SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng công nghệ plasma để xử lý nước thải xăng dầu

Hệ thống xử lý nước thải xăng dầu ứng dụng công nghệ plasma có thiết kế nhỏ gọn, chi phí vận hành thấp và đảm bảo nước đầu ra đạt chuẩn QCVN 40 – 2011/BTNMT khi xả ra môi trường.

Tình hình xử lý nước thải xăng dầu

Nước thải của các trung tâm bảo trì, sửa chữa xe hơi, cây xăng và công ty cơ khí chủ yếu là từ hoạt động vệ sinh. Các loại nước thải này chứa nhiều chất tẩy rửa, hóa chất, vi khuẩn, vi sinh vật, ni-tơ, phốt pho,...gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Nước thải xăng dầu nếu xả trực tiếp mà chưa qua xử lý sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, và tốn kém tiền bạc trong việc khắc phục hậu quả ô nhiễm. Ngoài những thiệt hại về tài sản, nước thải xăng dầu còn gây ra những ảnh hưởng mang tính chất lâu dài đối với sức khỏe con người nếu hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp với hơi dầu, trong đó, nhẹ thì gây buồn nôn, nhức đầu, các vấn đề về da nặng thì gây ung thư, bệnh phổi, gián đoạn hormone…Bên cạnh đó, xăng, dầu nhớt, bụi bẩn, cát, sơn, đặc biệt là các chế phẩm có chứa HF, NH4HF2 và các chất tẩy rửa, nếu có khả năng phân hủy sinh học, sẽ rất nguy hại cho môi trường. Trong khi đó, các công nghệ xử lý nước thải truyền thống hiện nay khó có thể đáp ứng nhu cầu xử lý của trạm bảo trì, sửa chữa và cây xăng, do hiệu quả xử lý thấp, chi phí vận hành cao và tốn nhiều diện tích.

Vì vậy, việc đầu tư giải pháp xử lý nuớc thải dầu nhớt và xăng, hạn chế ô nhiễm nguồn nuớc, giảm nhân công lao động và chi phí sản xuất là bài toán mà các trung tâm bảo trì, sửa chữa xe hơi, các cây xăng và công ty cơ khí cần cân nhắc trong các chiến lược kinh doanh của cơ sở mình.

Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện

Điều kiện áp dụng

Trang bị để ứng dụng giải pháp bao gồm: bể tập trung, bể điều hòa – lọc dầu, bể chứa chất thải sau khi xử lý, 01 hệ thống lọc dầu và 01 máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, hệ thống không chiếm nhiều diện tích (Ví dụ: hệ thống xử lý của Trung tâm Head Honda có công suất từ 410m3 chỉ chiếm diện tích khoảng 10 m2).

Quy trình thực hiện

Sơ đồ quy trình xử lý nước thải xăng dầu 

Nguyên lý vận hành: tập trung nước thải vào ngăn thứ nhất của bể lắng. Tại đây, dầu mỡ được tách ra khỏi nước để chuẩn bi cho quá trình bơm vào máy. Nước thải được bơm vào máy qua cột lọc thô để loại bỏ rác và xử lý nhờ hệ thống xử lý plasma. Nước sau xử lý được chứa trong bồn và thêm vào chất kết tủa để hỗ trợ quá trình kết tủa, sau đó nước được bơm vào ngăn thứ hai của bể lắng trước khi đưa ra ngoài.

Hệ thống xử lý nuớc thải sẽ đi qua 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Xử lý nuớc thải

Nước thải được thu gom theo hệ thống thu gom nước thải chảy vào khu xử lý tập trung, nước chảy qua lần lượt song chắn rác, bể tách mỡ để vào bể điều hòa. Tại bể điều hoà nước thải được xử lý sơ bộ bằng ozone thổi ra từ cụm máy thổi khí và các đĩa phân phối khí.

Nước từ bể điều hòa sẽ được bơm vào hệ thống xử lý plasma bằng bơm nước thả chìm với lưu lượng cố định. Tại khu vực xử lý plasma, các electron chuyển động với vận tốc rất lớn sẽ va đập vào các phân tử trong vùng không gian giữa hai điện cực và cung cấp cho các phân tử một năng lượng để phá vỡ các liên kết và tạo thành các ion, điện tử, photon, nguyên tử và các gốc tự do. Song song với quá trình phân ly còn có quá trình tái hợp. Trong hàng triệu các phản ứng tái hợp ấy thì sẽ có các phản ứng mà sản phẩm của nó là các gốc oxy hoá rất mạnh như -OH, -O, -H, O3, H2O2, có khả năng phân hủy toàn bộ các hợp chất hữu cơ gây ô nhiễm. Công nghệ plasma sẽ xử lý triệt để và hiệu quả các thành phần ô nhiễm trong nước do các thành phần khó phân hủy đã được chuyển về dạng đơn chất, khiến cho quá trình thu gom chất thải trong nước ở quá trình keo tụ-tạo bông-lắng sau đó diễn ra đơn giản hơn và thời gian thu gom được rút ngắn.

Sau xử lý bằng plasma, nước được gom về bể trung gian sau đó được bơm lên bể keo tụ tạo bông thông qua cụm bơm nước thải thả chìm. Tại đây các hạt keo dính kết các hạt cặn lơ lửng có trong nước, tạo thành các bông cặn lớn hơn và có trọng lượng đáng kể. Quá trình này diễn ra đơn giản hơn so với quá trình keo tụ - tạo bông truyền thống do các thành phần trong nước thải đã được chuyển hóa về dạng đơn chất dễ phản ứng, rút ngắn được thời gian xử lý cũng như giảm kích thước bể phản ứng. Các bông cặn mới tạo thành dễ dàng lắng xuống ở bể lắng và được chuyển sang công đoạn xử lý bùn.

Nước thải tiếp tục tự chảy sang bể tập trung. Tại đây nước thải được khử trùng bằng ozen. Sau khi khử trùng nước thải được bơm qua cột lọc áp lực để xử lý tinh triệt để, các chất rắn không tan và tan đều được giữ lại khi nước đi qua các lớp vật liệu lọc, nước trở nên sạch hơn.

Thiết bị xử lý nuớc thải trong hệ thống.

  • Giai đoạn 2: Xử lý bùn và rác thải

Rác thải được sinh ra từ quá trình xử lý cơ học sẽ được chuyên chở bằng xe trở rác chuyên dụng đến nơi xử lý định kỳ hàng tuần.

Trong quá trình xử lý sẽ có một lượng bùn thải được sinh ra. Nếu nguồn nước đầu vào có hàm lượng chất gây ô nhiễm càng lớn thì lượng bùn sinh ra càng nhiều, và để xử lý triệt để ô nhiễm thì việc xử lý lượng bùn này là rất cần thiết.

Bùn sinh ra từ các quá trình lắng sẽ được gom lại tại bể chứa bùn. Sau đó định kỳ hút và đem xử lý qua máy ép bùn tại chỗ hoặc đăng ký xử lý với các đơn vị xử lý môi trường.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Giải pháp xử lý phù hợp với nhiều điều kiện cụ thể của từng dự án, không gây tác động phụ tới khu vực lân cận. Phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất thủy văn, kiến trúc cảnh quan tổng thể của khu vực.
  • Có khả năng xử lý được đa dạng nguồn gây ô nhiễm. Hiệu quả xử lý cao, chất lượng nước đầu ra ổn định.
  • Đảm bảo tính liên tục. Vận hành, bào trì và bảo dưỡng định kỳ đơn giản.
  • Thiết bị thay thế sẵn có và phổ biến trên thị trường. Không yêu cầu cao về điều kiện lắp đặt và sản xuất.
  • Thân thiện môi trường, hệ thống tự động hoàn toàn nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiệu quả kinh tế

  • Chi phí đầu tư ban đầu 40 triệu/m3. Tuy cao hơn mô hình truyền thống nhưng chi phí vận hành thấp (chỉ tốn tiền điện 1 kW/m3), hiệu quả xử lý cao, không ảnh hưởng đến cở sở hạ tầng.
  • Tính tổng thể về hiệu quả kinh tế mô hình tiết kiệm 30% so với các mô hình khác như: hệ thống xử lý nước tại nguồn công nghệ JOHKASOU của Nhật,  công nghệ Bio-Sac của Hàn Quốc …
  • Chi phí bảo trì không vượt quá 4 triệu/năm

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng và Môi trường CES Plasma

Địa chỉ: 103/2 Đường Tân Trang, phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM

Nguời liên hệ: PGS.TS.Trần Ngọc Đảm

Điện thoại: 0947 760 123

Email: cesplasma@hcmute.edu.vn

Website: cesplasma.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả