SpStinet - vwpChiTiet

 

Tóm tắt 9 kết quả đàm phán quan trọng của TPP


 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership –TPP) mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, vừa được hoàn tất trong năm 2015. Nội dung TPP tác động gần như đến mọi mặt của thương mại, nếu in tất cả các điều khoản ra trên giấy khổ A4 thì sẽ có bộ tài liệu dày tới gần 2 mét. Tạp chí STINFO xin trích một số điểm chính trong kết quả đàm phán thương mại TPP, được chia sẻ tại hội thảo “Tác động của Hiệp định TPP đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực”, ngày 28/12/2015 vừa qua.


Quang cảnh hội thảo “Tác động của Hiệp định TPP đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực”,
ngày 28/12/2015, tại Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, Q.3.


Tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương; ông Vũ Trọng Bình – Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung Ương; ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Tài chính; PGS. TS. Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM đã cùng chia sẻ, phân tích, đánh giá một số điểm lưu ý về tác động của TPP đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và đối với các ngành nghề, các doanh nghiệp nói riêng. Một số kết quả đàm phám quan trọng của TPP được trao đổi trong hội thảo này như sau:


1. Thương mại hàng hóa
 

Về cắt giảm thuế, vào thời điểm TPP có hiệu lực
 

   - Với Hoa Kỳ, khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản và 75% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp (không bao gồm dệt may) của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu.
 

   - Với Canada, khoảng 77% nông sản, 100% thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu ngay.


   - Với Nhật, khoảng 88% kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu.


   - Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng từ các nước TPP đối với 66% dòng thuế ngay khi TPP có hiệu lực và 86,5% dòng thuế sau 3 năm. Các mặt hàng còn lại có lộ trình từ 5 đến 10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, lộ trình trên 10 năm. Ví dụ như ô tô con dưới 3.000cc, thịt gà, sắt thép có lộ trình 10 năm hoặc hơn.

 


2. Dệt may
 

Về cắt giảm thuế
 

   - Ngay khi TPP có hiệu lực, hầu hết dòng thuế hoặc được xóa bỏ thuế hoàn toàn, hoặc giảm 50%. Các dòng thuế còn lại có lộ trình cắt giảm dài hơn.


Về điều kiện


   - Hàng dệt may phải theo quy tắc “từ sợi trở đi”, nghĩa là mọi thành phần vải sợi, phụ liệu đều phải do Việt Nam sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nước TPP khác, không chấp nhận linh kiện, phụ liệu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước ngoài TPP.


   - Cơ chế “1 đổi 1”: tức là nhập 1 mét vải bông của Hoa Kỳ thì được nhập 1 mét vải ở ngoài TPP để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào Hoa Kỳ mà vẫn được ưu đãi thuế.


   - Cho phép danh mục “nguồn cung thiếu hụt”, tức là được nhập một số chủng loại vải từ nước ngoài TPP để làm ra sản phẩm may mặc nhưng vẫn được hưởng ưu đãi thuế.

 


3. Dịch vụ đầu tư
 

   - Mở cửa thị trường tương tự như WTO hoặc một số FTA đã ký. Tuy nhiên mở hơn ở lĩnh vực viễn thông (cho phép thành lập DN 100% vốn nước ngoài ở dịch vụ không gắn hạ tầng mạng sau 5 năm), cho phép thành lập DN 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo, hỗ trợ logistic, bán lẻ sau 5 năm….


   - Chấp nhận cơ chế nhà đầu tư kiện chính phủ.


   - Chấp nhận ràng buộc chính sách hiện hành trong các lĩnh vực như năng lượng, đất đai, nhà ở….

 

 

4. Mua sắm công
 

Về quy tắc
 

   - Chấp nhận sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi.


   - Không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên đối với nhà thầu cũng như hàng hóa và dịch vụ nội địa (Việt Nam bảo lưu chuyển đổi lộ trình chuyển đổi 25 năm đối với quy tắc này).


   - Đồng ý minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu.


Về thị trường


   - Về cơ quan áp dụng: các cơ quan trung ương, trừ Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư lệnh lăng và một số đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.


   - Về phạm vi hàng hóa: tất cả các mặt hàng, trừ một số mặt hàng như xăng, dầu, gạo….. Riêng dược phẩm, trong 3 năm chưa cho đấu thầu mở rộng. Sau đó, bảo lưu một tỷ lệ đấu thầu hàng năm dành riêng cho ngành dược trong nước và bảo đảm quyền chủ động cho các bệnh viện trong việc mua sắm thuốc theo cơ chế hiện hành. Sau 15 năm, giảm dần xuống 50% tổng giá trị đấu thầu hàng năm.


   - Về dịch vụ: chỉ chào một số ngành dịch vụ như xây dựng, máy tính,…


   - Về ngưỡng giá trị (là mức giá trị phải cho phép các nước TPP tham gia đấu thầu): sau 25 năm, Việt Nam mới phải về ngưỡng như các nước TPP áp dụng là 130.000 SDR (khoảng 4 tỷ đồng). Riêng dịch vụ, sau 15 năm về ngưỡng cao hơn các nước TPP là 8 triệu SDR (khoảng 250 tỷ đồng)


(SDR - Special Drawing Rights: Quyền rút vốn đặc biệt, là đơn vị tiền tệ qui ước của một số nước thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế)

 


5. Lao động
 

   - Cam kết xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động.
 

   - Cam kết đảm bảo điều kiện lao động liên quan lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động.
 

   - Cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Tổ chức này có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước và chỉ được hoạt động sau khi được chấp thuận. Sau 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực thì có thể thành lập ở cấp cao hơn. 
 

 

6. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)


   - Các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường.


   - Các DNNN không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư.


   - Minh bạch hóa một số thông tin như tỉ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố.


   - Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nước khác.


Lưu ý:


   - Chỉ áp dụng cam kết với các DNNN đạt ngưỡng doanh thu nhất định. Cụ thể, các DNNN có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỷ đồng (khi TPP có hiệu lực) và dưới 6.500 tỷ đồng (5 năm sau khi TPP có hiệu lực) không phải thực thi phần lớn nghĩa vụ TPP.


   - Không áp dụng với các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng an ninh (riêng một vài doanh thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an khi tham gia kinh doanh thông thường trên thị trường và cạnh tranh với doanh nghiệp của các nước TPP vẫn phải tuân thủ cam kết).


   - Không áp dụng với các doanh nghiệp công ích và các doanh nghiệp thực hiện hoạt động có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế xã hội.


   - Với các doanh nghiệp khác, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng. Nếu cần Nhà nước có thể hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không được gây ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại đầu tư các nước TPP. Đồng ý minh bạch thông tin trừ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp hay liên quan tới quốc phòng an ninh.

 


7. Sở hữu trí tuệ
 

   - Nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và dược phẩm.
 

   - Nâng cao mức độ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm.


   - Nâng cao mức độ và kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.


   - Siết chặt thực thi và bảo về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số.


   - Xử lý hình sự các vi phạm.


Lưu ý:


   - Các yêu cầu này sẽ áp dụng theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển với các nghĩa vụ khó. Ví dụ với dược phẩm, kết thúc lộ trình khi Việt Nam ở trình độ phát triển khá (GDP bình quân khoảng 10.000 USD/năm) mới phải thực hiện.


   - Với các nghĩa vụ còn lại, Việt Nam yêu cầu lộ trình hợp lý để thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam đồng ý sửa một số văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ luật Hình sự để cho phép xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền SHTT, bao gồm một số hình thức mới như câu trộm cáp truyền hình, không xâm phạm ở quy mô thương mại, không thu lợi bất chính nhưng gây thiệt hại lớn cho người sở hữu quyền SHTT.

 


8. Môi trường
 

   - Cam kết bảo vệ môi trường theo các quy định của các điều ước quốc tế đã hoặc sẽ tham gia, có chế tài trong trường hợp vi phạm.


   - Không áp dụng các hình thức trợ cấp nghề cá gây ảnh hưởng tiêu cực đến các loài thủy sản đang bị đánh bắt quá mức nhưng có lộ trình để rà soát lại chính sách và điều chỉnh chính sách, nếu cần (hiện Việt Nam không có các trợ cấp loại này).


   - Theo đúng quy định trong nước, đưa ra hình thức phù hợp để xử lý vi phạm pháp luật về môi trường tại nước ngoài.

 


9. Thương mại điện tử


   - Không phân biệt đối xử sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu đối với sản phẩm số.


   - Tự do truy cập, lưu chuyển thông tin trên internet.


   - Không yêu cầu đặt trang thiết bị tại nước sở tại như là điều kiện để cấp phép đầu tư hay cung cấp dịch vụ.


   - Tuy nhiên trong các trường hợp liên quan tới quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục thì vẫn được áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả vi phạm các nghĩa vụ trên. Ngoài ra, trong thời gian 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, các nước cam kết không khiếu kiện các quy định của pháp luật Việt Nam được ban hành trước khi TPP có hiệu lực.



 

MINH THÔNG, STINFO số 1&2/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả