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:1.

- Làm khô trái sau khi đã nhúng với dung dịch bảo quản ở nhiệt độ phòng (khu vực thoáng gió, râm mát) trong 2 giờ. Trong thời gian trái chưa khô hoàn toàn không tiếp xúc với vỏ trái để tránh làm thủng màng sáp.

- Đóng gói trong thùng carton có lỗ thông thoáng, không quá 4 lớp quả/thùng và bảo quản ở nhiệt độ thường (phòng bảo quản phải sạch sẽ và thoáng mát).

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Mô hình trồng và chăm sóc xoài này có thể áp dụng cho canh tác theo hướng VietGAP hoặc GlobalGAP. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm được sản xuất đại trà hiện nay.

Việc áp dụng các biện pháp theo mô hình sẽ nâng cao năng suất từ 10-20% và tăng chất lượng trái, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% cho người sản xuất. Ước tính lợi nhuận cây xoài Đài Loan xanh giai đoạn kinh doanh ổn định khoảng 285 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận 3,17 lần.

Các biện pháp dễ thực hiện, có thể nhân rộng áp dụng ở các vùng trồng xoài như huyện Cần Giờ, Củ Chi (TP.HCM) và những vùng có điều kiện tương tự.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp bền vững

Địa chỉ: khu 6, ấp Bàu Cát, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Website: nongnghiepbenvungcsa.com.

Người liên hệ: ThS. Vũ Mạnh Hà

Điện thoại 0987171725

Email: ha.nnbenvung@gmail.com.

Xem video giới thiệu tại đây

--------

Một số giải pháp công nghệ liên quan đến sản xuất và bảo quản, chế biến xoài đang được giới thiệu, chào bán tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM-TechmartDaily (www.techport.vn):

Quy trình kỹ thật trồng và chăm sóc xoài

Qui trình kỹ thuật bảo quản quả xoài tươi

Máy gọt vỏ xoài năng suất cao Mangher

Máy gọt vỏ và cắt miếng má xoài Malver

Quy trình công nghệ và thiết bị xử lý, bảo quản và ủ chín xoài nhằm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu (video)

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả