SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học

Theo mô hình này, heo có thể nuôi được trên đệm lót sinh học từ khoảng 28 ngày tuổi (cai sữa) cho đến khi xuất chuồng (khoảng 100 kg), đảm bảo an toàn sinh học, nâng cao giá trị sản phẩm; giải quyết tốt những vấn đề thường gặp như mùi hôi, chất thải, khí độc thải ra môi trường, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Việc sử dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng mới được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc chung là sử dụng môi trường lên men, tạo thành từ các vật liệu có hàm lượng xenluloza cao, giúp cho hệ vi sinh vật hoạt động hiệu quả, qua quá trình phân hủy chất hữu cơ. Thành phần, số lượng và chất lượng các chủng vi sinh vật tùy thuộc vào từng sản phẩm, đối tượng vật nuôi.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi heo đã ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất. Các chế phẩm vi sinh được sử dụng nhiều vào làm đệm lót trong chuồng nuôi heo là Active Cleaner (Đài Loan), Balasa No.1 (cơ sở Minh Tuấn ở Gia Lâm, Hà Nội sản xuất). Theo một số nghiên cứu, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh (đặc biệt là bệnh đường ruột và hô hấp) từ 50-70%, giảm tỷ lệ tiêu chảy, hô hấp ở heo tương ứng 18% và 20,8%; góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường (giảm 100% lượng nước thải, không có chất thải gồm phân, nước tiểu, nước tắm heo và nước rửa chuồng thải trực tiếp ra môi trường và giảm mùi hôi thối, giảm khí độc thải ra trong chuồng nuôi,…); khả năng tăng trọng của heo tương đương so với phương thức nuôi truyền thống.

Quy trình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học đã được Cục Chăn nuôi công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đã triển khai thành công ở Thanh Hóa, Hải Dương, Đồng Nai,…Trong thực tế triển khai, việc sử dụng đệm lót sinh học nuôi heo thịt chỉ thích hợp (cho heo phát triển tốt) từ giai đoạn cai sữa đến 50 kg, chưa thích hợp cho heo giai đoạn trên 50 kg (xuất chuồng) do đệm lót sinh học sinh nhiệt, tạo nhiệt độ trên bề mặt của đệm lót và nhiệt độ trong chuồng nuôi tăng cao gây stress nhiệt khiến heo giảm ăn, giảm sức đề kháng, gây bệnh.

Vì vậy, mô hình cho phép nuôi được heo thịt, từ cai sữa đến xuất chuồng, và giải quyết triệt để chất thải ra môi trường, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi heo là rất thiết thực.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Chuẩn bị

Chọn giống

- Heo lai F1 (giữa heo đực ngoại và cái nội), có khả năng tăng trọng khá, tỷ lệ nạc cao hơn heo nội thuần. Heo lai 2 máu ngoại (con lai F1 giữa giống heo Landrace và giống heo Yorkshire), heo lai 3 máu ngoại (con lai giữa heo nái F1 phối với đực heo Duroc) thể hiện ưu thế lai cao.

- Chọn lọc để nuôi thịt: nên chọn những heo con khỏe mạnh, không có khuyết tật, lông da mịn màng, hồng hào; thân hình phát triển cân đối (trường mình, rộng lưng, nở ngực, mông to, 4 chân khỏe).

Nhập heo

- Heo nhập vào trang trại phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, tiêm phòng vaccin, thuốc điều trị đã sử dụng (nếu có). Khi heo về đến trại, phải chuyển heo xuống ngay, đưa vào khu cách ly để nuôi thích nghi. Ghi nhận lại tất cả các biểu hiện bệnh tật của heo trong quá trình nuôi thích nghi.

- Đưa heo vào chuồng: trước khi thả có thể nhặt phân heo từ đàn cần thả bỏ vào rải rác một số nơi trên đệm lót để không tạo cho heo có thói quen thải phân một chỗ. Tập cho heo đi vệ sinh đúng chỗ vào vị trí quy định trong một vài ngày đầu.

Chuồng nuôi và mật độ nuôi

- Chuồng trại phải thông thoáng, mát, cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu sau:

  • Diện tích chuồng: đảm bảo mật độ 2,4 m2/con. Trong đó 1,6 m2/con là nền chuồng ĐLSH và 0,8 m2/con là nền xi măng.
  • Mỗi ô chuồng nuôi khoảng 20 con (heo lớn là 1,5-1,8 m2 đệm lót/con, heo choai là 1,3-1,5 m2 đệm lót/con, heo nhỏ là 1-1,2 m2 đệm lót/1 con). Diện tích chuồng nuôi gấp rưỡi diện tích đệm lót.
  • Nếu chuồng đã xây dựng trước: cắt bỏ 2/3 diện tích xi măng và đào sâu 70cm, giữ nguyên 1/3 phần còn lại. Nếu chuồng đã xây dựng mà không đào sâu được thì đục lỗ nền chuồng (30 cm/lỗ) sau đó xây tráng xi măng 1/3 diện tích chuồng, 2/3 diện tích còn lại làm đệm lót.

  • Chiều cao từ mặt nền chuồng đến đỉnh cao của mái từ 3-3,5 m (nên làm chuồng 2 mái cho thoáng). Tường song sắt, chân tường bao xung quanh cao từ 30-40cm, hay xi măng có khe hở cho thông thoáng, phía ngoài có bạt kéo nhằm che chắn khi mưa, khi nắng nóng kéo bạt lên cho thoáng .
  • Trong chuồng nuôi heo gắn hệ thống phun sương và quạt gió, đồng thời có thể gắn thêm hệ thống phun sương trên mái.
  • Máng ăn và vòi uống nước tự động đặt ở 2 phía đối diện nhau để giúp heo tăng vận động, làm đảo trộn chất độn, có lợi cho quá trình lên men (đệm lót). Máng ăn cao hơn bề mặt đệm lót tối thiểu 20 cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn; 1 vòi uống nước cho 10 con heo, độ cao của núm uống tự động phải phù hợp cho từng độ tuổi của heo thịt.

- Độ dày đệm lót ban đầu khoảng 60-70 cm. Các chất độn làm đệm lót có nguồn dồi dào, giá cả phải chăng. Men vi sinh có nguồn gốc rõ ràng, uy tín để đảm bảo chất lượng.

- Nhiệt độ biến động thích hợp cho heo thịt là 24-300C, nhiệt độ trên 300C phải xử lí giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi bằng cách mở hệ thống phun sương và quạt gió.

- Ẩm độ thích hợp nhất cho heo dao động từ 50-80%. Tốc độ gió: heo con (4-12 tuần) 0,4-1,4 m/s; heo 13-18 tuần tuổi 1,5-2,4 m/s; heo từ 19-25 tuần 2,0-2,8 m/s.

Chế độ chăm sóc

Quy trình kiểm tra đàn buổi sáng

- Quan sát toàn bộ chuồng nuôi heo, kiểm  tra và tắt điện.

- Kiểm tra sơ bộ sức khỏe đàn heo: mắt, mũi, thở, phân, da, đi lại, nhiệt độ,...

- Kiểm tra hệ thống máng ăn máng uống, thức ăn và vật dụng chăn nuôi.

- Kiểm tra tình hình chuột và động vật hoang dã khác.

- Thay nước sát trùng ở cửa ra vào chuồng.

- Thường xuyên quan sát phân: phân phải được vùi lấp tốt do sự vận động của heo.

- Đảm bảo độ ẩm của đệm lót: tầng trên cùng luôn giữ độ ẩm ở 25-30%, khi thấy đệm lót bị khô cần phun ẩm bằng vòi phun sương. Đặc biệt tránh cho chuồng bị hắt nước mưa và nước từ vòi uống chảy ra làm ướt đệm lót. Khi đệm lót bị ướt cần bổ sung đệm lót khô.

- Đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót: định kỳ xới tơi đệm lót ở độ sâu trong khoảng 15-30 cm, đặc biệt ở chỗ đệm lót có hiện tượng kết tảng. Khi kết thúc lứa nuôi hoặc trong quá trình chăn nuôi lớp đệm lót sinh học bị sụt giảm thì phải bổ sung đệm lót. Khi heo trên 50 kg cần lưu ý đến nhiệt độ chuồng nuôi và nhiệt độ bề mặt đệm lót.

Lưu ý: toàn bộ kết quả kiểm tra phải được ghi vào sổ theo dõi đầu con hàng ngày. Trong trường hợp có vấn đề nghiêm trọng như heo chết, có nhiều heo bị bệnh, chuồng trại hư hỏng nặng thì phải xử lý ngay.

Vệ sinh thú y

- Hằng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống. Tẩy giun sán cho heo khi 18-22 kg. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định.

- Quy trình tiêm vaccine:

  • Đối với vaccine nhũ dầu cần đưa ra khỏi nơi bảo quản trước 1 giờ mới được sử dụng. Vaccine sống, khi tiêm mới pha và phải được bảo quản đúng theo quy định (trong thùng có đá). Cần kiểm tra kỹ về hạn sử dụng, màu sắc, trạng thái của vaccine trước khi sử dụng.
  • Vị trí tiêm: cơ delta sau tai.
  • Điều kiện: chỉ tiêm vaccine khi heo khỏe mạnh. Trước khi tiêm, phải tiêm thử một vài con để kiểm tra phản ứng, nếu sau 15 phút thấy phản ứng của heo bình thường mới tiếp tục. Không tiêm quá 2 mũi vaccine/lần. Mũi tiêm trước cách mũi tiêm sau ít nhất là 1 tuần.
  • Lịch tiêm phòng cho heo con và heo thịt:

Loại tiêm phòng

Thời gian tiêm (ngày tuổi)

Tiêm sắt lần 1

2-3

Tiêm sắt lần 2

10-13

Vaccine dịch tả heo lần 1

20

Vaccine dịch tả heo lần 2

45

Vaccine phó thương hàn lần 1

20

Vaccine phó thương hàn lần 2

28-34

Vaccine phù đầu heo con

28-35

Vaccine tụ – dấu

60

Chế độ nuôi dưỡng heo thịt qua các giai đoạn

Mật độ giá trị các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho heo thịt:

Giai đoạn

20-50 kg

50-80 kg

80-110 kg

Năng lượng trao đổi (Kcal/kg)

3.260

3.260

3.260

Protein thô (%)

18

16

13.5

Lysine (%)

0,95

0,75

0,60

Methionine + Cys (%)

0,54

0,44

0,34

Threonine (%)

0,61

0,51

0,41

Tryptophan (%)

0,17

0,14

0,11

Ca (%)

0,9

0,9

0,9

P dễ tiêu (%)

0,4

0,4

0,4

Chế độ ăn và mức ăn hàng ngày của heo thịt ở từng giai đoạn nuôi dưỡng:

Giai đoạn

20-50 kg

50-80 kg

80-110 kg

Lượng thức ăn (kg/ngày)

1,6

2,6

3,07

Năng lượng trao đổi (Kcal/ngày)

5.216

8.476

10.008

Protein thô (g/ngày)

288

416

414,45

Axit amin tiêu hóa (g/ngày)

Lysine

1,52

1,95

1,84

Methionine + Cys

0,86

1,14

1,04

Threonine

0,98

1,33

1,26

Tryptophan

0,27

0,36

0,34

Ca

1,44

2,34

2,76

P dễ tiêu

0,64

1,04

1,23

Để chăn nuôi heo thịt đạt tỷ lệ nạc cao, có thể cho heo ăn hạn chế khi trên 80 kg khối lượng cơ thể. Mức ăn hạn chế là cho ăn giảm hơn từ 15-20% so với chế độ ăn như trên.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Quy trình kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện, chi phí không cao, rất thích hợp cho các mô hình chăn nuôi nhỏ. Áp dụng quy trình này giúp heo phát triển tốt, giảm được chi phí thức ăn, công lao động và chi phí thuốc thú y, giảm tỷ lệ heo mắc bệnh, giảm rõ rệt mùi hôi, không xả thải, giảm ô nhiễm môi trường. Heo nuôi trên đệm lót sinh học có thịt săn chắc, tỷ lệ nạc cao, màu sắc hợp thị hiếu người tiêu dùng, rất được ưa chuộng.

Hiệu quả kinh tế: chi phí cho mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học (chi phí chăn nuôi/kg tăng trọng) thấp hơn so với nuôi heo chuồng xi măng là 6,26%.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ

Địa chỉ: khu phố Hiệp Thắng, phường Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương.

Điện thoại: 0274 3739 899.

(*) Quý vị có thể tham khảo video tại đây

--------

Một số giải pháp công nghệ liên quan đến quá trình chăn nuôi và chế biến thịt heo đang được giới thiệu, chào bán tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM-TechmartDaily (www.techport.vn):

Quy trình sản xuất thịt heo an toàn

Công nghệ sản xuất thức ăn viên cho heo hướng nạc

Máy lạng bì JZ (TMTP F05)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả