SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình trồng dưa leo trên giá thể trong điều kiện nhà màng

Mô hình sản xuất dưa leo trên giá thể trong điều kiện nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với sản xuất truyền thống: do ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết khí hậu nên có thể sản xuất nhiều vụ trong năm. Chủ động kiểm soát các yếu tố đầu vào như phân bón, nước, thuốc bảo vệ thực vật nên nâng cao được hiệu quả sản xuất. 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Dưa leo là một trong những loại rau ăn quả được sử dụng tươi hàng ngày, cũng như sử dụng trong công nghiệp chế biến đồ hộp,…rất phổ biến trên toàn thế giới. Theo Faostat (2018), dưa leo được trồng ở nhiều khu vực, nhiều nhất là châu Á (1.488.023 ha, với sản lượng 70.591.456 tấn), châu Phi (372.588 ha, 1.445.074 tấn), thấp nhất là châu Đại Dương (857 ha, 20.844 tấn. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, diện tích, sản lượng và năng suất của dưa leo luôn gia tăng qua các năm. Năm 2010, tổng diện tích trồng dưa leo toàn thế giới là 2.020.216 ha với sản lượng 62.415.690 tấn (năng suất đạt 30,9 tấn/ha), đến năm 2016 diện tích tăng lên 2.144.672 ha với sản lượng 80.616.692 tấn và năng suất đạt 37,59 tấn/ha.

Ngày nay, trên thế giới sản xuất dưa leo nói riêng và sản xuất rau an toàn nói chung đã được hoàn thiện với trình độ cao. Việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch không sử dụng đất trong nhà kính, và đặc biệt là trong nhà màng đã trở nên phổ biến. Các kỹ thuật sản xuất như trồng rau không cần đất, cung cấp chất dinh dưỡng qua nước, che phủ bằng nilon đã trở thành thông dụng. Trong đó, việc trồng rau trên giá thể sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt được áp dụng khá phổ biến.

Quy trình tổ chức thực hiện

Quy trình trồng dưa leo

Chuẩn bị nhà màng

Ở khu vực phía Nam, nhà màng trồng dưa leo được thiết kế các kiểu cơ bản là nhà màng 1 cửa gió cố định, 2 cửa gió cố định và kiểu hình ống,...Để đảm bảo phù hợp với cây dưa leo, nhà màng cần đảm bảo các điều kiện như: độ truyền sáng từ 85-90%; quy cách: chiều cao từ 6-6,5m, khẩu độ mỗi gian nhà là 8-9,6m, cột cách cột (bước cột) là 3,5-4m. Với mái được lợp bằng màng Polymer (dày 150 micron) và vách xung quanh được che bằng lưới chắn côn trùng dày 50 mesh.

Chuẩn bị hệ thống tưới nhỏ giọt

Trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có: bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, ống PVC, bộ lọc, van từ và đồng hồ hẹn giờ (timer). Tùy theo qui mô áp dụng có thể sử dụng hệ thống châm phân tự động, bộ cảm biến nhiệt độ, ẩm độ.

Sử dụng loại dây tưới nhỏ giọt với chiều dài dây tưới là 60 cm, đường kính 4 mm; dây tưới này được cắm trực tiếp vào đường ống dẫn dinh dưỡng theo hàng với đường kính ống là 16-20mm. Ngoài ra, có thể sử dụng ống nhỏ giọt có bù áp để tưới cho dưa leo. Bố trí mỗi hàng 1 đường dây dẫn, mỗi túi ni lông cắm 1 dây tưới nhỏ giọt (số lượng dây tưới tương đương với số lượng túi ni lông).

Chọn giống

Trong điều kiện nhà màng nên sử dụng các giống dưa leo tự thụ như: Khassib, Surya, Tropica,...Ngoài ra, có thể sử dụng giống dưa leo không tự thụ để sản xuất, tuy nhiên cần phải tiến hành thụ phấn cho cây.

Chuẩn bị cây con

Khay ươm gieo hạt: thường làm bằng vật liệu mốp xốp, có kích thước 50x30x5 cm (loại 50 lỗ/khay).

Thành phần giá thể: sử dụng mụn xơ dừa, phân trùn quế (tỷ lệ thành phần dinh dưỡng là 1,5 N - 0,5 P2O5 - 0,5 K2O) và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích).

Xử lý mụn xơ dừa: xử lý bằng nước vôi và nước sạch trước khi trồng (trong thời gian từ 5-7 ngày).

Gieo hạt: cho giá thể vào đầy lỗ mặt khay, tiến hành gieo 1 hạt/lỗ, độ sâu hạt gieo từ 0,5-1cm, sau đó bổ sung thêm một lớp giá thể phủ lên trên bề mặt.

Chăm sóc: khay ươm đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hằng ngày, tưới nước giữ ẩm đảm bảo hạt nảy mầm đồng đều. Sau khi gieo từ 7-10 ngày, cây đạt chiều cao 7-10cm thì tiến hành trồng cây vào bầu.

Chuẩn bị giá thể trồng

Giá thể được sử dụng là hỗn hợp mụn dừa, phân trùn quế và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu (tính theo thể tích). Xử lý giá thể trồng (cũng như  phân trùn quế) tương tự như với giá thể gieo ươm cây con. .

Giá thể sau khi xử lý được cho vào các các túi nilon trồng cây (túi có mặt ngoài màu trắng và mặt trong màu đen, kích thước túi 17x33 cm, được đục lỗ xung quanh túi.

Trồng

- Cây dưa leo được trồng trong túi nilon, trồng 1 cây/túi và trồng theo hàng đôi.

- Khoảng cách giữa 2 cây là 45-50 cm; khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 30-40 cm; khoảng cách giữa 2 hàng đôi là 1,6-1,8 m.

Chế độ dinh dưỡng

- Nước tưới sử dụng nguồn nước sạch, pH tốt nhất từ 5,5-6,5, không nhiễm mặn, phèn, kim loại nặng và vi sinh vật gây hại.

- Dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt. Nồng độ và liều lượng các chất dinh dưỡng được sử dụng như sau:

Bảng 1: Nồng độ dinh dưỡng tưới (ppm: mg/lít) cho dưa leo trồng trong nhà màng

Tên phân bón

Trồng – Ra hoa

(mg/l)

Đậu quả –Thu hoạch

(mg/l)

N

150

200

P

44

50

K

180

300

Ca

120

170

Mg

40

52

Fe

2,8

2,8

Cu

0,1

0,1

Mn

0,6

0,6

Zn

0,4

0,4

B

0,4

0,4

Mo

0,05

0,05

 
Bảng 2: Lượng dinh dưỡng tưới (g/1000 lít nước) cho dưa leo trồng trong nhà màng

Tên phân bón

Trồng – Ra hoa

Hoa –Thu hoạch

KNO3

200

320

KH2PO4

200

230

MgSO4

480

350

Ca(NO3)2

210

950

Mg(NO3)2

230

200

K2SO4

120

280

EDTA-Cu

1

1

EDTA-Zn

2,5

2,5

EDTA-Mn

4,8

4,8

EDTA- Fe

23

23

(NH4)6Mo7O24

0,1

0,1

H3BO3

2,2

2,2

Bảng 3: Chế độ tưới cho dưa leo trồng trong nhà màng

Giai đoạn

Số lần tưới/ngày (lần)

Lượng nước trung bình (lít) /bầu/ngày

Từ trồng đến ra hoa đầu tiên

6-8

0,5-1,5

Từ ra hoa đến cuối vụ

8-10

1,5-2,5

- pH dung dịch tưới: từ 6-6,8 và EC trong dung dịch tưới từ 1,5-2,5 mS/cm.

Chăm sóc

Cố định cây: cố định cây vào dây treo sau khi trồng 7-10 ngày (cây cao khoảng 20-30 cm), một đầu cố định trên khung dây treo của nhà màng, đầu còn cố định vào gốc dưa leo bằng móc nhựa, mỗi cây bố trí 1 dây treo.

Quấn ngọn và tỉa chồi: tiến hành quấn ngọn để cây dưa leo bám theo dây treo. Tiến hành bấm ngọn bên ở vị trí 2 lá trên cành cấp 1.

Khi cây dưa leo bắt đầu thu hoạch thì tiến hành tỉa bỏ các lá già và lá bị sâu bệnh.

Thụ phấn: khi sử dụng các giống dưa leo tự thụ thì không cần thụ phấn. Tuy nhiên nếu sử dụng giống không tự thụ thì tiến hành thụ phấn bằng ong với số lượng 1 tổ/1.000m2.    

Phòng trừ sâu bệnh hại

Dưa leo trồng trên giá thể trong nhà màng thường gặp các loại sâu bệnh chính như sau:

* Bọ phấn trắng: chích hút dinh dưỡng, nước làm gân lá, lá cây bị vàng, cây cằn cỗi, kém phát triển. Ngoài ra chúng còn truyền bệnh virus. Bọ phấn trưởng thành rất nhỏ, có 4 cánh và được phủ lớp phấn sáp màu trắng, hoặc trắng hơi vàng, dài khoảng 1mm.

Phòng trừ: dùng bẫy dính màu vàng để thu hút con trưởng thành. Có thể sử dụng các loại thuốc để phòng trừ: Ascend, Abamectin, Mikmire, Pymetrozin, Vimatrine, tinh dầu tỏi, cam quýt

* Bọ trĩ: thường gây hại nặng trong thời kỳ cây con. Bọ trưởng thành và bọ non chích hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại, khi mật độ cao làm lá vàng, cây chùn đọt, sinh trưởng phát triển kém, ngọn dưa quăn queo, cây còi cọc, hoa rụng, quả ít và nhỏ. Ngoài ra chúng còn truyền bệnh virus cho cây. 

- Phòng trừ: sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế bọ trĩ; sử dụng bẫy dính màu vàng hoặc xanh da trời có thể thu hút bọ trĩ trưởng thành. Có thể sử dụng các loại thuốc để phòng trừ: Mikmire, Radiant, Secure, LK-set up, Abamectin,…

* Ruồi đục lá: là loài ruồi nhỏ, dài 2-3mm, màu đen. Trưởng thành cái dùng gai đẻ trứng vào dưới biểu bì của lá và chích hút nhựa cây tạo thành những vết sần sùi trên lá. Sâu non tạo những đường đục ngoằn ngoèo trên lá, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập. Nếu bị hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, làm giảm năng suất cây trồng.

- Phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng; dùng bẫy dính màu vàng để diệt ruồi trưởng thành. Có thể sử dụng một số loại thuốc sau: Radiant; Matrine; Trigard

* Bệnh lở cổ rễ: gây hại ở phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất. Dần dần phần vỏ này khô teo lại, khi gặp trời mưa hoặc độ ẩm cao sẽ bị thối nhũn, còn lại phần lõi gỗ của cây, cây sẽ héo dần và chết

- Phòng trừ: làm gốc cây thông thoáng. Không tưới quá nhiều nước. Khi bệnh phát sinh phun các thuốc như Validacin 5L, Actinovate, SAT 4SL lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

* Bệnh phấn vàng (giả sương mai): do nấm Pseudoperonospora cubensis gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, nhưng phổ biến nhất là trên lá. Bệnh nặng gây rách các mô tế bào, thậm chí làm lá biến dạng, cây phát triển yếu, toàn lá héo khô và chết. Nguồn bệnh tồn tại trong lá và tàn dư cây bệnh.

- Phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng; hạn chế bón nhiều đạm; sử dụng màng phủ nông nghiệp; kết hợp ngắt bỏ bớt lá già, lá sâu bệnh, dọn sạch cỏ dại trong luống dưa và tỉa bỏ bớt các chồi phía trên để tạo thông thoáng. Có thể dùng một số loại thuốc BVTV để phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện: Actinovate, SAT 4SL, Phytocide, Profiler, Antracol để phun trừ bệnh giả sương mai. Phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

* Bệnh phấn trắng bầu bí: do nấm Sphaerotheca fuliginea phá hại ngay từ thời kỳ cây con hại lá, thân, cành. Lá bệnh chuyển dần từ màu xanh sang vàng, lá khô cháy và rất dễ rụng.

- Phòng trừ: áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác; đặc biệt chú ý thu dọn sạch tàn dư thân lá bệnh, tiêu diệt cỏ dại. Phun thuốc phòng trừ kịp thời ngay sau khi phát hiện bệnh. Dùng thuốc Actinovate, Amistatop hoặc dùng các thuốc gốc lưu huỳnh như cumulus,…Phun lúc chiều mát hoặc sáng sớm.

* Nứt thân chảy nhựa: do nấm Mycosphaerella melonis gây ra, gây hại chủ yếu trên thân, đôi khi trên lá và cuống quả. Bệnh nặng làm thân cây bị nứt thành vệt dài và chảy nhựa nhiều hơn, trên đó có những hạt nhỏ màu đen (các ổ bào tử nấm), cả cây có thể bị khô chết. Bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng. Trên cuống quả, triệu chứng bệnh giống như trên thân, có thể nứt và chảy nhựa, quả nhỏ hoặc bị rụng sớm.

- Phòng trừ: thu dọn tàn dư cây trồng; phun Actinovate, SAT 4SL, Topsin, Revus opti,…Phun vào lúc sang sớm hoặc chiều mát.

Thu hoạch

Dưa leo sau khi trồng 30 ngày thì cho thu hoạch. Thu hoạch hàng ngày để trái đạt kích thước chuẩn. Sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo các dư lượng (kim loại nặng, thuốc BVTV, vi sinh vật) dưới ngưỡng cho phép.

Dưa leo sau khi thu hoạch được loại bỏ trái dị dạng và chuyển ngay vào nơi râm mát để sơ chế, đóng gói. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Quy trình được sản xuất trong nhà màng nên ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên giảm lượng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường. Sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cung cấp phân bón theo hệ thống tưới, cây trồng dễ hấp thu và tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Lợi nhuận đem lại khi trồng dưa leo trên giá thể áp dụng tưới nhỏ giọt trồng trong nhà màng đạt khoảng 15-20 triệu đồng/1.000m2/vụ (tương đương 450-60 triệu đồng/ha/năm). Sản phẩm có giá cả và đầu ra ổn định.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao.

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Điện thoại: (028) 3886 2726, 3537 5910

Email: nghiencuu.ahtp@tphcm.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả