SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghĩa tình trọn vẹn


Sau màn chào hỏi, anh Mai mở đầu ngay rằng:
- Cảm ơn các bạn ghé qua, tuy nhiên có lẽ để tìm hiểu về KCNC hôm nay và cả ngày mai thì người thích hợp bây giờ không phải là tôi, người đang chuẩn bị rửa tay gác kiếm. Các bạn nên gặp các anh chị sẽ đảm đương sự nghiệp khó khăn này trong những năm tới, có gì cần tôi xin chỉ góp chuyện, để tôi giới thiệu các bạn với các anh / chị ấy.
Giám đốc Trung Tâm Thông Tin KH&CN, trưởng nhóm chúng tôi, người đã có dịp đi công tác ở Mỹ trong đoàn có anh Mai, nói:
- Chúng em đến thăm anh chính vì biết anh đang sắp được ... sung sướng, còn KCNC thì anh cho chúng em diễu qua chút thôi, khi khác sẽ nhờ anh giới thiệu để được làm việc kỹ với các anh chị trong Bam Quản Lý.
- Thế thì được. Anh Mai vui vẻ đáp lại.
Xe chúng tôi đi chầm chậm dọc tuyến đường xương sống KCNC. Anh Mai chỉ những khu nhà máy Nidec đang sản xuất, khu nhà máy Intel đang khẩn trương xây dựng, khu nhà máy của Jabil (do tập đoàn Jabil Circuit Mỹ đầu tư) cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho HP, Nokia, IBM, ..., khu sản xuất của PULSE VIETNAM, một dự án đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao của Đan Mạch và nhiều dự án khác, trong đó có nhiều dự án của anh chị em Việt Kiều và cả những nhà đầu tư công nghệ cao trong nước đang mọc lên.
- Anh Mai chắc không biết rằng 15 năm trước, em đã qua lại khu này nhiều lần, trưởng đoàn chúng tôi nói, khi đó em còn là một cán bộ trong Trung Tâm Thông Tin KH&CN, Trung Tâm được giao nhiệm vụ tổ chức một văn phòng giúp việc cho dự án KCNC TP HCM do anh Phạm Chánh Trực chủ trì và em được giao nhiệm vụ triển khai công việc này.
- Thật tình tôi không biết, anh Mai ngạc nhiên, thế thì các bạn là những người tiên phong rồi, những người thân bị ... “mất liên lạc” sau 15 năm mới trở về quê cũ!
- Hôm nay trở lại, em thấy thật xúc động vì 15 năm trước khu vực này chủ yếu là các bãi lầy. Hôm nay đã thấy rõ nét ... “thanh xuân” của KCNC. Tất nhiên, nếu được ước ao thì em ước KCNC của các anh có tốc độ như khu Phú Mỹ Hưng, một đô thị hiện đại cũng được khởi động vào cùng thời điểm KCNC này vào năm 1992 – 1993, dù biết rằng so sánh thế cũng hơi khập khiễng! Một đằng là kinh doanh dân dụng, một đằng là khoa học – công nghệ mà lại là công nghệ cao (CNC).
Bất chợt trưởng đoàn chúng tôi hỏi anh Mai:
- Sao anh có tiếng Anh “siêu” thế? Và người ta nói anh cũng là... tay Golf có hạng, thú chơi quý tộc phải không anh?
- Tiếng Anh thì cũng tàm tạm thôi, còn tay Golf thì ... có khá hơn chút! Rồi anh Mai kể tiếp, tiếng Anh thì là tích cóp được từ thời đi học phổ thông và vài năm đại học dang dở trước khi vào chiến khu. Học ngày ấy quả là ra học nên giờ có được kỹ năng cần thiết, sau đó tôi có thời gian làm đầu tư, rồi làm thương mại và mấy năm nay làm CNC, những việc thường phải gặp gỡ các đối tác nước ngoài. Còn Golf thì... cũng chỉ cỡ 10% quý tộc đánh Golf và 10% người đánh Golf không phải là quý tộc, trong số 10 sau có tôi!
Anh Mai dẫn chúng tôi đi xem những phòng thí nghiệm nano, bán dẫn, điện tử & cơ khí chính xác rồi mấy anh em ngồi trò chuyện.
Tôi hỏi anh Mai:
- Sau những năm làm việc ở KCNC và sắp rời nó, anh còn gì trăn trở nhất, thưa anh?
- Theo tôi, KCNC đúng nghĩa thì ta còn đang tiếp cận dần. Chúng tôi mới chỉ đặt được một số yếu tố ban đầu cho sự hình thành KCNC đúng nghĩa ở nước ta. Chúng ta đang hình thành khu sản xuất với CNC mà một số quốc gia đi qua giai đoạn này gọi là các khu công nghiệp CNC. Với các nước tiên tiến về KH&CN thì họ có thể tạo lập ngay những KCNC không nhất thiết qua giai đoạn xây dựng các khu công nghiệp CNC. Tiến trình con gà quả trứng ở nước ta và các nước chưa có nền KH&CN phát triển là: các đơn vị sản xuất sử dụng CNC một khi được tích tụ với số lượng đủ lớn, ngành nghề khá đa dạng, làm ăn tương đối phát triển thì sẽ làm phát sinh các nhu cầu R&D của họ nhằm giữ vững và gia tăng năng lực cạnh tranh của những sản phẩm của họ. Nếu chúng ta có các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị (thường là các dự án đầu tư khá dài hơi nhằm chuẩn bị lực lượng) thì ta sẽ nắm bắt được các nhu cầu tự nhiên này của các nhà sản xuất công nghiệp CNC. Từ đây sẽ phát sinh việc sản ra những CNC, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp CNC đã và đang sản xuất – kinh doanh. Còn tiến trình này ở các quốc gia có nền KH&CN phát triển thì ngược lại. Các KCNC của họ tạo ra các CNC. Các CNC này khi thương mại hóa sẽ tạo ra (qua nhiều giai đoạn) những đơn vị công nghiệp sản xuất với CNC như chúng ta đang có ở KCNC hiện nay. Trăn trở và cũng là ước mong trước hết của tôi là làm sao chúng ta thu hút được nhiều nhà sản xuất công nghiệp với CNC như Intel, Nidec, Jabil,... mà tôi vừa chỉ cho các bạn và rồi quan trọng hơn nữa là tổ chức được 2 chiều lan tỏa. Một là sự lan tỏa của những ngành công nghiệp phụ trợ cho các nhà sản xuất công nghiệp CNC mà phải nói giá trị kinh tế, giá trị KH&CN của các ngành công nghiệp phụ trợ này là rất lớn. Nếu không tổ chức tốt việc này thì dù công nghiệp CNC vào với ta cũng chỉ tạo ra giá trị gia tăng rất thấp. Nhánh lan tỏa thứ 2 chính là sự lan tỏa cũng xuất phát từ yêu cầu sản xuất, cạnh tranh của các nhà sản xuất công nghiệp CNC như tôi nói trên kia. Chúng ta mà không bắt được những hoạt động R&D của chính các nhà sản xuất công nghiệp CNC đang hoạt động trong và cả ngoài KCNC thì cái mà chúng ta kỳ vọng là thực sự sẽ có sức tạo ra các CNC của chính mình rồi đưa chúng vào sản xuất công nghiệp sẽ rất khó trở thành hiện thực.
Anh Mai cho chúng tôi biết hạ tầng của KCNC vẫn còn nhiều bề bộn, ngay cả hạ tầng Viễn Thông – Internet, cái mà lẽ ra ở đây phải cực tốt thì cũng chưa ổn.... Và dù anh cùng với những người đi trước đã nỗ lực nhiều, nhưng thật là làm chưa được bao nhiêu để trải ra con đường mà chúng ta sẽ đi tới một KCNC đúng nghĩa trong những năm tới.
Trên báo chí giữa năm nay rộ lên những thông tin về một số vấn đề xảy ra tại KCNC, đặc biệt là với dự án Chip Sáng. Chúng tôi không hỏi gì anh Mai về chuyện này vì nghĩ rằng chuyện sai đúng đã được xem xét, các thiếu sót đã được khắc phục. STINFO hy vọng sẽ có dịp tìm hiểu sâu về doanh nghiệp Chip Sáng. Theo những thông tin đã được công bố về những dự án nghiên cứu – sản xuất – kinh doanh thì nếu Chip Sáng thực hiện được những gì đã đề ra, nếu quả làm được vậy thì Chip Sáng và những công ty khác trong lĩnh vực CNC đáng được giành những khu đất không phải trả tiền và nhiều ưu đãi khác của nhà nước như Trung Quốc đã làm để triển khai những hoạt động nghiên cứu – sản xuất – kinh doanh của họ.
Chia tay anh Mai, chúng tôi mong và tin là tới đây anh sẽ có nhiều thời gian chơi Golf hơn để giữ gìn sức khỏe (chứ không phải để bàn về các dự án đầu tư!), hẹn anh và mong anh giúp STINFO có dịp tìm hiểu kỹ về các dự án trong KCNC, chia vui với những thành công và góp phần chuyển những ước vọng, trăn trở của từng dự án đến với các cấp lãnh đạo và đến với xã hội.
Minh Nguyệt

Các tin khác: