SpStinet - vwpChiTiet

 

BOCM: cơ hội cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản để đầu tư công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch vụ thông qua BOCM.


 


CDM kết thúc sẽ có BOCM 
 

Trước những bằng chứng khoa học liên tiếp được đưa ra về sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tháng 12/1997 Nghị định thư Kyoto đã được ký kết giữa 155 nước, hướng đến mục tiêu ổn định nồng độ khí nhà kính (GHG) trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa trước những tác động từ con người. Nghị định thư bắt buộc những quốc gia thành viên phải cắt giảm phát thải khí nhà kính của họ xuống 5% so với mức phát thải tại thời điểm năm 1990. Để giúp các nước phát triển đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí đồng thời mang lại sự phát triển bền vững, cơ chế phát triển sạch (CDM - Clean Development Mechanism) đã được đưa ra. Mục tiêu chính của CDM là tạo thuận lợi cho các nước phát triển đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình thông qua các dự án triển khai tại các nước đang phát triển. Sản phẩm của một dự án CDM sẽ là các CER (chứng nhận giảm phát thải khí) và lợi nhuận sẽ thu được từ việc mua bán, trao đổi các CER. Những đơn vị hay quốc gia mua CER để có chứng nhận đảm bảo lượng giảm phát thải khí nhà kính mà họ đã cam kết.


Ví dụ: Công ty A sẽ đầu tư một dự án CDM cho hạng mục tại bãi rác B gồm hệ thống thu khí và xử lý khí. Điều này đồng nghĩa với việc giảm được một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải vào môi trường. Thông qua dự án CDM này đơn vị thực hiện dự án sẽ có trong tay một chứng nhận về khả năng giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tương đương 4 triệu CER (hay 4 triệu tấn CO2 quy đổi). Chứng chỉ này sẽ bán lại cho những đơn vị hay quốc gia có nhu cầu với nguyên tắc thuận mua vừa bán. Giá bán 1 CER (tương đương 1 tấn CO2 quy đổi) từ 3 - 14 USD. Do đó Công ty A sẽ thu được ít nhất 12 triệu USD từ việc mua bán CER của dự án này.


CDM giúp các doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể nhận được sự hỗ trợ của các nước phát triển về vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, nhân lực. Đến năm 2011, tại Việt Nam mới có 5 dự án CDM đã được phê duyệt. Khi Nghị định thư Kyoto dự kiến kết thúc trong năm 2012, cơ chế phát triển sạch CDM có khả năng cũng sẽ hết hiệu lực theo. Và nay, cơ chế BOCM - cơ chế bù đắp tín dụng song phương có thể xem như thay thế CDM, được Nhật Bản bắt đầu triển khai thí điểm tại nhiều nước trong đó có Việt Nam, nhằm giúp cho Nhật Bản có thể đảm bảo được cam kết giảm phát thải khí đã tuyên bố trước đây.



BOCM sẽ mang lại lợi ích gì?
 

BOCM là cơ chế Chính phủ Nhật Bản đề xuất nhằm thay thế CDM trước đây. Trong BOCM, Nhật Bản sẽ hợp tác với quốc gia đang phát triển, hỗ trợ tài chính để phát triển các công nghệ có mức thải carbon thấp. Nhờ các công nghệ này mà quốc gia cùng tham gia sẽ loại bỏ hay giảm bớt lượng khí nhà kính và mức giảm bớt này sẽ được tính ngược lại cho Nhật Bản.
Các nguyên tắc của cơ chế BOCM:
 

- Góp phần giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu;
 

- Thúc đẩy giảm phát thải một cách thực sự (không có sự bắt buộc hay trừng phạt khi không thể thực hiện);
 

- Thúc đẩy đổi mới công nghệ (tập trung vào hiệu quả của công nghệ);
 

- Có hiệu quả trong dài hạn;
 

- Tương thích với sự phát triển tự nhiên và bền vững của nền kinh tế.
 

Để bắt đầu một chương trình BOCM, chính phủ quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển cần thỏa thuận xác định các lĩnh vực áp dụng, người thực hiện, các dự án triển khai, công nghệ sẽ được sử dụng, làm thế nào để chia sẻ các khoản tín dụng… và cả cách đo lường, báo cáo và giám sát các dự án này. 

 

So với CDM, BOCM có nhiều lợi thế:
 

- BOCM cho phép áp dụng nhiều loại công nghệ giúp giảm mức khí thải nhà kính tùy thuộc vào thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia.
 

- BOCM có khả năng theo dõi các phương pháp tính toán và có cơ chế kiểm toán tương tự như CDM.
 

- Các quốc gia xuất khẩu vốn có thể chọn những công nghệ mục tiêu cho các khoản tín dụng, BOCM có thể được sử dụng như một công cụ cho chính sách công nghiệp trong nước xuất khẩu vốn.
 

- BOCM cũng nhanh hơn CDM rất nhiều do chỉ cần hai bên thống nhất danh mục, phương pháp luận để ra một sản phẩm cụ thể nào đó và từ đó quy đổi ra bao nhiêu tiền.
 

- BOCM có cơ chế làm việc linh hoạt. 

 

Một số công nghệ được sự hỗ trợ tài chính từ BOCM:
 

- Công nghệ tái chế chất thải,
 

- Dự án xây dựng năng lực cho các chính phủ và tổ chức tại các nước đang phát triển học tập theo phương pháp luận và cách phân tích các yếu tố cho hiệu quả năng lượng tốt hơn theo ISO 14404;
 

- Các phương pháp quản lý quá trình như kỹ thuật bảo tồn năng lượng…;
 

- Công nghệ năng lượng tái tạo như năng lượng biogas, năng lượng thay thế, chất phân hủy CFC….;
 

- Công nghệ tái sử dụng nhiệt năng bị lãng phí trong quá trình sản xuất như CDQ (làm nguội khô than cốc nóng với khí trơ và thu hồi khí có nhiệt độ cao này để tạo ra điện), CMC (khống chế độ ẩm của than), TRT (thu hồi áp lực tại đầu turbin và sử dụng áp lực này để tạo ra điện)…;
 

- Công nghệ chế tạo điện năng như công nghệ nhà máy nhiệt điện chạy từ than, công nghệ A-USC (nâng cao hiệu năng), nhà máy điện sử dụng chu trình hỗn hợp LNG, công nghệ truyền dẫn năng lượng hiệu quả cao…;
 

- Các thiết bị công nghệ có hiệu năng cao như công nghệ inverter tiết kiệm điện, công nghệ tận dụng năng lượng nhiệt thừa của turbin…,
 

- Một số sản phẩm gia dụng có hiệu quả sử dụng năng lượng cao như các thiết bị sử dụng công nghệ inverter như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh…hệ thống đèn LED, bảng hiệu bằng đèn LED…, công nghệ cách nhiệt cho tủ lạnh, nồi cơm điện…, hệ thống bơm nhiệt sử dụng trong máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống nước….

 

BOCM tại Việt Nam
 

Tại cuộc họp vào ngày 31/10/2010, Thủ tướng của Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý để bắt đầu tham khảo ý kiến về việc thành lập một chương trình về BOCM và các sáng kiến khác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Theo ông Shigenori Hara - Giám đốc Văn phòng Công nghệ và Đối tác môi trường toàn cầu - Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản (METI) cho biết: “Chúng tôi chọn Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên để thực hiện BOCM vì lý do, thứ nhất Việt Nam là một quốc gia rất có tiềm năng về tiết kiện năng lượng. Thứ hai là Nhật Bản có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam. BOCM là một khoản tín dụng bù đắp song phương với tiêu chí hai bên đều có lợi. Nó hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có thể có cơ chế tín dụng, còn doanh nghiệp Nhật Bản có thể đạt được những mục tiêu kinh doanh của mình”.
 

Tại Việt Nam, cơ chế BOCM sẽ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp Nhật Bản sẽ cho doanh nghiệp Việt Nam vay tiền để thực hiện các hoạt động giảm phát khí nhà kính như tiết kiệm năng lượng, ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Không có một điều kiện nào khi doanh nghiệp tham gia vào cơ chế này, mà điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tìm được đối tác.


Máy điều hòa inverter tiêu thụ điện năng ít hơn nhiều
so với máy điều hòa thông thường.

 

Từ năm 2010, Tập đoàn Mitshubishi đã thực hiện một nghiên cứu khả thi tại Việt Nam để đánh giá khả năng và triển vọng của cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng thông qua việc sử dụng máy điều hòa không khí hiệu suất cao (inverter). Năm 2011, có nhiều dự án BOCM đã được khảo sát tại Việt Nam. Theo Milbank thì Nhật Bản đang đàm phán với Việt Nam về chương trình hỗ trợ tài chính hai lò phản ứng hạt nhân trong nước. 

 

Tại Tp. HCM, theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Tp. HCM, thì tiềm năng của BOCM là tương đối tốt, có thể khai thác được. Ông cho biết Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp. HCM sẽ đồng hành với các doanh nghiệp để tận dụng cơ hội này.

 

Hoàng Mi, STINFO Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả