SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng KH&CN để nâng cao giá trị nông sản

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong những xu hướng tất yếu hiện nay.

Nhiều tiềm năng nhưng không ít thách thức

Theo TS. Nguyễn Hải An (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM), thành công từ các nước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) như Hoa Kỳ, Israel, Hà Lan… cho thấy, lợi thế từ khoa học, công nghệ và tài chính được phát huy triệt để. Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được xem là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, công nghệ tiết kiệm đất…; quản lý và tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, khoảng 5 năm gần đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta. Phát triển NNCNC đã được Nhà nước quan tâm thể hiện qua các chủ trương chính sách lớn như Đề án phát triển NNCNC đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thuộc Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, độ đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp; khả năng liên kết của nông dân còn hạn chế… Mặt khác, môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến điều kiện sản xuất, năng suất và chất lượng cây trồng, trong khi nhu cầu thiết yếu của con người về các sản phẩm xanh, sạch ngày càng cao. Vì vậy, việc áp dụng NNCNC là một xu hướng tất yếu. Thị trường đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

Kết nối chuyển giao công nghệ phục vụ nông nghiệp

Bên cạnh các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước thì các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay là hết sức cần thiết. Nông dân rất cần kỹ thuật cao, các nhà khoa học, doanh nghiệp lĩnh vực này cần nắm bắt được những đòi hỏi của thực tế sản xuất và nhu cầu của xã hội để có những định hướng nghiên cứu phù hợp. Muốn vậy, cần có những hoạt động kết nối nhà khoa học và nông dân, hoặc những mô hình chuyển giao công nghệ mới, cung cấp thông tin cho nông dân…

Gần đây, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) – Sở KH&CN TP.HCM liên tục tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, đáp ứng nhu cầu này. Bên cạnh Sàn giao dịch công nghệ được tổ chức thường xuyên tại 79 Trương Định, Q.1, CESTI đã tổ chức thành công các kỳ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch với các hoạt động trình diễn công nghệ, tư vấn, trưng bày giới thiệu, xúc tiến thương mại… nhằm kết nối nhà khoa học và nông dân, giúp nông dân dễ dàng tiếp thu và tin tưởng ứng dụng các tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng trong sản xuất.
 
Nhà màng ứng dụng trong dự án nuôi tôm tại Bạc Liêu.

Sắp tới, 15-16/10 tại TP. Cần Thơ, Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch (Techmart Cần Thơ 2014) sẽ được tổ chức với hơn 60 công nghệ và thiết bị chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch được trưng bày giới thiệu tại 30 gian hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu của bà con nông dân và doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, có những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực NNCNC nhờ nắm bắt được xu hướng hiện nay đã kiên trì tham gia các kỳ Techmart như một kênh tiếp cận thị trường hiệu quả. Đơn cử như Công ty TNHH Nhà Nguyễn mang đến Techmart Cần Thơ những sản phẩm đáp ứng nhu cầu NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt và nuôi tôm.

Ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa (Giám đốc Công ty Nhà Nguyễn) cho biết, Nhà Nguyễn được biết đến là một công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản CNC. Các dịch vụ chính của Nhà Nguyễn gồm tư vấn thiết kế, sản xuất và lắp đặt các dự án chìa khóa trao tay CNC cho ngành nuôi trồng thủy sản (nhà màng nuôi tôm giống, nuôi tôm siêu thâm canh); nhà màng cho nông nghiệp thâm canh (nhà kính nông nghiệp: nhà kính trồng hoa, trồng rau sạch, nhà lưới, nhà màng); các trang trại chăn nuôi; giải pháp lưu trữ nước với dung tích lớn và hệ thống tưới, hệ thống điều khiển tưới…
 
Nhà màng NNCNC được ứng dụng tại Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng.

Nhận thức được thế mạnh của mình cũng như những thuận lợi từ những chính sách khuyến khích đầu tư và hỗ trợ trong lĩnh vực NNCNC của Nhà nước, Nhà Nguyễn không ngừng nghiên cứu, mở rộng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường với sản phẩm chất lượng cao trong lĩnh vực nhà màng NNCNC. Bên cạnh đó, Công ty có đội ngũ nhân sự luôn tìm tòi, đam mê nghiên cứu sáng tạo vì mục tiêu chung mà Nhà Nguyễn đã xác định: “Nâng tầm nông nghiệp Việt”. Vì vậy, công ty luôn tự tin tiếp cận các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng, đặc biệt hướng đến những dòng sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
 
Nhà màng NNCNC của Nhà Nguyễn được xuất khẩu sang Singapore.

Đến nay, Nhà Nguyễn đã có trong tay hơn 30 dự án nông nghiệp trên khắp các tỉnh thành, đáp ứng các điều kiện địa lý khác nhau cho các loại cây trồng. Đặc biệt với quy trình nuôi tôm siêu thâm canh, Nhà Nguyễn đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn và quy trình 3 giai đoạn, giúp giảm tối đa rủi ro thiệt hại và nâng cao chất lượng cũng như năng suất nuôi tôm. Quy trình này đã được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế tại Cần Giờ, Tiền Giang và hiện tại Nhà Nguyễn tiếp tục lắp đặt chuyển giao tại các dự án thủy sản ở Bạc Liêu, Bình Thuận, Kiên Giang, Bến Tre…

Về các sản phẩm nhà màng nông nghiệp, Nhà Nguyễn không chỉ chuyển giao ứng dụng ở nhiều nơi trong nước (như nhà màng trồng dưa lưới ở Đồng Nai, Vũng Tàu; nhà màng trồng cây giống ở Bình Dương, Củ Chi, An Giang; nhà màng trồng rau và hoa xứ lạnh ở Đà Lạt, Long An, Đắk Nông, Đồng Nai…) mà còn đáp ứng thị trường xuất khẩu. Dự án trồng rau gia vị xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ với việc ứng dụng nhà màng nông nghiệp Nhà Nguyễn là một hướng đi rất khả quan, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu dành cho rau xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là yêu cầu của thị trường châu Âu khó tính, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nông nghiệp Việt Nam, Nhà Nguyễn cũng đứng trước không ít những khó khăn thách thức. Ông Khoa chia sẻ, NNCNC là lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên chưa nội địa hóa được toàn bộ các vật liệu, một số phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng trên thế giới vì thế giá thành sản phẩm còn khá cao chưa áp dụng đại trà cho bà con nông dân. Mặt khác, tư duy nông nghiệp tại Việt Nam còn lạc hậu, đa số hoạt động theo phong cách truyền thống, tự phát nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi sản xuất nông nghiệp, nên chưa đủ điều kiện áp dụng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất.

Vì vậy, thời gian tới, Nhà Nguyễn sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước; đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị nông nghiệp trong và ngoài nước, các trường đại học xây dựng chương trình chuyển giao NNCNC tới các đơn vị cá nhân có nhu cầu; hoàn chỉnh quy trình chuyển giao NNCNC, hoàn thiện sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành; phát triển bộ phận R&D, nghiên cứu sản phẩm trước khi đưa sản phẩm mới ra thị trường; phát triển hoàn thiện sản phẩm, quy trình lắp dựng và trình độ chuyên môn của nhân sự để đáp ứng dược nhu cầu của thị trường ngoài nước; xuất khẩu giải pháp và công nghệ tới các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Gắn với nhu cầu chế biến nông - thủy sản

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị chuỗi nông sản đang là xu hướng tất yếu. Đáp ứng nhu cầu này, Techmart Cần Thơ 2014 cũng quy tụ những doanh nghiệp cung cấp các giải pháp trọn gói phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông – thủy sản tại ĐBSCL. Có thể kể đến Công ty Kỹ nghệ lạnh Á Châu (ARICO) trong lĩnh vực công nghệ lạnh công nghiệp. Các sản phẩm của ARICO thuộc nhiều nhóm thiết bị như: thiết bị cấp đông nhanh (IQF siêu tốc lưới, IQF siêu tốc tấm phẳng, IQF Tempura, IQF tầng sôi, IQF Spiral, …), panel cách nhiệt polyurethane, máy đá vẩy, thiết bị hấp, hệ thống thiết bị lạnh trung tâm, hệ thống điện động lực và điều khiển, hệ thống tự động hóa và giám sát nhà máy (FMS – SCADA), hệ thống băng chuyền và thiết bị chế biến…

Với lợi thế về mặt bằng nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại, bề dày kinh nghiệm và áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến nhất hiện nay, ARICO đã chế tạo và cung cấp cho khách hàng các sản phẩm và thiết bị cấp đông chất lượng cao dùng trong các nhà máy chế biến thủy hải sản, các nhà máy chế biến thực phẩm, nhà máy chế biến rau quả,…

Ông Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc kinh doanh của ARICO cho biết, ưu điểm nổi bật của tất cả sản phẩm của ARICO là chất lượng vượt trội, ứng dụng công nghệ hiện đại, thiết kế tối ưu, kiểu dáng công nghiệp và thẩm mỹ, tiết kiệm điện năng, thuận tiện trong vận hành và dễ dàng bảo trì bảo dưỡng, đem lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng sử dụng. Tất cả các khâu thiết kế, chế tạo, kiểm trả xuất xưởng các thiết bị của ARICO đều được thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh trong công nghiệp chế biến thực phẩm như HACCP, FDA.

Sản phẩm ARICO không chỉ thay thế các sản phẩm nhập ngoại từ Nhật, Mỹ, châu Âu, mà còn có khả năng xuất khẩu sang các nước phát triển. ARICO đã xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị cấp đông cho khách hàng ở Ấn Độ, Indonexia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Nga…

Như vậy, với công nghệ và thiết bị phong phú, bám sát nhu cầu thực tiễn của ĐBSCL, có thể thấy Techmart Cần Thơ lần này nối dài thêm những hoạt động kết nối cung cầu, kết nối nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông; qua đó xác định hướng đi đúng đắn là chuyển giao ứng dụng và phát huy lợi thế KH&CN để mang lại giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm. Đây là hướng đi tất yếu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả